Hướng dẫn soạn bài Tam đại con gà.

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Vũ Thị Nga

Truyện cười trở thành vũ khí tinh thần quan trọng vực tinh thần của nhân dân từ hiện thực còn nhiều bất công ngang trái. Hãy phân tích những truyện cười đã học để làm sáng tỏ

๖ۣۜAnonymous
1 tháng 10 2018 lúc 23:07

Truyện cười dân gian Việt Nam ra đời trong lòng hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam, là sản phẩm trí tuệ dân gian nhằm chống lại giai cấp thống trị. Như một vũ khí sắc bén, tiếng cười dân gian đã vạch trần bản chất thối nát của bọn quan lại, những đàng “phụ mẫu chi dân”, như một phản ứng mạnh mẽ thể hiện tinh thần đấu tranh của những người bị áp bức.

Đối tượng phê phán chính trong những truyện cười dán gian không phải ngẫu nhiên mà phần lớn lại là những kẻ thống trị, tầng lớp trên trong xã hội phong kiến. Tinh thần nhân dân mạnh mẽ lên án thói đạo đức giả, những bất công tồn tại nhức nhối trong lòng xã hội ấy. Từ đó, bản chất của xã hội thối nát, những châu dung châm biếm về bọn thống trị lần lượt hiện lên, bị soi trước ánh sáng.

Trong khuôn khổ giáo lí phong kiến. Nho giáo luôn đề cao những kẻ cai trị, gọi bằng những mĩ danh “phụ mẫu chi dân” (cha mẹ của dân), hình mẫu chuẩn mực về hạng người ăn trên ngồi trốc này gắn với những đức tính “thanh liêm chính trực”. Nhưng câu chuyện “Ông huyện thanh liêm” đã đem lại cho ta cái nhìn bất ngờ vạch rõ bản chất của những kẻ đạo đức giả. Quan ông trên công đường luôn nổi tiếng liêm minh chính trực và thậm chí giữ được tấm vỏ bọc ấy đến lúc về hưu. Nhưng thực chất mọi điều hành công lí nằm trong tay quan bà. Lễ lạt cửa sau như đã thành lệ khiến cho bất cứ người dân lành nào cũng phải đi qua để mong hưởng lợi. Người nghe chuyện có thể hình dung ra một “quan bà” khôn ngoan và rất tinh tế biết “giữ thể diện” cho chồng khi có sáng kiến nhận lễ vật là một con chuột bạc. Nguyên nhân của những bất công ngang trái bắt đầu từ kiểu hối lộ tinh vi này. Câu chuyện dẫn dắt đến tình tiết bất ngờ tạo thành tiếng cười phê phán độc đáo. Ban đầu, người đọc còn thông cảm với quan ông khi “không biết” vợ nhận của đút. Nhưng khi nghe trọn vẹn lời mắng: “Bà ngu thế, sao không bảo tôi tuổi Sửu?” thì đã vỡ òa tiếng cười. Hóa ra, bản chất của quan lại tham nhũng đã bị bóc trần từ thái độ tiếc rẻ ấy! Suy cho cùng quan ông cũng chỉ là một con chuột bạc tinh quái, gặm nhấm đục khoét một cách tinh vi mà thôi! Có lẽ không có lời tố cáo vạch trần nào sâu sắc hơn là để cho chính đối tượng phê phán bộc lộ bản chất của mình.

Câu chuyện “Nhưng nó phải bằng hai mày” đem đến cho ta một góc nhìn khác về những kẻ giữ trọng trách cầm cân nảy mực bảo vệ công lí ở nông thôn. Cái đáng trách và đáng thương của những người tham gia xử kiện chính là ở chỗ họ đã tiếp tay một cách ngây thơ cho những kẻ sâu dân mọt nước có lòng tham không đáy. Những thầy lí ở làng xã có quyền hành bao trùm để làm những điều xằng bậy bất chấp công lí. Bàn tay thầy lí là một sáng tạo thú vị của người bình dân khi nhận tiền cả bên nguyên lẫn bên bị. Chuyện kiện cáo dã thành một trò hài hước khi không có kẻ thắng người thua. Triết lí dân gian “ngao cò đánh nhau, ngư ông hưởng lợi” tỏ ra vô cùng đúng đắn trong trường hợp này. Còng lí được cân đong đo đếm bằng sự nhiều ít của đồng tiền bỏ ra. Nguyễn Du cũng từng nói trong “Truyện Kiều”: “Trong lưng đã sẵn đồng tiền - Mặc lòng đổi trắng thay đen khó gì!”, ông lí là người rộng lòng, sẵn sàng ủng hộ lẽ phải, lẽ phải đáng giá năm tiền phải dứt khoát thua lẽ phải mười tiền, đó là công lí của những kẻ lấy đồng tiền làm chuẩn mực. Những anh Ngô, anh Cải là những nạn nhân khờ khạo của kẻ ăn tiền trắng trợn và trơ trẽn. Không có lời nào ý vị và hài hước hơn khi ông lí đưa ra lời kết luận chưng hửng tất cả: “Nhưng nó phải bằng hai mày" - nghĩa là mọi người cùng thắng! Kẻ hưởng lợi cuối cùng dĩ nhiên là ông lí, được ăn tiền từ hai phía. Đáng sợ hơn là hành động ấy được bộc lộ công khai như ngầm chứa thông điệp: muôn thắng kiện thì phải có nhiều tiền hơn. Những ung nhọt nảy sinh từ đó! Câu chuyện đã để lại một lời cảnh tỉnh cho mọi người khi vào cửa quan, cho thấy rõ ràng và sinh động chân dung của kẻ cướp ngày.

Hai câu chuyện nhỏ trong hàng loạt những truyện cười dân gian đã đem lại cho người đọc người nghe nhận thức sầu sắc về bản chất thối nát của tầng lớp thông trị phong kiến. Không những thế, từ những mẫu chuyện này, nhân dân còn chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất công ngang trái trong xã hội không phải bắt nguồn từ một phía. Sau tiếng cười là thái độ phản kháng, bất bình của nhân dân, đồng thời cũng phản chiếu khát vọng về một lẽ công bằng thật sự ở đời.