Học văn không khó
Như các bạn đã biết, văn học chính là tiếng nói của dân tộc ta từ bao đời nay. Có người giỏi văn và cũng có người không giỏi văn vậy học văn có khó không. câu trả lời là học văn không hề khó.
bởi vì chỉ cần bạn có sức kiên nhẫn, biết vận dụng đầu óc thì sẽ học được. Bất cứ thứ gì cũng phải làm từ cái nhỏ đến cái lớn và học cũng vậy nhất là môn văn. Chúng ta học văn từ lúc học lớp một vây ta học những gì ? Ta học từ các chữ cái đến các loại từ rồi đến phức tạp hơn. Như vậy khi học văn thì ta không bao giờ thấy khó cho là có phức tạp thế nào.
- Học Ngữ văn không khó:
Chào bạn!
Nếu bạn đã từng là một học sinh gặp khó khăn trong môn văn thì chắc hẳn bạn cũng phải đối mặt với những vấn đề như “Trời ơi, việc soạn văn sao mệt và chán thế?”, “Sao mình ngồi vào bàn mà chẳng biết viết chữ gì?”, “Làm sao mà có thể phân tích được một tác phẩm dài loằng ngoằng thế này?”, “Môn văn thật khô khan và nhàm chán”,… và còn rất rất nhiều khó khăn nữa. Nếu đúng là như thế thì mình và bạn, chúng ta hiểu nhau và có cùng trải nghiệm với nhau. Mình cũng đã từng như thế, cho đến một ngày, mình được tiếp xúc với những bạn chuyên văn, với những bạn đội tuyển quốc gia văn. Thế là kinh nghiệm được tích lũy, và cùng với trải nghiệm của chính mình, mình mới phát hiện ra một sự thật rằng, ai cũng có thể học giỏi và điểm cao môn văn, vấn đề là nằm ở “bí kíp”. Bạn có biết bí kíp mà những học sinh giỏi văn kia biết hay không? Họ có gặp những khó khăn như vậy không? Làm thế nào để họ vượt qua? Và quan trọng nhất, vì sao họ giỏi văn và điểm văn của họ lại cao chót vót, toàn 8 điểm, 9 điểm?
Ban đầu, mình cũng tin rằng, những bạn giỏi văn, chắc chắn là phải có năng khiếu, hoặc bẩm sinh đã “văn chương lai láng”, rồi làm thế nào để các bạn ấy viết được dài thế, nhớ được nhiều thế, điểm cao thế, chăm chỉ thế? Cho đến một ngày, mình phát hiện ra một sự thật về môn văn.
Người giỏi là người biết một điều gì đó mà bạn chưa biết hoặc người giỏi là người biết về một điều mà bạn tưởng như đã biết nhưng chưa biết rõ về nó. Môn Văn cũng không phải là ngoại lệ. Bạn có nhớ câu chuyện ở đầu bài viết không? Chuyện kể về việc hoàng hậu sinh con, nếu như cũng vẫn câu chuyện ấy, có một phiên bản khác là những câu kể đại loại như “Mùa thu năm ấy, hoàng hậu sinh con. Triều đình ai ai cũng mong mỏi và hồi hộp. Trăm ngàn người đứng chờ bên ngoài, cuối cùng vị quan đại thần ra thông báo rằng hoàng hậu sinh con trai. Mọi người sung sướng tung hô vạn tuế vì nhà vua có người nối dõi”. Bạn thấy cách nào cảm hứng hơn? Cùng một câu chuyện nhưng hai cách diễn đạt là khác nhau hoàn toàn. Và bài viết này, mình sẽ tập hợp lại kinh nghiệm mình học hỏi được từ thầy cô, bạn bè, những người được coi là giỏi Văn. Bạn hãy nhớ, người giỏi là người biết một điều gì đó bạn chưa biết, nếu bạn chưa biết một điều gì đó người khác biết, thì đừng vội nghĩ rằng mình không giỏi.
Hiểu bản chất môn Văn và xây dựng sự yêu thích cho VănBản chất của Văn không phải là việc học thuộc. Nếu bạn tin rằng văn là một mớ học thuộc nhàm chán, thì chắc chắn rằng bạn sẽ rất khó có thể cầm quyển sách Văn lên tay. Bản chất môn Văn là để phát triển khả năng về ngôn từ, diễn đạt, khả năng cảm nhận, thấu hiểu, phân tích, đánh giá, Học Văn sẽ giúp bạn rèn luyện tư duy ngôn ngữ. Tác phẩm văn học, đó là sự sáng tạo nghệ thuật, do vậy nếu bạn đứng ở góc độ là một người khám phá khi học văn, mọi thứ sẽ khác. Và khi sự khám phá được tích lũy thành vốn, bạn sẽ rèn được phản xạ với môn Văn.
