Ông đồ

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Vũ Đình Liên (1913 - 1996).

- Quê quán: Quê gốc là ở Hải Dương nhưng sống chủ yếu ở Hà Nội.

- Là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào thơ mới.

- Ngoài sáng tác thơ, ông còn nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy văn học.

- Phong cách sáng tác: Thơ ông mang nặng nỗi niềm xưa, nỗi niềm hoài cổ, hoài vọng.

- Tác phẩm tiêu biểu: Lũy tre xanh, Mùa xuân cộng sản, Hạnh phúc

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh ra đời

- Từ đầu thế kỉ XX, nền văn Hán học và chữ Nho ngày càng suy vì trong đời sống văn hóa Việt Nam, khi mà Tây học du nhập vào Việt Nam, có lẽ vì đó mà hình ảnh những ông đồ đã bị xã hội bỏ quên và dần vắng bóng. Vũ Đình Liên đã viết bài thơ Ông đồ thể hiện niềm ngậm ngùi, day dứt về cảnh cũ, người xưa.

b. Bố cục và thể thơ

- Phần 1 (Hai khổ thơ đầu): Hình ảnh ông đồ thời Nho học còn thịnh hành, thịnh thế.

- Phần 2 (Hai khổ tiếp theo): Hình ảnh ông đồ khi Nho học suy vi (lụi tàn).

- Phần 3: Tâm tư thầm kín, niềm tiếc thương tác giả gửi gắm.

- Bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn.

@310709@@311067@

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Hai khổ đầu

- Ở hai khổ thơ này nổi bật hình ảnh ông đồ trong thời kì đắc ý của ông. Mỗi khi Tết đến, hoa đào nở, lại thấy ông đồ cùng mực tàu, giấy đỏ bên hè phố đông người qua lại, như góp mặt vào cái đông vui, náo nhiệt của phố phường. Hình ảnh đó đã trở thành thân quen không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến. Ông viết chữ, viết câu đối đỏ tức là nhà cung cấp một thứ hàng mà mỗi gia đình cần sắm cho ngày Tết. Vì vậy, cứ vào dịp Tết người ta kéo nhau tìm đến ông đồ, và lúc này, ông rất "đắt hàng", có bao nhiêu người thuê viết.

- Ở hai khổ thơ đầu, hình ảnh ông đồ như hòa vào, góp vào cái rộn ràng, tưng bừng, sắc màu rực rỡ của phố xá đang đón Tết; mực tàu, giấy đỏ của ông hòa với màu đỏ của hoa đào nở; sự có mặt của ông đã thu hút bao người xúm đến. Người ta không chỉ cần ông vì thuê ông viết chữ, mà còn để thưởng thức tài viết chữ đẹp của ông. Mọi người tấm tắc ngợi khen ông, khen ông có hoa tay, khen chữ ông như phượng múa, rồng bay... Lúc ấy, ông trở thành trung tâm của sự chú ý, là đối tượng của sự ngưỡng mộ của mọi người.

@311240@

2. Hai khổ tiếp theo

- Ở hai khổ này, vẫn nổi bật hình ảnh ông đồ với mực tàu, giấy đỏ bên hè phố ngày Tết, nhưng tất cả đã khác xưa. Chẳng còn đâu cảnh bao nhiêu người thuê viết chen chúc, tấm tắc ngợi khen, mà là cảnh tượng vắng vẻ đến thê lương:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

- Ông ngồi đấy nhưng chẳng cầm đến bút, chạm đến giấy. Vì vậy mà:

Giấy đỏ buồn không thắm;

      Mực đọng trong nghiên sầu...

- Nỗi buồn tủi lan sang cả những vật vô tri vô giác. Tờ giấy đỏ cứ phơi ra đấy mà chẳng được đụng đến trở thành bẽ bàng., màu đỏ của nó trở thành vô duyên, không thắm lên được; nghiên mực cũng vậy, không hề được bút lông chấm vào, nên mực như đọng lại bao sầu tủi và trở thành nghiên sầu!

- Ông đồ vẫn ngồi đấy như xưa, nhưng cuộc đời đã hoàn toàn khác xưa. Đường phố vẫn đông người qua, nhưng không ai biết đến sự có mặt của ông! Ông vẫn cố bám lấy sự sống, vẫn muốn có mặt với cuộc đời, nhưng cuộc đời thì đã quên hẳn ông! Ông ngồi đấy bên phố đông mà vô cùng lạc lõng, lẻ loi. Ông ngồi đấy lặng lẽ mà trong lòng ông là một tấn bi kịch, là sự sụp đổ hoàn toàn. Trời đất cũng ảm đạm, lạnh lẽo như lòng ông:

Lá vàng rơi trên giấy;

    Ngoài trời mưa bụi bay.

