Tính thống nhất của văn hóa khu vực Đông Nam Á trước hết được thể hiện ở chủ thể của văn hóa Đông Nam Á. Đông Nam Á là một trong những cái nôi của loài người, đây là địa bàn hình thành của đại chủng phương Nam (Australoid) với nước da ngăm đen, tóc quăn dợn sóng, nhỏ, thấp. Từ đặc điểm chủng tộc tạo nên sự thống nhất cao độ của khu vực văn hóa Đông Nam Á.
Dù tín ngưỡng bản địa Đông Nam Á hết sức đa dạng nhưng vẫn thuộc về ba loại chính: Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ cúng người đã mất. Cái chung đó xuất phát từ thuyết vạn vật hữu linh, tức thuyết mọi vật đều có hồn.
Các quốc gia Đông Nam Á hiện tồn tại hàng chục, hàng trăm ngôn ngữ khác nhau. Như ở Indonesia có đến 200 ngôn ngữ dân tộc cùng tồn tại; ở Philippin củng có tới 80 ngôn ngữ dân tộc...Tuy nhiên, các ngôn ngữ này thuộc về một trong số 4 ngữ hệ: Nam Á, Nam Đảo, Thái, Hán – Tạng. Và xa hơn nữa, chúng đều bắt nguồn từ một nguồn gốc chung là ngôn ngữ Đông Nam Á tiền sử. Về chữ viết, từ đầu công nguyên, dân tộc Đông Nam Á đã vay mượn chữ Hán (như ở Việt Nam) và chữ Pali – Sanskrit (ở các nước khác) để xây dựng chữ viết riêng cho dân tộc mình. Từ thế kỷ XIII, các quốc gia Nam Đảo Malaysia, Indonesia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chữ viết Ả Rập. Từ thế kỷ XVI, do ảnh hưởng của phương Tây, chữ viết của các quốc gia Đông Nam Á được chuyển đổi theo hướng La tinh hóa (chữ viết Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippin và Việt Nam) được sử dụng ngày nay.
Về phong tục tập quán: Cũng như chữ viết, khu vực Đông Nam Á có hàng trăm dân tộc khác nhau, nên phong tục, tập quán đa dạng, đặc sắc. Tuy nhiên, những phong tục lại có nét gần gũi, tương đồng nhau, có sự quy tụ, giao thoa trên nền tảng văn hóa bản địa Đông Nam Á. Đó là điểm tương đồng trong trang phục truyền thống (váy, khố, vòng đeo tai, vòng đeo cổ); mô hình bữa ăn (thức ăn chính là cơm, rau, cá và hoa quả); tục ăn hỏi trước khi tổ chức đám cưới linh đình; nghi lễ đám tang (chôn vật dụng theo người chết); tục nhuộm răng, ăn trầu; trò chơi dân gian (thả diều, thi chọi gà, bơi thuyền…). Trong cách ăn ở, ngôi nhà chung của các dân tộc Đông Nam Á là nhà sàn “cao cẳng” thích hợp với mọi địa hình của khu vực và phù hợp với khí hậu nóng ẩm của khu vực Đông Nam Á.
Đông Nam Á có một bản sắc văn hóa riêng, thường xuyên tiếp nhận có chọn lọc những tinh hoa văn hóa khác để làm phong phú văn hóa khu vực. Cùng với sự phát triển kinh tế của khu vực, những giá trị văn hóa truyền thống tiến bộ của các nước Đông Nam Á càng được chú trọng, phát huy, trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia và của các khu vực.
- Nằm trong khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm.
- Trâu bò làm sức kéo.
- Nền văn minh lúa nước lâu đời.
- Nông nghiệp phát triển chính.
- Văn hoá khá độc đáo.