Ôn dịch, thuốc lá

Nội dung lý thuyết

I. Tìm hiểu chung

1. Xuất xứ của văn bản

 Ôn dịch, thuốc lá là văn bản nhật dụng được trích từ văn bản “Từ thuốc lá đến ma túy – Bệnh nghiện”.

2. Bố cục văn bản

- Phần 1: (Từ đầu … "còn nặng hơn cả AIDS"): Thông báo về nạn dịch thuốc lá.

- Phần 2: (Tiếp … "con đường phạm pháp"): Tác hại của thuốc lá.

- Phần 3: (Còn lại): Lời kêu gọi chống thuốc lá.

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Ý nghĩa tên gọi văn bản

- Thuốc lá là cách nói tắt của "tệ nghiện thuốc lá".

- So sánh (tệ nghiện) thuốc lá với ôn dịch là rất thỏa đáng vì tệ nghiện thuốc lá cũng là một thứ bệnh (bệnh nghiện) và cả hai có một đặc điểm chung là rất dễ lây lan.

- Từ ôn dịch trong tên gọi văn bản không đơn thuần chỉ có nghĩa là một thứ bệnh lan truyền rộng. Nếu chỉ dùng với ý nghĩa ấy, tác giả đã chọn một tên gọi ngắn gọn hơn, ví dụ: Dịch thuốc lá. Ở đây tác giả dùng từ ôn dịch, một từ còn "thường dùng làm tiếng chửi rủa", hơn thế, lại đặt một dấu phẩy ngăn cách giữa hai từ "ôn dịch" và "thuốc lá". Dấu phẩy được sử dụng theo lối tu từ để nhấn mạnh sắc thái biểu cảm vừa căm tức vừa ghê tởm. Có thể diễn ý tên gọi văn bản một cách nôm na như sau: "Thuốc lá ! Mày là đồ ôn dịch !".

@211357@

2. Thông báo về nạn dịch thuốc lá

- Tác giả nêu vấn đề, đồng thời nêu lên tầm quan trọng và tính chất nghiêm trọng của vấn đề: Ôn dịch thuốc lá đang đe dọa sức khỏe và tính mạng loài người còn nặng hơn cả ADIS. Tác giả dựa vào kết luận của hơn năm vạn công trình nghiên cứu để đưa ra nhận định đó như một định đề, không cần chứng minh, bàn luận.

3. Tác hại của thuốc lá

a. Với bản thân người hút

- Tác giả chỉ ra cái KIỂU, cái CÁCH mà thuốc lá đã và đang "đe dọa sức khỏe và tính mạng loài người". Đó là, nó không làm cho người ta "lăn đùng ra chết" nên không dễ nhận biết. Để gây ấn tượng mạnh, tác giả đã so sánh việc chống thuốc lá với chống giặc ngoại xâm đánh phá: Nếu giặc đánh như vũ bão thì không đáng sợ, đáng sợ là giặc gặm nhấm như tằm ăn dâu. Tác giả mượn lối so sánh rất hay của nhà quân sự thiên tài Trần Hưng Đạo để thuyết minh một cách thuyết phục một vấn đề y học. 

- Gần như toàn phần thứ hai tập trung nói rõ những tác hại khác nhau của khói thuốc lá. "Tằm ăn dâu" đến đâu, dù chậm vẫn biết đến đó. Còn khói thuốc, chẳng những người hút thường không thấy tác hại của nó ngay, càng không hề biết rằng hàng vạn công trình nghiên cứu đã phát hiện tới trên 4000 chất hóa học trong khói thuốc lá có khả năng gây những bệnh hiểm nghèo, mà lại còn thấy sảng khoái khi nhả khói phì phèo, thậm chí còn coi đó là một "biểu tượng quý trọng".

