- Quyền lợi: Lợi ích được hưởng, mà người khác không được xâm phạm đến
- Nghĩa vụ: Việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác. Lao động là nghĩa vụ của mỗi người. Nghĩa vụ công dân. Nộp thuế. Nghĩa vụ quân sự ...
Quyền là những việc mà một người được làm mà không bị ai ngăn cản, hạn chế.
Nghĩa vụ là việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác.
Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn luôn là một chế định cơ bản của luật Hiến pháp Việt Nam. Trong lịch sử lập hiến Việt Nam, chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản bao giờ cũng giữ một vị trí quan trọng.
Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, do đó mối quan hệ Nhà nước – công dân là mối quan hệ qua lại cùng có trách nhiệm. Mối quan hệ Nhà nước – công dân đó thể hiện ở các quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Các nghĩa vụ của nhà nước được xác định trong Hiến pháp nói riêng, trong pháp luật nói chung dưới hình thức các nhiệm vụ của Nhà nước, của các cơ quan nhà nước cụ thể hoặc dưới hình thức các quyền công dân và những đảm bảo của nó. Còn trách nhiệm của công dân đối với nhà nước và xã hội được ghi trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật dưới hình thức nghĩa vụ công dân.
Các quyền và nghĩa vụ công dân được ghi nhận trong Hiến pháp được gọi là các quyền và nghĩa vụ cơ bản, trước hết vì nó xác định những mối quan hệ cơ bản nhất giữa nhà nước và công dân. Thứ hai, vì những quyền và nghĩa vụ ấy được qui định trong luật cơ bản của nhà nước. Bởi lẽ đó, các quyền và nghĩa vụ của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp là cơ sở chủ yếu, có ý nghĩa quyết định để xác định địa vị pháp lý của công dân. Đó là cơ sở để xác định các quyền và nghĩa vụ khác của công dân, ở mọi cấp độ và trong mọi ngành luật.
Chúng ta có thể định nghĩa quyền và nghĩa vụ cơ bản của mọi công dân như sau:
Quyền cơ bản là khả năng của mỗi công dân được tự do lựa chọn hành động. Khả năng đó được nhà nước ta ghi nhận trong Hiến pháp và bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước.
Nghĩa vụ cơ bản là sự tất yếu phải hành động của mỗi công dân vì lợi ích của toàn thể Nhà nước và xã hội. Sự tất yếu đó được Nhà nước qui định trong Hiến pháp và bảo đảm thực hiện bằng mọi biện pháp, kể cả biện pháp cưỡng chế.