1:
Mỗi khi hè đến, ve kêu trên những tán phượng hồng thắm và cái nóng oi bức trải dài gay gắt trên con đường nhỏ, lòng tôi lại thấy nao nao, nhớ người bạn cũ ba năm trước. Tôi đã quen và thân với Nhài trong một mùa hè như thế.
Hè đó tôi được mẹ đưa về quê thăm bà ngoại. Thăm bà thì rất thích, nhưng tôi vẫn buồn vì chẳng ai đánh bạn với tôi. Trẻ con làng hình như lạnh lùng với trẻ con thành phố vậy. Vừa đặt chân về làng tôi đã bắt gặp cái cây chuối già đầu làng xù xì, im lìm như cau có với đứa con gái thành phố khó ưa. Có lẽ trông tôi khó ưa thật. Mặt ỉu xìu, chân lê bước khó nhọc. Tôi bị say xe, lại phải đi bộ từ bến xe về làng, có đến bốn cây số chứ ít gì!
Làng vào trưa thật yên tĩnh, chỉ trừ mấy con chim chích hay se sẻ gì đó thì cứ nhảy nhót, lích chích luôn mồm, cứ thấy xe bò chở lúa, chở rơm là lại sà xuống đường nhặt hạt thóc rơi vãi. Mấy ngày sau đó tôi chỉ nằm trong nhà, hoặc mắc võng nằm chơi trong vườn. Có lẽ tôi sẽ qua một mùa hè được bà yêu chiều, nhưng buồn vì không có bạn, nếu như không có một hôm xảy ra một sự kiện đáng nhớ.
Tôi đang nằm ăn khế ngọt ngoài vườn và thưởng thức tiếng chim, thì có một cô bé trạc tuổi tôi cùng một thằng nhóc bé hơn đến nhà bà tôi và gọi í ới:
— Bà Liễu có nhà không ạ? Bà ơi! Cháu là Nhài và Hòa đây ạ.
Bà tôi đáp, rồi họ nói gì tôi chẳng nghe rõ. Được một lúc bà gọi tôi:
— Cún ơi! Cháu lấy cái rổ con cho chị em nó mượn này.
Tôi vừa cau có vì bị làm phiền vừa hơi bực trước bọn nó mà bị gọi là “Cún” vừa đứng dậy đi vào bếp lấy rổ. Tôi ra đã thấy chúng đứng đó rồi. Tôi hơi sẩng: “RỔ đây”. Thằng Hòa có vóc người nhỏ bé núp sau lưng chị. Còn Nhài có dáng người tầm thước, da bánh mật, thân hình chắc nịch nhưng vừa vặn, mái tóc nâu đỏ vì cháy nắng, nhưng dài và cặp gọn sau gáy. Nhài trông khỏe mạnh hơn tôi nhiều. Nó đỡ lấy cái rổ rồi dắt em ra cổng. Nghe bà hỏi sao không ở lại chơi, nó cười và nghĩ thế nào, nó quay lại. Tôi nghĩ: “Cũng khá bạo dạn và tự nhiên đấy”. Nhài chạy lại chỗ tôi, cầm tay tôi khẽ lắc:
— Chị Liên ơi! Em là Nhài. Chị đi chơi với em đi. Rồi chị kể chuyện thành phố cho chúng em nghe nhé, em thèm được lên thành phố lắm.
Nó nói một lèo khiến tôi hơi bối rối. Tôi bảo nó mình bằng tuổi nhau thì cứ gọi là bạn và nó tươi cười đồng ý, để lộ ra hàm răng trắng, có một chiếc khểnh rất xinh. Chúng tôi đã quen nhau như vậy.
