Tham khảo !!!
Trong cuộc đời mỗi con người, nhất là với những ai đã và đang ngồi trên ghế nhà trường, hẳn phải có kỉ niệm sâu sắc với thầy (cô) giáo. Với tôi, một kỉ niệm làm tôi nhớ mãi và nó giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều, đó là kỉ niệm về cô giáo chủ nhiệm lớp Năm của tôi.
Hồi ấy, tôi là một học sinh ưu tú của lớp. Trong mắt chúng bạn, tôi luôn là một tấm gương học tập và kỉ luật. Các thầy, cô giáo cũng rất yêu quý tôi. Được bạn bè và thầy cô yêu mến, bản tính của tôi luôn pha chút kiêu ngạo cũng là điều dễ hiểu. Càng ngày, tôi càng thêm tự hào về mình.
Phải cái tội nhà tôi quá nghèo. Bố tôi là bộ đội, ông đã nghỉ mất sức từ năm năm nay. Còn mẹ tôi chỉ là công nhân trong một xí nghiệp nhỏ. Dưới tôi còn có hai đứa em. Cũng có thể nói, bữa cơm gia đình tôi chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của mẹ mà thôi. Đã có lúc, tôi định bỏ học, ở nhà kiếm việc làm thêm để đỡ đần cho gia đình nhưng bố tôi không cho, người ngăn cản tôi quyết liệt nhất là mẹ. Mẹ nói tôi phải cố gắng học thật giỏi, mai này đi làm, còn phải nuôi hai em ăn học đến nơi đến chốn. Tôi càng thương mẹ bao nhiêu, lại càng tự nhủ với minh, phải cố gắng học để không phụ lòng cha mẹ.
Hôm ấy, trên đường đi học, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, tôi lại thấy thèm một bát bún riêu quán bà Năm ghê gớm. Lần nào đi qua, bà cũng gọi tôi vào và hứa bán rẻ cho tôi. Nhưng với gia cảnh của tôi, một bát bún tiêu là điều hết sức xa xỉ. Biết vậy nên tôi cũng chẳng dám xin mẹ tiền.
Lần ấy là phiên tôi trực nhật. Cái bát bún riêu cứ lởn vởn trong tâm trí, khiến tôi bần thần cả người. Đang miên man, tôi chợt nhận thấy mình giẫm lên một thứ gì đó. Nhấc chân lên, hóa ra là cái khuyên tai bạc của bạn Lan đánh rơi. Tôi định mang đi trả nhưng mùi thơm và vị ngọt của bát bún riêu làm tôi lặng đi mấy giây. Nhà Lan giàu sụ, một chiếc khuyên tai này chắc chẳng đáng gì! Tôi tự an ủi mình bằng ý nghĩ ngây thơ ấy. Nhân lúc không có ai trong lớp, tôi nhẹ nhàng bỏ cái khuyên tai ấy vào túi quần, lặng lẽ tiếp tục công việc của mình.
Giờ học bắt đầu. Đột nhiên, Lan hét toáng lên. Tôi biết thừa nguyên do nhưng cố tỏ vẻ hiếu kì và ngạc nhiên. Nó vừa thút thít vừa kể đầu đuôi sự việc. Biết tin, tổ trực nhật trong đó có tôi, đứng lên, đề nghị cô giáo và cả lớp cho kiểm tra cặp sách của từng bạn. Chẳng có lí do nào để từ chối, cô giáo tôi đồng ý. Và đương nhiên chiếc khuyên tai vẫn không được tìm ra, bởi nó đang nằm trong túi quần tôi.
Bất chợt một đứa con gái lớp tôi bỗng nảy ra ý tưởng khám người. Ban đầu, cô tôi không đồng tình bởi cô nghĩ làm như vậy sẽ chẳng hay tí nào, nhất là đối với những bạn trong sạch. Đây là đôi khuyên tai do mẹ Lan tặng nó khi bác ấy còn sống nên ý kiến này được cả lớp tôi đồng tình và hưởng ứng. Ai ai trong lớp tôi cũng muốn làm mọi cách vừa để tìm lại chiếc khuyên tai cho Lan, vừa để chứng minh sự trong sạch của mình. Chỉ có tôi là chết điếng cả người. Vã mồ hôi hột, tôi lặng im không nói. Trong đầu tôi đang rối bời. Hay là tìm lí do ra ngoài như đau đầu phải lên y tế, vào toa lét,... để tránh không bị kiểm tra? Nhưng có lẽ tôi làm như vậy thì lại càng khiến mọi người nghi ngờ.
Vài phút sau cuộc thảo luận tìm khuyên tai cho Lan, công việc được tiến hành nhanh chóng. Nam khám nam, nữ khám nữ. Công việc kiểm tra hết sức tỉ mỉ, cẩn thận chứ không như tôi tưởng. Những ai đi giày ba ta cũng đều phải bỏ giày ra để khám. Riêng phần khám các bạn nữ, có cô chủ nhiệm tham gia để công việc nhanh chóng hoàn tất.
