Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácEm hãy đọc thông tin sau và trả lời câu hỏi:
Mình là Linh, năm nay mười một tuổi và đang là học sinh lớp 6 của trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ. Mình thấp và mũm mĩm nên mọi người gọi mình là Doraemon. Mình không thấy buồn mà ngược lại mình rất thích biệt danh đó, vì Doraemon là nhân vật truyện tranh mà mình vô cùng yêu thích. Mình có nước da ngăm đen giống bố. Lúc đầu, mình cảm thấy hơi tự ti, nhưng mẹ mình nói rằng da ngăm đen trông rất khỏe mạnh.
Là con út trong gia đình, mình được bố và mẹ yêu quý nhưng không vì thế mà mình ỷ lại, lười biếng. Ngoài thời gian học, mình và chị thường chăm sóc cây xanh và nấu ăn cùng mẹ.
Ở lớp, mình là học sinh có học lực khá. Mình luôn cởi mở, hòa đồng nên được các bạn yêu quý. Tuy nhiên, mình cũng có điểm chưa tốt là rất dễ nổi nóng. Mình tự nhủ sẽ cố gắng khắc phục hạn chế này để hoàn thiện bản thân hơn.
1. Bạn Linh đã tự nhân ra các đặc điểm nào của bản thân?
2. Từ câu chuyện của bạn Linh, em hiểu thế nào là tự nhận thức bản thân?
*Gợi ý trả lời câu hỏi
1. Bạn Linh tự nhận ra những đặc điểm của bản thân: Linh có làn da ngăm đen giống bố; thân hình mũm mĩm như Đoraemon; tính tình dễ nổi nóng; Linh vui vẻ, hòa đồng rất được bạn bè yêu quý.
2. Từ câu chuyện của bạn Linh em hiểu tự nhận thức bản thân là: Em cần nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình, hiểu rõ chính xác bản thân, biết mình cần gì, muốn gì, từ đó phát triển những điểm mạnh và khắc phục những hạn chế điểm yếu của bản thân.
Tự nhận thức bản thân là tự nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu, đặc điểm riêng của mình để từ đó hoàn thiện bản thân.
- Tự nhận thức đúng đắn về bản thân giúp chúng ta tin tưởng vào những giá trị của chính mình để phát huy những ưu điểm, hạn chế nhược điểm và kiên định với những mục tiêu đã đặt ra.
Tự nhận thức đúng đắn về bản thân giúp chúng ta tìm ra và phát huy các điểm mạnh của mình.
Tự nhận thức bản thân giúp chúng ta nhìn ra nhược điểm của mình.
- Tự nhận xét bản thân một cách khách quan trong hoạt động học tập và sinh hoạt hằng ngày.
- Lắng nghe ý kiến của người thân, bạn bè, thầy cô và những người xung quanh.
- Tham gia hoạt động thử thách để khám phá bản thân.
1. Tự nhận thức bản thân là khả năng hiểu rõ chính xác bản thân, biết mình cần gì, muốn gì, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình.
2. Khi tự nhận thức bản thân hiệu quả, chúng ta hiểu về mình, chấp nhận bản thân, tự tin, cởi mở và tôn trọng chính mình, từ đó sẽ có cách cư xử, hành động phù hợp.
3. Để tự nhận thức bản thân hiệu quả, chúng ta cần: nhận diện chính mình, thực hiện các bài tập tìm hiểu bản thân, lắng nghe nhận xét từ người khác và hành động tích cực để bộc lộ khả năng, tính cách bản thân.