Bài 15. Sự phát triển kinh tế và văn hóa thời Trần

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Phong Thần
30 tháng 12 2020 lúc 20:59

II VĂN HỌC ĐỜI LÝ

1. Văn học đời Lý mang nặng hệ ý thức Phật giáo

 

a. Ðặc điểm của văn học đời Lý là lực lượng các nhà sư sáng tác chiếm đa số trên văn đàn. Theo sách Thiền uyển tập anh, đời Lý có khoảng hơn 40 nhà sư sáng tác với những tên tuổi tiêu biểu như: Mãn Giác, Viên Chiếu, Viên Thông, Không Lộ, Quảng Nghiêm,..Trong số đó, nhiều nhà sư chiếm địa vị cao trong xã hội và triều đình nhà Lý. Sự  thống lĩnh văn đàn chủa các nhà sư đời Lý có thể giải thiïch bằng những nguyên nhân sau:

- Ở thời kỳ này, Phật giáo chiếm địa vị độc tôn trong đời sống tinh thần của dân tộc. Sự bành trướng của Phật giáo dẫn đến nhu cầu rộng rãi trong nhân dân là tìm hiểu, học tập những vấn đề triết lý của đạo Phật. Ðể đáp ứng nhu cầu đó, bên cạnh việc thuyết giảng, các nhà sư còn tìm cách truyền phổ đạo Phật bằng cách thể hiện các nội dung triết lý vốn rất trừu tượng khó hiểu qua hình thức các bài kệ ngắn gọn, sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu để giúp người học đạo được thuận lợi hơn trong quá trình nghiên cứu, học tập.

- Văn học thời kỳ này viết bằng chữ Hán nên chủ yếu, chỉ có các nhà sư mới có đủ trình độ uyên bác để sáng tác thơ văn

b. Thiền Tông là chi phái thể hiện khà rõ quan niệm triết học trong tác phẩm của các nhà sư đời Lý. Nó thiên về sự tu dưỡng tự thân, lấy tâm định làm phép tu dưỡng. Ðiều này được Thượng sĩ Trần Quốc Tảng tóm tắt trong một câu ngắn gọn nhưng có giá trị khái quát toàn bộ những vấn đề cơ bản của triết học Thiền tông: Phật tức tâm, tâm tức Phật (Phật tâm ca)

c. Quan niệm Thiền tông rất gần với đạo Phật nguyên thủy ở thuyết phiếm thần luận, cho rằng:

          + Thiên địa vạn vật cùng một bản thể và chính vì thế, trước đức Phật, mọi người đều bình đẳng. Dựa trên quan niệm đó, văn học Phật giáo đời Lý thường thể hiện sự tương đồng, sự vĩnh cửu của bản ngã

Bát nhã chân vô tông

Nhân không ngã diệc không

Quá hiện vị lai Phật

Pháp tính bản tương đồng (Lý  Thái Tông)

Bản ngã của mọi người đều giống nhau, đều quy về chữ Không vốn là bản thể vũ trụ, là cái hằng thường, bất diệt, là điểm tận cùng của mọi quá trình biến đổi. Cho nên, Ðoàn Văn Khâm trong bài Vãn Quảng Trí thiền sư đã viết:

Các đạo hữu không nên đau thương về sự vĩnh biệt

Nùi sông trước chùa trông ra ấy là chân hình của nhà sư

Nhà sư đã mất nhưng chân thể, bản thể vẫn còn tồn tại trong thế giới, trong vạn vật. Ðó chính là sự tương đồng và vĩnh cửu của bản ngã.

