Xung quanh chúng ta có bao nhiêu điều tốt đẹp của sự sống: Những cánh rừng xanh bạt ngàn bất tận, những hòn đảo bình yên với nhiều loài động vật sinh sống như cò, yến, voọc,…, những dòng sông xanh với rất nhiều tôm cá,… Nhiều nơi đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái và được bảo tồn. Nhưng vì vô ý thức, con ngưới đã trở thành tàn ác. Họ tàn phá những cánh rừng xanh, biến nó thành trơ trụi, xác xơ. Họ săn bắt động vật làm cho một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Họ làm ô nhiễm nguồn nước khiến cho cá tôm không còn đường sống,…
Đặt mình vào vai những cánh rừng đang bị hủy diệt hoặc những con vật đang bị săn bắt, bị phá mất chỗ ở hay những chú cá đang thoi thóp trong dòng nước bị ô nhiễm…, em hãy viết một bức thư kêu cứu gửi loài người, bày tỏ sự phẫn nộ trước những hành động phá hoại ấy, kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống.
Yuri Gagarin, người đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất đã có lần tâm sự: "Sau khi bay vòng quanh Trái Đất trên tàu vũ trụ, tôi thấy hành tinh của chúng ta đẹp biết bao. Các bạn ơi, hãy cùng bảo vệ và làm cho vẻ đẹp này thêm tươi sắc, chứ đừng hủy hoại nó nhé!".
Thế nhưng, Trái Đất tươi đẹp với 3 phần 4 là biển và đại dương đang bị xâm hại nghiêm trọng. Thay vì cố gắng tìm một hành tinh khác có sự sống trong dải ngân hà tại sao chúng ta không cứu lấy Trái Đất và việc đầu tiên cần làm là lắng nghe tiếng gọi của biển xanh.
Biển như người mẹ cung cấp cho con người rất nhiều thứ, từ nguồn lợi du lịch, khoáng sản, hải sản, giao thông… nhưng biển chưa bao giờ đòi hỏi loài người phải trả lại cho biển điều gì cả. Ngược lại, con người đối xử bất công và thực sự vô ơn.
Phải mất hàng trăm năm con người mới nhận ra Trái Đất nóng lên, băng từ hai cực tan ra, mực nước biển ngày càng dâng lên. Phải mất hàng trăm năm con người mới nhận ra nguồn hải sản đang cạn kiệt, nhiều loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Và khi cá chết ở nhiều nơi, người ta mới giật mình tự hỏi hình như nước biển đang ô nhiễm.
Đại dương mênh mông cũng đáp trả con người bằng những hành động giận dữ. Không gì khác đó chính là sự biến đổi khí hậu. Khi chiến thắng trong một hạng mục của giải thưởng OSCAR, diễn viên Leonardo vẫn không quên truyền đi một thông điệp tới cả thế giới: “Chiến thắng này cũng là một cơ hội quan trọng để mọi người chú ý nhiều hơn đến tình trạng biến đổi khí hậu và thúc đẩy hành động của chính chúng ta”.
Những mùa đông băng giá hơn, mùa hè nắng nóng hơn khắc nghiệt hơn. Mực nước biển dâng lên làm xâm nhập mặn đất nhiễm phèn, ảnh hưởng cả một nền nông nghiệp. Những cơn bão hay sóng thần thường xuyên hơn dữ dội hơn bao giờ hết, nó cuốn trôi cả con người và mọi thứ trên đường đi của mình.
Nhiều người vẫn không thể quên được lời nói xúc động của cô bé 6 tuổi trước khi buông tay mẹ và bị cơn bão Haiyan cuốn đi: "Mẹ, mẹ hãy buông con ra. Mẹ hãy tự cứu lấy mình". Phải chăng đã đến lúc con người phải tự cứu lấy chính mình trước khi quá muộn.
Vì lợi nhuận kinh tế, con người sẵn sàng hủy hoại môi trường biển. Có người vì lợi nhuận nhỏ bán hàng ngay tại bãi biển các khu du lịch tiếp tay cho du khách xả rác vô điều kiện. Có người vì lợi nhuận lớn hơn thảm sát cá bằng các phương tiện hủy diệt. Có người vì lợi nhuận lớn hơn nữa sẵn sàng xả thải trực tiếp các chất hóa học độc hại xuống biển.
Thực chất, chúng ta đang vay nặng lãi để thế hệ con cháu phải gánh chịu món nợ của cha ông. Bạn thu được 1 đồng từ việc xâm hại biển bạn phải mất hàng nghìn lần như thế để cải thiện lại môi trường.
Bộ phim Mỹ nhân ngư lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích nhưng lại đem đến một thông điệp rất đời: "Khi thế giới này chẳng còn đến một giọt nước sạch, một luồng không khí trong lành thì tiền còn nghĩa lý gì?".
