Bài viết số 5 - Văn lớp 10

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Thanh Hằng

Thuyết minh về di tích lịch sử đền Sóc

Thuyết minh về ngày tết cổ truyền

Sách Giáo Khoa
27 tháng 1 2020 lúc 15:31
Quần thể di tích Đền Sóc trải từ chân núi lên đến đỉnh núi Vệ Linh, nằm trong địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Đền thờ Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Nằm cách thủ đô Hà Nội 40km về phía Tây Bắc, Sóc Sơn là vùng đất gắn liền với truyền thuyết về cậu bé Gióng huyền thoại, lên ba tuổi mà vẫn chưa biết nói biết cười rồi bỗng vụt lớn thành tráng sỹ đánh đuổi giặc bảo vệ quê hương làng xóm. Tương truyền, chân núi Sóc là nơi Thánh Gióng sau khi đánh đuổi quân xâm lược khỏi bờ cõi nước Nam, đã để lại áo giáp sắt ở lưng chừng núi trước khi bay về trời.

Nói đến kiến trúc của đền Sóc phải kể tới 4 ngôi đền nằm ẩn mình dưới chân núi Vệ Linh. Từ ngoài cổng bước vào là đền Trình, tiếp đến là đền Mẫu, chùa Đại Bi và đền Thượng. Ngoài ra, trên đỉnh núi Vệ Linh còn có nhà bia đã tồn tại hàng trăm năm. Nếu các nhà bia thường gặp trong đình chùa thường quét vôi thì nhà bia này được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến. Phần thân nhà vững chãi gắn liền với đỉnh hình chóp nón, trông tựa như một chiếc mũ sắt của Đức Thánh Gióng năm xưa. Vì mỗi công trình không nằm gần nhau nên du khách phải đi qua những hàng cây, tán lá cổ thụ mới thấy được hình dáng của ngôi đền hoặc chùa tiếp theo.

Đền Trình mở đầu cho một thế giới linh thiêng bằng những gốc đa xù xì, với những pho tượng cổ và thoang thoảng mùi hương. Đặc biệt trên gác đền có viền tường chạy theo hình bậc thang, lượn sóng với những họa tiết cầu kỳ, đẹp mắt. Đi mấy bước qua con đường lát gạch hai bên là chùa Đại Bi. Ngôi chùa nhỏ có lối kiến trúc độc đáo từ mái vòm uốn cong hai đầu, đến những cánh cửa còn nguyên màu sơn son. Bên trong đền được trang trí bởi hoành phi, câu đối đẹp lộng lẫy và uy nghiêm. Đối diện với chùa Đại Bi là đền Mẫu thanh tịnh, nghi ngút khói hương. Phía sau bức tường đền được phủ bởi những lớp đá cuội lồi lõm, gợi cảm giác huyền bí, cổ xưa.

Tâm điểm của cụm di tích này là Đền Sóc (còn gọi là Đền Thượng), nơi thờ đức Thánh Gióng. Đền Sóc nằm trong một vùng rừng núi bao la, bốn mùa cây cối xanh tươi với những khóm tre ngà vàng óng, tương truyền được người tráng sỹ xưa kia dùng làm vũ khí đánh đuổi kẻ thù. Đền được xây dựng từ năm 980, thời Tiền Lê (980 - 1009) đến nay đã trải qua 13 lần trùng tu, lần gần nhất diễn ra năm 1992 nhưng vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc, quy mô, vị trí của các công trình. Đền Sóc có quy mô đồ sộ, kiến trúc theo kiểu chuôi vồ. Bên ngoài ngôi đền gồm 5 gian hai chái, phía trong là hậu cung. Ngôi đền có cách bài trí sắp xếp mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, tạo ra sự linh thiêng nơi thờ cúng thần linh. Trong đền còn có đôi ngựa gỗ tượng trưng cho ngựa sắt năm xưa Đức Thánh cưỡi để dẹp giặc Ân.