Chiều hôm đó, tôi mới thấy hết vẻ đẹp của quê mình - qua lời giới thiệu và qua mắt nhìn của Nhài. Nhài dẫn tôi đi xem cánh đồng, con mương... Vào hè lúa chẳng còn xanh, nắng chói chiếu xuống, cùng gió lùa, lúa nghiêng mình như sóng và vàng óng như mật ong... Tất cả giản dị thôi, nhưng có được những thành quả đó là bao công sức của dân làng khai phá và bảo vệ. Nghe nói trong đó người đầu tiên đổ mồ hôi, công sức là cụ tổ dòng họ nhà Nhài. Cũng nghe Nhài kể có cả xương máu của dân làng thời chống đế quốc Pháp và Mĩ, trong đó có liệt sĩ Hoàng Văn Long là ông nội của Nhài. Giọng Nhài vừa đằm thắm vừa xiết bao tự hào. Đến đình làng, nơi được công nhận là di tích lịch sử chống Pháp, Nhài dẫn tôi đến một cây gạo lâu đời lắm rồi, nghe nói thiêng lắm, ai cầu gì cũng toại nguyện. Tôi không tin lắm nhưng cũng đến trước cây gạo cầu cho mình
học giỏi. Còn Nhài lại cầu cho hai đứa tôi, sẽ luôn được chơi với nhau vào mỗi mùa hè sau. Nhìn vẻ mặt chân tình, nghe lời cầu đó của Nhài tôi rưng rưng lệ.
Rồi hai đứa đi hái hoa sen, trên hồ sen rộng. Ngồi trên thuyền len lách giữa các cây sen, thả hồn theo những cánh sen hồng thơm ngát, tôi thấy lòng mình thanh thản lạ kì. Lần đầu tiên trong đời tôi được tận tay hái những bông sen đẹp như cổ tích mà trước đây tôi chỉ được nhìn, chỉ biết trong những trang sách, trên màn hình ti vi. Nhài còn dẫn tôi đi mò cua, câu cá. Cũng lội bì bõm, nhưng tôi chỉ là người xách giỏ. Thế mà cuối buổi tôi cũng được chia phần, nào cua, nào cá rô. Bữa ấy bà cháu có canh cua và cá rô ron rán. Tôi ăn ngon miệng hơn bất cứ bữa tiệc nào trên thành phố! Nhài và tinh bạn của Nhài làm cho những ngày hè của tôi hấp dẫn biết bao, bạn làm tôi cảm nhận được hết vẻ đẹp của đồng quê. Nhịp sống ồn ào, hối hả trên thành phố làm con người mệt mỏi. về quê, khi đã thực sự hòa nhập với hương dồng gió nội, với những con người như những bông sen, người ta mới thấy thế nào là cuộc sống đẹp. Cảm ơn Nhài!
Một buổi chiều, những vạt nắng vàng dần nhạt, tôi giúp Nhài bó rạ, rồi cầm nón cho Nhài gánh rạ về, nghe Nhài kể về gia đình mình. Mẹ Nhài mất sớm, Nhài sống với người cha cùng đứa em nhỏ. Người cha ốm yếu, bệnh tật mà vẫn phải quanh năm đồng áng vất vả lắm ba cha con mới không bị đứt bữa. Nhài vừa đi học vừa chăm sóc em, cơm nước, lại trồng rau, nuôi lợn, gà phụ thêm chi phí cuộc sống với cha. Thiếu tình thương của mẹ nhưng Nhài vẫn cố vươn lên học giỏi và chăm ngoan. Nhài cứ luôn chân, luôn tay. Cho nên, nói là đi chơi, thực ra tôi theo Nhài đi làm những việc Nhài làm thường ngày. Gánh nặng gia đình làm Nhài nhẫn nại ghé đôi vai bé nhỏ gánh cùng cha. Nhài như một thiên thần bé nhỏ đáng kính phục mà tôi đọc trong cổ tích.
Một hôm, biết ngày mai là phiên chợ huyện, hôm nay thể nào Nhài cũng đi hái hoa sen để mai đem bán, tôi sang nhà Nhài để được cùng Nhài ra đầm sen. Từ ngoài tôi đã nghe tiếng Nhài khóc. Bố Nhài đang nghiến răng quật vào lưng Nhài bằng chiếc roi cày. Tôi vừa khóc vừa chạy về nhà kéo bà tôi sang can ngăn, Nhài mới thoát đòn. Hỏi bà, tôi mới biết: Bố Nhài vì nghèo khổ, túng thiếu lại bệnh tật nên dễ phật ý. Có khi Hòa, em Nhài, chẳng có lỗi gì, buồn bực đâu đó ông cũng quát mắng, đánh hai con. Nhài thương em chịu đòn thay tất, nhưng Nhài vẫn thương bố không bao giờ bị đòn oan mà giận bô' vì bạn hiểu bố khổ quá nên trái tính. Nhài kể có lần đánh con rồi, đêm các con ngủ yên bố ngồi hút thuô'c lào và thầm lặng khóc. Càng hiểu hoàn cảnh của Nhài, tôi càng cảm phục và yêu thương người bạn nghèo mà giàu nghị lực. Nghe Nhài kể chuyện và nhìn Nhài cười không thể biết được Nhài khổ đến vậy.
