Bài viết số 1 - Văn lớp 7

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Huy Phan Đình

cảm nghĩ về một loài hoa mà em yêu thích

mau nha mai phải nộp rùi

Hải Đăng
15 tháng 10 2017 lúc 10:56

Trong đầm gì đẹp hằng sen,

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Đúng như lời bài ca dao, tuy mọc lên từ bùn đen, tanh hồi, nhơ nhuốc, hoa sen vẫn toát lên vẻ thanh cao, đẹp đẽ, bình dị vô cùng. Chính bởi vậy mà sen là loài hoa mà tôi yêu thích.

Hằng năm, cứ tới dịp hè là gia đình tôi lại tổ chức về quê thăm đầm sen bà tôi trồng. Bà cháu tôi yêu hoa sen lắm! Vừa vào tới cổng, hương sen thơm bay thoang thoảng cả khu vườn đã tạo ngay cho tôi một cảm giác sảng khoái, dễ chịu. Mùa này hoa sen đang nở rộ, đi đâu cũng có thể cảm nhận thấy hương hoa. Sen không có hương thơm quyến rũ của hoa hồng, nồng nàn của hoa sữa, nhưng bù lại, sen lại có được một hương thơm ngan ngát, dìu dịu, đầy vẻ thanh cao mà ít loài hoa khác có.

Sáng sớm thức dậy, tôi ra đầm ngắm hoa cho khoan khoái. “Ôi thật là đẹp” - tôi thốt lên. Tất cả những bông sen trên đầm đã nở bung ra từ bao giờ. Thân cây thon dài, được bảo vệ bởi một lớp gai nhỏ. Hoa sen có nhiều cánh, ép sát vào nhau, phơn phớt một màu hồng tươi như má người thiếu nữ tuổi đương thì. Lá sen hình tròn rộng, mặt dưới có nhiều nếp gấp đều đặn, màu xanh sẫm, vươn ra sát mặt nước. Thi thoảng lại có mấy chú ếch con nhảy lên mặt lá trông thật tức cười.

Hoa sen có một vẻ đẹp thật thanh cao, bình dị. Tuy suốt đời mọc dưới bùn đen, nhưng cây sen vẫn cứ vươn cao như luôn muốn hướng về những điều tốt đẹp nhất với một sức sống mãnh liệt. Có lần theo mẹ lên chùa Một Cột, tôi thấy tượng Phật Bà Nghìn Mắt Nghìn Tay ngự trên toà sen; lại được nghe mẹ giải thích hình dáng của chùa tựa bông sen nghìn cánh nở trên mặt nước, khiến tôi càng cảm phục loài hoa cao quý này. Tôi đặc biệt ấn tượng về đài sen bên trong chứa biết bao nhiêu hạt gạo trắng muốt. Những hạt gạo đó tượng trưng cho sự sinh nôi, nảy nở, sự phồn thịnh, vững bền. Tôi càng hiểu rõ không phải ngẫu nhiên mà loài hoa sen được chọn làm biểu tượng cao quý về sự Chân - Thiện - Mỹ của con người.

Như lúc còn bé, khi được về quê, tôi thường được cùng bà chèo thuyền ra đầm ngắm sen. Trông những cây sen giống như những ngọn đuốc hồng thần kì của tạo hoá. Chiếc thuyền nan tròng trành đưa tôi ra đầm. Tôi theo bà đi đổ chè vào từng bông sen và buộc chúng lại để ướp cho thơm. Ra tới giữa đầm, tôi bắt chước bà làm theo thì chẳng may bị ngã, quần áo tôi ướt sũng. May mà đầm cũng không quá sâu nên tôi đã dễ dàng trèo lại được lên thuyền, nhưng sau đó thì bị ốm. Sáng hôm sau, bà gọi tôi dậy và cho tôi ăn bát chè sen để giải cảm. Lạ thay, tôi thấy người dễ chịu hẳn rồi dần khỏi ốm. Tôi vô cùng biết ơn bà và cũng thầm cảm ơn những bông sen đã giúp tôi khỏi bệnh.

