1. Vậy từ Hán Việt là gì? Nó đã đóng góp những vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam? Tại sao lại cần học từ Hán Việt?
Như chúng ta đã biết, Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đời đã có mối giao lưu qua lại, ảnh hưởng nền văn hoá lẫn nhau. Đặc biệt là tiếng Việt và tiếng Hán vốn có nguồn gốc sâu xa từ trong ngữ hệ của tộc người Nam Á. Người Việt vốn tách ra từ các tộc Bách Việt (Nam Á), vì vậy tiếng Việt và tiếng Hán đều có chung một đặc điểm đó là thứ ngôn ngữ "đơn tiết tính". Thứ ngôn ngữ này đều lấy độ cao thấp của âm thanh (tiếng Hán có 4 thanh điệu, tiếng Việt có 6 thanh điệu) để phân biệt nghĩa của từ, lấy trật tự của từ và các hư từ làm quy tắc văn phạm. Điều này làm cho ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Hán khác hẳn với các ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, Pháp, Nga... và các loại ngôn ngữ khác. Những nét tương đồng về ngữ âm, cú pháp, và cách cấu tạo từ giữa tiếng Việt và tiếng Hán chính là điều kiện thuận lợi để người Việt từ thời cổ trung đại tạo ra cách đọc chữ Hán theo một lối riêng duy trì đến ngày nay mà ta quen gọi là âm Hán - Việt. Do vậy, từ Hán Việt là từ gốc Hán nhưng được đọc theo âm Việt.
Ở Việt Nam trong suốt thời kỳ phong kiến Trung Quốc đô hộ, tất cả những công văn hành chính, giấy tờ đều được viết bằng chữ Hán, và cho đến sau này khi nước ta giành được độc lập, xây dựng nhà nước phong kiến tự chủ thì vẫn dùng chữ Hán để viết các công văn giấy tờ, sáng tác thơ ca, làm những bộ sử liệu... Ngay khi chữ Nôm ra đời (chữ Nôm do người Việt sáng tạo dựa trên cơ sở chữ Hán) thì chữ Hán vẫn không mất đi vai trò của nó. Quả thật đã có một khoảng thời gian gần mười thế kỷ, dân tộc ta đã dùng chữ Hán và chữ Nôm để ghi lại tâm tư tình cảm của mình và chế tác ra hàng loạt các tác phẩm có giá trị như Triết học, Sử học, Y học, Văn học... Chính vì lẽ đó mà mặc dù là một ngôn ngữ cổ nhưng từ Hán Việt vẫn cần phải được học trong nhà trường để giúp cho người đời sau có thể hiểu được nội dung của các trước tác và quan trọng hơn cả là học từ Hán Việt để giúp chúng ta trong quá trình giao tiếp.
Trong khi giao tiếp, người sử dụng tiếng Việt phải tuân theo quy luật phát triển tự nhiên của ngôn ngữ. Tuỳ theo nội dung của vấn đề giao tiếp mà người sử dụng nó có thể dùng từ Hán Việt hay từ Thuần Việt. Trong một số văn cảnh hay ngữ cảnh nhất định, từ Thuần Việt và từ Hán Việt có thể thay thế được cho nhau nhưng có rất nhiều trường hợp từ Thuần Việt và từ Hán Việt có những khả năng diễn đạt và biểu cảm khác nhau mà người sử dụng nó khó có thể đổi chỗ được. Ví dụ: từ Thuần Việt phổ biến, giản dị, trong sáng, dễ hiểu đối với quảng đại quần chúng nhân dân. Loại từ này nói lên ai cũng hiểu được. Đối với từ Thuần Việt ngoài việc giản dị, dễ hiểu nó còn có sắc thái dựng hình, gợi cảnh, tô màu tạo cảm giác sinh động (khúc khuỷu, ghồ ghề, mênh mông, bát ngát, đỏ chon chót...) nhưng ít có khả năng diễn đạt các khái niệm trừu tượng. Trên thực tế có một số vốn từ Thuần Việt còn là những yếu tố xúc tác nhằm phát huy tối đa tiềm năng vốn có của từ Hán Việt, ví dụ như câu:
"Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ
Gác phong thu đứng rũ tà huy"
(Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều)
thì những từ Thuần Việt như "cầu", "ngồi trơ", "gác", “đứng rũ” đã là những chất xúc tác cực mạnh giúp cho những người thưởng thức nó chưa hiểu rõ nghĩa từ Hán Việt trong câu mà cũng thấm hiểu được nỗi buồn thê lương trong cảnh hoang phế đến cực độ. Đó là một chiếc cầu trơ khấc, một bến đò không người qua lại và căn gác để đón gió thu đứng rũ trong bóng chiều tà.
