Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Đề bài nghị luận về một vấn đề, tư tưởng đạo lí

Đọc các đề sau và trả lời câu hỏi.

Đề 1: Suy nghĩ từ truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.

Đề 2: Đạo lí Uống nước nhớ nguồn.

Đề 3: Bàn về tranh giành và nhường nhịn.

Đề 4: Đức tính khiêm nhường.

Đề 5: Có chí thì nên.

Đề 6: Đức tính trung thực.

Đề 7: Tinh thần tự học.

Đề 8: Hút thuốc lá có hại.

Đề 9: Lòng biết ơn thầy, cô giáo.

Đề 10: Suy nghĩ từ câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu hỏi:

a) Các đề trên có điểm gì giống nhau? Chỉ ra sự giống nhau đó.

b) Mỗi em tự nghĩ ra một vài đề bài tương tự.

Trả lời:

a) Các đề 1,3 và 10 là đề có mệnh lệnh. Các đề còn lại đều là đề không có mệnh lệnh. Tất cả đều đề cập đến một vấn đề thuộc phạm trù sống tinh thần, đạo đức.

b) Một vài đề khác tương tự như: 

- Suy nghĩ của em về câu nói: Đoàn kết là sức mạnh.

- Đức tính khiêm nhường.

@192165@

II. Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.

Cho đề bài: Suy nghĩ về đạo lí Uống nước nhớ nguồn.

I. Tìm hiểu đề và tìm ý

- Tính chất của đề: Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.

- Yêu cầu về nội dung: Nêu suy nghĩ về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.

- Tri thức cần có:

+ Hiểu biết về tục ngữ Việt Nam.

+ Vận dụng các tri thức về đời sống.

- Tìm ý: Tìm nghĩa câu tục ngữ bằng cách giải thích nghĩa đen và nghĩa bóng của nó. Nội dung câu tục ngữ thể hiện truyền thống đạo lí gì của người Việt? Ngày nay đạo lý đó có ý nghĩa như thế nào?

2. Lập dàn bài

a) Mở bài: Giới thiệu câu tục ngữ và nêu tư tưởng chung của nó.

b) Thân bài:

- Giải thích nội dung câu tục ngữ.

- Đánh giá nội dung câu tục ngữ.

c) Kết bài:

- Khẳng định một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

- Nêu ý nghĩa của tục ngữ đối với ngày hôm nay.

3. Viết bài

a) Mở bài: Có nhiều cách mở bài tùy theo góc độ nhìn nhận vấn đề.

- Đi từ chung đến riêng:

Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam có nhều câu tục ngữ sâu sắc thể hiện truyền thống đạo lí của người Việt. Một trong những câu đó là câu "Uống nước nhớ nguồn". Câu tục ngữ này nói lên lòng biết ơn đối với những ai đã làm nên thành quả cho con người hưởng thụ.

- Đi từ thực tế đến đạo lí:

Đất nước Việt Nam có nhiều chùa và lễ hội. Một trong những đối tượng được thờ cúng, suy tôn là các anh hùng, các vị tổ tiên có công với dân, với làng, với nước. Truyền thống đó được phản ánh vào một câu tục ngữ rất hay và cô đọng: "Uống nước nhớ nguồn".

b) Thân bài: Dưới đây là những ý có thể và cần viết. Các em tập viết thành những câu và đoạn văn có liên kết hoàn chỉnh.

- Giải thích nội dung câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn:

+ Uống nước: Hưởng thụ thành quả, sản phẩm vật chất và tinh thần.

+ Nguồn: Nguồn gốc, cội nguồn của tất cả những thành quả mà con người được hưởng, bao gồm con người, lịch sử, truyền thống.

+ Nhớ nguồn: Thành quả không tự nhiên mà có, cho nên người hưởng thụ phải biết, tri ân, giữ gìn, phát huy các thành quả của người làm ra chúng.

- Nhận định, đánh giá (tức bình luận) câu tục ngữ:

+ Câu tục ngữ là lời dạy, lời khuyên, lời nhắc nhở, bởi cuộc đời có nhiều người tốt, nhưng cũng không ít kẻ vô ơn mà dân gian đã khái quát thành các câu tục ngữ, thành ngữ như: Khỏi vòng cong đuôi, Có mới nới cũ, Qua cầu rút ván,...

+ Ngày nay câu ấy có nhiều lớp nghĩa: không quên tổ tiên, nòi giống (nguồn là đất nước) ; không quên những người đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ quê hương, không quên những người dạy dỗ, giúp đỡ mình (nguồn là xã hội) ; không quên ơn ông bà, cha mẹ, người thân (nguồn là gia đình).

+ Một đất nước, xã hội, gia đình mà giữ được truyền thống đạo lí Uống nước nhớ nguồn là một đất nước, xã hội, gia đình tốt đẹp, bền vững. Người mà biết Uống nước nhớ nguồn là người có đạo đức tốt đẹp.

+ Nhớ nguồn không chỉ là biết ơn, biết giữ gìn, bảo vệ thành quả mới, có như thế xã hội mới phát triển, mới nhớ nguồn một cách thiết thực.

c) Kết bài

- Kết bài từ nhận thức tới hành động:

Câu tục ngữ đã nhắc nhở mọi người ghi nhớ một đạo lí của dân tộc, đạo của người được hưởng thụ. Hãy sống và làm việc theo truyền thống tốt đẹp đó.

- Kết bài có tính chất tổng kết:

Câu tục ngữ ngắn gọn hàm ý sâu xa, nói về nghĩa vụ của những người đang hưởng thụ thành quả.

4. Đọc lại bài viết và sửa chữa

Đây là khâu cần thiết, giúp học sinh sửa được những lỗi như viết các câu, các đoạn thiếu liên kết hoặc liên kết chưa hợp lí, không chặt chẽ do viết vội, viết nhầm, nghĩ chưa tới gây nên.

@192226@@192291@

III. Ghi nhớ

1. Muốn làm tốt bài nghị luận về một vấm đề tư tưởng, đạo lí, ngoài các yêu cầu chung đối với mọi bài văn, cần chú ý vận dụng các phép lập luận giải thích, chứng minh, phân tích, tổng hợp.

2. Dàn bài chung:

     - Mở bài: Giới thiệu về tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.

     - Thân bài:

     + Giải thích, chứng minh nội dung vấn đề tư tưởng, đạo lí.

     + Nhận định, đánh giá các vấn đề tư tưởng, đạo lí có trong bối cảnh của cuộc sống riêng, chung.

    - Kết bài: Kết luận, tổng kết, nêu nhận thức mới, tỏ ý khuyên bảo hoặc tỏ ý hành động.

3. Bài làm cần lựa chọn góc riêng để giải thích, đánh giá và đưa ra được ý kiến của người viết.