#Tham khảo
I. Mở bài
Giới thiệu tổng quát về cây lúa. Cây lúa gắn bó với đời sống Việt Nam từ xưa đến nay. Lúa là thức ăn nuôi dưỡng con người. Cây lúa phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Việt Nam có tên gọi là văn minh lúa nước.II. Thân bài
1. Khái quát
Cây lúa là cây trồng quan trọng của người dân Việt Nam. Là nhóm cây lương thực chính của người Việt Nam và các nước khác trên thế giới.2. Chi tiết.
a. Đặc điểm, hình dạng và kích thước của cây lúa.
Cây lúa sống chủ yếu nhờ nước nên được gọi là lúa nước. Không có nước, lúa không thể sống nổi. Thuộc loại cây một lá mầm và rễ chùm. Thân cây lúa thường mọc thẳng, được nối với nhau nhiều đốt và thân cây rỗng và mềm, có thể dùng tay bóp nát một cách dễ dàng. Thân cây lúa có chiều rộng từ 2-3 cm, chiều cao khoảng từ 60 – 80 cm. Lúa được chia thành ba bộ phận: Rễ: Nằm dưới đất có tác dụng hút dinh dưỡng nuôi cơ thể. Thân: Là cầu nối dinh dưỡng từ rễ lên ngọn. Ngọn: Đây là nơi bông lúa sinh trưởng và trở thành hạt lúa. Lúa chín có màu vàng và người nông dân gặt về làm thực phẩm.b. Cách trồng lúa:
Gieo giống: Hay còn được gọi là đi gieo, để cho cây lúa sinh trưởng tốt người xưa có quan niệm phải trải qua 4 giai đoạn: Nhất nước - > nhị phân - > tam cần - > tứ giống Nhất nước: Lúa sinh trưởng là nhờ vào nước, cho nên khi trồng lúa người nông dân phải chú trọng đến nước nhằm đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng tốt nhất. Nhị phân: Thứ hai là phân bón, ngày nay có rất nhiều phân bón hỗ trợ cho lúa, điều đó giúp cây lúa phát triển mạnh và tránh được các mầm bệnh trong cây. Nhưng phân cũng cần phải bón đúng loại, đúng lúc và đầy đủ. Tam cần: Đó là cần cù trong việc lao động, đưa các phương pháp tiến bộ kỹ thuật vào trồng lúa. Tứ giống: Một cây lúa khỏe mạnh, năng suất cao phụ thuộc nhiều vào giống, hiện nay có khá nhiều loại giống có sức đề kháng lại rầy, sâu nên được khá nhiều bà con lựa chọn. Cấy lúa: Ngày xưa việc gieo mạ bằng tay nên lúa mọc không đều, khi cây lúa cao khoảng 20 cm. Người nông dân tiếp tục ra đồng để cấy lại lúa cho thật thẳng, đều để giúp cây phát triển tốt hơn. Nhưng ngày nay, việc gieo lúa bằng máy nên người nông dân đỡ vất vả. Cây lúa ngay từ khi gieo đã thẳng hàng nên người nông dân không cần đi cấy lúa như ngày xưa. Chăm sóc lúa: Trong suốt thời gian cây lúa sinh trưởng, hàng tuần người nông dân phải ra đồng chăm lúa và lấy nước. Việc thăm lúa giúp người nông dân phát hiện ra các ổ sâu, chuột hại lúa. Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, người nông dân phải làm cỏ, bón phân và diệt sâu bỏ nhằm giúp cây lúa phát triển tốt hơn. Gặt lúa: khi cánh đồng bắt đầu ngả màu vàng, người nông dân từng tốp ra đồng để thu thành quả sau một thời gian lao động. Ngày trước người nông dân thu hoạt lúa bằng tay, điều đó khiến cho bà con tốn kém và vất vả. Vì sau khi gặt, người nông dân đem về và phải tuốt lúa, phơi. Nhưng ngày nay việc thu hoạch lúa bằng máy, lúa được tuốt ngay ngoài đồng nên bà con đỡ vất vả hơn ngày trước. Sau khi gặt lúa: Để tiếp tục cho các vụ tiếp theo, người nông dân lại ra đồng cày, bừa cho đất thật phẳng để tiếp tục gieo.c. Vai trò của cây lúa.
