Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ
Số lượng câu hỏi 0
Số lượng câu trả lời 8
Điểm GP 0
Điểm SP 0

Người theo dõi (0)

Đang theo dõi (0)


Câu trả lời:

    Mở đầu khổ hai của tác phẩm “Sang thu”, Hữu Thỉnh viết:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã”.

Với hình ảnh “sông dềnh dàng”, tác giả dùng biện pháp nhân hoá kết hợp với từ láy “dềnh dàng” để khắc hoạ dòng sông trôi chậm hơn, hiền hoà trôi một cách nhàn hạ, thanh thản và sông “dềnh dàng” bởi khi sang thu mưa ít hơn, dòng sông không phải chở những dòng nước lũ. Thi sĩ dùng biện pháp nhân hoá cùng tính từ “vội vã” để cho thấy chim vội vã bay về tổ sau một ngày dài kiếm ăn vì mùa thu trời nhanh tối hơn. Hình ảnh “sông dềnh dàng” đối lập với hình ảnh “chim vội vã”, từ đó thể hiện sự vận động tương phản của sự vật và sự phong phú của thiên nhiên đất trời trong thời khắc giao mùa. Hơn nữa, phó từ “được lúc”, “bắt đầu” thể hiện thu vừa mới chớm, từ đó cho thấy khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên. Tiếp đến, ông viết:

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”.

Nhà thơ lại sử dụng nghệ thuật nhân hoá “vắt nửa mình” để cho thấy mây mỏng và mềm mại như dải lụa vắt ngang trên bầu trời. Đám mây như ranh giới giữa hai mùa: hạ và thu, một nửa nghiêng về mùa hạ, một nửa nghiêng về mùa thu. Đám mây như còn vương vấn, bịn rịn chưa muốn chia tay mùa hạ, chưa vội sang thu. Cũng giống như con người vẫn còn chùng chình, lưu luyến tuổi trẻ, chưa muốn sang thu của cuộc đời. Ôi, khổ thơ đã cho thấy những cảm nhận tinh tế của thi nhân trong khoảnh khắc giao mùa. Tóm lại, bằng việc sử dụng thành công biện pháp nhân hoá cùng với tính từ, nghệ thuật đối lập, phó từ, cảm nhận tín hiệu thu về trong không gian dài cao rộng của Hữu Thỉnh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Câu trả lời:

     Khổ một của bài thơ “Sang thu” đã thể hiện thành công tín hiệu thu về và cảm xúc của nhà thơ Hữu Thỉnh. Mở đầu khổ một, ông viết:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se”.

Ở đây, “hương ổi” là mùi ổi chín trong các vườn cây, đây là tín hiệu thu về vừa quen thuộc vừa mới mẻ, vừa gần mà lạ (được cảm nhận bằng khứu giác). Động từ “phả” có nghĩa là toả vào, trộn lẫn, thể hiện hương ổi đang ở độ đậm nhất, sánh lại, thơm nồng nàn hoà quyện vào trong gió, lan toả khắp khu vườn. Và Hữu Thỉnh đã biến cái vô hình thành cái hữu hình, ta như cảm nhận được sự vận động nhẹ nhàng của gió đưa hương. Ông cảm nhận tín hiệu thu về không chỉ bằng khứu giác mà còn cảm nhận bằng xúc giác. “Gió se” là gió se se lạnh, man mát, thoang thoảng đặc trưng của mùa thu. Trước tín hiệu “hương ổi”, “gió se”, nhà thơ đã bộc lộ sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng và bất ngờ qua từ “bỗng”. Hơn nữa, ông viết tiếp:

“Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”.

