Tập làm văn lớp 8

ân

Thuyết minh về cây mai ngày Tết.

Thuyết minh về cây lúa Việt Nam

(không chép mạng nha)

Giúp em với

Học 24h
1 tháng 2 2018 lúc 9:11

Bàn về nét văn hóa Việt Nam không thể quên ngày Tết. Tết được coi là ngày lễ quan trọng nhất trong một năm của người Việt. Ngày Tết là dịp để cả gia đình quần tụ, sum vầy, đón chào những thời khắc thiêng liêng của thời gian. Không khí ngày Tết không thể thiếu được mùi vị của bánh chưng và màu sắc của những cành mai đối với Nam Bộ và cành đào đối với miền Bắc.

Sở dĩ mai là biểu trưng ngày Tết của miền Nam là bởi khí hậu miền Bắc Việt Nam rất khác so với vùng này. Do chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc nên những ngày Tết ở miền Bắc thường lạnh, vì thế mà không có hoa mai. Cây hoa mai từ lâu đã trở thành biểu tượng không thể thiếu của mỗi gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về. Hoa mai có rất nhiều loại. Có mai vàng, mai tứ quý, mai trắng, mai chiếu thủy, mai ghép… Mai vàng là loại phổ biến nhất, đẹp nhất. Đúng như tên gọi của nó, mai vàng có nụ nở thành từng chùm, có cuống dài treo lơ lửng mọc trên cành, cánh hoa mỏng, màu vàng tươi, có mùi thơm kín đáo. Mai tứ quý thì lại khác. Mai tứ quý là loại mai nở quanh năm, sau khi cánh hoa tàn và rụng hết, còn lại hai đến ba hạt nhỏ dẹt đen bóng. Lá nhỏ lăn tăn là mai chiếu thủy. Loại này có mùi thơm ngát về đêm. Mai chiếu thủy rất được ưa chuộng trồng ở những nơi ẩm như hòn non bộ.

Cách chăm sóc hoa mai không quá phức tạp. Hoa mai ưa ánh nắng, độ ẩm vừa phải. Vì thế mà hoa mai thường được trồng ở những nơi đón nắng nhiều nhất. Cũng vì lí do này mà khí hậu miền Bắc không thích hợp cho mai phát triển. Mai có thể được trồng trong chậu hoặc tại vườn đều được. Điểm chú ý khi chăm sóc mai đó là mai không cần đất quá ẩm. Mặc dù yêu ánh nắng, nhưng mai không thích đất khô hoặc úng nước. Nên, người trồng thường xuyên phải để ý kiểm tra độ ẩm của đất để cung cấp nước cho phù hợp. Đặc biệt, để hoa nở đúng vào những ngày Tết hoặc thời điểm mà người trồng mong muốn, trước đó họ phải tuốt hết lá trên cây mai để nụ hoa đâm ra nhanh chóng nở khoe sắc. Thường là trước thời điểm nở khoảng 2 tuần. Sau khi tuốt lá, người trồng phải đặc biệt chú ý chăm sóc mai cẩn thận để mai có thể ra hoa đúng như kế hoạch. Cần chú ý cả lượng nước lẫn ánh nắng chiếu vào. Mai là loài cây sống mạnh, được coi là giống cây dễ trồng nhất. Cây mai không kén đất trồng, bất cứ loại đất nào mai cũng có thể sinh sôi nảy nở được, trừ đất nghèo không thể trồng được loài cây nào mà thôi. Mai sinh trưởng tốt nhất ở đất thịt nhẹ nhiều chất hữu cơ, không bị nhiễm mặn, chua, nhiễm phèn hoặc hóa chất độc hại. Chỉ duy nhất một điều cần chú ý đó là mai rất sợ úng nước. Mai bị ngập nước quá lâu sẽ héo dần rồi chết. Thân cây mai sần sùi khá giống các loại cây cổ thụ. Không giống cây đào thân mảnh và mỏng, thân cây mai chắc chắn và dày hơn. Lá mai tròn nhỏ, không dài như lá cây đào. Mai sống tốt và thích hợp nhất ở khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ khoảng 27 đến 32 độ C. Xuất xứ từ loài cây hoang dại, mai có khả năng thích ứng tốt với khí hậu nhiệt đới đặc biệt là khí hậu có hai mùa mưa – nắng rõ rệt như ở miền Nam. Cây mai có tuổi thọ cao, được chăm sóc tốt sẽ sinh trưởng nhanh và ra hoa sớm. Cây mai rụng lá mỗi năm một lần, nở hoa vào mùa xuân khoảng tháng 2 dương lịch. Riêng hoa mai tứ quý thì nở quanh năm.