Một tuần sau tôi không gặp Nhài vì cùng bà đi thăm dì Thu lấy chồng ở làng bên. Hôm tôi về Nhài có ý trông đợi, thoáng thấy tôi bạn liền chạy đến, khóc nức nở và đưa tặng tôi một chậu cây nhỏ. Chị em Nhài phải theo cha đi vào Tây Nguyên. Cha Nhài sẽ làm ở trang trại cà phê của chú Nhài, mong kinh tế gia đình có thể khá lên được. Nhà cửa, rộng vườn cha đã bán xong cả rồi.
Nhài đi được một vài hôm thì tôi cũng về thành phố, hè đã gần hết, tôi phải về chuẩn bi vào năm học mới. Cây hoa nhài bạn cho tôi chăm đã lớn, mùa nào cũng nở hoa, những bông hoa trắng muốt, trong trắng và bình dị như người bạn của tôi. Tôi học bà ướp trà nhài để lúc nào uống trà cũng nhớ đến Nhài.
Tôi có nhiều bạn thân nhưng chẳng có ai như Nhài. Trước khi quen Nhài làm việc gì khó tôi cũng hay nản lòng. Nhài cho tôi thấy phải biến nước mắt thành nụ cười. Tình bạn của chúng tôi như hương nhài thầm lặng và thơm lâu.
2"
Cuộc sống của con người gắn liền với những ước mơ. Có những ước mơ ngọt ngào làm cho ta hạnh phúc, lại có những ước muốn tham lam đem tới cho ta nhiều phiền toái. Câu chuyện sau nói lên điều đó:
Điều ước của vua Mi - đát
Tại đất nước Hi Lạp xa xưa, có ông vua nổi tiếng tham lam tên là Mi - đát.
Một ngày nọ, khi Mi - đát đang dạo chơi trong vườn thượng uyển thì gặp thần Đi - ô - ni - dốt và được thần ban cho một điều ước. Sẵn tính tham lam, Mi - đát ước ngay:
- Xin thần cho mọi vật tôi chạm vào đều biến thành vàng!
Thần ban cho Mi - đát cái ước muồn tham lam ấy rồi biến mất. Mi - đát sung sướng bẻ thử cành sồi, cành cây lập tức biến thành vàng. Ông ta lượm một quả táo, quả táo biến thành vàng nốt. Mi - đát hí hửng tưởng rằng lão là người hạnh phúc nhất mà không mảy may ngờ đến rắc rối đang chờ mình ở phía trước ...
Bữa ăn được người hầu dọn ra. Giờ thì ông ta hiểu rằng mình vừa ước một điều khủng khiếp : mọi thức ăn đều biến thành vàng khi ông ta chạm tới. Bụng đói cồn cào, Mi - đát hối hận, miệng không ngừng van nãi thần Đi - ô - ni - dốt. Bỗng, thần hiện ra, với vẻ mặt nghiêm nghị, phán:
- Nhà người hãy tới sông Pác - tôn, nhúng mình vào dòng nước, phép màu sẽ biến mất.
Mi - đát làm như vậy và quả nhiên phép màu biến mất.
Bạn thấy đấy, hạnh phúc không đến từ ước muốn tham lam mà làm nên từ bàn tay và trí óc
3:
Tôi tên là Sọ Dừa. Ngày hôm nay tôi muốn kể cho các bạn nghe về câu chuyện cuộc đời của mình.
Cha mẹ tôi là những người nông dân hiền lành và rất chăm chỉ làm việc, dù cuộc sống nghèo khó nhưng luôn sống vui vẻ với làng xóm. Tuy nhiên, chỉ có một điều khiến hai người phiền lòng là dù đã tuổi cao nhưng chưa có một đứa con. Một hôm, mẹ tôi vào rừng lấy củi. Trời nắng to nên mẹ khát nước, nhìn thấy chiếc sọ dừa bên gốc cây có đựng nước mưa, mẹ đã uống dòng nước mát đó. Và rồi, tôi đã được đầu thai như thế. Cha mẹ rất vui mừng những ngày mang thai tôi. Ít lâu sau, cha qua đời và mẹ sinh ra tôi, không có chân tay và người tròn lông lốc như một quả dừa. Mẹ buồn lòng định vứt tôi đi, tôi bỗng lên tiếng: “Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp”. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt mẹ và mẹ đặt tên cho tôi là Sọ Dừa.
