Nhà Lý đã làm gì để phát triển kinh tế ?
- Nhà Lý đã đem chia đều ruộng đất cho nông dân cày cấy và người nông dân có nghĩa vụ nộp tô thuế cho nhà vua.
- Hàng năm, các vua Lý đều về các địa phương tiến hành lễ cày “tịch điền” để khuyến khích sản xuất nông nghiệp trong nhân dân.
- Nhà Lý khuyến khích việc khai khẩn đất hoang. Tiến hành các công việc trị thủy như: đào kênh mương, khai ngòi, đắp đê phòng lụt,...
- Ban hành lệnh cấm giết hại trâu, bò để bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp.
=> Nhờ những chính sách trên, nền nông nghiệp Đại Việt thời Lý phát triển, đời sống nhân dân ấm no.
Trình bày những thay đổi về mặt xã hội thời Lý
- Giai cấp thống trị:
+ Vua quan là bộ phận chính trong giai cấp thống trị.
+ Một số hoàng từ, công chúa, quan lại được nhà nước phong cấp ruộng đất đã trở thành địa chủ.
+ Một số ít dân thường, do có nhiều ruộng, cũng trở thành địa chủ có thế lực ở địa phương.
- Giai cấp bị trị:
+ Nông dân chiếm đa số trong dân cư. Họ là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội. Các đinh nam được chia ruộng theo tục lệ của làng xã và phải làm nghĩa vụ cho nhà nước. Những nông dân nghèo phải cày ruộng, nộp tô cho địa chủ, có người phải rời bỏ quê hương đi khai hoang, lập nghiệp ở nơi khác.
+ Nô tì vốn là tù binh hoặc bị tội nặng, nợ nần hoặc tự bán thân; họ phải phục vụ trong cung điện hoặc các nhà quan.
+ Ngoài ra, trong xã hội còn có người làm nghề thủ công, buôn bán. Họ sống rải rác ở các làng, rèn nông cụ, sản xuất các đồ dùng cần thiết hàng ngày và trao đổi cho nhau. Họ phải nộp thuế và làm nghĩa vụ với nhà vua.