Đến Đền Sóc, du khách còn có thể tham quan tượng Thánh Gióng. Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất, nặng 85 tấn, vươn chéo lên trời với độ dài 16m, đặt trên đỉnh núi Đá Chồng - đỉnh cao nhất của khu di tích, nơi cậu bé Gióng đã cởi giáp, vẫy chào quê hương, thăng thiên hoá thánh.
Khách vãng lai đã xóa
Sách Giáo Khoa
27 tháng 1 2020 lúc 15:32

Trong tất cả các ngày lễ Tết, Tết nguyên đán được coi là ngày Tết quan trọng và đặc biệt nhất của người dân Việt Nam. Dù ngày Tết có bận rộn, có nhiều thứ để lo toan đến đâu thì người Việt cứ mỗi hàng năm đều mong Tết đến. Trải qua hàng ngàn năm, cuộc sống đã có bao điều biến đổi, những phong tục, tập quán cũng đổi thay quá nhiều nhưng những phong tục đón Tết truyền thống của người Việt vẫn được lưu giữ không hề biến mất.

Tiễn ông Công, ông Táo về trời. Theo tâm linh của người Việt, có 3 vị thần cai quản việc bếp núc hay còn gọi là 3 ông đầu rau cai quản mọi chuyện trong nhà. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người Việt ta có lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời để báo cáo cho Ngọc Hoàng biết chuyện làm ăn của gia đình trong năm đó. Chạp ông Công, ông Táo là sự kiện đầu tiên báo hiệu cho một cái Tết đã đến thật gần.

Ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Táo, nhà nhà đều phải chuẩn bị lễ vật như hoa quả, mũ áo, vàng mã bằng giấy, cá chép còn sống với qua niệm rằng cá chép sẽ vượt vũ môn, hóa thành rồng để đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời. Tiễn ông Táo đi hôm 23, đến ngày 29 hoặc 30 Tết người ta cũng không quên mời ông Táo về trước Giao thừa, để ông lại tiếp tục công việc cai quản công việc trong nhà.

Phong tục đoàn viên, sum họp trong dịp Tết. Ngày thường mải miết làm ăn, các thành viên trong gia đình thường không có mặt đông đủ. Chỉ có riêng dịp Tết cả gia đình mới có dịp quây quần, đoàn tụ bên nhau để tâm sự, sẻ chia những buồn vui trong suốt một năm qua.

Tết là sự trở về, Tết là sum họp, Tết là đoàn viên. Suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, để ai dù có đi xa đến đâu, có ở trong nước hay ngoài nước thì cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là cũng cố gắng trở về bên gia đình, để đón Tết cùng với ông bà, cha mẹ, anh em mình. Trở về để thấy mình không bị bơ vơ, lạc lõng giữa những tấp nập của dòng đời. Trở về để cùng ăn với nhau bữa cơm đoàn tụ, để tỏ lòng thành kính tổ tiên, ông bà, để gìn giữ truyền thống uống nước phải nhớ nguồn của dân tộc.

Phong tục gói bánh chưng, bánh Tét

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

Từ thời vua Hùng dựng nước đến nay, đã qua lịch sử hơn 4 ngàn năm dựng nước, cũng qua bốn ngàn năm dân tộc Việt lưu truyền tục gói bánh chưng, vào dịp Tết. Sau này, miền đất phía Nam được mở rộng ra, người dân nơi đây lại có tục gói bánh Tét, nguyên liệu cũng chẳng khác gì bánh chưng nhưng hình dáng thì dài hình trụ chứ không vuông giống bánh chưng.

Chiếc bánh chưng, bánh tét xanh được làm nên từ những vật phẩm thân quen của nền văn minh lúa nước như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, lá chuối, lạt giang… Ở khắp mọi nhà, trên mọi miền quê của đất Việt, dù là giàu sang hay nghèo khó, thiếu thốn hay đủ đầy, đô thị hay nông thôn thì cứ đến Tết là có bánh chưng, bánh Tét trong nhà.

Bên nồi bánh chưng đang đỏ lửa, ông bà cha mẹ kể cho con cháu nghe về truyền thuyết Lang Liêu gói bánh chưng bánh giày dâng vua Hùng, kể về truyền thống gia đình, về ân đức tổ tiên, qua đó mà giáo dục con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn, về lễ hiếu và cách gìn giữ trân trọng truyền thống.