Không cứ gì "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều mà ngay cả "Truyện Kiều" của Nguyễn Du là tác phẩm Nôm trong đó chứa đựng rất nhiều từ Hán Việt, cùng những điển cố điển tích xen kẽ với các từ Thuần Việt và đã được các từ Thuần Việt làm rõ nghĩa cho. Bởi vậy, có rất nhiều người không được trang bị từ Hán Việt nhưng đọc "Truyện Kiều", đọc "Chinh phụ ngâm" (bản dịch) vẫn hiểu, vẫn cảm thấy cái hay của nó. Nói như vậy để thấy cái giá trị đích thực của từ Thuần Việt. Tuy nhiên trong quá trình giao tiếp, trong quá trình sáng tác thơ, thưởng thức văn chương và nghiên cứu văn học nếu ta được trang bị một cách đầy đủ ý nghĩa và cách dùng của một số lượng từ Hán Việt tối thiểu thì cũng không phải là thừa. Bởi vì từ Hán Việt có những sắc thái tu từ mà từ Thuần Việt không thể có được. Như trên đã nói: từ Hán Việt là từ Hán được đọc theo âm Việt. Loại từ này có khả năng diễn đạt những khái niệm trừu tượng trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Từ Hán Việt có một khả năng tiềm ẩn đặc biệt. Nó mang những sắc thái tu từ với những ý nghĩa chỉ những cái trang trọng, im lìm, bất động, cổ kính. Ví dụ như khi giới thiệu một vị tổng thống của một phái đoàn ngoại giao, người ta phải dùng từ Hán Việt: "... Cùng đi với ngài tổng thống là Quý phu nhân..." chứ không nên dùng: "... Cùng đi với ngài tổng thống là người vợ yêu quý của ông..." thì sẽ làm mất đi tính trang trọng cần thiết trong một buổi tiếp sứ giả ngoại giao mang tầm cỡ quốc gia.
Hay trong văn chương thơ phú, có những từ Hán Việt mà khó có từ Thuần Việt nào thay thế được. Mở đầu bài "Thăng Long thành hoài cổ" bà Huyện Thanh Quan viết:
"Tạo hoá gây chi cuộc hí trường"
"Hý trường" là từ Hán Việt có thể dịch là nơi chơi, chỗ chơi, trường chơi... nhưng dùng những từ Thuần Việt đó thì khó lột tả được cái khái quát, cái trừu tượng về cuộc đời thay đổi vô lường. Cuộc "hý trường" mà tác giả sử dụng, ở đây là để nói đến trò chơi của con tạo với sự biến đổi "vũng nên đồi" trong trường đời. Từ Hán Việt này còn là thần thái của câu thơ giãi bày nỗi ai oán hoài cổ của các tác giả-một di thần của triều cựu Lê với những thay đổi khó lường.
Nêu đôi ba ví dụ nhỏ thường gặp đó để nhấn mạnh giá trị biểu cảm không thể thay thế được trong giao tiếp cũng như trong văn chương cổ của từ Hán Việt. Trên thực tế, nếu chúng ta không được trang bị một vốn từ Hán Việt cần thiết thì sẽ không thấu hiểu được nội dung của tác phẩm (đôi khi vấn đề còn bị hiểu lệch) và khi giao tiếp nhiều khi sử dụng từ Hán Việt sai nghĩa và sai cả phong cách.