Có chiến lược học VănĐây sẽ là phần giúp bạn gia tăng điểm số và học giỏi Văn. Vì giống như đánh trận, biết địch biết ta trăm trận trăm thắng, bạn cũng phải có những chiến lược đối với môn Văn để giải quyết nó. Và hóa ra, có một vài mẹo rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết.
Thói quen chuẩn bị bài
Khi mình đi chia sẻ tại các trường học, lúc mình hỏi bao nhiêu bạn rất ghét soạn Văn? Có một số bạn giơ tay ào ào. Vì soạn Văn rất ngại, mất thời gian. Nhưng vô tình thói quen mà có thể nhiều bạn chưa thích ấy, nó lại có ích cho bạn. Vì khi bạn soạn Văn, đó là một lần bạn khám phá tác phẩm. Khi bạn lên lớp, thầy cô dạy, bạn có lần thứ hai khám phá lại nó. Lúc làm bài kiểm tra, đề vào bài đó, bạn có lần thứ ba, và đi thi, đó là lần thứ tư. Những học sinh giỏi đa phần là được luyện rất nhiều, vì thế mà họ rất nhớ, cũng như càng luyện nhiều viết lại càng hay. Còn những học sinh soạn Văn qua loa, thậm chí là chép để học tốt cho có đủ bài, thì khi đó họ chưa tìm hiểu đủ sâu về tác phẩm. Việc nghe giảng trên lớp sẽ không hiệu quả cao nhất. Như thế lúc làm bài kiểm tra, sẽ khó mà đạt kết quả tốt nhất.
Thói quen chuẩn bị là một thói quen quan trọng. Mình rất tâm đắc với một câu nói như này “Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại”, mình nhớ ngày học cấp II, có một mẹo chuẩn bị rất đơn giản như sau. Đó là ngay từ đầu năm mua sách văn, mình đã dành ra 1 tuần đầu để đọc hết tất cả tác phẩm Văn, thơ có trong sách. Mình nhớ năm lớp 9, ngay từ đầu hè, mình đã học thuộc hết các tác phẩm thơ của Truyện Kiều. Lên cấp III, vẫn thói quen đó, từ hè lớp 10 mình đã đọc hết các tác phẩm văn thơ của cả 3 năm gói gọn trong 6 cuốn sách giáo khoa văn. Để học giỏi văn thì điều đầu tiên là phải nắm được kiến thức cơ bản đã, đó chính là thuộc thơ, tóm tắt được truyện, nắm được nội dung cơ bản của tác phẩm. Nhiều bạn không biết viết gì khi làm đề là vì không nắm được kiến thức cơ bản. Do vậy chỉ cần dành ra 15-20 phút để soạn văn cũng là một bí mật không tưởng khiến bạn giỏi văn đấy.
Nắm được cấu trúc viết Văn
Nhiều bạn nghĩ rằng viết văn thì chỉ cần có nhiều chữ là viết được, thật ra không phải. Viết văn rất cần nắm cấu trúc và phải viết có logic. Những học sinh giỏi văn là những học sinh bài viết có cấu trúc, lập luận, logic chặt chẽ. Chắc hẳn bạn đã từng thấy một lỗi phổ biến của học sinh bị thầy cô phê như “Bài viết lủng củng, diễn đạt chưa rõ ràng”, đó chính là vì bạn ấy chưa nắm được cấu trúc viết văn đó.
Trong chương trình học văn từ lớp 6 đến lớp 12, có hai mảng chủ đề thâu tóm và xuyên suốt, rất nổi bật đó là phân tích tác phẩm văn học (có thể là tác phẩm thơ, tác phẩm truyện, hoặc tác phẩm văn học khác) và văn nghị luận (nghị luận xã hội, văn nghị luận chứng minh, giải thích). Và thời mình đi học thì 2 loại này thường chiếm 80% điểm số của đề thi, và cả hai loại này đều có cấu trúc.