- Về tác hại của khói thuốc, có thể dựa vào dẫn chứng sau: "...Cơ thể cấu tạo bằng hàng tỉ tế bào, tất cả những tế bào ấy đều cần ô xi. Nhờ không khí ta thở, ô xi xuyên thấm vào phổi. Máu tiếp nhận ô xi và vận chuyển toàn bộ cơ thể. Ở những người hút thuốc lá, một số chất có thể ngăn cản phổi thực  hiện chức năng của nó. Bồ hóng và hắc ín của khói thuốc lá làm phỏi và các ống dẫn của nó đọng cáu ghét. Điều đó thường dẫn đến các bệnh đường họng và những cơn ho. Nếu những tế bào bị công kích, chúng sẽ phát triển nhan và điều đó cuối cùng có thể gây nên ung thư.". ( C. Luy-xác-đô và H. Pô-tơ-tê, Tiếng Pháp lớp ngũ hệ, NXB Ha-chi-ê, Paris,1988, tr.55).

- Sau khi nêu tác hại ghê gớm của khói thuốc lá đối với sức khỏe, cuối cùng, tác giả nêu lên một khía cạnh tác hại về mặt kinh tế và xã hội. Chỉ vì bệnh "viêm phế quản", chúng ta đã mất bao nhiêu ngày công lao động. Bên cạnh đó là vấn đề những thanh niên chưa đủ tiền mua thuốc, mà "đã hút thuốc là phải hút sang - chỉ có một cách đó là trộm cắp. Trộm một lần, quen tay." Từ những điều thuốc có thể gây hệ lụy cho xã hội và cho cả một thế hệ sau này.

b.Với những người không hút thuốc lá

- Tác giả đã nêu tác hại của thuốc lá đối với bản thân người hút và thuốc lá còn gây ra tác hại đối với cả những người không hề hút. Đây không phải điều mà ai cũng biết. Để làm nổi bật điều này, tác giả đã mở đầy bằng lời chống chế thường gặp ở những người hút thuốc: "Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi !". Bằng những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng sinh động và cả tình cảm nhiệt thành sôi nổi nữa, tác giả đã bác bỏ luận điệu đấy là sai: "Vợ con, những người làm việc cùng phòng với những người nghiện thuốc cũng bị nhiễm độc, cũng đau tim mạch, viêm phế quản, cũng bị ung thư.", " ... những cái thai trong bụng mẹ, chỉ vì có người hút thuốc ngồi cạnh mẹ mà thai bị nhiễm độc, rồi đẻ non, con sinh ra đã suy yếu.",...

=> Tóm lại, bản thân hút cũng làm những người xung quanh hút thuốc lá bị động theo; tự làm hại sức khỏe đồng thời làm hại sức khỏe bao nhiêu người khác và không chỉ làm hại sức khỏe người khác mà còn nêu gương xấu về mặt đạo đức.

@211518@@211572@

4. Lời kêu gọi chống thuốc lá 

- Để đi đến cảm nghĩ với lời bình: "Nghĩ đến mà kinh! Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này", tác giả đã so sánh tình hình hút thuốc lá ở Việt Nam với các nước Âu - Mĩ. Ta nghèo hơn các nước Âu  - Mĩ rất nhiều nhưng "xài" thuốc lá tương đương với các nước đó. Đó là điều không thể chấp nhận. Để chống tệ hút thuốc lá, các nước đó đã tiến hành những chiến dịch, thực hiện những biện pháp ngăn ngừa, hạn chế quyết liệt hơn ta. Đó là điều đáng để suy nghĩ.

- Sự so sánh vừa có tác dụng làm rõ hơn tính đúng đắn của những điều được thuyết minh ở các phần trên, vừa tạo đà thuận lợi, cơ sở vững chắc cho tác giả nêu lên lời phán xét cuối cùng.

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Liệt kê, so sánh, phân tích phân loại, nêu ví dụ.

- Lập luận chặt chẽ, lời văn ngắn gọn, thuyết phục.

2. Nội dung

Nạn nghiện thuốc lá dễ lây lan và gây những tổn thất to lớn cho sức khỏe và tính mạng con người; gây tác hại nhiều mặt với cuộc sống gia đình và xã hội. Bởi vậy, muốn chống lại nó, cần có quyết tâm cao hơn và biện pháp triệt để hơn là phòng chống ôn dịch.

@211640@