Gói bánh chưng cũng cần sự tỉ mỉ và khéo léo, làm sao để chiếc bánh chưng vuông vắn, chiếc bánh tét được tròn đầy, để dâng cúng tổ tiên được chiếc bánh đẹp nhất. Cùng với bánh cặp bánh chưng hay đôi đòn bánh tét, trên bàn thờ tiên tổ còn bày biện nào mâm ngũ quả (mỗi miền 5 loại quả khác nhau), nào bánh mứt, nào hoa tươi, rượu,… Tất cả tạo nên một Tết Việt rất đậm đà, rất riêng biệt, không hề giống với bất cứ một đất nước nào.

Tục xông đất (hay xông nhà). Theo quan niệm dân gian của người Việt, một năm mới bắt đầu từ mồng Một Tết, nếu ngày mồng Một mà mọi việc suôn sẻ, thuận lợi, may mắn thì cả năm cũng được tốt lành, thuận lợi. Chính vì thế mà người khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm cũng rất quan trọng.

Gia đình thường để ý những người thân, họ hàng, bạn bè mình có ai có tuổi “tam hợp” với gia chủ hoặc là người có tính tình cởi mở, vui vẻ, rộng rãi, làm ăn phát đạt để nhờ xông đất đầu năm. Chính vì thế mà người được nhờ xông đất cũng cảm thấy được vui vẻ, tự hào.

Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm. Ngày mồng Một Tết, các thành viên trong gia đình thường sum vầy, tụ họp đầy đủ tại nhà ông bà, cha mẹ để làm lễ cúng lạy tổ tiên, mừng tuổi các cụ cao niên và con trẻ. Người ta chúc nhau những điều may mắn, tốt lành nhất sẽ đến trong năm mới, chúc cho ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi, như cây cao bóng cả tỏa bóng mát che chở cho con cháu. Người lớn thì mừng tuổi cho trẻ em những phong bao lì xì đỏ tươi cùng những lời chúc để ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn…

Xuất hành, du xuân đầu năm.

Người ta quan niệm rằng hướng đi đầu tiên trong năm cũng rất quan trọng, hướng đi này sẽ ảnh hưởng tới tương lai của người đó trong cả năm sắp tới. Người ta thường xem sách vở, học những kinh nghiệm dân gian rồi xem sách lịch để chọn ra hướng xuất hành cho mình để năm mới mọi việc được may mắn, thuận lợi nhất.

Sau những giây phút đoàn tụ ấm cúng bên gia đình, dịp Tết người ta thường xuất hành đi lễ chùa, đi tới những danh lam thắng cảnh để cầu bình an, cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn cho một năm mới.

Khắp ba miền Bắc Trung Nam ở nước ta, đâu đâu cũng có những di tích, những đền, đài, chùa miếu, những danh lam thắng cảnh để du xuân. Đến đó, người ta thường cầu mong cho gia đình yên ấm, được dồi dào sức khỏe, năm mới làm ăn phát đạt, thành công.

Ngày nay, những chuyến du xuân xa hơn, nhiều hơn và phổ biến hơn khi biến thành những chuyến du lịch trong và ngoài nước. Người ta không chỉ đi đến những thắng cảnh, di tích ở quê hương mình mà còn đến những vùng đất mới để tham gia những lễ hội, khám phá nét đẹp trong phong tục tập quán và chiêm ngưỡng cảnh đẹp của thiên nhiên…

Trải qua ngàn đời, Tết Việt vẫn giữ được hồn riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất, đủ đầy nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa xuân về, mỗi dịp Tết đến là mỗi lần truyền thống được khơi dậy, tôn vinh và lan tỏa tới tất cả mọi thế hệ cũng là dịp tuyệt vời nhất để phong tục Việt được lưu truyền cho tới mãi mai sau.

Khách vãng lai đã xóa
Nguyen
27 tháng 1 2020 lúc 15:39

Nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, cách trung tâm Hà Nội 35km về phía Bắc, khu di tích đền Sóc dưới chân núi Vệ Linh là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được Bộ VHTT xếp hạng từ năm 1962. Nơi đây tương truyền còn in đậm dấu vó ngựa sắt của vị anh hùng thánh Gióng, nhân vật đầy tính huyền thoại tượng trưng cho tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc.