Hoa mai đứng đầu trong bộ tứ bình, là sức sống, là cái hồn của mùa xuân Việt Nam. Đến cận kề ngày xuân, ra phố nhìn thấy cánh mai vàng, sắc vàng của hoa mai là không khí Tết đã rộn ràng lan tỏa đến mọi nhà. Từng chùm, từng chùm mai mọc quấn quýt lấy nhau tạo một tổng thể trang nhã, rực rỡ. Màu vàng hoàng tộc của hoa mai đã khiến cho nó mag một vẻ đẹp quyền quý cao sang. Hoa mai có hương thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng, kín đáo, xoa dịu lòng người. Vì thế mà không chỉ có tác dụng trạng trí trong nhà đặc biệt là các dịp lễ tết, hoa mai còn là một món quà vô cùng ý nghĩa tặng người thân, bạn bè nhân dịp đầu năm mới. Ngày xuân sum họp, mọi người quây quần bên nhau, con cháu xa quê về thăm ông bà cha mẹ không quên mang một cành mai về làm quà cho gia đình. Những lời chúc tốt đẹp cho năm mới sẽ ý nghĩa hơn, trọn vẹn hơn khi có bóng dáng hoa mai làm điểm nhấn. Hoa mai không chỉ có giá trị thẩm mĩ cao mà còn mang giá trị tinh thần sâu sắc của người Việt. Nguyễn Du đã lấy hình ảnh cây mai làm thước đo của sắc đẹp khi miêu tả vẻ đẹp cả hai chi em Thúy Vân Thúy Kiều: "Mai cốt cách tuyết tinh thần". Mang vẻ đẹp thanh khiết và tao nhã, mai đã trở thành biểu tượng đẹp trong mắt con người. Sắc mai vàng rực rỡ đón nắng luôn là hình ảnh khó phai trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Hoa mai là biểu tượng của ngày Tết, là thước đo sắc đẹp, là niềm tự hào của người dân Việt đặc biệt là người dân xứ Sài Gòn. Không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp của mai cũng như quên được màu sắc hoàng gia của nó. Ngày nay, người miền Bắc cũng rất thích để cây mai trong nhà vào dịp Tết, mặc dù không hợp khí hậu nhưng ai cũng muốn trong nhà mình có hình ảnh của cây mai, cành mai, hoa mai. Bởi vậy mới nói, hoa mai là niềm tự hào của người dân Việt.


Diệu Huyền
9 tháng 9 2019 lúc 7:39
Dày ý thuyết minh về cây hoa mai ngày tết

1. Mở bài: Giới thiệu hoa mai: Trong dịp tết nguyên đán, nếu hoa đào là đặc trưng của mùa xuân miền bắc thì hoa mai lại là đặc trưng của miền nam.