Dù ngã xuống đầm sen, nhưng tôi vẫn không hề sợ. Sáng sớm, tôi vẫn theo bà đi hái sen. Bà khéo tách từng bông sen để lấy chè mới ướp chiều qua và pha nước chè mời mọi người cùng uống. Tôi cũng được thưởng thức một chén chè sen và cảm nhận được hương thơm thanh khiết thấm quá đầu lưỡi, thấm vào cổ, vào ruột gan mình. Ôi, tôi sẽ chẳng thể nào quên được hương vị chè sen quê nhà!

“Sen tàn cúc lại nở hoa”. Vâng, cho dù sen có tàn, cho dù mùa hạ rồi cũng qua đi nhưng sen ơi, tôi biết bạn không hề phai tàn mà vẫn đang ẩn trong lớp bùn đen để rồi lại vươn lên, vươn lên dâng hương ngát cho dời. Hẹn gặp lại bạn vào mùa hè năm sau nhé!

Chúc bạn học tốt!

Nguyễn Diệu
26 tháng 10 2017 lúc 14:14

Phượng không thơm, phượng chưa hẳn là đẹp, nhưng phượng đỏ và phượng nhiều, phượng có một linh hồn sắc sảo mênh mang

Phượng không phải là một đóa, không phải là vài cành, phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực. Mỗi hoa chỉ là một phần tử của cái xã hội thắm tươi; người ta quên đóa hoa, chỉ nghĩ đến cây, đến hàng, đến những tán lớn xòe ra, trên đậu khít nhau bằng muôn ngàn con bướm thắm. Màu hoa phượng chói lói tựa như sắc máu người. Ấy là lời kêu kì bí của mùa hè; trong nắng chói chang, mùa hè thét lên những tiếng lửa.

Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh. Vừa buồn mà lại vui, mới thực là nỗi niềm bông phượng. Mỗi lần gió hẩy tới, từng đợt sóng rào rào trên biển hoa…

Người ta hay trồng phượng ngoài thành và trong thành; và người ta hay trồng phượng trong các sân trường. Vì sao? Nhưng dù trồng ở đâu, cũng chỉ có bọn học sinh yêu và hiểu hoa phượng nhất. Hoa phượng là hoa học trò. Còn ai quen với phượng cho bằng bọn cắp sách đến trường ngày hai buổi! Còn ai có linh hồn tươi thắm để quen hoài với phượng thắm tươi?

Mùa xuân, phượng ra lá: Lá xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non. Lá ban đầu xếp lại, còn e; dần dần xòe ra cho gió đưa đẩy. Lòng cậu học trò phơi phới làm sao! Cậu chăm lo học hành, rồi lâu cũng vô tâm quên màu lá phượng. Một hôm, bỗng đâu trên những cành cây báo ra một tin thắm: mùa hoa phượng bắt đầu. Đến giờ chơi, học trò ngạc nhiên nhìn trông: hoa nở lúc nào mà bất ngờ dữ vậy!

phat-bieu-cam-nghi-ve-mot-loai-hoa-ma-em-thich

Bình minh của hoa phượng là một màu đỏ còn non, nếu có mưa, lại càng tươi rịu. Ngày xuân dần đến, số hoa tăng, màu cũng đầm dần. Rồi hòa nhịp với mặt trời chói lọi, màu phượng mạnh mẽ kêu vang; hè đến rồi! Khắp thành phố bỗng rực lên, như đến tết nhà nhà đều dán câu đối đỏ.

Thi cử cho các anh sắp ra trường, lười biếng của các em còn ở nhiều năm. Sự học một bên căng, một bên chùng, đều ghi dấu hoa phượng. Các em ngồi trong lớp làm bài, tay không muốn chạy nhanh, Vì gần nghỉ, nên các em nghỉ ngay lúc còn chưa nghỉ. Phượng đỏ thế kia mà! Khắp các cành đều có hoa; hoa nở, hoa rơi, hoa bay, đến cả ngoài vườn xa không có cây mà cũng có hoa phượng.