2. Từ thực tế đó cần phải đào tạo một đội ngũ thầy, cô có trình độ Hán Nôm nhất định để giảng dạy cho học sinh.
Trong kho tàng trí thức của dân tộc ta có rất nhiều kho sách được ghi chép bằng văn tự Hán Nôm. Cho đến nay một số tác phẩm trong kho tàng ấy đã được phiên âm dịch nghĩa ra chữ quốc ngữ, nhưng không phải tất cả đều đã đạt đến trình độ mỹ mãn. Đặc biệt những tác phẩm văn học cổ được dùng để trích giảng trong trường phổ thông, nếu giáo viên không có trình độ Hán ngữ nhất định thì không thể thẩm thấu tác phẩm, không thể chuyển tải được cái hay, cái đẹp cho học sinh. Thậm chí những giáo viên làm nhiệm vụ truyền bá tri thức ấy nếu hiểu sai văn bản thì tai hại thay lại truyền bá cho bao nhiêu người những cái sai ấy. Một thực tế khác là do từ Hán Việt chiếm một tỷ lệ khá cao (60%-70%) trong vốn từ tiếng Việt nên đây cũng là một đặc điểm khiến cho nhiều thầy cô giáo dạy văn trẻ thiếu tri thức Hán Nôm đã tỏ ra lúng túng khi giải thích từ, do không nắm vững nghĩa của từ. Vì vậy việc trau dồi kiến thức Hán Nôm để giáo viên nắm vững tiếng Việt giúp cho việc giảng dạy tiếng Việt và phân tích các tác phẩm văn chương cổ là một điều rất quan trọng.
Vậy chúng ta hãy nhìn vào thực tế học tập môn Hán Nôm của sinh viên Ngữ văn Sư phạm và sinh viên Ngữ văn ở một số trường khác để xem xét. Các môn học về Hán Nôm là hoàn toàn mới lạ đối với đại đa số các em. Do vậy khi học các em rất ngại và phần lớn học chỉ để cốt cho qua chuyện. Vì lẽ đó nên nhiều sinh viên học rồi nhưng hỏi đến những khái niệm sơ đẳng như từ Hán Việt, từ Việt gốc Hán, điển cố, ky huý, tên tự...thì cũng chẳng nắm được. Chưa kể đến việc khi sử dụng từ Hán Việt nhiều sinh viên còn viết sai: bàng quan thành bàng quang; tham quan thành thăm quan; trữ tình thành chữ tình; môn đăng hộ đối thành môn đăng hậu đối; tuần tự nhi tiến thành tuần tự như tiến; lao động tiên tiếnthành lao động tiền tiến; khai thiên lập địa thành khai sinh lập địa; còn khi yêu cầu giải thích những từ Hán Việt thường dùng thì họ không giải thích nổi. Trước thực tế ấy, việc dạy 180 tiết Hán Nôm trong 2, 3 học kỳ với yêu cầu sinh viên phải nắm bắt được số lượng từ vựng tối thiểu là 4000 từ và những kiến thức khác liên quan đến Hán Nôm là một điều quá khó. Do vậy, ta cần phải có chiến lược trong quá trình đào tạo: đó là dạy chữ Hán cho học sinh ngay từ trong trường phổ thông.
Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho rằng: "...vốn xưa cổ điển nếu không được tiếp xúc khi ngồi trên ghế nhà trường thì khi trưởng thành... nhiều người sẽ không có dịp tiếp xúc và không biết nói là gì. Và đó là lỗ hổng văn hoá của họ..." (Báo văn nghệ số 42, ngày 18/10/1997), hay ý kiến của giáo sư Nguyễn Lân đăng trên báo Đại đoàn kết, số 28, ngày 7/4/1997 thì: "Một điều cần chú ý hơn nữa là ngay trong tiếng Việt hiện nay có bao nhiêu từ vốn là Hán tự bị người ta xuyên tạc, làm sai cả ý nghĩa, ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt... phải làm thế nào cho thanh thiếu niên ta phải biết chữ Hán thì mới dùng đúng tiếng Việt”. Cùng một quan điểm này, PGS Hoàng Trọng Phiến đã phát biểu trong hội thảo 25 năm ngành Hán Nôm rằng: "Chúng ta cần phải can thiệp với các nhà quản lý giáo dục đưa ngay việc dạy Hán tự một cách có tính chiến lược, có bài bản và theo các quy phạm nghiêm ngặt, bằng một phương pháp dạy hiện đại, việc này nhằm các yêu cầu sau: a) Cung cấp vốn Hán tự để học sinh tiếp thu nền ngữ văn, để họ không lãng quên nền văn học của ông cha. b) Tạo cho sinh viên ngày nay khả năng sáng tạo đúng từ Hán Việt mới; c) Có vốn cần thiết Hán tự sẽ dễ dàng học tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên và cả tiếng Hán hiện đại". Lược qua mấy ý kiến của các giáo sư có tên tuổi quan tâm đến nền giáo dục của nước nhà, chúng ta càng thấy thêm tầm quan trọng của việc học và dạy Hán Nôm. Dạy Hán Nôm bắt đầu là dạy chữ nghĩa của chữ Hán, chữ Nôm nhưng mục đích cuối cùng của nó lại là ngôn ngữ, là Hán Việt, là từ Nôm cổ. Như vậy, việc dạy Hán Nôm thực chất là dạy ngôn ngữ Việt từ ngọn nguồn thông qua văn tự Hán Nôm cổ. Chính chữ Hán, chữ Nôm là phương tiện để dẫn sinh viên đến với nguồn gốc của từ Hán Việt và từ Nôm cổ.
Tóm lại, muốn cho học sinh hiểu đúng tiếng Việt, sử dụng đúng những từ Hán Việt trong các ngữ cảnh khác nhau và thấu hiểu những tác phẩm cổ có giá trị, Nhà nước nên có kế hoạch đào tạo một đội ngũ giáo viên Ngữ văn tốt, có một vốn về Hán Nôm đủ để hiểu tiếng Việt một cách thấu đáo, giải thích được những từ Hán Việt một cách thông thường để hiểu và sử dụng chúng một cách thành thạo. Làm được việc này lại cần một đội ngũ giảng dạy ngành Ngữ văn ở Đại học thật giỏi, trong đó không thể không giỏi về Ngữ văn Hán Nôm. Đây là vấn đề mang tính quốc gia. Chỉ có cấp Nhà nước mới có được thẩm quyền để đề ra được những nhiệm vụ cụ thể và kế hoạch lâu dài nhằm đào tạo một đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu Hán Nôm đáp ứng với tình hình hiện nay, bổ khuyết cho những điều bất cập đang tồn tại. Tuy nhiên đó cũng là nhiệm vụ của mỗi chúng ta - những giáo viên Ngữ văn, với chí nguyện:giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và làm cho tiếng Việt ngày càng phát triển phong phú hơn dể xây dựng một nền văn hoá Việt Nam giàu bản sắc dân tộc.
1. Vậy từ Hán Việt là gì? Nó đã đóng góp những vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam? Tại sao lại cần học từ Hán Việt?