Tôi có một niềm tin sâu sắc về hiệu ứng cánh bướm, rằng “Một con bướm có thể vỗ cánh trên một bông hoa Trung Quốc và gây ra một cơn bão ở biển Caribbean”.
Một hành động dù nhỏ cũng có thể tạo nên sức lan tỏa rộng lớn như những cơn bão. Thay vì kêu cứu, bức xúc hộ biển xanh, biển tự biết cách bức xúc theo cách của mình. Hãy bắt tay ngay vào hành động.
Một cây xanh bạn trồng ở đất liền cũng có thể khiến đại dương xa xôi bình yên hơn. Từ chối sử dụng túi nilon khi mua hàng cũng có thể khiến thế giới thoát khỏi thảm cảnh là một biển rác. Hay tiết kiệm một giọt nước ngọt cũng là cách để biển không phải rơi nước mắt, biển quá mặn rồi.
Bạn đừng xả rác, lãng phí năng lượng, chặt phá cây xanh rồi sau đó tự hào vì đã gửi vài trăm nghìn đồng hỗ trợ nạn nhân bão lụt. Các công ty đừng xả thải trực tiếp ra môi trường rồi sau đó dành tiền hỗ trợ những nông dân là nạn nhân do hành động của chính họ gây ra.
Biển sẽ mãi bao bọc chở che con người khi con người biết lỗi và sẵn sàng sửa lỗi. Sau ồn ào biển nhất định dịu êm. Văng vẳng đâu đây một viễn cảnh tươi sáng hơn trong giai điệu bài Biển hát chiều nay (nhạc sĩ Hồng Đăng):
Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng.
Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương.
Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương.
Rừng Amazon, ngày... tháng...năm 2017
Kính gửi ngài Josehp Sepp Blatter kính mến!
Tôi cũng khá lo lắng khi viết bức thư này cho vị Chủ tịch FIFA. Tôi biết rằng, ngài rất bận rộn với một núi công việc, nhưng xin ngài hãy dành chút ít thời gian để đọc bức thư của tôi như ngài đang đọc bức thư của người hâm mộ môn thể thao vua.
Tôi là cây Tùng 500 tuổi sống trong đại gia đình Amazon. Tôi biết đến ngài và môn bóng đá nhờ nghe cô Gió kể lại rằng đất nước tôi đang sinh sống sắp tổ chức World Cup. Tôi lại càng háo hức nhưng cũng buồn thay.
Ngài hiểu tại sao không? Đơn giản, từ những sự kiện gần đây tôi mới nhận ra rằng: “Bảo vệ rừng cũng giống như một trận chung kết bóng đá: Một là thắng, hai là bại!”. Ngài không cười vì những điều tôi nói chứ?
Vài trăm năm trước đây, khi các nhà khoa học phương Tây và Bắc Mỹ đến khai phá vùng đất Nam Mỹ trù phú này, trong tay họ là biết bao dụng cụ kỳ lạ mà tôi chưa hề biết đến: La bàn, ống nhòm, súng săn… và có cả những cuốn sách dày cộm toàn là chữ với những hình vẽ hoa lá cây cối. Đôi khi họ còn kẹp những chiếc lá bên đường vào trang sách. Thật thú vị! Chắc họ là những nhà sinh vật học. Nghe mẹ tôi kể lại, xưa kia con người rất ít. Thỉnh thoảng mới bắt gặp họ đi lang thang trong rừng, mặc khố lá, vũ khí toàn những giáo mác, dao rựa thô sơ… Họ đến đây chỉ để tìm củi khô, vài con thú nhỏ, ít rau rừng. Họ chẳng làm gì hại đến chúng tôi cả, thậm chí, họ còn tôn thờ rừng như một vị thánh, người mẹ cung cấp cho họ tất cả mọi nhu yếu phẩm cần thiết. Nhưng, con người phát triển nhanh thật. Họ thay đổi thế giới một cách chóng mặt. Nghe cô Gió kể lại, những bản làng trước kia nay đã trở thành những đô thị sầm uất. Các vùng đất hoang vu mà không ai biết tới nay đã mọc lên các khu công nghiệp đồ sộ, nhả khói ngút trời.
Càng kể, tôi càng thấy thất vọng. Hàng triệu năm trước đây, con người vẫn chỉ là một loài vượn bình thường nếu như không có cây cối chúng tôi làm nhà cho họ ở, cung cấp ôxi cho sự sống, cho vạn vật trên trái đất, thử hỏi cái tên mà con người đặt cho hành tinh của mình là “hành tinh xanh” có tồn tại hay không? Chúng tôi không tự đề cao chính mình mà giá trị, lợi ích của chúng tôi hoàn toàn là sự thật. Chẳng nói đâu xa, rừng Amazon mỗi năm thải ra hàng triệu tỉ mét khối ôxi cung cấp cho sự sống. Là cánh rừng lớn nhất thế giới, hàng năm chúng tôi bảo vệ không cho sự xói mòn đất, duy trì nguồn nước, ngăn chặn những tác hại do lũ lụt, hạn hán gây ra. Hiện nay, chúng tôi đang là quê hương của khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật và khoảng 2 nghìn loài chim thú. Chỉ mỗi ngôi nhà chúng tôi mà đã tạo ra biết bao nhiêu lợi ích.
