Nguồn gốc của Hát Xoan có nhiều cách giải thích bằng huyền thoại được đặt vào thời các Vua Hùng dựng nước. Có chuyện kể rằng Vua Hùng đi tìm đất đóng đô, một hôm nghỉ chân ở nơi này là quê Xoan Phù Đức - An Thái, thấy các trẻ chăn trâu hát múa, vua rất ưa thích và lại dạy thêm nhiều điệu khúc nữa, những điệu hát múa ấy của Vua Hùng và các em chăn trâu, đó cũng là những điệu Xoan tiên. Lại có câu chuyện kể rằng vợ Vua Hùng đau bụng đã lâu ngày mà vẫn không sinh nở, một nàng hầu gái bàn nên đón nàng Quế Hoa múa đẹp hát hay đến múa hát. Quế Hoa được gọi đến trước giường, uốn tay đưa chân, dáng như tiên, giọng như suối, sắc như hoa... Vợ Vua Hùng xem múa nghe hát quả nhiên vui vẻ sinh ra được 3 người con trai tuấn tú khác thường. Vua Hùng rất vui mừng, truyền cho các công chúa trong cung nữ đều học những điệu múa hát của Quế Hoa. Lúc đó vào mùa xuân nên vua đặt tên các điệu múa hát đó là Hát Xuân. Chuyện dân gian xã Cao Mại kể rằng Nguyệt Cư công chúa, Vua bà xã Cao Mại, con Vua Hùng, lúc lọt lòng mẹ cứ khóc hoài không ai dỗ được, chỉ khi nghe người làng An Thái hát em mới nín khóc, cứ như thế cho tới năm em lên ba tuổi. Các cụ còn kể rằng Nguyệt Cư qua làng An Thái được nghe hát rồi đau bụng đẻ, quân gia phải khiêng kiệu chạy thật nhanh về trang để bà kịp sinh nở. Cũng vì những tình tiết trên mà ở Cao Mại có lệ chạy kiệu Vua Bà và có hát Xoan trong các ngày đình đám tế lễ, đó là những trò diễn hội làng có ý nghĩa kỷ niệm. Làng Hương Nộn, nơi có hát Xoan thờ Xuân Nương, một tướng của Hai Bà Trưng, các cụ kể rằng: Xuân Nương khởi nghĩa đánh giặc Hán tham tàn, có lần hành quân qua làng Xoan được nghe hát Xoan bèn cho quân học hát. Cũng vì sự tích trên mà ngày tế Xuân Nương, dân làng Hương Nộn tổ chức Hát Xoan. Nếu thời Hai Bà Trưng đã có Hát Xoan để quân bà Xuân Nương học hát thì Hát Xoan hẳn đã ra đời trước đó nghĩa là vào thời Hùng Vương. Một số nhà nghiên cứu âm nhạc lại cho rằng: Hát Xoan xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV (tức là đời hậu Lê), lời ca Xoan có những đặc điểm như hình thức, văn chương của thế kỷ XV, nghĩa là hình thể chưa cố định, vừa gồm các thể thất ngôn, vừa xen kẽ những câu 6 tiếng và kết luận rằng: Hát Xoan là một hình thức âm nhạc phong tục phát sinh từ thời kỳ nhà Lê. Hát Xoan có 3 chặng: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát giao duyên (hát hội). Hát nghi lễ gồm các bài: Hát chào Vua, mời Vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám. Hát quả cách gồm 14 bài (quả là bài; cách là hình thức hát, lối hát): Kiều giang cách; Nhàn ngâm cách; Tràng mai cách; Ngư tiều canh mục cách; Đối dẫy cách; Hồi liên cách; Xoan thời cách; Hạ thời cách; Thu thời cách; Đông thời cách; Tứ mùa cách; Thuyền chèo cách; Tứ dân cách; Chơi dâu cách. Hát hội gồm nhiều bài, hát tự do phóng khoáng, nội dung các bài hát mang tính trữ tình sâu sắc: Thết trầu (còn gọi là Bợm gái); Bỏ bộ; Xin huê - Đố huê; Đố chữ; Hát đúm; Cài huê; Mó cá... Hát Xoan có bề dày lịch sử, có tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, không gian văn hóa rộng lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ khắp cộng đồng. Trên chặng đường dài của lịch sử, Hát Xoan đã được nhiều thế hệ nối tiếp trao truyền; nhiều người có chức sắc; các nhân sĩ trí thức đã nâng đỡ, tạo điều kiện duy trì, phát triển. Do nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những câu chuyện truyền thuyết của thời đại Vua Hùng; các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang như: Kim Đái, Phù Đức, Thét (xã Kim Đức), An Thái (xã Phượng Lâu), thành phố Việt Trì, nên Hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ thuộc tầng sâu của Văn hóa dân gian thời đại bình minh lịch sử dựng nước của dân tộc ta. Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 8/12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO. Sự kiện này đã đánh dấu thành công bước đầu của tỉnh Phú Thọ và của cộng đồng đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản Hát Xoan trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp suốt 6 năm qua. Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, từ thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang; 1.000 năm Bắc thuộc; thời đại phong kiến Việt Nam tự chủ; chế độ phong kiến suy tàn; thời Pháp thuộc; đế quốc Mỹ xâm lược đến chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hát Xoan vẫn tồn tại và đang hiện diện với nghệ thuật đặc sắc riêng biệt: Hát thờ Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật tiêu biểu thời đại Hùng Vương; hát trước cửa đình và hát vào mùa xuân; hát lễ và hát đám. Nét đặc sắc hơn cả của Hát Xoan là khi múa có hát và ngược lại khi hát có múa trong âm vang tiếng nhạc cụ chỉ là một chiếc trống da. Hát Xoan hiện có ở 18 xã của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, trong đó 15 xã, phường thuộc thành phố Việt Trì, các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông và Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) và 3 xã thuộc 3 huyện Lập Thạch, Sông Lô và Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, hiện có 4 phường Xoan được thành lập đang hoạt động tại thành phố Việt Trì, đó là phường Xoan An Thái, phường Xoan Thét, phường Xoan Phù Đức và phường Xoan Kim Đái.