Đền Sóc

Khu đền thờ thánh Gióng được xây dựng từ hơn nghìn năm trước với nhiều công trình lớn như đền Hạ, đền Mẫu, đền Thượng, nhà bia và văn bia, chùa Đại Bi, khu vực hành lễ và tiếp khách. Đền Hạ hay đền Trình thờ một tượng sơn thần bằng đồng nặng 7 tấn trong thế ngồi, hai tay đặt ở đầu gối, nét mặt uy nghi, oai vệ. Tương truyền đó là thần Nứa, vị thần đã cho phép thánh Gióng chọn nơi đây để bay về trời nên nhân dân tôn xưng ông là “Thánh Thần Vương”, danh hiệu này được khắc ở trên đỉnh mũ bức tượng.

Qua đền Hạ, du khách đến thăm đền Mẫu, nơi thờ mẹ thánh Gióng. Ngôi đền tuy nhỏ nhưng cũng thật xinh xắn với những nét chạm trổ tinh xảo. Trước cổng đền có dòng chữ “Phù Đổng danh truyền Thiên Thượng Mẫu”. Trong đền, tượng Mẫu với nét mặt hiền từ khoan dung được sơn son thếp vàng; bên ngoài còn có giếng Mẫu với màu nước trong xanh.

Đường lên đỉnh Vệ Linh

Từ đền Mẫu đến đền Thượng, con đường trải nhựa sạch đẹp, điểm xuyết hai bên là những tượng đá nhỏ khắc hình ngựa, hươu, nai… với dáng vẻ thanh thoát. Đặc biệt nơi đây còn những cây thông đã hàng trăm năm tuổi, những cây cổ thụ um tùm với tàn rộng trước cổng đền làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính của ngôi đền.

Đền Thượng thờ Đức Thánh Gióng gồm nhà Đại bái và Hậu cung. Nhà Đại bái được trang trí đẹp, bày biện đồ tế lễ, nhiều câu đối, lọng vàng, lọng tía và đôi hạc chân có đường nét hoa văn tinh xảo. Hậu cung thờ thánh Gióng là một bức tượng khá lớn bằng gỗ trầm hương, khoác áo bào đỏ, khuôn mặt phương phi, quả cảm. Bên cạnh còn có 6 vị thần đã có công giúp ông đánh thắng giặc, gìn giữ đất nước.

Đỉnh Vệ Linh, nơi Thánh Gióng bay về trời

Hội Gióng Sóc Sơn được tổ chức hàng năm vào mồng 6 tháng Giêng, là dịp để khách thập phương trẩy hội đầu năm, dâng hương tưởng nhớ thánh Gióng – vị anh hùng thần thoại. Không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội với sự góp mặt của 54 tổng, 124 xã với nhiều lễ, hội như lễ rước voi, tiễn ngà voi, tiễn hoa tre, khiển tướng… Du khách đi dự lễ hội trở về thế nào cũng phải có trong tay những túm hoa tre nhuộm phẩm xanh, phẩm đỏ để lấy phước, cầu may cho mình trong năm mới. Ngoài dịp này, du khách còn đến trẩy hội khá đông trong 3 tháng mùa xuân và 3 tháng cuối năm.

Khách vãng lai đã xóa
Thảo Phương
30 tháng 1 2020 lúc 9:00

2)1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về phong tục cổ truyền ngày Tết
2. Thân bài
- Phong tục cổ truyền trong ngày Tết của Việt Nam:
+ Tết Nguyên Đán là gì?
+ Phong tục cổ truyền là gì?
- Một số phong tục cổ truyền trong ngày Tết:
+ Gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, lau dọn nhà cửa.
+ Cúng ông Công ông Táo, làm tất niên, cúng giao thừa.
+ Xông đất, chúc tết, lì xì.
- Ý nghĩa việc duy trì phong tục cổ truyền ngày Tết
+ Giữ gìn nét đẹp văn hóa bản sắc dân tộc.
3. Kết bài
Cảm nghĩ của em về phong tục cổ truyền ngày Tết.

Khách vãng lai đã xóa

Các câu hỏi tương tự
Nguyễn Thu Trà
Xem chi tiết
nguyễn thơ
Xem chi tiết
Lô hoài thu
Xem chi tiết
Nguyễn Oanh
Xem chi tiết
Hoang Thong
Xem chi tiết
My My
Xem chi tiết
Nguyễn Thảo vân
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Hằng
Xem chi tiết
trần thị giang
Xem chi tiết