Nói và nghe: Thảo luận nhóm về một vấn đề

Nói và nghe: Thảo luận nhóm về một vấn đề (SGK Ngữ Văn Cánh Diều tập 2 trang 107)

Hướng dẫn giải

Tham khảo:

 

a) Chuẩn bị

(SGK trang 108 Ngữ Văn 6 tập 2 Cánh Diều)

- Lựa chọn vấn đề cần thảo luận: "Nguyên nhân nào làm cho nước sạch ngày càng khan hiếm?"

- Thu thập các thông tin và xác định nguyên nhân:

+ Nước sạch không phải là vô tận và đang ngày càng cạn kiệt do bị nhiễm bẩn và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu bởi chính con người gây ra.

+ Do dân số và nhu cầu sử dụng ngày một tăng dẫn tới lượng nước sạch được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày ngày càng tăng

+ Ý thức sử dụng của con người: còn phung phí nước sạch, chưa khai thác hợp lí.

 

- Lựa chọn các phương tiện hỗ trợ.

- Xem lại các yêu cầu nói và nghe trong thảo luận nhóm.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý:

+ Kết quả của sự khan hiếm nước sạch: con người không thể sinh sống mà thiếu đi nước.

+ Nguyên nhân dẫn đến sự khan hiếm nước sạch:

Nước ngọt không phải là vô tận và đang ngày càng cạn kiệt do bị nhiễm bẩn và chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu bởi chính con người gây ra.

Do dân số và nhu cầu sử dụng ngày một tăng dẫn tới lượng nước sạch được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày ngày càng tăng

Ý thức sử dụng của con người: còn phung phí nước sạch, chưa khai thác hợp lí.

- Lập dàn ý:

+ Mở đầu: Hiện nay nước sạch ngày càng khan hiếm, cuộc sống của con người bị ảnh hưởng.

+ Nội dung chính:

Nước ngọt không phải là vô tận và đang ngày càng cạn kiệt do bị nhiễm bẩn và chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu bởi chính con người gây ra.

Lượng nước sạch được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày ngày càng tăng do nhu cầu của con người và dân số tăng.

Ý thức sử dụng của con người còn phung phí nước sạch, chưa khai thác hợp lí.

Con người không thể sinh sống mà thiếu đi nước.

+ Kết thúc: Có rất nhiều nguyên nhân, nếu chúng ta không ý thức hơn trong việc sử dụng nước ngọt thì sự sống của loài người sẽ bị hủy diệt.

c) Nói và nghe

Chúng ta biết rằng các châu lục được bao quanh bởi đại dương rộng lớn. Thế nhưng đó là nước mặn - nước mà con người không thể sử dụng. Lầm tưởng của chúng ta đó là nghĩ số nước ngọt là vô tận. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nước sạch ngày càng khan hiếm và do đó mà cuộc sống của con người bị ảnh hưởng.

Nước sạch đã ít mà chúng lại ngày càng bị nhiễm bẩn bởi chính con người gây ra. Những rác thải sinh hoạt thải trực tiếp ra sông ngòi, ao hồ,… đã khiến nguồn nước sạch ô nhiễm. Trong nhiều năm qua, nạn chặt phá rừng bừa bãi đã gây ra những hiểm họa làm biến dạng hệ sinh thái, tăng nguy cơ khan hiếm nước, đất bị xói mòn, thoái hóa. Theo các chuyên gia, tốc độ nạn phá rừng hiện nay sẽ dẫn tới 2 tỷ người, tức 20% dân số thế giới bị thiếu nước vào năm 2050. Hầu hết số người chịu cảnh thiếu nước này sống tại các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, nguồn thực phẩm cũng có nguy cơ bị đe dọa vì nước dùng để tưới tiêu cũng trở nên khan hiếm (6). Bên cạnh đó, sự nóng lên của Trái đất khiến nạn hạn hán kéo dài, tình trạng mực nước biển dâng lên, đồng nghĩa với việc cạn kiệt nguồn nước ngọt quý hiếm tại một số nơi, khu vực trên thế giới.

Như các bạn đã biết, thế giới đang xảy ra bùng nổ dân số. Chính vì có quá nhiều người trên trái đất cộng thêm việc nguồn nước sạch bị nhiễm bẩn do rác thải của con người mà nước ngọt để sử dụng đnag ngày càng giảm, không đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của con người.

Sự cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước cũng như sự khan hiếm nguồn nước ngày càng trầm trọng do chưa thực sự có các biện pháp quản lý tốt nguồn tài nguyên nước. Tài nguyên nước hiện vẫn chưa được công nhận giá trị đầy đủ và công tác quản lý còn lỏng lẻo. Hầu hết các quốc gia đều chưa có nhiều hệ thống giám sát thích hợp cho cả khối lượng lẫn chất lượng nước và đặc biệt là việc sử dụng nước lãng phí.

Con người không thể sinh sống mà thiếu đi nước sạch được, Thẳng thắn hơn là chúng ta phụ thuộc vào nước sạch thì mới có thể tồn tại được. Nếu nhân loại không biết thay đổi ý thức bản thân, hạn chế lãng phí, sử dụng một cách tiết kiệm thì chúng ta sẽ không thể tồn tại được.

Vậy như tôi vừa trình bày thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nước sạch. Và phần lớn đến từ con người. Nếu chúng ta không ý thức hơn trong việc sử dụng nước ngọt thì sự sống của loài người sẽ bị hủy diệt.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

- Người nói:

Kiểm tra lại nội dung có nêu đúng và đủ các nguyên nhân dẫn đến kết quả của sự việc không?

Rút kinh nghiệm về cách phát biểu và sửa lỗi trong phát biểu, thảo luận nhóm.

- Người nghe:

Xem xét kết quả tiếp nhận thông tin: Người nói nêu ra những nguyên nhân nào? Còn thiếu nguyên nhân nào? Lí giải như thế nào?

Tự xác định các lỗi về thái độ khi nghe và phát biểu, thảo luận.

(Trả lời bởi HT.Phong (9A5))
Thảo luận (1)