Trong truyện, khi nhận lấy chiế lược từ tay ông Sáu, người đồng đội của mình, bác Ba nghĩ : “chỉ có tình cha con là không thể chết được” là vì:
+ Đó là tình cảm thiêng liêng và sâu nặng nhất của ông Sáu dành cho con. Tình cảm đó đã được trải qua thử thách khắc nghiệt. Có những lúc đắng cay ngậm ngùi (lúc bé Thu nhất định từ chối, phản ứng quyết liệt và còn nói trống không với ông Sáu). Có những lúc ngọt ngào tha thiết (nỗi nhớ con của ông Sáu, lúc bé Thu chịu nhận ông Sáu là ba…). Nhưng dù trong điều kiện nào, tình cảm đó vẫn luôn mãnh liệt.
+ Ông Sáu đã kịp gửi trọn tình cảm đó vào cây lược tặng con (phân tích tình cảm của ông Sáu khi làm cây lược). Khi ông biết không thể gặp con được nữa, ông Sáu đã trao gửi tất cả cho bạn, ông Ba. Cây lược đã trở thành kỉ vật thiêng liêng gói gọn tình cha. Tình cha con ấy sẽ bất tử cùng thời gian.
+ Chiến tranh có thể ngăn cách họ, chia lìa họ. Nhưng chiến tranh không thể nào giết chết được tình yêu thương trong họ. Tác giả đã rất thành công khi lựa chọn ngôi kể thứ nhất trong vai nhân vật ông Ba. Vai kể ấy góp phần thể hiện chân thực, sinh động chủ thể của truyện.
– Ông Ba “không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy” bởi nhiều lí do. Đó là cái nhìn đặc biệt của người chứng kiến. Trong cái nhìn ấy, chứa đựng bao điều cần nói mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được. Nó như một lời trăn trối cuối cùng. Nó là sự trao gửi đầy tin cậy của ông Sáu với người bạn, người đồng chí đồng đội của mình. Ông Sáu trao cây lược nhưng cũng chính là trao lại tình cảm và trách nhiệm của người cha cho người bạn thân thiết của mình với sự cầu khẩn và tin cậy.