Chẳng hạn, đối với văn phân tích tác phẩm văn học, đề bài có thể hỏi rất nhiều cách hỏi: phân tích tác phẩm, phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật, cảm nhận chi tiết truyện, cảm nhận khổ thơ, câu thơ, bài thơ,… cách hỏi thì nhiều nhưng thực ra chung quy lại chỉ cần nắm vững nội dung tác phẩm là làm được. Sau đó là biết cấu trúc viết. Cấu trúc viết thông thường sẽ như sau: Mở – Thân – Kết, còn cấu trúc của những bài văn hay sẽ có thêm hai phần:
Phần đánh giá chung: Nêu những chi tiết hay liên quan đến tác giả, tác phẩm, hoặc cột mốc lịch sử, ý nghĩa lịch sử, khái quát nội dung nghệ thuật. Phần này kẹp giữa sau phần mở, trước khi đi vào chi tiết của phần thân bài.
Phần liên hệ: Liên hệ tác giả, tác phẩm, bối cảnh, trích dẫn tác giả khác nói về chủ đề ấy, trích dẫn tác giả ấy nói về chủ đề khác để thấy được góc nhìn toàn diện của tác phẩm đang phân tích.
Như vậy một bài phân tích hay đều phải đảm bảo chặt cấu trúc 5 phần đó.
Mở bài -> Đánh giá chung -> Phân tích chi tiết -> Bình luận, liên hệ -> Kết bài.
Đi sâu vào hơn, lại thấy ở mỗi phần, học sinh giỏi họ đều phải học cách viết khác biệt. Viết sao cho ấn tượng, thu hút. Mở bài và kết bài phải viết hay, tuyệt đối không được viết theo cách thông thường. Phần phân tích chi tiết, bạn cũng cần nắm được nội dung phân tích sao cho sâu sắc. Phần bình luận, liên hệ bạn cũng phải tạo ra được sự khác biệt, có nhiều liên hệ rộng và hay.
Tóm lại, bạn thấy đó, viết một bài văn phân tích cũng giống như bạn xếp đội hình bóng đá. Đội hình bóng đá bạn phải có thủ môn, hậu vệ, trung vệ, tiền vệ, hộ công, tiền đạo,.. Người viết văn theo cấu trúc là họ có đủ cấu trúc, chứ không hẳn là họ nhiều chữ. Giống như bạn xếp đội hình, bạn thiếu đi những vị trí như tiền vệ, hộ công,… thì đội bóng của bạn làm sao mà chắc chắn được. Điều kiện tiên quyết để đội bóng bạn ra sân là phải đủ vị trí.
Tiếp tục đến mảng thứ hai là tác phẩm nghị luận. Thông thường bài nghị luận sẽ ngắn hơn, nhưng cấu trúc chặt sẽ là:
Mở bài -> Giải thích vấn đề -> Phân tích, chứng minh vấn đề -> Bàn luận lật ngược vấn đề -> Kết bài.
Phần giải thích vấn đề: Bạn phải giải thích rõ về đề bài, quan điểm đó là như nào, giải thích hiện tượng, từ ngữ cụ thể.
Phần bàn luận, lật ngược vấn đề: Bạn đưa ra cả những góc nhìn khách quan, những góc nhìn khác về vấn đề.
Thói quen nhỏ, kết quả to
Ở phần này, mình sẽ chia sẻ những cách để nâng cao khả năng viết lách tốt cho những phần chi tiết mà mình nói ở trên. Việc đầu tiên là bạn sơ đồ hóa nội dung tác phẩm, để đảm bảo rằng bạn có thể nói được nội dung tác phẩm ấy trong vài câu. Bạn có thể vẽ sơ đồ, ghi chú từ khóa để nắm được nội dung lõi của bài, đó là thói quen đầu tiên. Vì làm thế bạn sẽ không bị lạc đề, và hiểu được gốc tác phẩm.
Thứ hai là vấn đề viết mở bài và kết luận sao cho hay và hấp dẫn. Một thói quen là bạn đọc sách tham khảo, hoặc mượn bài viết của những bạn học giỏi văn. Ngày lớp 9, mình mượn bài kiểm tra điểm cao của các bạn nữ trong đội tuyển, sau đó đi photo, và đọc. Từ đó học được rất nhiều cách làm hay, bắt đầu vấn đề ra sao, mở bài kết bài thế nào cho hấp dẫn. Thông thường bao giờ mình cũng sẽ nghĩ một cái mở bài rất lạ và độc đáo, chứ không bao giờ viết theo truyền thống.