2. Thân bài: Nguồn gốc cây hoa mai, các loại hoa mai:

Cây hoa mai vốn là một cây dại mọc trong rừng (từ miền trung trở vào), hoa mai có nhiều loại: Mai vàng: Nụ mọc thành chùm, có cuống dài treo lơ lửng mọc trên cành, cánh hoa mỏng màu vàng có mùi thơm kín đáo. Mai tứ quý là loại mai nở hoa quanh năm, sau khi cánh hoa rụng hết, ở giữa bông còn lại 2 đến 3 hạt nhỏ và dẹt, màu đen bóng. Mai trắng: Hoa mới nở màu hồng nhạt, sau chuyển sang trắng, có mùi thơm nhẹ Mai chiếu thủy lá nhỏ lăn tăn, hoa nhỏ mọc thành chùm màu trắng thơm ngát nhất là về đêm thường được trồng trang trí ở hòn non bộ hoặc trong chậu sứ. Mai ghép là loại mai được các nghệ nhân hoa cảnh ghép từ các loại hoa khác nhau. Hoa to, nhiều cánh, nhiều màu, trồng trong chậu sứ, rất khó chăm sóc. Cách chăm sóc cây mai: Cây mai được trông bằng hạt hay chiết cành (phổ biến là chiết, ghép) Trồng ngoài vườn hay trong chậu đều được. Cây ưa ánh nắng, đất luôn ẩm nhưng không úng nước Khoảng 15 tháng chạp (tháng 12 âm lịch), người trồng lại phải tuốt lá cho mai, sau đó có chế độ chăm bón và tưới nước đúng phương pháp để hoa nở đúng vào ngày tết. Hoa mai trong ngày tết nguyên đán: Các nhà vườn đánh nguyên gốc mai đem về các chợ hoa xuân ở các thị xã, thành phố để bán, hoặc khách đến tận vườn để mua. Hầu như mỗi nhà đều chưng hoa mai trong ba ngày tết, vừa trang trí cho đẹp nhà, vừa cầu mong may mắn. Nếu thiếu hoa mai thì niềm vui của các gia đình đầu năm mới sẽ không trọn vẹn.

3. Kết bài: Hoa mai là hình ảnh của ngày tết nguyên đán, của mùa xuân phương nam. Hoa mai gắn bó với đời sống tinh thần của người dân miền nam từ lâu đời. Những năm gần đây, sắc vàng của hoa mai đã góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân phương bắc.

Diệu Huyền
9 tháng 9 2019 lúc 7:40
Tham khảo thuyết minh về cây hoa mai ngày Tết :

Cứ mỗi độ xuân về, khắp đất trời phương Nam trở nên thật rực rỡ với muôn ngàn sắc hoa. Thế nhưng, loài hoa đặc trưng cho mùa xuân miền Nam chỉ có một. Đó chính là hoa mai.

Cây mai vốn là một loại cây rừng. Ngày xưa, khi đi khai khẩn đất phương nam, ông cha ta tìm thấy một loại hoa rừng cũng có năm cánh, cũng nở vào dịp Tết như hoa đào nên đem về nhà chưng để tưởng nhớ về cái Tết nơi quê nhà. Từ đó, chưng hoa mai đã trở thành phong tục ngày Tết của mỗi gia đình miền Nam.

Cây mai có rất nhiều loại. Mai vàng là loài thường thấy nhất. Mai vàng thuộc họ hoàng mai. Cành mai có phần uyển chuyển, mềm mại hơn cành đào. Loài cây này thường rụng lá vào mùa đông, đến mùa xuân thì bắt đầu nở hoa. Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào. Khi sắp nở, nụ mai mới phô màu vàng tươi thắm. Hoa mai mang một vẻ đẹp nồng nàn, ấm áp của khí hậu miền Nam. Cánh mai tỏa hương thơm thoang thoảng, kín đáo. Hoa mai mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành. Sau khi nở hoa, cây lại còn cho quả màu đỏ nhạt, bóng như ngọc.

Ngoài ra, còn có nhiều loại mai được các gia đình Việt Nam rất ưa chuộng, dùng làm cây kiểng trong vườn. Đầu tiên phải kể đến là loài mai tứ quý có thể ra hoa cả bốn mùa. Điều đặc biệt là hoa mai tứ quý nở lần đầu có năm cánh màu vàng nhưng sau đó, các cánh hoa rơi rụng dần rồi năm đài hoa đổi thành màu đỏ, trông như một bông hoa mai màu đỏ, rất đẹp. Đó là lý do vì sao mai tứ quý còn có tên gọi là nhị độ mai, nghĩa là hoa mai nở hai lần, trước vàng sau đỏ. Còn có loài mai chiếu thủy thân hình bé nhỏ, cho những chùm hoa màu trắng bé xinh xinh, tỏa hương thơm dịu dàng. Chúng thường được người ta trồng trên các hòn non bộ.

Dù họ nhà mai đa dạng và phong phú, nhưng hoa mai nào cũng được con người xem như biểu trưng của sự tinh khiết, thanh bạch, của tấm lòng tri ân, tri kỷ. Hơn nữa, hoa mai còn được cho là mang đến sự may mắn nếu cây mai bắt đầu nở hoa vào đúng thời khắc giao thừa. Vào dịp Tết, trong mỗi nhà người dân Nam bộ, cây mai hay cành mai luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Nếu thiếu sắc mai vàng thì có lẽ cái Tết miền Nam sẽ không thể trọn vẹn được.