          + Quan niệm Sắc không cho rằng thế giới biến hóa vô cùng. Kiều Bản Tịnh trong Kính trung xuất hình tượng đã so sánh cái có trong thế giới hiện hữu của con người thực chất chỉ là huyễn, cái không mới chính là thực, là sự tồn tại vĩnh cửu của con người. Ðiều này giống như sự tồn tại của cái bóng trong gương:

Huyễn thân bản tự không tịch mịch

Do như kính trung xuất hình tượng

Hình tượng giác liễu nhất thiết không

Huyễn thân tu du chứng thực tướng

Nguyên phi Ỷ Lan kêu gọi hãy gạt bỏ mọi phán đoán về cái sắc và cái không trong thế giới vật chất và chỉ có như vậy, người học đạo mới tiến đến chỗ khế hợp với chân tông:

Sắc tức không, không thị sắc

Không thị sắc sắc tức không

Sắc không câu bất quản

Phương đắc khế chân tông

Bài kệ nổi tiếng Cáo tật thị chúng của nhà sư Mãn Giác là một ví dụ tiêu biểu cho quan niệm sắc không thâm thúy của nhà Phật qua sự đối sánh giữa thời gian tuần hoàn, vô cùng vô tận của vũ trụ với thời gian tuyến tính ngắn ngủi trong cuộc đời con người. Bài thơ tuy thể hiện quan niệm triết học của Phật giáo nhưng cũng mang lại niềm hy vọng cho con người trong cuộc sống:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai

d. Tuy nhiên, là nhà thơ, các vị tăng lữ vẫn trải cảm xúc chân thành của mình trong những bài thơ tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Khung cảnh thiên nhiên trong thơ của các nhà sư vẫn chịu sự chi phối của cái nhìn sắc không. Chẳng hạn:

Vạn lý thanh giang vạn lý thiên

Nhất thôn tang giá nhất thôn yên

Ngư ông thụy trước vô nhân hoán

Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền (Ngư nhàn- Không Lộ)

e. Mặt khác, trong thơ văn của các nhà sư đời Lý, ta còn có thể bắt gặp những tư tưởng tích cực, tiến bộ, xa lạ với quan niệm của phật giáo chính thống:

- Những ý kiến chống quan điểm giáo điều của trường phái cực đoan cho rằng phải tuyệt đối thoát ly trần tục.

- Thái độ nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của các nhà sư, khát vọng hòa nhập vào cuộc đời, tham gia gánh vác những khó khăn của đất nước trong thời kỳ đầu xây dựng.

2. Thơ văn đời Lý phản ánh tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc  

 

Có thể nói, bắt đầu từ thời Lý, truyền thống yêu nước trong văn học hình thành và phát triển mãi mãi trong các giai đoạn sau. Hai tác giả tiêu biểu của chủ nghĩa yêu nước trong văn học đời Lý là Lý Công Uẩn và Lý Thường Kiệt. Chủ đề yêu nước trong thơ văn họ thường thể hiện ở những cung bậc trầm hùng khác nhau nhưng ý nghĩa chung nhất vẫn là tiếngnói lạc quan, chiến đấu của thời đại, tiếng nói tự hào của một dân tộc đang vượt qua những thử thách để khẳng định mình

a. Tác giả Lý Công Uẩn: Trong lịch sử văn học, tên tuổi của ông gắn liền với bài Chiếu dời đô có giá trị lịch sử to lớn bởi lẽ việc đổi quốc hiệu, quốc đô đánh dấu bước chuyển mình trong công cuộc xây dựng cơ đồ độc lập tự chủ của dân tộc Ðại Việt, đáp ứng nhu cầu củng cố vương quyền phong kiến và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Giá trị văn học của tác phẩm là ở chỗ nó đánh dấu những thành công bước đầu về nghệ thuật viết văn chính luận trong VHTÐ.

Bài chiếu đã nâng Lý Thái Tổ lên một tầm cao khác thường. Nó khẳng định một cái nhìn đúng đắn về xu hướng phát triển tất yếu của lịch sử của vị vua khai sáng nhà Lý cách đây gần nghìn năm.

b. Tác giả Lý Thường Kiệt: Tên tuổi của ông gắn liền với chiến công chống Tống và hai tác phẩm có giá trị là Văn lộ bố và bài thơ Thần.