Sau khi xay lúa, người ta dùng gạo để ăn: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại gạo như: gạo thơm, gạo B40, gạo 504, gạo Xuân Mai, gạo tẻ, gạo nếp. Lúa được dùng để chế tạo các loại bánh như: Bánh đa, bánh đúc, bánh giò, bánh tẻ, bánh phở… Lúa là thực phẩm chính của người dân không chỉ tại Việt Nam mà còn các nước khác trên thế giới. Lúa non được dùng để làm cốm. Sau khi xay hạt lúa, lúa được tách ra thành 2 loại đó là: Gạo và trấu. Gạo dùng để ăn. Trấu dùng để làm phân bón cho cây cối, làm nguyên liệu đốt hoặc thậm chí làm ổ cho già, vịt nằm trong mùa lạnh. Thân lúa sau khi lấy hạt được gọi là rơm: Rơm được phơi khô và chất thành đống để dự trự. Rơm được dùng để làm thức ăn cho gia súc, làm nguyên liệu đốt và dùng để gia súc nằm khi trời lạnh. Tóc: Cái này hơi khó hiểu cho những bạn chưa biết nhiều về lúa. Ngày xưa, người nông dân gặt lúa tận góc, sau đó lấy hạt. Thứ còn lại là thân cây lúa, người nông dân cận thận phơi thân cây đó thật khô và đan lại với nhau thành những tấm lớn dùng để lợp nhà.d. Thành tựu
Ngày nay, Việt Nam đã lai tạo hơn 30 loại giống lúa khác nhau và được công nhận là giống lúa quốc gia. Từ một nước nghèo đói, lạc hậu. Việt Nam nay là nước thứ 2 xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan.III. Kết bài.
Cây lúa vô cùng quan trọng đối với người dân Việt Nam. Lúa không chỉ đem lại cuộc sống no đủ, mà nó còn mang đến cho người dân Việt Nam một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần mà không có một thứ gì có thể thay thế được.Bài làm
Nhắc tới Việt Nam, người ta thường nghĩ tới những danh lam thắng cảnh như vịnh Hạ Long, hồ Hoàn Kiếm với truyền thuyết trả gươm thần hay những món hàng đặc trưng như lụa tơ tằm, nón Bài thơ. Nhưng đặc biệt, điều mà du khách nước ngoài tới Việt Nam cảm thấy thú vị hơn cả là thú vui ẩm thực: phở, bún chả, hay bánh chưng, bánh giầy vào dịp Tết. Dễ dàng nhận ra rằng những món ăn đó được làm từ gạo. Thứ hạt trắng đó là sản phẩm của cây lúa – một loại cây không thể thiếu trong đời sống con người Việt Nam.
Để có được cây lúa, những người nông dân đã vất vả lao động từng ngày: từ gieo mạ, cấy mạ rồi chăm sóc, vun xới cho cây. Lúa được trồng ở những vùng đồng bằng châu thổ, nơi có phù sa bồi đắp. Cũng như đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long là một vựa lúa lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ có ở đồng bằng, cây lúa còn được trồng trên vùng cao với những ruộng bậc thang xanh mướt. Lúa thích nghi đặc biệt với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam theo hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Phần lớn những người nông dân còn phụ thuộc vào cây lúa. Đây là một hình thức sản xuất nông nghiệp phổ biến và dễ thấy ở Việt Nam. Cây lúa đã đưa Việt Nam từ nước đói kém sau chiến tranh thành một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đứng thứ hai trên thế giới. Mặc dù là cây nông nghiệp nhưng không thể thiếu những cây đó trong đời sống người Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao cây lúa lại có một vai trò quan trọng trong đời sống Việt Nam đến như vậy? Có thể thấy rằng, từ khi sinh ra, con người đã gắn bó với cây lúa và hạt gạo. Cây lúa không những là cây nông nghiệp mà còn là một loại cây lương thực cung cấp thực phẩm chủ yếu cho con người. Đôi khi người ta thấy rằng con người ăn cơm lâu, muốn thay đổi hương vị, đã tìm đến những quán phở, hàng bún. Đó là một cách thay đổi khẩu vị hay đúng hơn là gạo đã dược biến tấu bằng một cách chế biến khác. Hay ở những vùng thôn quê, thậm chí là ở thành thị, người ta vẫn thường quen với tiếng rao quà: Ai bánh chưng, bánh nếp, bánh giầy, bánh khoai nào!
Thật quen thuộc mà cũng rất giản dị. Những thứ bánh thơm dẻo đó cũng được làm ra từ hạt gạo. Đặc biệt hơn là gạo nếp. Lúa làm ra gạo. Cũng thật độc đáo, gạo lại được chế biến thành muôn kiểu món ăn, phục vụ cho nhu cầu ăn uống của người dân Việt Nam.