Người ta có thể trồng mai trong bồn, trong chậu hay ngoài vườn đều được. Cây mai rất ưa ánh sáng và đất ẩm. Thế nên, mỗi khi gần đến dịp Tết, chỉ cần khí hậu ấm áp, ẩm ướt là hoa mai nở rộ. Nhưng chưa đến giao thừa mà hoa mai đã nở sớm thì trong ba ngày Tết hoa mai rụng sẽ bị cho là điềm xui và cây mai sẽ trông không đẹp nữa. Vì thế, các nghệ nhân trồng mai trong dịp cận Tết luôn bận rộn chăm sóc cho vườn mai của mình, dùng mọi cách để giữ sao cho hoa mai nở rộ vào đúng ba ngày Tết, mang đến may mắn cho mọi nhà. Ngoài ra, các nghệ nhân còn dùng kỹ thuật ghép để tạo ra những cây mai cho hoa rất nhiều cánh. Thậm chí còn có nhiều hoa mai màu khác nhau nở trên cùng một cây. Quả thật, bàn tay kỳ diệu của con người đã góp phần giúp họ nhà mai thêm đa dạng, phong phú và hấp dẫn.

Mai vàng không những đẹp mà còn tượng trưng cho nếp sống văn hóa lâu đời của nhân dân ta. Hoa mai đối với miền Nam cũng như hoa đào đối với miền Bắc, đều là những loài hoa gắn liền với truyền thống dân tộc. Có lẽ vì thế, dù đi đến bất cứ phương trời nào, chỉ cần nhìn thấy sắc mai vàng là những người con miền Nam chợt cảm thấy ấm lòng như đang ở chính quê hương của mình.

minh nguyet
9 tháng 9 2019 lúc 15:43

Tham khảo:

I. Mở bài

Giới thiệu tổng quát về cây lúa. Cây lúa gắn bó với đời sống Việt Nam từ xưa đến nay. Lúa là thức ăn nuôi dưỡng con người. Cây lúa phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Việt Nam có tên gọi là văn minh lúa nước.

II. Thân bài

1. Khái quát

Cây lúa là cây trồng quan trọng của người dân Việt Nam. Là nhóm cây lương thực chính của người Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

2. Chi tiết.

a. Đặc điểm, hình dạng và kích thước của cây lúa.

Cây lúa sống chủ yếu nhờ nước nên được gọi là lúa nước. Không có nước, lúa không thể sống nổi. Thuộc loại cây một lá mầm và rễ chùm. Thân cây lúa thường mọc thẳng, được nối với nhau nhiều đốt và thân cây rỗng và mềm, có thể dùng tay bóp nát một cách dễ dàng. Thân cây lúa có chiều rộng từ 2-3 cm, chiều cao khoảng từ 60 – 80 cm. Lúa được chia thành ba bộ phận: Rễ: Nằm dưới đất có tác dụng hút dinh dưỡng nuôi cơ thể. Thân: Là cầu nối dinh dưỡng từ rễ lên ngọn. Ngọn: Đây là nơi bông lúa sinh trưởng và trở thành hạt lúa. Lúa chín có màu vàng và người nông dân gặt về làm thực phẩm.

b. Cách trồng lúa:

