Ở góc vườn nhà em, có một cái ao sâu hơn hai mét, rộng gần 50 mét vuông. Bố mẹ em thuê đào ao để lấy nước tưới rau và thả cá. Hai, ba trăm con cá mè được thả và nuôi trong cái ao này. Cá mè cùng họ với cá chép. Đầu thon, mép nhọn, ngực và bụng to, về phía đuôi thắt nhỏ lại và hơi tròn. Cái đuôi xòe như cánh én, có những tia, sọc như nan quạt, màu đen pha đỏ sẫm. Vây cá to bằng bàn tay trẻ con, có nhiều sọc đen, trắng pha hồng. Mắt cá đen, tròn, viền vòng trắng, vòng đen.
Mang cá hình vỏ trai, có nhiều đường viền trắng, ôm lấy bụng và hông cá. Toàn thân cá mè được bao phủ bằng một lớp vảy nhỏ màu trắng bạc. Vảy cá mè mới bắt lên lấp lánh ánh bạc.
Mùa mưa lũ, cá mè bơi ngược dòng sông đến các khúc ngoặt hoặc ngã ba để đẻ trứng. Những người dân ở Phú Thọ, Việt Trì, Lâm Thao... đem thuyền ra sông vớt “cá bột”. Cá bột được nuôi dưỡng trong ao thành cá giống, rồi được đem bán cho những người nuôi cá khắp nơi.
Cá mè phàm ăn, ăn thực vật như rong, rêu, bèo. Chúng thích sống ở tầng trên gần mặt nước. Sau hai năm nuôi, vỗ, cá mè có thể nặng tới 1,5 - 2 kg. Cá mè tươi sống có mùi tanh đặc biệt.
Cá mè có thể rán, nấu lẩu... Các đầu bếp ở các nhà hàng có thể chế biến cá mè thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn.
Những hôm đẹp trời, cá mè trong ao nhà em nổi lên bơi lượn từng đàn. Bố lại đem thức ăn tổng hợp vãi xuống góc ao có bèo.
Mỗi lần nhà có khách hay có giỗ chạp, bố em lại đem vó ra ao bắt cá. Có những con mè to, nặng đến hai cân. Bố em thích uống rượu nhắm với đầu cá mè. Bố hay nhắc lại câu tục ngữ: “Đầu chép, mép trôi, môi mè, lườn trắm” khi uống rượu.