Chúng ta biết rằng, khi lúa chín trĩu bông, người ta gặt về, đem tuốt lúa. Và sau đó có được gạo và một thứ vỏ ngoài màu vàng nhạt. Đó chính là vỏ trấu. Bước chân đi tới những miền quê Việt Nam ngày nay vẫn còn thấy những gian bếp nhỏ đun vỏ trấu, vỏ trấu cũng rất hữu dụng trong việc làm thức ăn cho gia cầm và dùng trong lò ấp trứng. Phần cây lúa sau khi đã gặt xong không phải là thừa. Nó được phơi khô, chất thành những đống rơm cao ngất. Rơm cũng được dùng làm chất đốt ở những vùng nông thôn. Ngoài ra, rơm còn được dùng để trồng nấm làm thực phẩm cho người dân Việt Nam. Đặc biệt, người ta còn dùng rơm để lợp mái nhà, rất tiện dụng và tiết kiệm.
Như vậy, cây lúa đã trở thành một loại cây gắn bó thân thiết với người dân Việt Nam: trong lao động sản xuất, trong đời sống, nhất là những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Không những vậy, cây lúa còn mang một giá trị văn hoá tinh thần sâu sắc.
Giữ một vị trí quan trọng như vậy nên khi nhắc tới Việt Nam, người ta nhắc tới một nền văn minh lúa nước. Cây lúa đã đi vào lịch sử dân tộc của Việt Nam, trở thành một đặc trưng cho văn hoá Việt. Một nét đặc trưng mà có lẽ khó có thể mất đi hay phai mờ. Cây lúa đã đứng lên, đã hội nhập quốc tế bằng chính chất và lượng của nó. Người ta đã biết tới một Việt Nam không chỉ là một nước anh dũng kiên cường trong đấu tranh mà còn là một dân tộc kiên trì cần mẫn trong lao động sản xuất. Và giờ đây họ nhìn vào con số gạo xuất khẩu: hàng triệu tấn một năm của Việt Nam để đánh giá và đưa ra nhận xét. Không những thế, cây lúa còn giữ một vai trò không thể thiếu trong những lễ vật dâng lên tổ tiên. Những món ăn thơm thảo đó thể hiện rất rõ nét ẩm thực cũng như tính cách của người Việt. Nó thể hiện sự hiếu lễ kính trọng của con cháu đối với những người đi trước. Đặc biệt là trong những dịp Tết Nguyên Đán, những chiếc bánh chưng, bánh giầy không báo giờ thiếu trên mâm cỗ của từng nhà. Trung thu với bánh dẻo, bánh nướng làm cho đêm đón trăng của trẻ em càng thêm rộn ràng… Từ cây lúa, những thức quà ngon đã được làm ra ngày càng gắn bó, thân thiết với người dân Việt Nam.
Cây lúa là biểu tượng Việt Nam, là loại cây không thể thiếu trong đời sống văn hoá Việt, cả ẩm thực và lễ hội. Có lẽ vì vậy, cây lúa cũng đã trở thành đề tài sáng tác cho nhiều nhà thơ, nhà văn. Trần Đăng Khoa đã có một bài thơ được phổ nhạc thành bài hát (Hạt gạo làng ta):
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hổ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi hôm nay…
Trần Đăng Khoa đã rất tinh tế khi viết về hạt gạo trắng thơm. Để có lúa, có gạo là công sức của biết bao con người, là sự hoà quyện của biết bao hương vị: vị phù sa, hương sen thơm, lời mẹ hát… Những lời ca trong trẻo của bài hát ấy cứ ngân lên, thể hiện tính cách của con người Việt Nam: tuy sống vất vả nhưng cần mẫn với lúa gạo.
Và hơn thế, cây lúa còn làm tăng vẻ đẹp quê hương đất nước:
Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông.
Câu ca dao đã khắc hoạ một Việt Nam tươi đẹp và đầy sức sống với màu xanh mênh mông bát ngát của lúa. Những đồng lúa thẳng cánh cò bay đã in sâu trong tâm trí của những người con xa quê.