Với hình ảnh “sương”, thi sĩ dùng biện pháp nhân hoá qua từ “chùng chình” để cho thấy làn sương như cố ý đi chậm lại, quấn quýt bên ngõ xóm, vẫn lưu luyến mùa hạ đang dần qua, cũng giống như con người vẫn còn nhiều vương vấn, chưa muốn sang thu của cuộc đời (được cảm nhận bằng thị giác). Từ “ngõ” được hiểu theo nghĩa tả thực là đường làng ngõ xóm, còn theo nghĩa ẩn dụ là cửa ngõ của thời gian giữa hai mùa: hạ và thu. Thành phần tình thái “hình như” thể hiện sự mơ hồ, không rõ ràng của tác giả. Nhà thơ hơi bối rối, dường như còn có chút gì đó chưa thật, chưa chắc chắn trong cảm nhận. Qua đó, ta thấy mùa thu còn rất nhạt, chỉ vừa mới chớm, mùa hạ còn đậm. Ôi! Khổ thơ đã thể hiện một cách tinh tế những cảm nhận của thi nhân trước thời khắc giao mùa của thiên nhiên đất trời. Tóm lại, bằng việc sử dụng nghệ thuật nhân hoá, ẩn dụ, thành phần biệt lập, tính từ…, cảm nhận tín hiệu thu về của nhà thơ trong không gian gần và hẹp đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Câu trả lời:

    Khổ cuối của bài thơ “Viếng lăng Bác” đã thể hiện thành công cảm xúc lưu luyến của tác giả viễn Phương khi chuẩn bị rời lăng. Mở đầu khổ bốn, ông viết: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”. Câu thơ như một lời giã biệt giản dị nhưng chan chứa bao tình cảm sâu lắng của thi nhân. “Thương trào nước mắt” diễn tả cảm xúc mãnh liệt lưu luyến không muốn rời xa nơi Bác yên nghỉ vì khi ở trong lăng, tác giả đã phải kìm nén cảm xúc để thể hiện sự trang trọng, tôn nghiêm. Vì không muốn rời xa lăng nên nhà thơ đã có tâm nguyện chân thành đến cháy bỏng:

“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.

Ở ba câu thơ trên, tác giả dùng biện pháp điệp ngữ “muốn làm” kết hợp với biện pháp liệt kê “con chim”, “đóa hoa”, “cây tre” để thể hiện ước muốn chân thành sâu thẳm từ đáy lòng mình. Ông muốn làm “con chim” để cất tiếng hót vui, trong trẻo bên lăng Bác, làm “đoá hoa” tỏa hương thơm thanh cao nơi Bác yên nghỉ, làm “cây tre” để canh giữ giấc ngủ bình yên cho Người. Hơn nữa, thi sĩ đã lược bỏ chủ ngữ để cho thấy ước nguyện được ở gần Bác không phải chỉ của riêng ông mà còn là ước nguyện của toàn thể dân tộc Việt Nam. Hình ảnh “cây tre” khép lại bài thơ tạo kết cấu đầu cuối tương ứng có tác dụng nhấn mạnh chủ đề và diễn tả cảm xúc trọn vẹn của thi nhân. “Cây tre trung hiếu” là hình ảnh ẩn dụ cho thấy dân tộc Việt Nam trung thành với lí tưởng và sự nghiệp cách mạng của Bác, đó là trung với nước, hiếu với dân. Ôi, tình yêu mà nhà thơ dành cho Người thật là cảm động! Tóm lại, bằng việc sử dụng nghệ thuật điệp ngữ, liệt kê, câu rút gọn, ẩn dụ, kết cấu đầu cuối tương ứng…, cảm xúc lưu luyến, bịn rịn của nhà thơ khi rời xa lăng chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.

Câu trả lời:

   Mở đầu bài thơ “Viếng lăng Bác”, tác giả Viễn Phương viết:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”.

