Bài 16: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

Nội dung lý thuyết

I. VAI TRÒ VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGÀNH DỊCH VỤ

1. Vai trò

Trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay, ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.

Vai trò của ngành dịch vụ ở nước ta
Vai trò của ngành dịch vụ ở nước ta

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ 

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ.

- Trình độ phát triển kinh tế: nền kinh tế ngày càng phát triển, cơ cấu các ngành sản xuất ngày càng đa dạng thúc đẩy dịch vụ phát triển về quy mô, cơ cấu và chất lượng theo hướng hiện đại.

Đặc điểm dân số: nước ta có dân số đông, mức thu nhập tăng, sức mua và nhu cầu thị hiếu tăng lên, thúc đẩy hoạt động dịch vụ phát triển. Sự phân bố dân cư tác động đến sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ.

Khoa học công nghệ: thay đổi phương thức sản xuất, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ, xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ mới.

Chủ trương định hướng phát triển kinh tế thị trường thúc đẩy phân công lao động xã hội và tác động đến phát triển các ngành dịch vụ ở nước ta.

Thị trường: Sự mở rộng thị trường tạo điều kiện phát triển nhiều loại hình dịch vụ, động lực thúc đẩy thương mại và dịch vụ quốc tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Vị trí địa lí: Nằm trên tuyến đường biển và đường hàng không quốc tế, tuyến đường bộ xuyên Á, tạo thuận lợi cho phát triển giao thông vận tải, du lịch, thương mại.

Ngoài ra, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa cũng có ảnh hưởng đến phát triển và phân bố các ngành dịch vụ.,

- Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực phục vụ còn hạn chế, thị trường không ổn định, việc ứng dụng công nghệ số còn chậm.

II. GIAO THÔNG VẬN TẢI 

1. Đường bộ

- Vai trò: quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, kết nối trung tâm hành chính, kinh tế, cảng biển, sân bay, cửa khẩu, đầu mối giao thông.

- Tình hình phát triển:

+ Các trục đường bộ xuyên quốc gia theo hướng bắc nam: quốc lộ 1 (tuyến đường xương sống), đường Hồ Chí Minh (tuyến đường huyết mạch), các tuyến cao tốc Bắc Nam được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác một số tuyến (cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Nội - Lào Cai)

+ Đầu mối giao thông quan trọng: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

+ Trong giai đoạn 2010 – 2021, vận tải đường bộ phát triển nhanh cả về vận chuyển và luân chuyển hàng hóa và hành khách.

Tình hình vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ ở nước ta giai đoạn 2010 - 2021

- Xu hướng phát triển: Ngành vận tải được đầu tư ưu tiên, hiện đại về kết cấu hạ tầng và phương tiện vận tải; đảm bảo an toàn, kết nối hiệu quả với các loại hình giao thông khác; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Bản đồ giao thông vận tải và bưu chính viễn thông Việt Nam năm 2021

2. Đường sắt

- Tình hình phát triển

+ Mạng lưới đường sắt ở nước ta có tổng chiều dài khoảng trên 3,3 nghìn km, kết nối với các trung tâm kinh tế, các đô thị, các vùng nông nghiệp với mạng lưới đường sắt quốc tế.

+ Đường sắt Bắc Nam bắt đầu từ Hà Nội và kết thúc ở TP Hồ Chí Minh, chạy gần như song song với quốc lôk 1, tạo nên trục giao thông quan trọng theo chiều dài đất nước. Các tuyến đường sắt tập trung chủ yếu ở miền Bắc: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai,...

+ Chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách của các ngành vận tải. Công nghệ thiết bị phương tiện đang được đầu tư và hiện đại hóa.

- Xu hướng phát triển: ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nhanh theo xu hướng hiện đại, đảm bảo an toàn giao thông; xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn; đầu mối giao thông vận tải trong nước và liên vận quốc tế.

3. Đường thủy nội địa

- Tình hình phát triển

+ Phát triển và phân bố chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, một số tuyến ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Biểu đồ khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển bằng đường thủy nội địa ở nước ta giai đoạn 2010 - 2021

+ Các tuyến đường thủy nội địa chính ở khu vực phía Bắc kết nối trung tâm kinh tế Hà Nội với cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng bao gồm: tuyến Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai, tuyến Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình, tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng,... Các cảng sông chính là: Khuyến Lương (Hà Nội), Gia Đức (Hải Phòng), Long Sơn (Ninh Bình),..