Cây lúa vốn đã thân thiết nay càng gắn bó hơn. Có thể nói rằng nó không thể thiếu trong đời sống con người Việt Nam, cả về vật chất cũng như tinh thần. Nó làm con người thoải mái và vui vẻ hơn sau ngày lao động mệt nhọc với bát cơm thơm thảo. Mỗi khi bưng bát cơm thơm, được nấu từ những hạt gạo trắng ngần, lòng ta lại bâng khuâng nghĩ đến quê hương, nghĩ đến những con người đã từng đổ mồ hôi, sôi nước mắt để làm ra hạt gạo.
Nếu được chọn lựa, có lẽ tất cả chúng ta sẽ vẫn chọn cây lúa là cây lương thực chính, là biểu tượng của nền văn minh, văn hoá cho vẻ đẹp Việt Nam.
Tham khảo:
Việt Nam được thế giới biết đến là một đất nước với một nền nông nghiệp lâu đời, phát triển từ rất sớm. Do vậy, từ lâu cây lúa đã xuất hiện và trở thành lương thực chính trong đời sống của người Việt.
Cây lúa có mặt ở Việt Nam và trên thế giới từ bao giờ vẫn còn là một câu hỏi lớn. Không ai biết được chính xác, cụ thể thời gian và không gian. Có lẽ chúng xuất hiện cùng với những ngày đầu con người biết đến trồng trọt.
Lúa là một trong số cây lương thực chính của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Trên chặng hành trình trải dài từ miền Bắc vào đến trong Nam, không có nơi đâu là thiếu vắng hình ảnh những cánh đồng lúa mênh mông trải dài vô tận. Có rất nhiều các loại giống lúa khác nhau phù hợp với đặc điểm khí hậu và địa hình của mỗi vùng miền như: Nếp 97, xi, quy…Tuy khác nhau về giống nhưng chúng đều có chung đặc điểm. Lúa thuộc họ cây thân mềm, rễ chùm, dài. Thân lúa thường mọc thẳng. Lá lúa dài như lưỡi kiếm, mặt lá nhám. Khi còn non thì mang màu xanh mỡ màng, lúc chín, lá lúa khoác trên mình chiếc áo vàng óng ả, cùng với hương thơm ngào ngạt của bông lúa chín tạo nên một nét vẽ thôn quê bình yên đến lạ, mang đậm hồn dân tộc. Bông lúa nằm phía ngọn cây, mọc thành từng chùm, sau sinh trưởng và thành hạt lúa. Hạt lúa được người nông dân xay xát và trở thành hạt gạo. Cây lúa là loại cây chủ yếu sống dưới nước. Nếu thiếu nước, lúa không thể phát triển bình thường được.
Quá trình sinh trưởng của lúa chia làm 3 thời kỳ. Khi mới cấy, cây lúa còn là những cây mạ trưởng thành. Người nông dân tiến hành nhổ cấy trên các thửa ruộng. Những ngày đầu, lúa phát triển có hơi chậm chắc vì còn chưa quen thuộc với môi trường sống. Thân cây lúc đó mảnh mai và yếu ớt, dài khoảng 20cm, với 4, 5 chiếc lá nhỏ xanh non. Khoảng thời gian sau đó, ước chừng một tháng, lúa đã trưởng thành và được người dân yêu quý gọi với cái tên lúa đang trong thời con gái vì đây là giai đoạn mà cây lúa phát triển nhất: Đẻ nhánh và làm đòng. Chiều cao của chúng bây giờ đã khoảng 50-60cm với nhiều lá xanh đậm sắc, dài ôm chặt lấy thân. Bên trong là những chiếc đòng trắng ngần, tinh khiết. Cuối cùng là thời kỳ lúa trổ bông và làm mẩy. Đây là giai đoạn cây lúa vươn cao nhất, khoảng 80-100cm, thân cây cứng cáp. Mỗi cây lúa cho một bông, chừng 200 hạt, mỗi hạt là một bông hoa. Thời kỳ trổ bông, lúa giữ gìn từng cánh hoa, thơm phức rồi nhờ gió thụ phấn cho nhau. Khoảng một tuần sau, lúa làm mẩy và chín dần. Những bông lúa trĩu nặng, vàng ươm dưới ánh mặt trời khiến cánh đồng quê trở nên đẹp lung linh như dát vàng. Lúc đấy, lúa đã sẵn sàng chờ con người đến cắt mang về.