Chẳng hạn các tác phẩm thơ sẽ có chủ đề về người lính bộ đội, năm lớp 9 bạn sẽ được học Đồng chí của Chính Hữu, lên 12 bạn học Tây Tiến của Quang Dũng. Người lính của Đồng Chí là người lính nông dân chân chất, còn người lính của Tây Tiến là những chàng trai thanh niên Thủ đô ra trận cứu nước. Bạn hoàn toàn có thể viết mở bài dựa vào sự liên kết của hai tác phẩm để người đọc có thể thấy ấn tượng. Chẳng hạn như “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Hai câu thơ nói về người con gái Thủ đô, mang đậm cá tính và dấu ấn riêng trong nét đẹp tâm hồn. Viết về những cô gái, người đọc cững sẽ nghĩ đến những chàng trai. Những chàng thanh niên của Thủ đô Hà Nội, họ cũng mang trong mình những nét đẹp, cá tính riêng, đậm chất sâu sắc, và đặc biệt lại là những chàng trai trong chiến đấu. Nếu như nhắc đến Đồng Chí, người ta biết ngay đến hình ảnh người lính xuất thân là những người nông dân chân chất, mang cái vẻ đẹp chất phác, khỏe khoắn thì đến với Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng lại thêu dệt lên một bức tranh vô cùng độc đáo về những người lính trí thức – những chàng trai Thủ đô khi họ ra trận….” Nếu như bạn chỉ cần đầu tư chút thời gian, mình tin chắc bạn hoàn toàn có thể có những mở bài và kết luận hết sức sinh động.
Vấn đề thứ ba là các phần liên hệ, bình luận. Phần này bạn phải đọc nhiều. Một người viết tốt, cũng phải là người đọc nhiều. Trong quá trình đọc, bạn tiếp nhận tư tưởng quan điểm hay, bạn học được nhiều ý tưởng phân tích sâu sắc. Đọc nhiều sách tham khảo, và với mảng nghị luận xã hội bạn cũng cần đọc nhiều kiến thức xã hội. Nói chung đọc tác phẩm, thậm chí là các tác phẩm kinh điển như truyện ngắn, tiểu thuyết sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc xây dựng vốn kiến thức văn. Chẳng hạn nếu làm đến các bài thơ liên quan đến thơ mới, việc đọc Thi nhân Việt Namcủa Hoài Thanh, Hoài Chân sẽ giúp bạn rất rất nhiều.
Một vài mẹo nhỏ khác
Viết nhiều
Việc viết nhiều sẽ giúp bạn rèn luyện khả năng diễn đạt ngôn từ, diễn đạt lưu loát, trôi trảy, vì thế mà bạn hành văn sẽ súc tích, cô đọng. Do vậy thói quen viết nhật kí cũng là một thói quen tốt để bạn rèn khả năng viết lách, hãy viết nhật kí về ngày của bạn, về thành công của bạn, về kỉ niệm của bạn. Hãy nhớ bạn viết nhiều rồi bạn sẽ viết giỏi. Ngoài viết nhật kí, bạn có thể học cách sáng tác truyện, viết truyện, thậm chí viết blog cá nhân. Việc viết nhiều sẽ giúp bạn rèn được một kĩ năng rất quan trọng không chỉ để giỏi văn, đó là kĩ năng viết.
Tập viết chữ đẹp
Mình không chắc là chữ đẹp giúp bạn nâng cao điểm số. Nhưng hình như viết chữ đẹp, bài viết không gạch xóa lại gây ra được thiện cảm rất nhiều với thầy cô khi chấm. Việc này hoàn toàn luyện tập được, chỉ cần bạn kiên trì. Bạn hoàn toàn có thể luyện tập đến mức viết 6-8 trang giấy thi môn văn, không có một lỗi chính tả. Và luyện viết chữ đẹp cũng làm chữ bạn viết nhanh mà không xấu bằng việc tập viết trên vở kẻ ô li. Chữ đẹp cũng ảnh hưởng bởi ngòi và mực. Chữ bạn nếu rất xấu, khi mới luyện hãy viết mực xanh, khi đẹp rồi, hãy viết mực đen vì mực đen mà sạch đẹp thì nhìn rất rất đẹp. Bạn cũng đừng nên viết bút bi, mà nên dùng bút bi nước, hoặc viết bút mực, đặc biệt là ngòi to, vì chữ bạn nhìn sẽ sạch sẽ và gọn gàng hơn nhiều.