Như chúng ta đã biết, Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đời đã có mối giao lưu qua lại, ảnh hưởng nền văn hoá lẫn nhau. Đặc biệt là tiếng Việt và tiếng Hán vốn có nguồn gốc sâu xa từ trong ngữ hệ của tộc người Nam Á. Người Việt vốn tách ra từ các tộc Bách Việt (Nam Á), vì vậy tiếng Việt và tiếng Hán đều có chung một đặc điểm đó là thứ ngôn ngữ "đơn tiết tính". Thứ ngôn ngữ này đều lấy độ cao thấp của âm thanh (tiếng Hán có 4 thanh điệu, tiếng Việt có 6 thanh điệu) để phân biệt nghĩa của từ, lấy trật tự của từ và các hư từ làm quy tắc văn phạm. Điều này làm cho ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Hán khác hẳn với các ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, Pháp, Nga... và các loại ngôn ngữ khác. Những nét tương đồng về ngữ âm, cú pháp, và cách cấu tạo từ giữa tiếng Việt và tiếng Hán chính là điều kiện thuận lợi để người Việt từ thời cổ trung đại tạo ra cách đọc chữ Hán theo một lối riêng duy trì đến ngày nay mà ta quen gọi là âm Hán - Việt. Do vậy, từ Hán Việt là từ gốc Hán nhưng được đọc theo âm Việt.
Ở Việt Nam trong suốt thời kỳ phong kiến Trung Quốc đô hộ, tất cả những công văn hành chính, giấy tờ đều được viết bằng chữ Hán, và cho đến sau này khi nước ta giành được độc lập, xây dựng nhà nước phong kiến tự chủ thì vẫn dùng chữ Hán để viết các công văn giấy tờ, sáng tác thơ ca, làm những bộ sử liệu... Ngay khi chữ Nôm ra đời (chữ Nôm do người Việt sáng tạo dựa trên cơ sở chữ Hán) thì chữ Hán vẫn không mất đi vai trò của nó. Quả thật đã có một khoảng thời gian gần mười thế kỷ, dân tộc ta đã dùng chữ Hán và chữ Nôm để ghi lại tâm tư tình cảm của mình và chế tác ra hàng loạt các tác phẩm có giá trị như Triết học, Sử học, Y học, Văn học... Chính vì lẽ đó mà mặc dù là một ngôn ngữ cổ nhưng từ Hán Việt vẫn cần phải được học trong nhà trường để giúp cho người đời sau có thể hiểu được nội dung của các trước tác và quan trọng hơn cả là học từ Hán Việt để giúp chúng ta trong quá trình giao tiếp.
Trong khi giao tiếp, người sử dụng tiếng Việt phải tuân theo quy luật phát triển tự nhiên của ngôn ngữ. Tuỳ theo nội dung của vấn đề giao tiếp mà người sử dụng nó có thể dùng từ Hán Việt hay từ Thuần Việt. Trong một số văn cảnh hay ngữ cảnh nhất định, từ Thuần Việt và từ Hán Việt có thể thay thế được cho nhau nhưng có rất nhiều trường hợp từ Thuần Việt và từ Hán Việt có những khả năng diễn đạt và biểu cảm khác nhau mà người sử dụng nó khó có thể đổi chỗ được. Ví dụ: từ Thuần Việt phổ biến, giản dị, trong sáng, dễ hiểu đối với quảng đại quần chúng nhân dân. Loại từ này nói lên ai cũng hiểu được. Đối với từ Thuần Việt ngoài việc giản dị, dễ hiểu nó còn có sắc thái dựng hình, gợi cảnh, tô màu tạo cảm giác sinh động (khúc khuỷu, ghồ ghề, mênh mông, bát ngát, đỏ chon chót...) nhưng ít có khả năng diễn đạt các khái niệm trừu tượng. Trên thực tế có một số vốn từ Thuần Việt còn là những yếu tố xúc tác nhằm phát huy tối đa tiềm năng vốn có của từ Hán Việt, ví dụ như câu:
"Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ
Gác phong thu đứng rũ tà huy"
(Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều)
thì những từ Thuần Việt như "cầu", "ngồi trơ", "gác", “đứng rũ” đã là những chất xúc tác cực mạnh giúp cho những người thưởng thức nó chưa hiểu rõ nghĩa từ Hán Việt trong câu mà cũng thấm hiểu được nỗi buồn thê lương trong cảnh hoang phế đến cực độ. Đó là một chiếc cầu trơ khấc, một bến đò không người qua lại và căn gác để đón gió thu đứng rũ trong bóng chiều tà.
Không cứ gì "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều mà ngay cả "Truyện Kiều" của Nguyễn Du là tác phẩm Nôm trong đó chứa đựng rất nhiều từ Hán Việt, cùng những điển cố điển tích xen kẽ với các từ Thuần Việt và đã được các từ Thuần Việt làm rõ nghĩa cho. Bởi vậy, có rất nhiều người không được trang bị từ Hán Việt nhưng đọc "Truyện Kiều", đọc "Chinh phụ ngâm" (bản dịch) vẫn hiểu, vẫn cảm thấy cái hay của nó. Nói như vậy để thấy cái giá trị đích thực của từ Thuần Việt. Tuy nhiên trong quá trình giao tiếp, trong quá trình sáng tác thơ, thưởng thức văn chương và nghiên cứu văn học nếu ta được trang bị một cách đầy đủ ý nghĩa và cách dùng của một số lượng từ Hán Việt tối thiểu thì cũng không phải là thừa. Bởi vì từ Hán Việt có những sắc thái tu từ mà từ Thuần Việt không thể có được. Như trên đã nói: từ Hán Việt là từ Hán được đọc theo âm Việt. Loại từ này có khả năng diễn đạt những khái niệm trừu tượng trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Từ Hán Việt có một khả năng tiềm ẩn đặc biệt. Nó mang những sắc thái tu từ với những ý nghĩa chỉ những cái trang trọng, im lìm, bất động, cổ kính. Ví dụ như khi giới thiệu một vị tổng thống của một phái đoàn ngoại giao, người ta phải dùng từ Hán Việt: "... Cùng đi với ngài tổng thống là Quý phu nhân..." chứ không nên dùng: "... Cùng đi với ngài tổng thống là người vợ yêu quý của ông..." thì sẽ làm mất đi tính trang trọng cần thiết trong một buổi tiếp sứ giả ngoại giao mang tầm cỡ quốc gia.
Hay trong văn chương thơ phú, có những từ Hán Việt mà khó có từ Thuần Việt nào thay thế được. Mở đầu bài "Thăng Long thành hoài cổ" bà Huyện Thanh Quan viết:
"Tạo hoá gây chi cuộc hí trường"
"Hý trường" là từ Hán Việt có thể dịch là nơi chơi, chỗ chơi, trường chơi... nhưng dùng những từ Thuần Việt đó thì khó lột tả được cái khái quát, cái trừu tượng về cuộc đời thay đổi vô lường. Cuộc "hý trường" mà tác giả sử dụng, ở đây là để nói đến trò chơi của con tạo với sự biến đổi "vũng nên đồi" trong trường đời. Từ Hán Việt này còn là thần thái của câu thơ giãi bày nỗi ai oán hoài cổ của các tác giả-một di thần của triều cựu Lê với những thay đổi khó lường.
Nêu đôi ba ví dụ nhỏ thường gặp đó để nhấn mạnh giá trị biểu cảm không thể thay thế được trong giao tiếp cũng như trong văn chương cổ của từ Hán Việt. Trên thực tế, nếu chúng ta không được trang bị một vốn từ Hán Việt cần thiết thì sẽ không thấu hiểu được nội dung của tác phẩm (đôi khi vấn đề còn bị hiểu lệch) và khi giao tiếp nhiều khi sử dụng từ Hán Việt sai nghĩa và sai cả phong cách.
* Note : Tham khảo thêm ở đây (http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c151/n1726/Vai-suy-nghi-ve-van-de-trang-bi-tu-Han-Viet-cho-hoc-sinh-sinh-vien-trong-cac-truong-pho-thong-va-dai-hoc.html)