Tôi nói, ngài đừng buồn, nhưng rừng đã và đang bị phá hủy dần dần. Một phần là do đồng tiền kinh tế, lợi nhuận. Một phần là do sự thiếu hiểu biết của con người mà nên: đốt rừng làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc. Cứ mỗi năm, ngôi nhà của chúng tôi bị cắt mất một phần diện tích từ 415.000 km2 đến 587.000 km2. Trước kia, xung quanh tôi toàn là cây cỏ, muôn loài, bầu trời, mặt đất… thì giờ đây, tôi có thể nhìn được phía xa xa là các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền mọc lên như nấm. Ngài biết hiệu ứng Domino chứ? Giả sử rừng không tồn tại, vạn vật thiếu ôxi; Đất không còn tồn tại, vạn vật chìm trong biển nước.
65 triệu năm trước, một mảnh thiên thạch khổng lồ đã làm tuyệt chủng nhiều loài động vật, trong đó có khủng long. Còn giờ đây, mẹ Trái Đất đang phải từ từ chấp nhận ngày tận thế không phải do thiên thạch hay biến cố gì khác ngoài vũ trụ mà là do những đứa con “thần đồng” tạo hóa đã sinh ra. Con người đã phải nhắc đến và đau đầu vì cụm từ “biến đổi khí hậu” do chính mình viết nên, gây nên hiện tượng Elnino, làm thủng tầng ozon, hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng dần lên, băng hai cực tan chảy. Con người đang từng bước đi ngược với quy luật của tạo hóa. Không thể tin được khi con sông Amazon lại cạn khô với mực nước thấp kỷ lục. Hàng trăm vụ cháy rừng ở Nga, Australia và nhiều quốc gia khác. Sóng thần, bão tố luôn ập đến các vùng ven biển bất cứ lúc nào. Dự đoán mực nước biển sẽ dần tăng thêm 1 mét vào năm 2050… Thật kinh khủng!
Nãy giờ, tôi cứ bàn về vấn đề môi trường chắc cũng làm ngài có chút gì đó lo sợ. Thôi thì ta hãy chuyển sang vấn đề bóng đá - sở trường của ngài. Cũng như tôi đã nói với ngài ngay từ đầu: Bảo vệ rừng - một trận thi đấu sinh tử. Cũng rất đơn giản, con người đã và đang chọn những mặt sân béo bở như rừng để đá trái bóng lợi nhuận qua đó. Quả bóng ấy đi đến đâu, con người sẽ vơ vét cạn kiệt nguồn tài nguyên phong phú ở đó. Khi những cánh rừng đã chết, con người sẽ tiếp tục đá trái bóng đó ở các mặt sân khác như biển, lòng đất… Họ sẽ hạ gục tất cả hàng phòng thủ tự nhiên để tạo một cú ghi bàn tuyệt đẹp. Họ sẽ không ngờ, pha làm bàn ấy là cái chết cho chính họ. Nếu họ biết “chơi” một cách hợp lý và tái tạo “mặt sân”, họ sẽ luôn được chơi tự do, thoải mái mà không sợ “đá phản lưới nhà”.
Hy vọng rằng, những điều tôi đã nói, ngài đã ghi nhớ. Bóng đá là môn thể thao vua, nó khiến cho mọi người trên hành tinh này say mê theo từng đường bóng. Tại sao ngài lại không dùng bóng đá để truyền đi thông điệp bảo vệ rừng nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Vì sao ngài không cùng hội đồng FIFA tổ chức một cuộc họp để mạnh dạn đưa ra quyết định: Quốc gia nào thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sẽ được đăng cai tổ chức World Cup. Ngài và các cộng sự có thể khuyến khích các đội tuyển quốc gia, các câu lạc bộ thay đổi màu áo, logo mang thông điệp bảo vệ rừng. Các fan hâm mộ thường yêu thích và làm theo thần tượng của mình. Thế nên, các ngài có thể vận động mỗi cầu thủ trở thành một đại sứ thiện chí trong việc giữ gìn màu xanh của rừng.
Chưa muộn để vẽ lại màu xanh cho Trái Đất từ những việc làm nhỏ cho đến những hội nghị lớn. Với tư cách là một fan hâm mộ bóng đá, tôi khuyên các bạn bảo vệ rừng chính là bảo vệ môn thể thao vua. Còn với tư cách là một người con của mẹ Thiên Nhiên, các bạn hãy nhớ: “Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta!”.
Một fan hâm mộ bóng đá
Cây Tùng