Đại từ xưng hô “con” gần gũi thân thiết, ấm áp, phù hợp diễn tả tâm trạng của người con ra thăm cha sau nhiều năm xa cách, từ đó thể hiện tình cảm vừa yêu thương vừa kính trọng của nhà thơ đối với Bác Hồ. Thi sĩ dùng biện pháp nói giảm nói tránh qua từ “thăm” (thay cho từ “viếng”) để giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát, đồng thời khẳng định Bác vẫn còn sống mãi trong trái tim mọi người. Hình ảnh “trong sương” thể hiện nhà thơ đã đến lăng từ rất sớm, từ đó cho thấy ông rất nôn nóng, mong mỏi muốn được vào thăm Bác. Với hình ảnh “hàng tre bát ngát”, đây là hình ảnh tả thực, miêu tả những hàng tre được trồng xung quanh lăng, từ đó gợi lên sự gần gũi, quen thuộc của làng quê Việt Nam và không gian rộng lớn, khoáng đạt, yên bình. Tiếp theo, ông viết:

“Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.

“Bão táp mưa sa” là thành ngữ chỉ những hiện tượng cực đoan của thời tiết tự nhiên. Hơn nữa, nó còn ẩn dụ cho những khó khăn thách thức mà dân tộc ta đã phải đối mặt và vượt qua trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt. Về hình ảnh “hàng tre xanh xanh Việt Nam đứng thẳng hàng”, đây là hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp thanh cao, kiên cường, bền bỉ và bản lĩnh của nhân dân ta. Từ đó thi sĩ ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam: cần cù, chịu thương chịu khó, đoàn kết, kiên cường. Thán từ “ôi” bộc lộ nỗi xúc động và niềm tự hào của thi nhân trước hình ảnh hàng tre cũng như là trước vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam. Tóm lại, bằng việc sử dụng thành công nghệ thuật ẩn dụ, nói giảm nói tránh, từ láy…, cảm xúc bâng khuâng của tác giả khi đứng ngoài lăng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả.

Câu trả lời:

      Từ những kỉ niệm hồi tưởng về tuổi thơ và bà, người cháu suy ngẫm về cuộc đời bà. Mở đầu khổ sáu của bài thơ “bếp lửa”, tác giả viết:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”

Ở đây, từ láy “lận đận” được đảo lên trước cùng hình ảnh ẩn dụ “biết mấy nắng mưa” gợi cả chiều dài cuộc đời đầy khó nhọc, vất vả của bà. Tuy mấy chục năm đã trôi qua nhưng cho đến tận bây giờ, bà vẫn giữa thói quen dậy sớm để nhóm bếp. Hơn nữa, ông viết tiếp:

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”

Ở bốn câu trên, ông dùng biện pháp điệp ngữ “nhóm” để khẳng định, nhấn mạnh giá trị lớn lao của những việc bà làm và “nhóm” là từ nhiều nghĩa. Từ “nhóm” trong hình ảnh “nhóm bếp lửa” và “nhóm nồi xôi” là nghĩa gốc, nó có nghĩa là làm cho, giữ cho ngọn lửa bén và cháy lên. Còn từ “nhóm” trong hình ảnh “nhóm niềm yêu thương” và “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ” là nghĩa chuyển (ẩn dụ), nó cho thấy niềm vui, niềm tin, tình yêu thương mà người bà đã nhen nhóm trong lòng người cháu. Qua đó, tác giả thể hiện bà là người tần tảo, giàu đức hi sinh và bà chính là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam. Người cháu không chỉ suy ngẫm về cuộc đời bà mà còn suy ngẫm về hình ảnh bếp lửa. Bếp lửa là hình ảnh cụ thể, quen thuộc mà bà nhen mỗi sớm, bếp lửa biểu tượng cho người bà, cho người phụ nữ Việt Nam, bếp lửa trở thành biểu tượng của tình yêu thương, của sức sống, niềm tin và kỉ niệm thời thơ ấu. Hơn nữa, bếp lửa còn là hình ảnh quê hương đất nước trong lòng những đứa con xa xứ luôn hướng về cội nguồn. Chính vì vậy người cháu thốt lên: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”. Nghệ thuật đảo ngữ “kì lạ và thiêng liêng” và câu cảm thán được dùng để thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng, bất ngờ của người cháu khi khám phá ra được điều kì lạ và giá trị thiêng liêng của hình ảnh bếp lửa. Để cho thấy những suy ngẫm về cuộc đời bà và bếp lửa của người cháu, thi sĩ đã sử dụng từ láy, nghệ thuật ẩn dụ, điệp ngữ, đảo ngữ và câu cảm thán.