Khi tôi lớn lên và mẹ dần già yếu, tôi bèn xin với mẹ cho đến nhà phú ông chăn bò để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Lúc đầu, phú ông ngần ngại nhưng rồi cũng đồng ý cho tôi làm việc. Hàng ngày, tôi lăn sau đàn bò ra đồng để chăn, đến tối lại lăn sau lùa chúng về chuồng. Cả đàn bò đều béo tốt khiến phú ông mừng rỡ vô cùng.
Vào những ngày mùa bận rộn, khi người làm ra đồng làm việc, phú ông đã sai ba cô con gái lần lượt mang cơm ra cho tôi. Hai người chị gái rất kiêu kì và thường hắt hủi tôi, chỉ có cô út đối đãi với tôi rất tử tế. Đến hôm cô út mang cơm ra cho tôi, khi đó tôi đã cất tiếng sáo du dương cho đàn bò gặm cỏ. Cô đã ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi trong hình dạng mới: một chàng trai khỏe mạnh bình thường, khuôn mặt tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào. Khi biết cô đến, tôi bỗng trở lại hình dạng Sọ Dừa như cũ. Nhiều lần như vậy, cô biết tôi không phải người thường và yêu mến tôi. Chính tấm lòng nhân hậu của cô út cũng đã khiến tôi đem lòng yêu thương người con gái ấy.
Cuối mùa ở thuê năm đó, tôi về nhà và giục mẹ sang nhà phú ông hỏi vợ cho tôi. Mẹ vô cùng sửng sốt nhưng thấy tôi năn nỉ, quyết tâm nên bà đã chiều lòng. Thấy mẹ tôi đến, phú ông đã mỉa mai và ra điều kiện thách cưới: “Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.” Nhìn mẹ lo âu, tôi đã động viên mẹ yên tâm để tôi lo lắng mọi việc.
Đến ngày cưới, tôi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật và cô út bằng lòng lấy tôi. Cỗ bàn được bày biện linh đình. Lúc rước dâu, tôi đã hóa thân thành chàng trai khôi ngô tuấn tú bên người vợ xinh đẹp, hiền hậu của mình khiến mọi người đều ngạc nhiên và mừng rỡ.
Vợ chồng tôi đã sống bên nhau hạnh phúc. Tôi chăm chỉ ngày đêm miệt mài học tập và trong kì thi năm đó, tôi đỗ trạng nguyên. Triều đình cử tôi đi sứ. Trước lúc lên đường, tôi đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà để phòng thân.
Ganh tị với những thứ vợ tôi có được, hai người chị vợ đã tìm cách hãm hại. Họ rủ vợ tôi chèo thuyền ra biển rồi đẩy nàng xuống dòng nước sâu. Nàng đã bị cá kình nuốt chửng nhưng may mắn khi cầm theo những đồ dùng tôi tặng mà thoát chết. Nàng cầm con dao mổ bụng cá, đánh đá lấy lửa nướng thịt cá ăn. Hai quả trứng gà cũng kịp nở thành một đôi gà đẹp để làm bạn cùng nàng.
Khi đi sứ trở về, tôi vô cùng tức giận khi biết tin vợ mất tích, Tôi bèn đi thuyền ra đảo thì nghe tiếng gà trống gáy to: "ò… ó… o... Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về."
Cho thuyền vào đảo thì biết đó chính là vợ tôi. Gặp lại nhau, chúng tôi mừng mừng tủi tủi. Đưa vợ về nhà, tôi mở tiệc mừng mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra chiều thương tiếc lắm. Tôi không nói gì, tiệc xong mới cho gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy em mình thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ
Từ đó, vợ chồng tôi và mẹ sống hạnh phúc bên nhau. Sự biến mất hai người chị vợ không rõ tung tích khiến tôi cũng buồn nhưng đó là bài học cho những kẻ ích kỉ, tham lam và độc ác.
cái này bạn lên google gõ là ra hàng loạt bài tha hồ chọn :)))