ào đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển mới về cả chất và lượng, khiến nguy cơ phá sản của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đang đến gần. Không nằm yên chờ chết, Mỹ buộc phải lên phương án đối phó bằng thủ đoạn phát động “chiến tranh đặc biệt”. Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Kennedy đã bổ nhiệm Robert S. McNamara làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ngày 12/4/1961, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Kennedy, Walt W. Rostow đã đệ trình lên Tổng thống Mỹ một giác thư đề nghị tiến hành 9 hành động, trong đó có vấn đề gửi lực lượng không quân C-123 đến miền Nam Việt Nam để phun rải các chất độc hóa học vì mục đích chiến tranh, đồng thời gửi một nhóm cố vấn quân sự MAAG (Military Assistance Advisor Group) do trung tướng Lionel C. McGarr làm trưởng nhóm đến miền Nam Việt Nam thăm dò khả năng sử dụng “kỹ thuật” phát quang.
Tiếp theo đó, vào đầu tháng 5/1961, Tổng thống Mỹ đã cử Phó Tổng thống Lyndon B. Johson đến Sài Gòn để bàn bạc với Tổng thống Sài Gòn Ngô Đình Diệm về sự giúp đỡ của Mỹ trong tương lai. Một trong những kết quả của cuộc gặp mặt đó là hai bên thống nhất thành lập Trung tâm Thử nghiệm và Phát triển Tác chiến - CDTC (Combat Development and Test Center), mà việc đầu tiên của trung tâm này là thử nghiệm và phát triển việc sử dụng các chất độc hóa học để phá hoại thực vật rừng nhiệt đới và nguồn cung cấp thực phẩm của đối phương. Trung tâm này được thành lập vào tháng 6/1961.
Ngày 10/8/1961, phi vụ đầu tiên thử nghiệm chất Dinoxol do không quân Sài Gòn tiến hành tại khu vực phía Bắc tỉnh Kon Tum bằng máy bay trực thăng H34 có gắn thiết bị phun - HIDAL (Helicopter Insecticide Dispersal Apparatus Liquid). Trong “ngày thứ năm đen tối” đó, Mỹ đã phun rải chất kịch độc, được ngụy trang bằng tên gọi “chất diệt cỏ, khai quang”, xuống miền Nam nước ta, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu nhất trong lịch sử loài người. Ngày 10/8/1961 là ngày ghi dấu tội ác hoành hành, sự dối trá lên ngôi, đánh dấu một chương cực kỳ bi thảm trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam.
Ngày 30/11/1961, Tổng thống Mỹ Kennedy chuẩn y kế hoạch sử dụng các chất độc hóa học ở Nam Việt Nam theo đề nghị của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ngày 16/12/1961, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara đã họp với các chỉ huy quân sự Thái Bình Dương tại Hawaii để kiểm tra công việc chuẩn bị cho chiến dịch Ranch Hand.
Ngày 1/1/1962, Tờ New York Times cho biết: Mỹ sẽ áp dụng chiến thuật phun rải chất hóa học độc có tác dụng làm rụng lá cây, làm cho du kích Cộng sản không có nơi ẩn náu và cắt đứt nguồn tiếp tế của họ. Mục đích của Mỹ rất rõ ràng, khi mà quân đội Mỹ - Việt Nam Cộng hòa (VNCH) không còn kiểm soát nổi địa phương nào đó nữa thì phải phá hủy toàn bộ mùa màng để làm cho dân chúng đói khổ, buộc phải quỳ gối đầu hàng.
Ngày 8/1/1962, các chất tím và xanh đã được đưa đến Sân bay Tân Sơn Nhất và chúng đã được sử dụng trong phi vụ đầu tiên của chiến dịch Ranch Hand.
Ngày 10/1/1962, phi vụ khai quang đầu tiên của chiến dịch Ranch Hand đã được tiến hành ở khu vực phía Bắc đường 15.
Ngày 7/1/1971, phi vụ cuối cùng của chiến dịch Ranch Hand kết thúc với 3 chiếc máy bay vận tải C-123 phun rải ở tỉnh Bình Thuận.
Ngày 31/10/1971, chuyến bay phun rải cuối cùng bằng máy bay trực thăng của Mỹ kết thúc. Chương trình sử dụng các chất độc hóa học của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam bắt đầu từ ngày 10/8/1961 và kết thúc vào ngày 31/10/1971 dưới mật danh chung là “Trail Dust”.
Từ năm 1961 đến năm 1971, chỉ trong vòng 10 năm, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản, với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.
Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó, Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải). Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000 ha, điển hình là khu rừng ngập mặn ở Cà Mau.
Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài thực vật và động vật bị tiêu diệt. Do rừng bị tàn phá nặng nề nên chức năng bảo vệ môi trường của rừng phòng hộ đầu nguồn của 28 lưu vực sông cũng bị phá vỡ, gây nhiều thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế.
Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn để lại hệ lụy đau lòng đến sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 60 năm qua.
Các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định, chỉ phần tỷ gram dioxin có thể lập tức gây chết người, cần 85 gram/dioxin (bằng một thìa súp) có thể giết chết 8 triệu người dân của một thành phố và các Viện sỹ Hàn lâm Khoa học, viện Hàn lâm Y học Hoa Kỳ đã thừa nhận nhiều loại bệnh liên quan tới chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Thảm họa da cam với biết bao thảm cảnh không sao kể xiết. Vô số nạn nhân phải chết vì độc, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chất độc da cam/dioxin có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh...; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu là nạn nhân chất độc da cam thường là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc... nó đã làm cho nhiều cặp vợ chồng không được làm cha, làm mẹ và ngược lại có hàng triệu cặp vợ chồng sinh từ 2 - 6, 7 người con đều bị dị dạng, tật nguyền, vô thức hoặc chết dần, chết mòn. Đáng nói là chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.
Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học[1]. Chỉ tính riêng tỉnh Bình Thuận, theo số liệu khảo sát của tỉnh, quân đội Mỹ đã phun rải trực tiếp xuống 65.473 ha, chiếm 8,4% diện tích đất đai toàn tỉnh; gây phơi nhiễm chất độc da cam cho gần 6.000 người. Hầu hết những người bị nhiễm chất độc da cam của tỉnh Bình Thuận là cán bộ kháng chiến, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân sống trong vùng bị rải chất độc; một số là những người từng phục vụ trong chính quyền Sài Gòn cũng bị nhiễm chất độc da cam.
Biết và nắm được những nỗi đau mà chất độc da cam để lại, đã từ lâu, Đảng và Nhà nước ta có nhiều sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề này, trong đó có những chủ trương chính sách đúng đắn và kịp thời như:
Năm 1980, Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ủy ban 10 - 80) được thành lập. Ủy ban này đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế nhằm xác định quy mô, tác hại của cuộc chiến tranh hóa học đối với môi trường và con người.