Câu trả lời:

    Hai khổ bốn, năm của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” đã thể hiện thành công ước nguyện chân thành của nhà thơ. Mở đầu tác phẩm là cảm xúc say sưa ngây ngất của tác giả trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, tiếp đến là niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước và đến những khổ tiếp theo, thi nhân đã có những ước nguyện chân thành đến cháy bỏng:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến”.

Thi sĩ dùng biện pháp điệp ngữ “ta làm” kết hợp với biện pháp liệt kê “con chim”, “cành hoa”, “nốt trầm” để thể hiện tâm niệm tha thiết của mình. Ông muốn làm “con chim” để cất tiếng hót vui cho đời, làm “cành hoa” để cống hiến hương sắc, khiến cuộc đời thêm đẹp, thêm rực rỡ, làm “nốt trầm” để đóng góp một phần nhỏ bé vào bản nhạc muôn điệu nhưng có ích “xao xuyến”. Đại từ “tôi” vốn chỉ cá nhân người nói nay đã chuyển thành “ta” – chỉ cả người nói và người nghe. Điệp từ “ta” khẳng định sống có ích, cống hiến không phải chỉ là ước nguyện của riêng nhà thơ mà nó còn là ước nguyện chung của tất cả mọi người. Tiếp đến khổ năm, ông viết:

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”.

“Mùa xuân nho nhỏ” là một hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo, cũng là cách thể hiện đầy thiết tha cảm động. Nghệ thuật đảo ngữ “lặng lẽ” cho thấy ước nguyện hóa thân đó vô cùng cháy bỏng nhưng được tác giả thầm lặng dâng hiến cho đời. Điệp ngữ “dù là” khiến âm điệu câu thơ thêm phần sâu lắng, ý thơ được nhấn mạnh. Hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi” tượng trưng cho tuổi trẻ còn hình ảnh “tóc bạc” tượng trưng cho tuổi già. Qua đó tác giả thể hiện ước nguyện muốn được hòa nhập, được cống hiến sức sống tươi trẻ cho đất nước một cách giản dị, khiêm nhường và bền bỉ nhưng rất mãnh liệt, bất chấp thời gian tuổi tác. Tóm lại, những tâm nguyện chân thành của nhà thơ chắc chắn để lại những ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.

Câu trả lời:

    Mở đầu bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, nhà thơ Thanh Hải viết:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi”.

Đầu tiên, ta có thể thấy rõ bức tranh mùa xuân của thiên nhiên trong sáng, dịu dàng, đằm thắm. Tác giả dùng biện pháp đảo ngữ qua từ “mọc” để nhấn mạnh sự tồn tại, sự xuất hiện, một sức sống tiềm tàng, sự vươn lên của bông hoa. Giữa không gian rộng lớn của dòng sông chỉ có một bông hoa nhưng không hề gợi sự lẻ loi mà nó lại hiện lên đầy sống động, lung linh, tràn đầy sức xuân. Trong bức tranh mùa xuân ấy, có màu xanh của dòng sông, màu tím biếc của bông hoa và đây đều là những gam màu hài hoà, dịu nhẹ, tươi tắn, đặc trưng của xứ Huế (màu tím). Không chỉ có hình ảnh mà còn có âm thanh là tiếng hót của chim chiền chiện - loài chim của mùa xuân, rộn rã, tươi vui. Ông dùng biện pháp nói quá qua từ “vang trời” để cho thấy tiếng hót rất là vang, trong trẻo, bay xa của chim chiền chiền và biện pháp nhân hoá “ơi” để thể hiện sự gần gũi, thân thương, mang nhiều sắc thái biểu cảm như một lời trách yêu. Hình ảnh “Giọt long lanh rơi” được hiểu theo nghĩa tả thực là giọt nước, giọt mưa xuân, giọt sương mai trong vắt rơi xuống từng nhành cây, kẽ lá, còn theo nghĩa ẩn dụ chuyển đổi cảm giác là giọt âm thanh. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (được cảm nhận bằng thính giác) chuyển thành từng giọt có hình khối và màu sắc “long lanh” (được cảm nhận bằng thị giác, xúc giác). Tiếng hót của chim chiền chiện ngân vang cả đất trời nhưng không tan biến vào không trung. Ôi, khung cảnh thiên nhiên thật tươi đẹp biết bao! Tiếp đến là cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân thiên nhiên: “Tôi đưa tay tôi hứng”. Động từ “hứng” thể hiện sự nâng niu trân trọng, thiết tha trìu mến của thi nhân đối với vẻ đẹp của thiên nhiên. Từ đó, câu thơ cho thấy cảm xúc say sưa ngây ngất trước cảnh xứ Huế vào xuân và mong muốn hóa thân vào thiên nhiên đất trời của tác giả. Tóm lại, bức tranh thiên nhiên mùa xuân và cảm xúc của nhà thơ đã được khắc hoạ thành công.