Đến lượt tôi, cô vỗ mạnh vào vai tôi và nói: “Giơ tay lên con!”. Tôi cảm tưởng như tay tôi dang nâng khối đá nặng đến chục ki-lô-gam vậy, việc giơ tay lên thôi mà đối với tôi sao mà nặng nề đến thế. Cô khám tóc, áo, quần, giày,... Bất chợt, cô dừng tay lại ở túi quần tôi khoảng vài giây. Quãng thời gian đó với tôi tưởng chừng là một thế kỉ vậy. Tôi thấy lạnh cả sống lưng, mặt tôi trắng bệch, không còn giọt máu. Ánh mắt cô nhìn tôi đầy nỗi thất vọng, cái nhìn ấy chứa đựng một nỗi buồn da diết, khôn nguôi. Bỗng cô nở một nụ cười phúc hậu với tôi và nói thật to như để cả lớp nghe thấy: “Được rồi! Con có thể về chỗ của mình.
Các bạn tiếp theo. Nhanh lên con!”. Bước qua ải, tim tôi đập loạn xạ. về chỗ ngồi mà tôi “tim đập chân run”, không dám nhìn cô. Cả tiết học hôm ấy, tôi chẳng chú tâm vào bài vở được. Tôi thấy lạ rằng sao lúc ấy cô không lật tẩy tôi mà lại bỏ qua cho tôi như thế. Rồi bao câu hỏi xoay quanh chiếc khuyên tai của Lan và bát bún riêu cứ chạy vòng quanh trong tâm trí tôi. Cuối giờ, cô bảo tôi ở lại:
Giờ đây, sân trường im lặng, để sự tĩnh mịch ấy cho cuộc trò chuyện của hai cô trò tôi. Cô hỏi: “Sao em lại làm thế? Cô rất thất vọng về em!”. Không nói được gì, tôi bật khóc. Đây là lần đầu tiên tôi khóc trước mặt cô và cũng là lần đầu tiên tôi nói được ra những suy nghĩ ấm ức của mình bởi sự quyến rũ chết người mà bát bún riêu đưa lại, để tôi mắc một khuyết điểm động trời này. Giá như có khe hở nào dưới đất, tôi thề sẽ chui xuống đó ngay lập tức cho đỡ xấu hổ. Nói hết những gì trong lòng mình ấp ủ lâu nay, tôi như trút một gánh nặng. Rồi tôi xin lỗi cô, đưa cho cô chiếc khuyên tai kia và nói mong cô sẽ đưa trả tận tay cho Lan. Cô rút trong túi ra một tờ giấy bạc đưa cho tôi. Cô nói tôi hãy ăn một bát bún riêu thật ngon, cô bắt tôi hứa từ nay sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Cầm tờ bạc cô đưa, tôi ăn năn vô cùng và tự hỏi sao cô tốt bụng đến thế.
Trưa hôm đó, đi học về, tôi ghé vào cửa hàng bún riêu của bà Năm, ăn bát bún riêu mà tôi ao ước bấy lâu. Những giọt nước mắt ăn năn, nóng hổi rơi, ướt đầm cả má, tôi cảm nhận được vị đắng của mồ hôi mà cô đã đổ ra qua bao tháng ngày vất vả. Cô đã giúp tôi hiểu được ý nghĩa đích thực của câu nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Hôm sau, cả lớp tôi đều vui mừng thay cho Lan vì đã tìm được chiếc khuyên tai, hỏi ra mới hay bác bảo vệ đã nhặt được và đưa cho cô tối hôm qua. Cô nói đã thay mặt Lan cảm ơn bác bảo vệ và cô mong muốn cả lớp sẽ đoàn kết, nỗ lực hết sức chuẩn bị cho buổi kết nạp đội viên mới vào buổi sinh hoạt cuối tuần.
Vậy là mọi chuyện đã kết thúc một cách êm đẹp qua sự khéo léo của cô giáo tôi. Buổi sinh hoạt diễn ra hết sức náo nhiệt trong không khí vui vẻ của cả lớp. Riêng tôi, qua sự việc vừa rồi, tôi đã nghiệm ra được một điều: sự no ấm không bao giờ xây dựng trên của cải của người khác mà phải do bàn tay mình tạo dựng. Như vậy, nó mới bền chặt và lâu dài.
Tuy mọi thứ đã qua nhưng kỉ niệm về cô giáo chủ nhiệm lớp Năm vẫn im đậm trong trí tôi, nó đã đem lại cho tôi một cái nhìn đúng đắn về lẽ sống. Và cả cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên được.