Văn bản ngữ văn 9

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Hiền

" Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng đừng quên người cầm đèn lặng lẽ đứng trong đêm

Viết một bài nghị luận về vấn đề trên

minh nguyet
4 tháng 6 2020 lúc 21:28

Tham khảo:

Câu nói“ Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó , nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm ” của R.Ta – gor xứng đáng được liệt vào kho tàng những câu danh ngôn bất hủ của nhân loại. Bởi vì, ở đó một triết lý nhân văn sâu sắc chứa đựng ý nghĩa giáo dục lớn lao về sự tri ân đối với cuộc đời đã được đại thi hào nổi tiếng này cô đúc trong một cách nói hết sức ấn tượng .
Ánh sáng của ngọn đèn giúp soi rõ mọi vật, tỏa sáng bóng đêm. Đó là một điều giản dị nhưng rất thiết thực trong cuộc sống, không ai là không nhận thấy. Nếu không có những ngọn đèn như thế thì sẽ luôn có một nửa thế giới của nhân loại sẽ bị ám ảnh bởi những bóng đêm khủng khiếp. Con người sẽ khó khăn biết bao khi đối diện với đêm tối. Tuy nhiên, để có được cái ánh sáng kỳ diệu ấy thì không những cần tới người làm ra ngọn đèn mà còn phải cần tới người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm. Hai mặt của một vấn đề ấy có một mối quan hệ rất biện chứng với nhau. Bởi thế, xét theo nghĩa đen, câu nói này của R.Ta – gor khuyên nhủ chúng ta không chỉ phải biết hàm ơn ngọn đèn vì nó đã mang lại ánh sáng mà còn phải nhận biết để đặc biệt tri ân những công sức của những con người thầm lặng cầm đèn soi cho chúng ta trong đêm tối .
Mượn hình ảnh ánh sáng ngọn đèn và người cầm đèn như thế, tác giả của câu danh ngôn này đã đề cập một vấn đề nhân văn rất sâu sắc. Trong khi hình ảnh ngọn đèn và ánh sáng của nó tượng trưng cho những thành quả tốt đẹp mà cuộc đời mang lại thì hình ảnh người cầm đèn lại tượng trưng cho những đóng góp, những hy sinh thầm lặng. Cách nói của Ta – gor được thể hiện bằng một nghệ thuật đòn bẩy hết sức độc đáo. Vấn đề “ Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó ” là một nét đẹp ứng xử ân nghĩa mang tính nền tảng của đạo lý làm người, không ai là không thấm thía. Tuy nhiên, trong khi phần lớn chúng ta đã có ý thức dành cho những công lao to lớn những sự tri ân đúng mực thì lại vô tình hoặc thậm chí là cố ý lãng quên đi những đóng góp thầm lặng. Tất cả công sức làm nên những thành quả như ngọn đèn và ánh sáng của nó không phải bao giờ cũng được chúng ta ghi nhận một cách thấu đáo. Người tạo ra những thành quả to lớn cho cuộc đời được mọi người tôn trọng , ngưỡng mộ , tri ân là điều hoàn toàn xứng đáng. Nhưng bên cạnh đó, đại thi hào Ta – gor với tinh thần nhân văn đẹp đẽ của mình còn đặc biệt lưu ý chúng ta phải biết nâng niu , trân trọng những đóng góp âm thầm, bền bỉ mà nếu không có một cái nhìn tinh tế và cao thượng thì không dễ gì chúng ta có thể nhận thấy . Vế sau trong câu danh ngôn này của ông “ Người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm ” chính là cách nói rất hình ảnh về những sự đóng góp như thế .
Câu nói của Ta – gor gồm hai vế tương hỗ cho nhau để cùng bàn về lẽ sống tri ân. Nhưng có thể nhận thấy ở vế trước của câu nói này dường như chỉ đơn thuần là đạo lý uống nước nhớ nguồn , ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Chúng ta không thể phủ nhận tính giáo dục của nó , nhưng dù sao đó cũng chỉ là một quan niệm nhân sinh khá phổ biến. Nếu chỉ nói như vậy thì chúng ta không thấy có sự khác biệt giữa thiên tài Ta – gor với những người bình thường khác. Tuy nhiên, đại thi hào đã thể hiện được vị thế của mình bằng cách nói ở vế sau của câu danh ngôn. Đây là mấu chốt của vấn đề làm nên điểm sáng trong tinh thần nhân văn cao cả của một cây bút từng vinh dự được nhận giải thưởng Nô – ben văn học. Ông đã thể hiện sự đặc biệt nâng niu, trân trọng biết bao đối với những công lao thầm lặng .