Câu trả lời:

    Trong khổ hai, ba trong “Mùa xuân nho nhỏ”, cảm xúc lạc quan tin tưởng của nhà thơ Thanh Hải trước mùa xuân của đất nước đã được thể hiện thành công. Mở đầu khổ hai, ông viết:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ”.

Tác giả dùng biện pháp hoán dụ qua hai hình ảnh “người cầm súng” và “người ra đồng”. Với hình ảnh “người cầm súng”, nó tượng trưng cho lực lượng bảo vệ Tổ quốc, còn với hình ảnh “người ra đồng”, nó tượng trưng cho lực lượng xây dựng đất nước. Hình ảnh “lộc” được hiểu theo nghĩa tả thực là chồi non lộc biếc trên cành cây kẽ lá, trên vòm lá ngụy trang của người lính, là cây mạ non trên tay người ra đồng, còn theo nghĩa ẩn dụ là sức xuân bất diệt, sức sống mãnh liệt, sự may mắn, tốt lành. “Lộc” kết hợp với “trải dài”, “giắt đầy” thể hiện “người cầm súng” và “người ra đồng” là người mang mùa xuân đến khắp mọi miền đất nước hay họ cũng chính là người tạo ra mùa xuân. Hơn nữa, ông viết tiếp:

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao”.

Thi sĩ dùng biện pháp điệp ngữ “tất cả” kết hợp với tính từ “hối hả”, “xôn xao” để khắc hoạ không gian và sức sống của mùa xuân, lòng người rạo rực, xốn xang, không khí tưng bừng, nhộn nhịp, khẩn trương, giục giã khi đất nước đang vào xuân. Tiếp đến khổ ba, ông viết:

“Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”

Ở đây, từ “đất nước” được lặp lại hai lần vừa có giá trị tạo nhạc vừa nhấn mạnh chiều dài lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. “Đất nước” được nhân hoá “vất vả và gian lao”, từ đó cho thấy sức sống bền bỉ, kiên định, vững vàng không chùn bước trước những khó khăn, thách thức. Và “đất nước” còn được so sánh như “vì sao” – tuy nhỏ bé nhưng lại có ánh sáng bất diệt, vĩnh hằng. Ngoài ra, ông còn dùng từ “cứ” cùng động từ “đi lên” để thể hiện sự tin tưởng rằng đất nước sẽ phát triển và đi lên trong tương lai. Qua những hình ảnh trên, thi nhân bộc lộ niềm tự hào, sự lạc quan tin tưởng và ngợi ca sức sống của quê hương đất nước khi mùa xuân về. Về nghệ thuật, nhà thơ đã sử dụng biện pháp điệp ngữ, ẩn dụ, hoán dụ và nhân hoá.