Gieo giống: Hay còn được gọi là đi gieo, để cho cây lúa sinh trưởng tốt người xưa có quan niệm phải trải qua 4 giai đoạn: Nhất nước - > nhị phân - > tam cần - > tứ giống Nhất nước: Lúa sinh trưởng là nhờ vào nước, cho nên khi trồng lúa người nông dân phải chú trọng đến nước nhằm đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng tốt nhất. Nhị phân: Thứ hai là phân bón, ngày nay có rất nhiều phân bón hỗ trợ cho lúa, điều đó giúp cây lúa phát triển mạnh và tránh được các mầm bệnh trong cây. Nhưng phân cũng cần phải bón đúng loại, đúng lúc và đầy đủ. Tam cần: Đó là cần cù trong việc lao động, đưa các phương pháp tiến bộ kỹ thuật vào trồng lúa. Tứ giống: Một cây lúa khỏe mạnh, năng suất cao phụ thuộc nhiều vào giống, hiện nay có khá nhiều loại giống có sức đề kháng lại rầy, sâu nên được khá nhiều bà con lựa chọn. Cấy lúa: Ngày xưa việc gieo mạ bằng tay nên lúa mọc không đều, khi cây lúa cao khoảng 20 cm. Người nông dân tiếp tục ra đồng để cấy lại lúa cho thật thẳng, đều để giúp cây phát triển tốt hơn. Nhưng ngày nay, việc gieo lúa bằng máy nên người nông dân đỡ vất vả. Cây lúa ngay từ khi gieo đã thẳng hàng nên người nông dân không cần đi cấy lúa như ngày xưa. Chăm sóc lúa: Trong suốt thời gian cây lúa sinh trưởng, hàng tuần người nông dân phải ra đồng chăm lúa và lấy nước. Việc thăm lúa giúp người nông dân phát hiện ra các ổ sâu, chuột hại lúa. Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, người nông dân phải làm cỏ, bón phân và diệt sâu bỏ nhằm giúp cây lúa phát triển tốt hơn. Gặt lúa: khi cánh đồng bắt đầu ngả màu vàng, người nông dân từng tốp ra đồng để thu thành quả sau một thời gian lao động. Ngày trước người nông dân thu hoạt lúa bằng tay, điều đó khiến cho bà con tốn kém và vất vả. Vì sau khi gặt, người nông dân đem về và phải tuốt lúa, phơi. Nhưng ngày nay việc thu hoạch lúa bằng máy, lúa được tuốt ngay ngoài đồng nên bà con đỡ vất vả hơn ngày trước. Sau khi gặt lúa: Để tiếp tục cho các vụ tiếp theo, người nông dân lại ra đồng cày, bừa cho đất thật phẳng để tiếp tục gieo.

c. Vai trò của cây lúa.

Sau khi xay lúa, người ta dùng gạo để ăn: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại gạo như: gạo thơm, gạo B40, gạo 504, gạo Xuân Mai, gạo tẻ, gạo nếp. Lúa được dùng để chế tạo các loại bánh như: Bánh đa, bánh đúc, bánh giò, bánh tẻ, bánh phở… Lúa là thực phẩm chính của người dân không chỉ tại Việt Nam mà còn các nước khác trên thế giới. Lúa non được dùng để làm cốm. Sau khi xay hạt lúa, lúa được tách ra thành 2 loại đó là: Gạo và trấu. Gạo dùng để ăn. Trấu dùng để làm phân bón cho cây cối, làm nguyên liệu đốt hoặc thậm chí làm ổ cho già, vịt nằm trong mùa lạnh. Thân lúa sau khi lấy hạt được gọi là rơm: Rơm được phơi khô và chất thành đống để dự trự. Rơm được dùng để làm thức ăn cho gia súc, làm nguyên liệu đốt và dùng để gia súc nằm khi trời lạnh. Tóc: Cái này hơi khó hiểu cho những bạn chưa biết nhiều về lúa. Ngày xưa, người nông dân gặt lúa tận góc, sau đó lấy hạt. Thứ còn lại là thân cây lúa, người nông dân cận thận phơi thân cây đó thật khô và đan lại với nhau thành những tấm lớn dùng để lợp nhà.

d. Thành tựu

Ngày nay, Việt Nam đã lai tạo hơn 30 loại giống lúa khác nhau và được công nhận là giống lúa quốc gia. Từ một nước nghèo đói, lạc hậu. Việt Nam nay là nước thứ 2 xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan.

III. Kết bài.

Cây lúa vô cùng quan trọng đối với người dân Việt Nam. Lúa không chỉ đem lại cuộc sống no đủ, mà nó còn mang đến cho người dân Việt Nam một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần mà không có một thứ gì có thể thay thế được.

Các câu hỏi tương tự
Huyền Anh
Xem chi tiết
linh nguyen
Xem chi tiết
Trương Tiền
Xem chi tiết
Thanhphong Phamtran
Xem chi tiết
Ka Ak
Xem chi tiết
hoa hồng
Xem chi tiết
Lê Nhi
Xem chi tiết
Huỳnh Thị Kim Hương
Xem chi tiết
Trần Huy
Xem chi tiết