- Học Ngữ văn rất khó:
Dân trí Con trai tôi kể: “Bây giờ học Văn khổ lắm mẹ ạ. Cô bảo năm nay thi chuyển cấp, thi 2 môn Văn Toán, điểm mỗi môn ít nhất phải 8 thì mới vào được “trường ngon”. 8 Toán thì dễ chứ 8 Văn thì khó. Chỉ còn cách học thuộc lòng thôi”. Tuyên bố của cô giáo con khiến tôi choáng váng. Học thuộc lòng Văn ư?Nhưng dù tôi có choáng váng bao nhiêu, ngầm phản đối bao nhiêu thì việc học thuộc lòng môn Văn vẫn đang diễn ra. Hàng ngàn đứa trẻ đang bị nhồi nhét học ngày đêm để cuối năm học lớp 9 vượt qua được kì thi vào lớp 10 THPT khốc liệt còn hơn thi đại học. Để lọt được vào bên trong một cánh cổng trường THPT công lập, những học sinh lớp 9 đang “vật vã” với môn Văn.
Học thoải mái ư? Thi sao được! Từ lớp 3 đến lớp 8 học viết bài văn hoàn chỉnh với bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài) thì tự dưng lớp 9 xoay ra tập viết đoạn văn. Đề yêu cầu thế! Đề cũng không hỏi một tác phẩm hoàn chỉnh, mà chỉ yêu cầu phân tích một khổ thơ xinh xinh, một chi tiết nho nhỏ. Thế thì mỗi khổ thơ, mỗi chi tiết như thế sẽ cần 10 đến 12 câu trong một đoạn văn phân tích cho bằng hết từ nội dung đến nghệ thuật.
Chẳng còn cần đến bài văn với bố cục chặt chẽ, câu văn có liên kết, sự sắp xếp ý thông minh và khoa học làm gì nữa! Cũng chẳng cần cách diễn đạt sao cho khéo léo, mềm mại, toát lên được vẻ đẹp tâm hồn của người viết! Chỉ cần thuộc một đoạn văn phân tích sẵn, trong đó có đủ các biện pháp nghệ thuật, các phẩm chất nhân vật hoặc các ý tứ, hình ảnh thơ sát với đáp án đã được ai đó viết ra, là đủ!
Đâu cần rung động, đâu cần cảm xúc nữa! Đề thi thì cứ yêu cầu viết đoạn văn khuôn mẫu, bao năm nay chẳng thay đổi. Thi gì học nấy mà ! Học sinh buộc phải học như vậy ở năm lớp 9 để đối phó với kì thi. Giáo viên cũng buộc phải dạy như vậy để có thành tích báo cáo sau kì thi. Và thế là cuộc đua học thuộc lòng bắt đầu….
Mỗi học sinh sẽ nhận được một cuốn sách ôn tất cả các tác phẩm có thể thi đến, các vấn đề có thể hỏi đến trong chương trình môn Ngữ văn lớp 9. Mỗi tuần cô giáo sẽ đặt ra những yêu cầu phải thuộc trang nào, bài nào của cuốn sách ấy.
Bên cạnh đó, còn phải làm bài tập trả lời những câu hỏi lắt léo khai thác từng từ ngữ, từng câu thơ câu văn trong mỗi tác phẩm. Nếu cô giáo kiểm tra mà đọc sai, viết sai thì nhất định phải học lại, viết lại cho kì thuộc mới thôi.
Nhiều biện pháp được đưa ra để phạt nếu học sinh không thuộc bài như chép phạt, ngồi ngoài hành lang học (hành lang không có điều hòa mát lạnh như trong lớp) cho đến khi thuộc mới được vào. Vậy là học sinh bỏ qua hầu hết Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… chỉ để học thuộc lòng Văn và luyện hàng trăm bài tập Toán, cốt chỉ để phục vụ một kì thi. Và thi xong thì tất cả bị quên sạch, chẳng đọng lại chút kiến thức hay kĩ năng nào trong đầu các em vì có phải tự làm đâu mà nhớ, toàn thứ đi mượn ngắn hạn thôi mà. Than ôi!