- Văn lộ bố:

Ðặc điểm của bài văn là ngắn gọn, trang trọng, nêu cao chính nghĩa, vạch trần phi nghĩa, lời lẽ hòa nhã nhưng không kém phần đanh thép và thuyết phục

- Bài thơ Thần:

Chiến thắng quân Tống vẻ vang gắn liền tên tuổi của Lý Thường Kiệt với bài thơ Nam quốc sơn hà nổi tiếng. Ra đời trong khoảnh khắc nhưng bài thơ lại có giá trị vĩnh viễn bởi nó biểu hiện bản lĩnh, khí phách dân tộc, khẳng định chân lý ngàn đời: chính nghĩa bao giờ cũng thắng phi nghĩa. Bài thơ còn là viên ngọc quý trong kho tàng văn học cổ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

3. Nhận định chung về văn học đời Lý:  

 

- Với một lực lượng sáng tác đông đảo, các nhà sư đời Lý đã góp phần không nhỏ vào kho tàng văn học cổ. Hướng sáng tác của các nhà sư tuy tập trung thuyết lý cho đạo phật nhưng vẫn chứa đựng những yếu tố tích cực.

- Giá trị chủ yếu của văn học đời Lý vẫn là những tác phẩm thể hiện chủ nghĩa yêu nước mà trong đó, Chiếu dời đô và bài thơ Thần là hai viên ngọc ngời sáng, một bản tuyên ngôn dựng nước, một bản tuyên ngôn giữ nước. Số lượng sáng tác không nhiều nhưng chủ nghĩa yêu nước vẫn được nêu cao và hình thành như một truyền thống phát triển mãi mãi trong các giai đoạn sau.

III. VĂN HỌC ĐỜI TRẦN

1. Bối cảnh lịch sử và những đồi thay trong tầng lớp nho sĩ đời Trần  

 

- 1226- Nhà Trần cướp ngôi nhà Lý

- 1257, 1285, 1287- ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông

- Nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc gắn liền với xây dựng đất nước.

- Thuật trị nước khoan sức dân tiến bộ đời Trần đã kích thích xã hội ngày càng ổn định và phát triển

- Tầng lớp Nho sĩ trở thành lực lượng chính tham gia xây dựng đất nước. Họ gần gũi với quần chúng hơn nên thơ họ phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng.

- Những vấn đề văn hóa, xã hội, nghệ thuật cũng phát triển mạnh mẽ dưới triều Trần.

2. Nội dung văn học:  

 

a. Văn học Trần phản ánh lòng yêu nước tinh thần dân tộc

- Cũng như mảng thơ văn đời Lý, văn học đời Trần tập trung xoáy mạnh vào đề tài chống quân Nguyên xâm lược với cảm hứng chủ đạo là lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Ðiển hình cho chủ nghĩa yêu nước trong văn học đời Trần là tác phẩm Hịch tướng siî của Trần Quốc Tuấn, bởi lẽ tác phẩm tập trung phản ánh những khía cạnh sâu sắc nhất của lòng yêu nước cao độ. Ðây là một tác phẩm có giá trị lịch sử và văn học cao, khẳng định bước tiến của lịch sử dân tộc và lịch sử văn học.

- Bên cạnh đó, cuộc chiến đấu chống Nguyên Mông cũng là đề tài phong phú của nhiều nhà thơ khác đời Trần. Tác phẩm của họ mang âm hưởng chung hào hùng, ca ngợi khí phách, chiến thắng vẻ vang của dân tộc:

Ðoạt sóc Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan

Thái bình tu nỗ lực

Vạn cổ thử giang san

(Tùng giá hoàn kinh sư- Trần Quang Khải)

Các nhà thơ thường tập trung miêu tả hào khí Ðông A bằng những hình ảnh đẹp đẽ, kỳ vĩ cùngvới ý thức trách nhiệm của mỗi người công dân trong công cuộc chiến đấu chung của toàn dân tộc:

Hoành sóc giang san cáp kỷ thu

Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

(Thuật hoài- Phạm Ngũ Lão)

Các nhà thơ cũng chú ý nêu cao sức mạnh của chính nghĩa, của vấn đề đức trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc:

