Bài 5. Tự lập

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Sống tự lập

*Em hãy đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:

LÀM BẤT CỨ VIỆC GÌ

Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ còn rất trẻ, mang tên Nguyễn Tất Thành. Lúc đó, anh Thành có một người bạn tên là Lê. Một lần, cùng nhau đi chơi phố, đột nhiên anh thành nhìn thẳng vào mắt bạn và hỏi:

- Anh Lê, anh có yêu nước không?

Câu hỏi đột ngột khiến anh bạn ngạc nhiên, lúng túng trong giây lát rồi trả lời:

- Tất nhiên là có chứ.

- Anh có thể giữ bí mật không?

- Có.

- Tôi muốn sang Pháp và các nước khác. Sau đó xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm như khi ôm nỗi đau. Anh muốn đi với tôi không?

- Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy tiền đâu mà đi?

Đây tiền đây. – Anh Thành vừa nói, vừa xòe rộng hai bàn tay – Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế anh cùng đi với tôi chứ? 

Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của bạn, anh Lê đồng ý, nhưng sau khi nghĩ lại về cuộc phiêu lưu trên thì anh Lê không đủ can đảm để giữ lời hứa.

Vài ngày sau, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước...

(Theo Bác Hồ kính yêu, NXB Kim Đồng, 1980)

1. Vì sao Bác Hồ có thể ra đi tìm đường cứu nước chỉ với hai bàn tay trắng?

2. Theo em, thế nào là tự lập?

*Lời giải chi tiết

1. Bác Hồ có thể ra đi tìm người cứu nước chỉ với 2 bàn tay trắng vì:

- Bác Hồ là người có lòng yêu nước nồng nàn.

- Bác Hồ là người có lòng dũng cảm, quyết tâm, kiên trì và nỗ lực.

- Bác Hồ có lòng quyết tâm cao với sự hăng hái nhiệt huyết của tuổi trẻ, tự tin vào chính sức lực của mình.

- Bác Hồ là người có tính tự lập, tự lo liệu, không trông chờ, dựa dẫm phụ thuộc vào người khác, dám đương đầu với khó khăn gian khổ

- Với tinh thần cầu thị, muốn học hỏi cách thức cứu dân, cứu nước của nước khác, sau đó về nước ta giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân.

- Vì thế Bác Hồ có thể ra đi tìm đường cứu nước mặc dù chỉ với hai bàn tay trắng.

2. Tự lập là: chủ động, tự giác làm các công việc bằng khả năng sức lực của mình

2. Biểu hiện của tính tự lập

- Biểu hiện của tự lập:

  + Tự tin, tự làm lấy việc của mình.

Tự giác học bài và làm bài tập đầy đủ.

  + Bản lĩnh, tự mình tìm cách vượt qua khó khăn.

  + Có ý chí nỗ lực phấn đấu, kiên trì, bền bỉ thực hiện kế hoạch đã đề ra.

- Biểu hiện trái với tự lập:

  + Ý lại, dựa dẫm vào người khác.

  + Trông chờ vào may rủi.

  + Sống biệt lập, chỉ biết đến mình, không cần quan hệ, không nhờ ai giúp đỡ việc gì.

Sự khác biệt giữa người biết tự lập và người dựa dẫm vào người khác.

@1239273@@1239221@

3. Ý nghĩa tự lập 

- Tự lập là một trong những đức tính tốt của con người, giúp chúng ta làm chủ được suy nghĩ và tự chịu trách nhiệm trước những việc mình làm.

Rèn luyện và hình thành tính tự lập vô cùng cần thiết, bởi nó không chỉ giúp chúng ta tự tin, bản lĩnh, giải quyết các công việc hiệu quả và làm chủ được cuộc sống mà còn nhận được sự kính trọng của mọi người.

Học cách tự lập từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày.

1. Tự lập là chủ động, tự giác làm các công việc bằng khả năng, sức lực của mình.

2. Biểu hiện của tự lập là: tự suy nghĩ, tự thực hiện, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3. Tự lập giúp chúng ta tự tin, có bản lĩnh cá nhân, dễ thành công trong cuộc sống, xứng đáng được người khác kính trọng.

4. Để rèn luyện tính tự lập, chúng ta cần chủ động làm việc, tự tin và quyết tâm khi thực hiện hành động.