Lý Thường Kiệt ( 1019 – 1105) là một nhà quân sự, nhà chính trị cũng như hoạn quan rất nổi tiếng vào thời nhà Lý nước Đại Việt. Ông làm quan qua 3 triều Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và đạt được nhiều thành tựu to lớn, khiến ông trở thành một trong hai danh tướng vĩ đại nhất nhà Lý, bên cạnh Lê Phụng Hiểu.
Trong lịch sử Việt Nam, ông nổi bật với việc chinh phạt Chiêm Thành (1069), đánh phá 3 châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống (1075–1076), rồi đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy. Đặc biệt, trận chiến ở ba châu Khâm, Ung, Liêm đã khiến tên tuổi của ông vang dội ra khỏi Đại Việt và được biết đến ở đất Tống.
Trần Hưng Đạo ( ? – 1300), còn được gọi là Hưng Đạo Đại Vương hay Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam với việc chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288. Ông nguyên có tên khai sinh là Trần Quốc Tuấn. Phần lớn tài liệu nghiên cứu lịch sử và cả dân gian thời sau thường dùng tên gọi vắn tắt là "Trần Hưng Đạo" thay cho cách gọi tên đầy đủ và trang trọng hơn là "Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn" dành cho ông. Cách gọi tên các danh nhân theo kiểu vắn tắt này là phổ biến dưới thời phong kiến ngày xưa. Cần lưu ý rằng "Hưng Đạo đại vương" là tước phong chính thức cao nhất do vua nhà Trần ban tặng cho Trần Quốc Tuấn lúc sinh thời do công lao trận mạc của ông và tước "Hưng Đạo đại vương" có cấp bậc cao hơn tước "Hưng Đạo vương" dù cùng thuộc hàng vương tước được ban cho những người thân cận trong hoàng tộc nhà Trần đương thời.
Chúc bạn học tốt!