Phân tích hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường gây nên tiếng cười bất ngờ trong câu chuyện sau:
Sư cụ xơi thịt cầy vụng ở trong phòng. Chủ tiểu biết, hỏi:
- Bạch cụ, cụ xơi gì trong ấy ạ?
Sư cụ đáp:
- Tao ăn đậu phụ.
Lúc ấy, có tiếng chó sủa ầm ĩ ngoài cổng chùa. Sư cụ hỏi:
– Cái gì ngoài cổng thể?
Chú tiểu đáp:
- Bạch cụ! Đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa đấy ạ!
(Truyện cười dân gian)
Truyện gây cười do vi phạm quy tắc hội thoại, cụ thể trong lời nói của chú tiểu vi phạm phương châm về chất. “Đậu phụ là món ăn được chế biến từ đậu tương, được ép thành bánh” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê). Ta thường thấy có đậu phụ cân, đậu phụ thanh chứ không thấy có đậu phụ làng, đậu phụ chùa và càng không thể có “đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa”. Người đọc bật cười vì cách đáp của chú tiểu. Bởi chú tiểu biết chắc sư cụ xơi thịt cầy vụng mà sư cụ lại bảo ăn đậu phụ nên chú tiểu trả lời sư cụ như một sự chấp nhận câu nói của sư cụ. Cả hai nhân vật giao tiếp cùng vi phạm quy tắc hội thoại khi đã trả lời không đúng sự thật – vi phạm phương châm về chất.