* Vai trò
- Góp phần khai thác tốt điều kiện tự nhiên (địa hình, đất, khí hậu, nguồn nước, sinh vật,...) trong phát triển kinh tế.
- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm trong sản xuất lương thực, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho vùng, cả nước và xuất khẩu; đảm bảo vấn đề an ninh lương thực cho đất nước.
- Thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển như công nghiệp chế biến, thương mại,...
- Sản xuất lương thực và thực phẩm của vùng góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
* Tình hình sản xuất
- Sản xuất lương thực và thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua có sự phát triển nhanh nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học – kĩ thuật trong sản xuất.
- Sản xuất lương thực:
+ Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 50% diện tích gieo trồng và 50% sản lượng lương thực có hạt của cả nước (năm 2021). Trong đó, lúa là cây lương thực chủ yếu, chiếm 53,9% diện tích và 55,5% sản lượng lúa cả nước.
+ Các tỉnh dẫn đầu về diện tích trồng lúa của vùng là Kiên Giang, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng,...
+ Các công nghệ về lai tạo giống, biến đổi gen, hỗ trợ quản lí giám sát vùng trồng bằng công nghệ tự động, quy trình sản xuất VietGAP,... đã được ứng dụng để tăng năng suất, chất lượng cây trồng đồng thời thích ứng biến đổi khí hậu.
- Cây ăn quả:
+ Là lợi thế phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long
+ Nhiều loại trái cây nhiệt đới nổi tiếng như xoài (Đồng Tháp,...), quýt (Tiền Giang, Đồng Tháp,...), sầu riêng (Tiền Giang,...), thanh long (Long An, Tiền Giang,...).....
- Chăn nuôi:
+ Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh trong phát triển chăn nuôi.
+ Năm 2021, vùng có đàn gia cầm chiếm 16,7% cả nước, trong đó:
++ Vịt chiếm số lượng lớn và được nuôi nhiều ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An,...
++ Đàn lợn chiếm khoảng 9% cả nước, được nuôi chủ yếu ở Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh,...
++ Đàn bò chiếm khoảng 15% cả nước, được nuôi nhiều ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang,...
+ Đồng bằng sông Cửu Long đang áp dụng các công nghệ mới trong chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn sinh học.
- Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản
+ Năm 2021, sản lượng thuỷ sản khai thác của vùng chiếm hơn 30% cả nước.
• Các tỉnh đứng đầu về sản lượng thuỷ sản khai thác là Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre,...
• Công nghệ đánh bắt và cơ sở hạ tầng nghề cá tại các ngư trường đang được đầu tư, nâng cao chất lượng và công suất hoạt động tàu thuyền, chú trọng đánh bắt xa bờ, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác,...
+ Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản.
• Năm 2021, vùng có diện tích nuôi trồng chiếm 70,9% và sản lượng chiếm 69,7% của cả nước.
• Trong đó, vùng tập trung nuôi cá ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ,... và nuôi tôm (tôm thẻ, tôm sú) ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu,...
• Công nghệ nuôi trồng thuỷ sản của vùng ngày càng được nâng cao, nhất là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tái tạo nước thải nuôi trồng; phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven bờ kết hợp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn;...
=> nhằm đảm bảo yêu cầu thị trường trong, ngoài nước và bảo vệ môi trường.