Tôi không phản đối việc học ôn những ý quan trọng của một tác phẩm văn học. Cần phải nhớ những ý cơ bản ấy để có dàn ý làm nền cho một bài viết. Điều tôi rất không đồng tình là việc học theo một đoạn văn mẫu, một bài văn mẫu có sẵn.
Học sinh chán nản và khổ sở với môn Văn chính là vì điều này. Tại sao không để các em tự viết? Tại sao gọi là tập làm văn, tập nêu lên ý kiến, quan điểm của mình mà phải dập khuôn, nhại lại bài của người khác? Và giáo viên có vui không khi chấm cả trăm bài giống hệt nhau, không sai cả đến một dấu chấm, dấu phẩy?
Khi việc thuộc lòng đã thành một thói quen thì nếu gặp một đề bài đòi hỏi sự sáng tạo học sinh sẽ xử trí thế nào? Mà theo tôi được biết thì các vấn đề nghị luận xã hội đòi hỏi sáng tạo ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các đề bài làm văn ở cấp THPT - bậc học tiếp theo ngay sau khi các em rời khỏi lớp 9.
Thực tế là rất nhiều học sinh đang gặp khủng hoảng trong việc học môn Văn, từ đó dẫn đến chán môn Văn. Các em có thể vẫn say mê đọc sách truyện, vẫn thốt lên những câu thật hay khi có điều gì làm các em rung động, vẫn viết được đoạn văn bài văn đầy cảm xúc khi được viết một cách tự do.
Tại sao những cảm xúc trong trẻo hồn nhiên ấy không được môn Văn trong nhà trường tiếp sức để trở thành những hành trang đáng giá trong cả cuộc đời dài sau này? Sự rập khuôn máy móc có phải đang biến các em thành những người luôn sợ sệt làm sai, làm hỏng, sợ không đúng ý người chấm bài bây giờ và sau này luôn sợ làm trái ý người khác, trái ý cấp trên để rồi chẳng bao giờ có một ý kiến gì?
Thật buồn cho môn Văn! Và buồn hơn nữa cho cách học sinh ngày nay học Văn! Tâm hồn những học trò bé bỏng đang ngày càng trở nên nghèo nàn đi, thực dụng hơn, méo mó và cằn cỗi hơn vì sự “biến chất” của môn Văn.
Việc học thuộc, học vẹt đang làm chết dần sự sáng tạo, óc tưởng tượng, tâm hồn lãng mạn bay bổng vốn là bản năng của những đứa trẻ bắt đầu bước vào con đường học tập, khám phá thế giới. Sự thụ động, sự bắt chước trong học Văn để lại những hậu quả không nhỏ. Có học sinh đã phải thốt lên cay đắng : “Em từng rất yêu và say mê học Văn, nhưng từ khi học ôn thi lớp 9 thì môn Văn trở thành ác mộng”. Đáng thương thay!
Để môn Văn trở lại với vị thế môn học làm người vốn có, thiết nghĩ ngành giáo dục cần loại bỏ ngay bệnh thành tích đang hủy hoại âm thầm những khát khao, những rung động đáng trân trọng trong mỗi tâm hồn học sinh.
Việc kiểm tra đánh giá phải làm sao khơi lên được phần nhân bản trong mỗi con người, phải kích thích được học sinh tìm tòi, khám phá, phát hiện chứ không phải tạo ra những thí sinh chỉ biết thuộc lòng, thi xong là quên. Ý nghĩa của môn Văn cần phải là khiến cho học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống. Điều đó khó biết bao mà cũng cao quý biết bao!
- Học Ngữ văn rất cần thiết:
Hiện nay , bộ môn Văn học vẫn giữ vị trí khá quan trọng trong các phân môn ở nhà trường phổ thông. Học Văn giúp cho chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc sống, về tình người; hơn nữa học Văn còn giúp ta có cách diễn đạt, thể hiện tình cảm sâu sắc, hàm súc hơn thông qua các hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên, không ít các học sinh vẫn không thích học Văn, thậm chí sợ học Văn bởi chưa thấy được cái hay, cái đẹp của môn Văn. Vậy, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về bộ môn này để thấy được lợi ích của việc học Văn đem lại, để có cách nhìn toan diện hơn về môn Văn.
Ngữ văn không chỉ mở mang cho người học nhiều kiến thức về xã hội mà còn giúp cho chúng ta cải thiện được khả năng giao tiếp hàng ngày.