Để trồng ra những hạt gạo trắng ngần, dẻo thơm, người nông dân luôn phải tần tảo một nắng, hai sương, không quản ngại khó nhọc, tỉ mỉ ở mỗi một công đoạn: Từ khi chọn giống lúa sao cho đạt tiêu chuẩn, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, chuẩn bị đất: Dọn cỏ, trục bùn cho đến gieo mạ, bón phân, quản lý và điều chỉnh lượng nước cho thích hợp với từng giai đoạn phát triển của lúa, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh hại. Khi lúa trổ bông rồi đến kỳ thu hoạch, người dân lại lam lũ ra đồng cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô, xát gạo. Chừng ấy công đoạn, chừng ấy nỗi vất vả, tảo tần, kể làm sao cho hết!
Lúa tuy nhỏ bé nhưng có rất nhiều công dụng. Hạt gạo được coi là nguồn lương thực chính của người nông dân, một thứ không thể thiếu trong mâm cơm mỗi gia đình Việt, từ giản đơn đến sang trọng. Thân lúa ngày xưa thường được phơi cho khô để lợp nhà, bện chổi, làm chất đốt. Rơm còn là thức ăn chính của trâu, bò trong những ngày mùa đông giá rét. Người ta đôi khi còn dùng thân cây để ủ phân, cấy nấm. Hạt gạo qua chế biến còn trở thành những món ăn ngon lạ miệng. Hạt nếp xay thành bột để làm nên những loại bánh thơm ngon, hấp dẫn như bánh trôi, bánh tét, bánh giò…Bột gạo còn làm thành bánh phở, mỳ chũ. Nếp non làm nên thứ cốm dẻo thơm phảng phất dư vị nồng nàn của Hà Nội xưa cũ. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu lúa gạo ra thị trường quốc tế giúp làm tăng thu nhập của nền kinh tế quốc dân. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành đất nước xuất khẩu gạo lớn, đứng thứ 2 trên toàn thế giới, chỉ sau Thái Lan.
Người dân ta vẫn thường nói với nhau rằng: “Hạt lúa là hạt vàng”. Cây lúa không chỉ là nguồn lương thực nuôi sống con người mỗi ngày mà còn in dấu vẻ đẹp bình dị của hồn quê, vẻ đẹp tảo tần của con người, góp phần làm giàu đẹp cho quê hương Việt Nam yêu dấu.
I) Mở bài:
Từ bao đời nay, cây lúa đã gắn bó và là một phần không thể thiếc của con người Việt Nam Cây lúa đồng thời cũng trở thành tên gọi của một nền văn minh – nền văn minh lúa nước.II) Thân bài:
1. Khái quát:
Cây lúa là cây trồng quan trọng nhất thuộc nhóm ngũ cốc. Là cây lương thực chính của người dân Việt Nam nói chung và của Châu Á nói riêng.2. Chi tiết:
a. Đặc điểm, hình dạng, kích thước:
Lúa là cây có một lá mầm, rễ chùm. Lá bao quanh thân, có phiến dài và mỏng. Có 2 vụ lúa: Chiêm, mùa.b. Cách trồng lúa: Phải trải qua nhiều giai đoạn:
Từ hạt thóc nảy mầm thành cây mạ. Rồi nhổ cây mạ cấy xuống ruộng Ruộng phải cày bừa, làm đất, bón phân. Ruộng phải sâm sấp nước. Khi lúa đẻ nhánh thành từng bụi phải làm có, bón phân, diệt sâu bọ. Người nông dân cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô, xay xát thành hạt gạo…c. Vai trò của cây lúa và hạt gạo:
Vấn đề chính của trồng cây lúa là cho hạt lúa, hạt gạo. Có nhiều loại gạo: Gạo tẻ, gạo nếp (dùng làm bánh chưng, bánh dày)…- Gạo nếp dùng làm bánh chưng, bánh dày hay đồ các loại xôi.
- Lúa nếp non dùng để làm cốm.
Lúa gạo làm được rất nhiều các loại bành như: Bánh đa, bánh đúc, bánh giò, bánh tẻ, bánh phở, cháo,… Nếu không có cây lúa thì rất khó khăn trong việc tạo nên nền văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam.d. Tác dụng:
Ngày nay, nước ta đã lai tạo được hơn 30 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia. Việt Nam từ một nước đói nghèo đã trở thành một nước đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan về sản xuất gạo. Cây lúa đã đi vào thơ ca nhạc họa và đời sống tâm hồn của người Việt NamIII) Kết bài:
Cây lúa vô cùng quan trọng đối với đời sống người Việt Cây lúa không chỉ mang lại đời sống no đủ mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
Tham khảo:
Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó thân thiết với con người, làng quê Việt Nam. Bằng hạt gạo – hạt ngọc trời ban cho, Lang Liêu đã làm nên bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời và đất – để kính dâng vua Hùng. Chính vì thế, cây lúa nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt. Hình ảnh của cây lúa và người nông dân đã trở thành những mảnh màu không thể thiếu trong bức tranh của làng quê Việt Nam bây giờ và mãi mãi về sau.