Các chàng trẻ vui tay nhặt cánh phượng trên cỏ xanh, lẩn thẩn như bùi ngùi. Có người bỏ vào sách ép. Có người bỏ cả vào thư gửi đi. Hoa phượng tươi, tươi nhưng mà tưới quá quắt; hoa phượng đẹp nhưng mà đẹp não nùng. Ai xui hoa phượng nhiều vậy? Ai dạy cho hoa phượng cái màu xa xăm? Phượng vui, cái vui tươi như làm cho thái quá để che giấu cái sầu uất.

Cái sầu nghỉ hè, vâng, nhất là đối với những chàng sắp ra trường, mà trường khi ra, phải trải qua một cuộc thi. Những chàng ấy chăm ngay từ đầu năm; đến lúc hoa phượng đậm mầu, lại càng gấp gáp. Vài chàng bấy lâu biếng nhác, nay cũng bị màu hoa phượng đẩy cho ở sau lưng. Phượng hồng, phượng đỏ, phượng xác pháo, phượng máu người, phượng cứ nở, các anh cứ cố học; sắc phượng mệt mỏi lắm sao! Thật đúng với lòng các anh, gắng sức nhưng mà buồn bã. Các anh đã nghỉ đến hè, đến lúc ra trường, đến ngã ba đường phải chọn hướng đi, đến cuộc đời đang rình các anh mà chụp bắt.

Rồi, một hôm, trống đánh: các anh ngồi thi. Ôi! bài văn bí quá, bài tính nghĩ mãi không ra, các anh toát mồ hôi, ngó quanh quẩn như cầu cứu, nhìn ra cửa số thấy bóng phượng ngoài sân! Rồi kẻ đậu thì bỏ mặc bông phượng mà vui vầy; kẻ hỏng buồn riêng một mình, bạn bè cũng không, chỉ biết thở than cùng bông phượng. Họ đi giữa đường, giẫm xác bông phượng, họ ngồi thẩn thơ, bông phượng cũng rụng bên mình. Bàn tay mân me bông phương, cái sắc đỏ ám ảnh quá, đỏ một cách tức tối, đỏ một cách tuyệt vọng.

Phượng cứ nở. Phượng cứ rơi. Bao giờ cũng có hoa phượng rơi, bao giờ cũng có hoa phượng nở. Nghỉ hè đã đến. Học sinh sửa soạn về nhà. Nhà chưa về, cái vui gia đình chưa thấy, chỉ thấy xa trường, rời bạn; buồn xiết bao! Những cuộc tình duyên giữa bạn bè đến lúc rẽ chia, cũng rẽ chia dưới màu hoa phượng; dù hữu tâm, dù vô tình, người nào cũng có sắc hoa phượng nằm ở trong hồn. Phượng xui ta nhớ cái gì đâu. Nhớ người sawpx xa, còn đứng trước mặt… Nhớ một trưa hè gà gáy khan,… Nhớ một thành xưa son uể oải…

…Thôi học trò đã về hết, hoa phượng ở lại một mình. Phượng đứng canh gác nhà trường, sân trường. Hè đang thịnh, mọi nơi đều buồn bã, trường ngủ, cây cối ngủ. Chỉ có hoa phượng thức để làm vui cho cảnh trường. Hoa phượng thức nhưng thỉnh thoảng cũng mệt nhọc, muốn lim dim. Gió qua, hoa giật mình, một cơn hoa rụng.

Cứ như thế, hoa học trò thả những cánh son xuống cỏ, đếm từng giây phút xa học sinh! Hoa phượng rơi, rơi…Hoa phượng mưa. Hoa phượng khóc. Trường tẻ ngắt không tiếng trống, không tiếng cười. Hoa phượng mơ, hoa phượng nhớ. Ba tháng trời đằng đẵng. Hoa phượng đẹp với ai, khi học sinh đã đi cả rồi!​


Các câu hỏi tương tự
Huy Phan Đình
Xem chi tiết
Elizabeth
Xem chi tiết
Trần Thị Tuyết
Xem chi tiết
Nhật Linh Đặng
Xem chi tiết
Bùi Anh Thư
Xem chi tiết
nguyễn trần lệ mỹ
Xem chi tiết
trần thị tố uyên
Xem chi tiết
Huỳnh Đặng Ly Na
Xem chi tiết
~ Ngốk@ ~
Xem chi tiết