- Đây có phải là những câu thơ tả cảnh không? Đây tuy có tả cảnh nhưng chính là nỗi lòng, tức là mượn cảnh ngụ tình, là miêu tả mà biểu cảm, ngoại cảnh mà kì thực là tâm cảnh. Có thể nói đây là hai câu thơ đặc sắc nhất của bài thơ. Hai câu là sự minh họa rất chuẩn cho các khái niệm mượn cảnh ngụ tìnhý tại ngôn ngoại trong thơ trữ tình. Lá vàng rơi vốn đã gợi sự tàn tạ, buồn bã; đây lại là lá vàng rơi trên những tờ giấy dành để viết câu đối của ông đồ. Vì ông ế khách, tờ giấy đỏ cứ phơi ra đấy hứng lá vàng rơi và ông cũng bỏ mặc...! Ngoài giời mưa bụi bay, câu thơ ấy tả cảnh hay tả lòng người? Chẳng phải là mưa to gió lớn, cũng chẳng phải mưa rả rích dầm dề sầu não ghê gớm, chỉ là mưa bụi bay rất nhẹ, vậy sao mà ảm đạm, mà lạnh lẽo tới buốt giá! Một số thi sĩ thời Đường đã viết bài Thanh minh có câu:

Thanh Minh thời tiêt vũ phân phân,

  Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn.

Có người đã dịch:

Thanh minh lất phất mưa phùn,

Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa.

- Thì ra cái mưa phùn chỉ lất phất, cái mưa bụi chỉ nhẹ bay vậy thôi mà cũng đủ làm người buồn xót xa, buồn nát ruột (dục đoạn hồn)! Đấy là mưa trong lòng người chứ đâu còn là mưa ngoài trời! Dường như cả trời đất cũng ảm đạm, buôn bã cùng với ông đồ!

@310919@

3. Tâm tư của tác giả

- Bài thơ mở đầu là Mỗi năm hoa đào nở - Lại thấy ông đồ già và kết thúc là Năm nay đào lại nở - Không thấy ông đồ xưa. Đó là kiểu kết thúc đầu cuối tương ứng chặt chẽ, làm nổi bật chủ đề. Khổ thơ có cái tứ "cảnh cũ người đâu" thường gặp trong thơ xưa, đầy gợi cảm. Sau mấy cái Tết ông đồ vẫn ngồi đấy mà không ai để ý, thì đến năm nay đào lại nở, nhưng ông đồ hoàn toàn vắng bóng. Ông đã bị "xóa sổ" hẳn rồi!

- Hai câu thơ cuối là lời tự vấn, là nỗi niềm thương tiếc khắc khoải của nhà thơ trước việc vắng bóng "ông đồ xưa". Từ sự vắng bóng ông đồ khi Tết đến, nhà thơ bâng khuâng, xót xa nghĩ tới những người "muôn năm cũ" không bao giờ còn thấy nữa. Câu hỏi không có trả lời, gieo vào lòng người đọc những cảm thương tiếc nuối không dứt.

- Trong thơ trữ tình, cảm xúc trữ tình của nhà thơ mới là nội dung cốt lõi của tác phẩm; nếu có tự sự, miêu tả thì cũng vẫn hướng tới việc bộc lộ cảm xúc, tâm trạng nhà thơ, vẫn đậm sắc thái biểu cảm. Trong bài Ông đồ, qua sự tương phản giữa hai cảnh tượng cùng miêu tả ông đồ ngồi viết câu đối ngày Tết, có thể thấy rõ tâm tư tình cảm của nhà thơ. Tâm tư ấy biểu lộ kín đáo qua những chi tiết miêu tả, có khi được nhà thơ trực tiếp phát biểu (như hai câu kết), có khi chỉ toát ra qua giọng điệu ngậm ngùi của bài thơ. Đó là niềm cảm thương chân thành đối với tình cảnh những ông đồ đang tàn tạ trước sự thay đổi của cuộc đời.; đồng thời, đó là niềm nhớ nhưng, luyến tiếc những cảnh cũ người xưa nay đã vắng bóng.

- Đặc biệt, ở bài thơ này, cái xưa cũ không còn nữa mà nhà thơ ngậm ngùi nhớ tiếc đó đã từng gắn bó thân thiết, dường như không thể thiếu đối với đời sống Việt Nam hàng trăm năm, lại mang một vẻ đẹp văn hóa và gắn với những giá trị tinh thần truyền thống, niềm hoài cổ đó có một ý nghĩa nhân văn và thể hiện một tinh thần dân tộc đáng trân trọng. 

@310999@

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Thể thơ ngũ ngôn được sử dụng, khai thác có hiệu quả nghệt thuật cao. Giọng chủ âm của bào thơ là giọng trầm lắng, ngậm ngùi, phù hợp với việc diễn tả tâm tư, cảm xúc của bài thơ. 

- Kết cấu bài thơ giản dị mà chặt chẽ, có nghệ thuật. Đó là kết cấu đầu cuối tương ứng và có hai cảnh tượng tương phản sâu sắc cùng miêu tả ông đồ ngồi viết thuê bên hè phố ngày Tết; cách kết cấu ấy đã làm nổi bật chủ đề của bài thơ.

- Ngôn ngữ bài thơ trong sáng, bình dị, đồng thời hàm súc, dư ba. Hình ảnh không có gì tân kì, độc đáo nhưng đầy gợi cảm.

2. Nội dung 

Tác phẩm khắc họa thành công hình cảnh đáng thương của ông đồ thời vắng bóng, đồng thời gửi gắm niềm thương cảm chân thành của nhà thơ trước một lớp người dần đi vào quá khứ, khơi gợi được niềm xúc động tư vấn của nhiều độc giả.