Lúa là một thực vật quý giá, là cây trồng quan trọng nhất trong nhóm ngũ cốc, là cây lương thực chính của người Việt Nam nói riêng và người dân Châu Á nói chung. Lúa thuộc loài thân thảo. Thân cây lúa tròn chia thành từng lóng và mắt. Lóng thường rỗng ruột, chỉ có phần mắt là đặc. Lá lúa có phiến dài và mỏng,mọc bao quanh thân, mặt lá nhám, gân lá chạy song song. Tùy thời kì sinh trưởng, phát triền mà lá lúa có màu khác nhau. Khi lúa chín ngả sang màu vàng. Rễ của cây lúa không dài lắm, thường mọc với nhau thành chùm bám chặt vào bùn để giữ cho thân lúa thẳng đồng thời hút dưỡng chất nuôi thân cây. Hoa lúa nhỏ nhắn, mọc thành nhiều chùm dài. Điều đặc biệt của cây lúa mà ít ai để ý đến. Hoa lúa cũng chính là quả lúa đồng thời trở thành hạt lúa sau này. Hoa lúa không có cánh hoa, chỉ có những vảy nhỏ bao bọc lấy nhuỵ ở bên trong. Lúc hoa lúa nở, đầu nhuỵ thò ra ngoài, có một chùm lông để quét hạt phấn. Hoa lúa tự thụ phấn rồi biến thành quả. Chất tinh bột trong quả khô đặc lại dần và biến thành hạt lúa chín vàng.
Trước đây, người Việt chỉ có hai vụ lúa: chiêm và mùa. Ngày nay, khoa học phát triển, mỗi năm có nhiều vụ nối tiếp nhau. Trồng lúa phải qua nhiều giai đoạn: từ hạt thóc nảy mầm thành cây mạ; rồi nhổ cây mạ cấy xuống ruộng. Ruộng phải cày bừa, làm đất, bón phân. Ruộng phải sâm sấp nước. Khi lúa đẻ nhánh thành từng bụi (đang thì con gái) lại phải làm cỏ, bón phân, diệt sâu bọ. Rồi lúa làm đòng, trổ bông rồi hạt lúa chắc hạt, chín vàng. Người nông dân cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô, xay xát thành hạt gạo... Biết bao công sức của nhà nông để có hạt gạo nuôi sống con người.
Hạt gạo có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống vật chất của chúng ta. Hạt gạo cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu, rất cần thiết cho cơ thể con người. Ngoài việc nuôi sống con người, hạt lúa, hạt gạo còn gắn bó với đời sống tinh thần của người Việt. Có nhiều loại gạo: gạo tẻ, gạo nếp... Gạo nếp dùng làm bánh chưng, bánh giầy là hai loại bánh truyền thống của con người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Bánh chưng, bánh giầy còn gắn liền với Lang Liêu thời vua Hùng dựng nước. Lúa nếp non còn dùng để làm cốm - một thức quà thanh lịch của người Hà Nội. Gạo nếp dùng để đồ các loại xôi – một món đồ lễ không thể thiếu trên bàn thờ của người Việt Nam trong ngày Tết và ngày cúng giỗ tổ tiên. Đồng thời xôi cũng là thức quà quen thuộc hằng ngày. Từ lúa gạo, người Việt còn làm rất nhiều loại bánh như: bánh đa, bánh đúc, bánh giò, bánh tẻ, bánh nếp, bánh phở, cháo... Nếu không có gạo, thật là khó khăn trong việc tạo nên nền văn hóa ẩm thực mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ngày nay, nước ta đã lai tạo được gần 30 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia. Việt Nam từ một nước đói nghèo đã trở thành một nước đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan về xuất khẩu gạo.
Tóm lại, cây lúa có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế nước nhà chủ yếu còn dựa vào nông nghiệp. Cây lúa bao đời là bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Mãi mãi vẫn còn nghe mọi người nhắc nhau những vần điệu ca dao thấp thoáng bóng hình con trâu và cây lúa:
"Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn".