Ở phần Đọc, hai bài thơ Đồng dao mùa xuân và Gặp lá cơm nếp hẳn đã gợi cho em những suy nghĩ về người lính, về tình yêu đất nước, về sự hoà quyện giữa tình yêu gia đình với tình yêu quê hương,... Trong phần Nói và nghe dưới đây, em sẽ chia sẻ suy nghĩ về một vấn đề đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học đã đọc để phát triển kĩ năng nói của bản thân. Sự hấp dẫn và thuyết phục trong cách trình bày, tinh thần cầu thị khi tiếp thu ý kiến nhận xét của người nghe, cách trao đổi với bạn trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau,... là những điều em cần rèn luyện thường xuyên.
1. Trước khi nói
a. Lựa chọn bài thơ
- Dựa vào các tác phẩm đã đọc để chọn nội dung phù hợp.
- Sưu tầm tranh ảnh, bài hát, bài thơ, đoạn phim ngắn,... để minh hoạ cho bài nói.
- Lập đề cương cho bài nói.
b. Tập luyện
Để bài nói đạt kết quả tốt, em hãy tập luyện trước khi trình bày.
- Em có thể tập nói một mình để tự điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể và ngữ điệu nói sao cho phù hợp. Em cũng có thể tập nói trước bạn bè, người thân và nhờ họ góp ý.
- Điều chỉnh dung lượng bài nói sao cho phù hợp với thời gian quy định.
2. Trình bày bài nói
- Trình bày đầy đủ, mạch lạc những nội dung đã chuẩn bị.
- Kết hợp trình bày bài nói với việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ như tranh ảnh, đoạn phim ngắn, bài thơ minh hoạ,...
- Chú ý điều chỉnh âm lượng, tốc độ nói, sắc thái biểu cảm phù hợp với nội dung nói; thể hiện sự tương tác tích cực với người nghe.
- Trình bày bài nói trong thời gian quy định.
3. Sau khi nói
Trao đổi về bài nói:
Người nghe | Người nói |
- Nhận xét về bài trình bày của bạn với thái độ chân thành. - Có thể trao đổi về một số nội dung như: + Bài nói đã thể hiện rõ suy nghĩ của người nói về vấn đề đời sống chưa? + Nội dung bài nói có thuyết phục không? + Người nói đã sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ phù hợp chưa? + Hiệu quả của các phương tiện hỗ trợ thế nào? | Lắng nghe, phản hồi những ý kiến của người nghe với tinh thần cầu thị: + Tiếp thu những ý kiến góp ý mà em cho là xác đáng. + Giải thích những chỗ người nghe còn thắc mắc. + Bảo vệ ý kiến của mình nếu nhận thấy ý kiến đó đúng. |
Bài nói tham khảo:
Bài thơ Đồng dao mùa xuân của tác gải Nguyễn Khoa Điềm đã vẽ lên hình ảnh người lính thật đẹp, thật đáng tự hào. Một người lính trẻ hiện lên mộc mạc, gần gũi mà cao đẹp, vẫn còn thú vui con nít “mê thả diều”. Khi giặc đến, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh đã lên đường chiến đấu và anh dung hi sinh tren chiến trường ác liệt. Anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn, thế nhưng hình ảnh của anh, sự hi sinh anh dung của anh thì đồng đội và nhân dân mãi chẳng thể quên. Anh ra đi để lại mùa xuân rực rỡ cho đất nước, để lại cuộc sống yên bình cho thế hệ sau. Bài thơ không chỉ là tấm lòng của tác giả dành cho người lính cụ Hồ mà còn là tình cảm của thế hệ sau, sự biết ơn chân thành của thế hệ đàn em đối với hi sinh lớn lao của những người chiến sĩ. Hình ảnh “Ba lô con cóc/ Tấm áo xanh/ Cái cười hiền lành” sẽ luôn in đậm nhắc nhở chúng ta luôn phải cố gắng học tập dựn xây đất nước để xứng đáng với sự hi sinh của các anh.