Giặc tan muôn thuở thanh bính

Phải đâu đất hiểm cốt mình đức cao

(Bạch Ðằng giang phú- Trương Hán Siêu

Nội dung yêu nước không chỉ được thể hiện trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống xâm lược mà còn phát triển trên những khía cạnh tình cảm phong phú của nhà thơ. Có khi, đó là nỗi nhớ nhà thầm lặng nhưng mãnh liệt của một nhà Nho xa quê hương:

Dâu già lá rụng tằm vừa chín

Lúa sớm nở hoa cua béo ghê

Nghe nói quê nhà nghèo vẫn tốt

Giang Nam vui thú chẳng bằng về

(Quy hứng- Nguyễn Trung Ngạn)

Có khi, đó là niềm khát khao được xây dựng một đất nước thịnh vượng hòa bình muôn đời:

Xã tắc hai phen bon ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng

(Xuân nhật yết Chiêu lăng- Trần Nhân Tông)

Yêu nước còn được thể hiện bằng niềm hạnh phúc được nhìn thấy đất nước hòa bình, được sống trong hòa bình:

Trăng vô sự chiếu người vô sự

Nước ngậm thu lồng trời ngậm thu

Bốn bề đã yên nhơ đã lắng

Chơi năm nay thú vượt năm xưa

(Hạnh Thiên Trường hành cung- Trần Thánh Tông)

Có thể nói, trong lịch sử dân tộc, vương triều nhà Trần là một vương triều hùng mạnh nhất. Ðây là thời kỳ mà mọi ý thức về quốc gia dân tộc đều phát triển mạnh mẽ và đó cũng chính là nền tảng cho sự phát triển của văn học yêu nước.

b. Văn học đời Trần thể hiện lòng yêu mến cảnh thiên nhiên tươi đẹp

So với thiên nhiên trong thơ văn đời Lý, thiên nhiên trong thơ văn đời Trần thực hơn, đẹp hơn. Các nhà thơ đã bắt đầu chú ý miêu tả đời sống thôn dã bình dị. Cảm xúc được thể hiện tinh tế hơn. Ðặc biệt, qua việc miêu tả thiên nhiên, các tác giả thường chú ý bộc lộ niềm tự hào về những chiến tích oanh liệt của dân tộc.

Bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông là một trong những ví dụ tiêu biểu cho cái nhìn mới của các nhà thơ đời Trần đối với cuộc sống bình dị của người lao động:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Mục đồng địch lý ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền

Cảnh vật được miêu tả bằng ngôn từ giản dị nhưng vẫn thể hiện được cái thần, cái đẹp của bức tranh đường đi Lạng Sơn, cảnh chùa Bảo Phúc, động Chi lăng, Thạch Môn sơn, cảnh Thiên Trường, cảnh hồng rụng, tiếng chuông văng vẳng, tiếng sáo thuyền câu,..:

Mưa tạnh vườn cây màn biếc rủ

Tiếng ve chiều tối rộng bên tai (Hạ cảnh- Trần Thánh Tông)

Hoặc:

Cổ tự thê lương thu ái ngoại

Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ

Thủy minh, sơn tĩnh, bạch âu quá

Phong định, vân nhàn, hồng thụ sơ

(Lạng Sơn vãn cảnh-Trần Nhân Tông)

Cảm xúc và cách miêu tả của nhà thơ thực sự tinh tế:

Thụy khởi khải song phi

Bất tri xuân dĩ quy

Nhất song bạch hồ điệp

Phách phách sấn hoa phi

(Xuân hiểu- Trần Nhân Tông)

Yêu thiên nhiên, các nhà thơ càng tự hào hơn nữa về những chiến tích oanh liệt của dân tộc:

Lâu Lãi hang sâu hơn đáy giếng

Chi Lăng ải hiểm tựa trời cao

Ngựa leo, gió lướt ngoảnh đầu lại

Cửa khuyết trời tây mây ráng treo

(Ải Chi Lăng- Phạm Sư Mạnh)