Soi vào trong thực tiễn cuộc đời chúng ta mới thấy hết ý nghĩa nhân văn to lớn mà Ta – gor đúc kết . Mỗi một góc nhỏ thôi trong thành quả chung mà chúng ta đang ngày ngày được hưởng thụ không phải bổng dưng mà có. Nhìn rộng ra thì đó chính là hệ quả được tích lũy của không biết bao nhiêu công sức của bao người trong nhiều thế hệ. Việc chúng ta cần biết để tri ân cuộc đời là một chuẩn mực của ứng xử. Tính đúng đắn của vấn đề này đã thuộc về phạm trù nhân bản cho nên bất kỳ ai cũng thừa nhận . Sinh thời, chính Bác Hồ kính yêu cũng đã từng căn dặn các cháu thiếu niên nhi đồng rằng “ Các vua Hùng đã có công dựng nước , Bác cháu ta phải có công giữ nước ”. Suy cho cùng đây chính là thái độ trân trọng những thành quả của bao thế hệ cha ông. Giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của những thành quả đó không chỉ là chúng ta đang xây dựng cuộc sống bền vững của chính mình mà còn là cách để chúng ta trả món nợ ân nghĩa, thiêng liêng, sâu nặng của cuộc đời .
Nhưng để thể hiện sự mang ơn đối với những người đã tạo ra thành quả mà nếu chúng ta chỉ mới “ Cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó ” rõ ràng là hoàn toàn chưa đủ. Khi đi trong đêm tối, được ánh sáng của ngọn đèn soi tỏ, ta hiểu ra vấn đề mà biết ơn ngọn đèn âu cũng là lẽ thường tình. Đây chắc chắn là điều chúng ta phải làm vì đó là cái mặt nổi của vấn đề và cũng là phần quan trọng nhất của lối sống tri ân . Nhưng Ta – gor còn muốn khuyên chúng ta phải hoàn thiện hơn cách ứng xử này bằng cách không bao giờ được quên “ Người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm ”. Đây chính là một góc khuất của lối sống tri ân mà chúng ta không phải bao giờ cũng dễ dàng nhận thấy. Đôi khi chỉ do thiếu một cái nhìn nhân ái mà chúng ta đã trở thành kẻ vô ơn, bội bạc lúc nào không hay. Trên sân khấu, một diễn viên tài ba nào đó đã vừa trình diễn xuất sắc một ca khúc của mình. Đó là một ca khúc đã tạo nên sự rung động mãnh liệt đối với hàng triệu triệu trái tim. Chúng ta đã tung hô diễn viên nọ như một vị thánh sống. Dĩ nhiên , với tài năng kiệt xuất của mình, anh ta xứng đáng được tôn trọng và ngưỡng mộ. Có thể hiểu rằng món quà tuyệt vời mà anh ta vừa mang lại cho chúng ta chính là ngọn đèn và ánh sáng của nó. Đó là những thành quả đẹp đẽ và đáng quý biết bao trong cuộc đời này. Nhưng, chỉ biết ơn con người anh ta không thôi sẽ là chưa đủ. Để có được cái ánh hào quang như vậy trên sân khấu còn phải kể đến công sức của bao nhiêu con người thầm lặng khác. Chưa kể xa hơn là cha mẹ anh ta đã sinh thành, các thầy cô giáo của anh ta đã dưỡng dục thì gần hơn cũng có thể kể tới những nhạc sĩ, nhạc công, những nhân viên kỹ thuật, nghệ sĩ hóa trang vv ... Họ chính là “ Người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm ”. Không biết ghi nhận sự đóng góp của những con người này sau những thành công thì sẽ là một khiếm khuyết trầm trọng. Tuy nhiên, để đem được cái tinh thần nhân văn ấy ứng dụng trong cuộc sống cũng không phải là chuyện dễ dàng. Lý thuyết là một chuyện còn thực hiện lại là chuyện khác. Hãy tưởng tượng là chúng ta đang đi trên một con đường quốc lộ phong quang , rộng rãi và hiện đại. Cùng lắm chúng ta chỉ biết thầm cảm ơn những người đã làm nên con đường ấy chứ mấy ai biết nghĩ thêm rằng: đóng góp vào việc làm đẹp con đường ta đi còn có những người như chị lao công “ Đêm đêm quét rác ”. Để ghi nhận công lao của những con người bình dị như chị lao công ấy rõ ràng là cần ở chúng ta một sự mở lòng. Câu nói trên của R. Ta – gor chính là muốn chúng ta phải luôn thực sự thấm thía điều này. Đó là một vẻ đẹp nhân văn cao thượng đến từ trái tim của một nghệ sĩ lớn.

Nhắc nhở về lối sống ân nghĩa là điều không hề mới nhưng đối với đạo làm người đó vẫn luôn là một “ Gươm báu răn mình ”. Càng đọc, càng suy ngẫm về câu danh ngôn trên của Ta – gor chúng ta được nâng cao hơn về nhận thức của mình. Tri ân cuộc đời nói chung mà đặc biệt là tri ân những công lao thầm lặng , bền bỉ nói riêng chính là một bài học làm người vẫn luôn sống mãi với thời gian .


Các câu hỏi tương tự
Ngọc Huyền
Xem chi tiết
Trọng Nguyễn
Xem chi tiết
Linh Đan
Xem chi tiết
vy nguyễn
Xem chi tiết
Nguyễn My
Xem chi tiết
Alice dono
Xem chi tiết
Huỳnh Ngọc Châu
Xem chi tiết
Jin hit
Xem chi tiết
Thu Thuỷ
Xem chi tiết