+ Các tuyến đường thủy nội địa chính ở khu vực phía Nam kết nối trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh với cảng biển lớn của vùng Đông Nam Bộ bao gồm: tuyến TP Hồ Chí Minh - Kiên Lương, tuyến TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau,... Các cảng sông chính là: Long Bình (TP Hồ Chí Minh), Bến Lức (Long An).

+ Các tuyến nội địa ở miền Trung và Tây Nguyên chủ yếu là trong phạm vi địa bàn từng tỉnh, thành phố.

- Xu hướng phát triển: Chủ yếu vận chuyển hàng hóa. Các cảng, bến thủy nội địa ở nước ta kết nối chưa tốt với đường bộ.

4. Đường biển

- Tình hình phát triển

+ Mạng lưới đường biển với các tuyến nội địa và quốc tế cùng hệ thống cảng biển ở nước ta không ngừng phát triển. Qua đó, phục vụ tốt cho xuất nhập khẩu hàng hóa; tạo động lực phát triển các vùng; đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế; góp phần khai thác lợi thế về vị trí địa lí.

Biểu đồ khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển bằng đường biển ở nước ta giai đoạn 2010 - 2021

+ Hệ thống cảng biển đã được hình thành gắn với các vùng lãnh thổ, trung tâm kinh tế lớn. Tính đến năm 2021, cả nước có 34 cảng biển, trong đó có cảng biển được quy hoạch thành cảng trung chuyển quốc tế là cảng Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).

+ Tuyến đường biển nội địa chủ yếu: Hải Phòng - Đà Nẵng, Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh

+ Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa tăng, đứng đầu các ngành vận tải ở nước ta về khối lượng luân chuyển hàng hóa.

5. Đường hàng không

- Tình hình phát triển

+ Phát triển nhanh về cả đường bay và cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa, phục vụ yêu cầu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập.

+ Hệ thống cảng hàng không phân bố tương đối hợp lí: Tính đến năm 2021, có 22 cảng trong đó có 10 cảng quốc tế.

Tổng quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
Tổng quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

+ Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, đầu mối vận tải hàng không lớn bậc nhất nước ta. Cảng Long Thành đang được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của khách nội địa và quốc tế, thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển.

Tình hình vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không ở nước ta giai đoạn 2010 - 2021

Ngành phát triển rất nhanh, số lượng hành khách vận chuyển chỉ đứng sau vận tải đường bộ.

III. BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

1. Bưu chính

- Tình hình phát triển

+  Mạng bưu chính được xây dựng, phát triển và phân bố rộng rãi. Doanh thu dịch vụ bưu chính không ngừng tăng. Mạng lưới vận chuyển bưu chính với nhiều đường thư, trong đó có cả đường thư quốc tế với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

+ Nhiều dịch vụ bưu chính đã ra đời: dịch vụ chuyển phát nhanh, điện hoa, phát hành báo chí, chuyển tiền,...

+ Ngành bưu chính đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Các bưu cục Trung ương đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Tình hình phát triển của ngành bưu chính viễn thông ở nước ta giai đoạn 2010 - 2021

2. Viễn thông

- Tình hình phát triển

+ Phát triển theo hướng hiện đại, rộng khắp; tạo thành mạng lưới kết nối quan trọng, đồng bộ với dung lượng lớn, tốc độ cao; góp phần to lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

+ Mạng lưới viễn thông phát triển nhanh, đa dạng, bao gồm mạng điện thoại, mạng phi thoại và mạng truyền dẫn. Mạng điện thoại và số thuê bao điện thoại tăng nhanh.

+ Mạng truyền dẫn phát triển và hội nhập với quốc tế qua hệ thống vệ tinh và cáp quang. Hiện nay, nước ta có 7 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế và 2 hệ thống truyền dẫn vệ tinh.

- Xu hướng phát triển: Nhờ sự phát triển của công nghệ số và hạ tầng viễn thông, nước ta đang chuyển dịch thành hạ tầng số, đáp ứng xu hướng và yêu cầu phát triển chính phủ số, kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia.

 

@7386014@