Hello bạn bạn có thể tham khảo đoạn văn sau ạ :
Trải qua hàng nghìn năm, từ những buổi đầu ra đời là hình thức nghi lễ hát thờ Vua đến nay, hát Xoan đã trở thành di sản độc đáo và là nét sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng riêng của người dân Phú Thọ. Từ đời này sang đời khác, nhân dân tại các làng Xoan đã gìn giữ, bảo tồn các giá trị đặc sắc, độc đáo của hát Xoan. Những tiết mục Xoan mang nét văn hóa cổ xưa sẽ đưa du khách về với lịch sử dựng nước thời đại các Vua Hùng, giúp du khách cảm nhận và hiểu hơn về vùng đất và con người nơi đây. Giai điệu Xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản, nhạc cụ trong Hát Xoan cũng giản đơn, chỉ một chiếc trống nhỏ, đôi ba cặp phách tre là các nghệ nhân có thể biểu diễn cho khán giả xem những làn điệu Xoan đắm say lòng người. Điều đó khiến du khách ra về mang theo những nỗi niềm riêng, xúc động riêng khi lắng nghe di sản của cha ông, thấy được nỗ lực gìn giữ, bảo tồn những câu ca, điệu hát dân gian có lịch sử từ hàng ngàn năm về trước. Nhiều du khách khi tới Phú Thọ đều có cùng một cảm nhận chung rằng: “Thật đáng quý khi tại mảnh đất này, Hát Xoan vẫn được gìn giữ như một nét văn hóa thuần Việt, không bị giao thoa, biến đổi bởi nhịp sống hiện đại, xô bồ”.Khách quốc tế đến từ các nước: Anh, Mỹ, Australia, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, New Zealand, Singapore...được tham dự chương thức Hát Xoan tại đình cổ Hùng Lô, đây là dịp để họ được tiếp cận với nét văn hoá truyền thống của đặc sắc của Phú Thọ, cảm nhận lòng hiếu khách, sự thanh bình của làng quê Việt. Ông Charlotte Pinder, một du khách Anh,cho biết: "Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng, khám phá nét cổ kính của ngôi nhà cổ ở đây và trải nghiệm quy trình làm miến, bún, bánh đa, bánh chưng tại xã Hùng Lô đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Nhưng đặc biệt hơn, tại đây tôi còn được nghe hát và trực tiếp tham gia múa các điệu Xoan cổ trong không gian cổ kính tại đình Hùng Lô, khiến tôi cảm nhận được sự linh thiêng của nghi thức hát thờ Vua Hùng qua từng giai điệu, nghệ thuật biểu diễn và hiểu hơn về giá trị di sản Hát Xoan của các bạn". Du khách quốc tế không chỉ bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú khi tiếp cận với Hát Xoan mà còn thể hiện những tình cảm nồng nhiệt, vượt qua rào cản khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, trao những ánh mắt trìu mến, cái bắt tay thân thiện, cái ôm ấm áp dành cho các đào kép, nghệ nhân của phường Xoan. Ngoài du khách phương Tây, còn có nhiều vị khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã ghé thăm đình cổ Hùng Lô và thưởng thức Hát Xoan tại đây. Từ những nét tương đồng về văn hóa phương Đông đã khiến cho sự đồng điệu văn hóa lan tỏa rất nhanh. Các vị khách thể hiện rất nhiều tình cảm yêu mến, sự lưu luyến dành cho các chương trình biểu diễn Xoan. Từ đó càng thêm khảng định, Hát Xoan Phú Thọ như sợi dây vô hình, gắn kết tình cảm của du khách bốn phương đối với Phú Thọ, vùng đất linh thiêng, cội nguồn dân tộc Việt Nam.Những năm gần đây, các chương trình biểu diễn Hát Xoan luôn được khách du lịch đặc biệt quan tâm khi về Phú Thọ. Theo ước tính, trung bình mỗi năm Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du Lịch thực hiện tư vấn, hỗ trợ thông tin, phục vụ đón tiếp, thuyết minh hướng dẫn tham quan du lịch Phú Thọ cho trên 500 đoàn khách tham quan du lịch Phú Thọ với tổng số trên 2 triệu lượt khách (trong đó, tư vấn hỗ trợ, thuyết minh hướng dẫn phục vụ trên 20 đoàn khách du lịch quốc tế theo tuyến đường sông với gần 500 lượt khách, du khách tham quan, thưởng thức Hát Xoan trên 200 đoàn với gần 8.000 lượt khách). Trong đó du khách lựa chọn chủ yếu là các điểm tham quan, trải nghiệm như: Đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn (thành phố Việt Trì), Đình Do Nghĩa (huyện Lâm Thao), Đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy)... Có rất nhiều công ty lữ hành như quan tâm xây dựng tour du lịch gắn với chương trình hát Xoan: Du lịch trải nghiệm Châu Á, Vietrantour, Saigontourist, Golden tour, Neworient tour, Newstar tour, Nam Thanh travel, Fivestar tour, Vinatour...đặc biệt hát Xoan còn nhận được rất nhiều quan tâm của giới truyền thông, cơ quan báo đài trung ương và địa phương, giới nghệ sỹ nhiếp ảnh trên cả nước, giúp cho hát Xoan có sức lan tỏa, sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch.