Bởi các tác phẩm văn học luôn mang hơi thở của xã hội đương thời, nó phản chiếu hiện thực cuộc sống qua lăng kính của người nghệ sĩ. Và để truyền tải tinh tế được các cung bậc cảm xúc của lòng người, các tác giả cần có vốn từ vựng rất phòng phú, lựa chọn ngôn từ thật xác đáng. Vì vậy, học Văn cũng đồng nghĩa với việc ta đã tiếp cận được kho tàng ngôn ngữ rất giàu có. Khi chú ý học hỏi, chúng ta có thể tăng cường được vốn từ ngữ để sử dụng hàng ngày.
Và dần dần, khi giao tiếp hay khi viết, chúng ta sẽ sử dụng các từ mới, từ hay như một phản xạ tự nhiên. Tuy nhiên, cuộc sống hàng ngày cũng chính là nơi chúng ta có thể trải nghiệm lại nhưng kiến thức đã học, tích lũy và làm dồi dào thêm vốn từ của bản thân, nâng cao khả năng giao tiếp của mỗi người.
Văn học giúp chúng ta cảm nhận được những hình ảnh, âm thanh quen thuộc, gần gũi của cuộc sống
Qua các tác phẩm văn học, chúng ta có thể cảm nhận được những hình ảnh, âm thanh đẹp đẽ, đó chính là món quà tuyệt diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta. Nếu ai đã dành thời gian quan sát và lắng nghe khung cảnh thiên nhiên buổi sáng sẽ càng hiểu hơn vẻ đẹp của những âm thanh đặc biệt của làng quê vào buổi sớm mai, hoặc của khu phố khi màn đêm buông xuống… Và hơn cả, khi biết được cách quan sát, lắng nghe ấy, chúng ta sẽ mở rộng được tâm hồn mình, mở rộng vòng tay và sẽ lôn nhận được những món quà bất ngờ và đẹp đẽ từ cuộc sống.
Văn học giúp ta biết về nguồn cuội, gốc rễ.
Như chúng ta thấymôn văn đâu phải đi học chúng ta mới học mà ngay từ khi mới sinh ra mỗi chúng ta đều được bà, được mẹ hát những câu hát ru trong khi đi ngủ, những câu ca dao mượt mà đằm thắm. Sau đó là những ngày ngồi trên ghế nhà trường chúng ta lại được học môn văn,tiếng Việt để biết về nguồn cội, gốc rễ ngày xưa ông cha ta nói và làm những gì? Vậy nên văn chương đi suốt chiều dài lịch sử nhân loại.
Trong môn ngữ văn ta thấy, mỗi bài thơ, mỗi bài văn, mỗi tác phẩm đều mang trong mình những bài học sâu săc. Bài thì dạy ta về đạo đức, về hiếu nghĩa, về những tấm gương chiến đấu chói ngời của ông cha những người đi trước. Nó cho chúng ta thấy rằng sự bình yên chúng ta đang thừa hưởng không phải dễ dàng mà có được. Nó là sự hi sinh máu và mạng sống của những người đi trước để giành lại được độc lập như ngày nay.
Nói cách khác Văn học chính là giúp chúng ta cách học cách làm người. Văn học một lần nữa giúp chúng ta có thái độ biết ơn những người đi trước, những người hi sinh mạng sống để chúng ta có ngày hôm nay, chúng ta hãy sống cho thật xứng đáng.
Học văn giúp chúng ta biết đồng cảm với người khác.
Trong văn học ẩn chứa trong đó biết bao câu truyện, biết bao những cuộc đời hạnh phúc, khổ đau, hay cùng quẫn. Khi đọc những trang đời kể về những nỗi khổ gông cùm, mất nước, mất tự do, những nỗi đau ai oán phải bán con, nuốt nước mắt vào trong của những người mẹ. Khi chúng ta đọc những lời văn như vậy ta sẽ thấy đồng cảm, cảm thông và thấu hiểu những nỗi đau đến tột cùng, những nỗi đau tưởng như không một ai chịu nổi, những nỗi đau cùng quẫn của họ. Từ đó giúp chúng ta biết ghét, biết căm thù những cái ác, những thứ gieo rắc khổ đau.
Nhưng quan trọng nhất là nó dạy ta biết dung hòa 2 sự yêu ghét với nhau, giúp chúng ta có cái nhìn bao dung, bác ái.