Truyền kì mạn lục là một kho báu, một áng thiên cổ của văn học Việt Nam với những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Nguyễn Dữ. Ta đã biết đến hình tượng người phụ nữ qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, nay ta được tìm hiểu thêm về hình tượng người trí thức đương thời qua nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Chân dung Ngô Tử Văn cương trực, khảng khái bảo về cái thiện được hiện lên rõ nét qua những yếu tố kì ảo trong truyện.
Nhân vật Ngô Tử Văn được hình dung trong mắt người đọc là một kẻ sĩ mang phẩm chất cao quý.Tên họ, quê quán, tính tình và phẩm chất được giới thiệu ngắn gọn mà đầy đủ, đó là một lối giới thiệu rất đặc trưng của văn xuôi trung đại. Nhân vật hiện lên qua những nét rất cơ bản, không đi sâu miêu tả cầu kì nhưng vẫn trực tiếp kể lại cho người đọc những tính cách và phẩm chất của nhân vật, từ đó dẫn dắt đến những biến cố hấp dẫn xảy ra trong truyện:“Chàng khảng khái, nóng nảy, thấy gian tà thì không thể chịu được”. Từ đây ta có thể hình dung về một con người trượng nghĩa đại diên cho cái thiện thời đó. “Vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”, đó là lời nhận xét khách quan thể hiện sự công nhận của công đồng với Ngô Tử Văn. Tính cách ấy theo Ngô Tử Văn tới cuối tác phẩm và là tiền đề cho hành động quyết liệt của nhân vật sau này. Ngô Tử Văn đã nhanh chóng đến với người đọc một cách vô cùng chân thành qua hình tượng một bậc trí thức cương trực.
Tinh thần dũng cảm, cương quyết trước gian tà và trách nhiệm của người trí thức trong việc dẹp bỏ cái ác của Ngô Tử Văn được biểu hiện rõ nét trong cuộc chiến đấu quyết liệt với tên Bách hộ họ Thôi. Ở đây Nguyễn Dữ ví Ngô Tử Văn như “vàng đã qua thử lửa” không chỉ nói lên tinh thần của Tử Văn mà còn nói lên khả năng của chàng trong việc đấu tranh với cái xấu. Nghe tin ngôi đền trong làng bị yêu quái họ Thôi quấy nhiễu, Tử Văn “rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền”. Đọc thoáng qua có thể ta sẽ nghĩ đây là một nét tính cách xấu, một hành động trong lúc nóng giận bồng bột bởi “đốt đền” đó là một hành động kiêng kị trong nhân dân khi thể hiện sự chống lại thần linh trời đất bởi đền miếu là nơi tín ngưỡng linh thiêng “mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, lo sợ thay cho Tử Văn”. Nhưng nếu cẩn thận ngẫm lại ta sẽ thấy sự thực khác hoàn toàn. Ngô Tử Văn đã tắm gọi chay sạch, khấn trời đất công khai và đàng hoàng rồi mới châm lửa đốt, đó là hành động xin phép, báo cáo với đất trời. Ngô Tử Văn là một người trí thức, ắt hẳn hiểu được sự linh thiêng của thần thánh trời đất, nhận biết được hành động mình đang làm là đúng hay sai. Do đó Ngô Tử Văn đã tiến hành đầy đủ những nghi lễ chứ không phải là hành động làm càn trong lúc nóng nảy. Qua đây ta thấy Ngô Tử Văn là người bản lĩnh, sự dũng cảm và trí thông minh khi dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để giành lại cuộc sống bình yên cho dân làng. Chàng sẵn sàng chịu trách nhiệm trước việc làm của mình vì lợi ích chung của nhân dân. Tử Văn không hề sợ hãi khi đó là một hồn ma mà với chàng, cứ là cái xấu trên đời sẽ bị tiêu diệt. Tư tưởng ấy là ánh sáng chính nghĩa đánh bại được mọi gian tà cái ác, giúp chàng càng thêm khảng khái, dũng cảm không hề khuất phục hay sợ hãi trước những lời đe dọa của tên tướng giặc “Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên”. Chàng tự tin hành động theo lẽ phải với phong thái của một kẻ sĩ hiên ngang. Nhờ đó mà chàng được thần linh là Thổ Công trợ giúp, đó là điều chàng xứng đáng nhận được trên con đường chính nghĩa mà chàng đang đi.
Yếu tố kì ảo được thể hiện rõ nét qua các nhân vật hư cấu, các địa điểm hư cấu dựa vào truyền thuyết và tín ngưỡng dân tộc. Cuộc chiến cam go xảy ra nơi âm ti địa phủ đi đến hồi căng thẳng. Chàng bị quỷ bắt xuống địa ngục, đối mặt với những hình phạt ghê rợn thế nhưng tinh thần khảng khái ấy vẫn không hề bị bóng đen lấn át mà còn tỏa sáng hơn bao giờ hết: “Ngô Soạn là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng”. Chàng tin tưởng vào phẩm chất của mình, không một chút nhún nhường ngay cả khi đứng trước lời kết tội của Diêm Vương. Dù bị vu oan nhưng chàng không sợ hãi mà dùng chính sự thông minh ngay thẳng của mình vạch trần cái ác. Khí phách của người tri thức hào kiệt rất xứng đáng với chiến thắng vang dội của chính nghĩa.
Những yếu tố kì ảo là chiếc chìa khóa đặc biệt cho sự hấp dẫn của tác phẩm và làm nổi bật lên tính cách nhân vật: chính trực, khảng khái, thông minh và một lòng hướng đến cái thiện, bài trừ cái ác. Qua câu chuyện, Nguyễn Dữ như đang muốn gửi gắm ước nguyện về những anh hùng của chính nghĩa sẽ đứng lên bảo vệ cho đất nước, nhân dân như những thứ mà Tử Văn đã sẵn sàng làm để bảo vệ cho đồng bào mình. Nhân vật Ngô Tử Văn là hiện thân của tâm hồn Nguyễn Dữ: yêu thương gắn bó với quê hương đất nước và lòng tự tôn dân tộc, đi theo chính nghĩa trừ bỏ gian tà với lòng quyết tâm không thể nào bị lay chuyển. Câu chuyện cũng là sự khát khao cho nhân dân có một cuộc sống yên bình hạnh phúc, khát khao sản sinh và nuôi dưỡng người tài trong nhân thế. Ngô Tử Văn cùng với chiến thắng của chính nghĩa đã khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu công bình và sẵn sàng xả thân vì chính nghĩa của biết bao những trí thức lúc bấy giờ.
Ngô Tử Văn với những phẩm chất, nhân cách cao đẹp là lời kêu gọi cổ vũ những người trí thức rằng, hãy khảng khái, dũng cảm, quyết liệt bảo vệ và đứng về phía chính nghĩa mà diệt trừ cái xấu bởi chính nghĩa sẽ mãi mãi tồn tại vĩnh hằng ở khắp muôn nơi và bất cứ lúc nào. Qua đó ta thêm khâm phục về con người Nguyễn Dữ và nhân vật Ngô Tử Văn và lấy đó làm tấm gương sáng muôn đời noi theo.