+ Như chúng ta đã biết, không khí xung quanh chúng ta là hỗn hợp của nhiều chất khí khác nhau như N2, O2… và luôn luôn chứa một lượng hơi nước nhất định. Không khí có chứa hơi nước được gọi là không khí ẩm, trong tự nhiên trạng thái của nó được chia thành các dạng sau:
Dạng thứ nhất: Không khí ẩm chưa bão hòa: là trạng thái mà hơi nước còn có thể bay hơi thêm vào trong không khí, tức là không khí vẫn còn có thế nhận thêm được hơi nước. Điều này đồng nghĩa với việc hơi nước từ sàn nhà của bạn có thể bay hơi và hòa vào trong không khí, như vậy sàn nhà sẽ luôn khô thoáng và không bị đọng nước.
Dạng thứ hai: Không khí ẩm bão hòa: Là trạng thái mà hơi nước ở trong không khí đã đạt tối đa và không thể chứa thêm hơi nước được nữa. Nếu hơi nước vẫn tiếp tục bay vào không khí thì bao nhiêu hơi nước bay vào sẽ có bấy nhiêu hơi ẩm ngưng tụ lại. Nói cách khác, trong trường hợp độ ẩm không khí đạt mức bão hòa (100%) thì hơi nước từ sàn nhà bốc hơi lên sẽ không bay hơi được vào trong không khí mà sẽ ngưng đọng thành nước lỏng. Chính vì vậy chúng ta mới thấy hiện tượng nền nhà luôn bị ẩm ướt và nấm mốc, nhân gian gọi đó là hiện tượng nền nhà đổ mồ hôi.
+ Khí hậu của nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa, nắng nóng nhưng cũng mưa nhiều vì vậy độ ẩm không khí rất lớn (trên 80%). Với lượng mưa dao động từ 1500 – 2000mm/năm kết hợp với độ ẩm lớn nên hiện tượng nồm hay nói cách khác là nền nhà đổ mồ hôi là điều hoàn toàn hiển nhiên.
+ Hiện tượng nền nhà đổ mồ hôi thường xảy ra ở nước ta vào thời gian mùa đông và mùa xuân bởi trong khoảng thời gian này, nước ta chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc rất lạnh, mưa phùn thường xuyên, độ ẩm không khí cao nên nước không thể bốc hơi vào không khí được, kết quả là đọng lại ở mặt sàn làm cho sàn nhà nấm mốc và ẩm ướt.
+ Hiện tượng nền nhà đổ mồ hôi có thể giải thích bằng một ví dụ đơn giản như sau: Khi chúng ta đặt một cốc nước đá lên mặt bàn, để một lúc sau rồi nhấc cốc lên ta thấy có một ít nước đọng ở trên mặt bàn, tại sao lại như thế nhỉ? Liệu có phải là cốc bị giũa không? Chắc chắn là không phải đâu, bởi vì cốc nước đá có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ không khí xung quanh và khi hơi nước trong không khí gặp nhiệt độ thấp sẽ ngưng đọng lại và hóa thành dạng lỏng đọng lại ở vị trí đặt cốc nước. Hiện tượng nhà đổ mồ hôi cũng tương tự như vậy, vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp vì vậy nền nhà bị hóa lạnh kết hợp với độ ẩm không khí lớn nên hơi nước sẽ đọng lại trên sàn nhà làm cho sàn nhà ẩm ướt.