Các điểm tham quan du lịch trải nghiệm di sản hát Xoan hứa hẹn sẽ là điểm đến thú vị cho du khách gần xa khi về với đất Tổ Vua Hùng. Tới đây, du khách ngoài việc được thưởng thức các tiết mục Xoan cổ, còn được tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa từ thời đại Hùng Vương, được tham quan các làng nghề truyền thống tại địa phương và hơn hết là được các nghệ nhân và đào kép Xoan hướng dẫn múa, hát biểu diễn cùng phường Xoan để du khách có thể cảm nhận thêm những giá trị văn hóa gắn kết cộng đồng của hát Xoan.Chương trình du lịch này không chỉ khích lệ các nghệ nhân tại các phường Xoan gốc gìn giữ, bảo vệ, truyền dạy hát Xoan, mà còn đem lại thu nhập cho người dân địa phương nhờ mô hình tham quan các làng nghề truyền thống và kết hợp bán sản phẩm ẩm thực làm quà tặng lưu niệm cho du khách. Đây là cơ sở ban đầu để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn trong hành trình về với cội nguồn dân tộc, góp phần tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tới khách du lịch từ mọi miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế.
Chúc bạn học tốt!
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.
Theo sử sách ghi lại thì hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Trên chặng đường dài đó, loại hình nghệ thuật này đã được nhiều người có vị thế và uy tín trong xã hội, nhiều văn nhân thi sĩ nâng đỡ, tạo điều kiện cho phát triển. Trong đó có phần công lao to lớn của bà Lê Thị Lan Xuân, mà phường Xoan truyền tụng như một ân nhân. Để tỏ lòng biết ơn bà, các phường Xuân kiêng tên bà gọi chệch đi là hát Xoan.
Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ).
Ca nhạc của Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng, trữ tình.
Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách). Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Mười bốn quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau như: mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như: hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá... Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.
Hát Xoan có tổ chức hết sức chặt chẽ. Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Đây là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng với nhau. Người đứng đầu một phường Xoan (hay họ Xoan) gọi là ông Trùm. Ông Trùm là một người có kinh nghiệm về nghề nghiệp xã giao và viết chữ để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự. Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 15 đến 18 người. Nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích. Những làng có người đi hát Xoan này nước nghĩa với phường Xoan và các phường Xoan cũng nước nghĩa với nhau. Họ coi nhau thân thiết như anh em, nhưng tuyệt đối đào kép Xoan không được lấy nam nữ thanh niên của làng nước nghĩa.
Hát xoan hội đủ các yêu cầu cần thiết để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó là hình thức âm nhạc cổ, kết hợp được yếu tố văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, độc đáo ở lời ca, giai điệu và làn điệu; chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ, không bị biến mất trong đời sống hiện đại.
Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, hát xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Gốc của hát xoan ở vùng Phú Thọ, sau lan tỏa tới các làng quê đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở hai xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ) từ xưa được cộng đồng của 30 làng, 18 xã của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc mời đến biểu diễn. Vì thế hát xoan mới ghi dấu tại nhiều làng quê ngoài vùng Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
Theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ, hiện còn khoảng 70 nghệ nhân hát xoan, nhưng chỉ có khoảng 10 người có khả năng truyền dạy, toàn tỉnh có khoảng gần 100 người tham gia các phường xoan, nhưng chỉ khoảng 50 người biết hát. Các di tích như đình, miếu, nơi diễn ra các sinh hoạt hát xoan từ xa xưa nay chỉ còn khoảng hơn 10 di tích.