Các tác giả thường khai thác đề tài sông Bạch Ðằng với cảm hứng ca ngợi đầy sảng khoái, tự hào:

Ánh nước chiều hôm màu đỏ khé

Tưởng rằng máu giặc vẫn chưa khô

(Bạch Ðằng giang- Trần Minh Tông)

Có thể nói, thiên nhiên trong thơ văn đời Trần hết sức phong phú đa dạng. Các nhà thơ đã phát hiện, cảm nhận những vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên chứng tỏ họ ngày càng gắn bó hơn với cuộc đời, với con người.

c. Tinh thần nhân đạo và tư tưởng bi quan yếm thế trong thơ văn đời Trần

- Chủ nghĩa nhân đạo trong thơ văn đời Trần chủ yếu thể hiện qua sự tn tưởng vào khả năng của con người, khát vọng một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, không còn chiến tranh đổ máu, chết chóc. Trương Hán Siêu ca ngợi cái đức, cái chính nghĩa của dân tôc Ðại Việt. Sử Hy Nhan trong Trảm xà kiếm bộc lộ ý muốn gói giáo kiếm vào da hùm, rèn binh khi làm nông cụ và tuyên bố rõ thái độ chán ghét chiến tranh:

Kiếm này! Kiếm này là vật chẳng lành

Bậc thánh túng kế mới dùng phải đâu vật quý

- Tuy nhiên, càng về sau, nhà Trần không tránh khỏi con đường suy thoái. Một số nhà nho tiết tháo chán nản lui về cảnh sống ẩn dật trong một tâm trạng đầy uất hận. Thơ của họ bộc lộ rõ nỗi đau của kẻ sĩ chân chính bất lực trước tình cảnh khốn cùng của quần chúng. Những tư tưởng yếm thế thoát ly của họ chứa đựng ít nhiều giá trị tích cực khi thấm nhuần tinh thần nhân đạo cao cả:

Hạn rồi qua lụt đã bao phen

Thương nỗi đồng điền lúa chẳng lên

Ðống sách hóa ra chồng giấy nát

Bạc đầu luống những phụ dân đen

(Nhâm dần lục nguyệt tác- Trần Nguyên Ðán)

Không chỉ đau thương, phẫn uất, các nhà thơ còn bộc lộ niềm mong ước, khát vọng cứu dân giúp đời của kẻ sĩ chân chính:

Ví làm ống bễ lò rèn được

Thổi thấu lòng người khắp chín châu (Nguyễn Phi Khanh)

Hoặc:

Liễu phố tam thu vũ

Quân bồng bán dạ thanh

Cô đăng minh hựu diệt

Hồ hải thập niên tình

(Hoàng giang dạ vũ- Nguyễn Phi Khanh)

- Tất nhiên, càng khát vọng, họ càng rơi vào cảnh bế tắc, tuyệt vọng cho nên, thơ của họ chứa đựng những tình cảm bi quan, tiêu cực:

Trước mắt mọi chuyện đều đáng lo

Hết bệnh sao bằng bệnh vẫn mang (Nguyễn Phi Khanh)  

 

3. Nhận xét chung về thơ văn đời Trần  

 

- Thơ văn đời Trần đánh dấu một bườc phát triển mới của VHTÐ

- Chủ đề yêu nước là chủ đề tập trung và đạt được nhiều thành tựu trong văn học đời Trần. Tuy nhiên, thời kỳ này chưa có những tác phẩm mô tả một cách toàn bích cuộc chiến đấu mang tầm vóc lịch sử to lớn. Ðây là một thiết sót mà văn học thế kỷ XV sẽ bổ sung.


Các câu hỏi tương tự
Tín Nguyễn
Xem chi tiết
Nguyễn Anh Thư
Xem chi tiết
Mai Thị Kim Liên
Xem chi tiết
Trần Thị Minh Duyên
Xem chi tiết
nguoibian
Xem chi tiết
phạm danh
Xem chi tiết
Rau
Xem chi tiết
Vũ Thị Giang
Xem chi tiết
nguyễn đỗ trung tín
Xem chi tiết