Nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ là một em bé có tâm hồn nhạy cảm, trái tim giàu yêu thương. Chính nét tính cách và vẻ đẹp này đã chi phối cái nhìn, sự quan sát của Liên.
- Bức tranh phố huyện lúc chiều tà:
+ Liên lặng ngắm hoàng hôn, và trong cửa hàng hơi tối, khi tiếng muỗi vo ve, Liên cảm thấy buồn: "Liên không hiểu sao nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái thời khắc của ngày tàn. Trong đôi mắt chị, bóng tối ngập đầy dần."
+ Liên thấy thương lũ trẻ xóm chợ nghèo nơi phố huyện, chúng nhặt nhạnh những thanh nứa thanh tre mà người bán hàng bỏ lại: "Trông thấy chúng, chị động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó".
+ Liên và An cùng phụ mẹ trông cửa tiệm tạp hóa, bởi vậy, Liên, là chị cả, nên đã rất nghe lời mẹ. Liên chỉ ngồi trong chiếc chõng tre và ngó con mắt thèm thuồng theo những trò chơi của đám trẻ dưới phố chứ không dám hòa mình vào cuộc vui ấy.
+ Liên còn rất quan tâm tới mọi người xung quanh, Liên hỏi thăm chị Tí dọn hàng nước, thương chị làm ăn cần mẫn cả ngày mà vẫn không ăn thua gì. Liên rót rượu đầy cho cụ Thi điên và trân trọng cụ.
+ Liên tỏ ra là một người chị trưởng thành, Liên thấy mình người lớn hơn khi buộc và đeo chiếc dây xà tích (một loại ví, túi đựng tiền) đựng tiền hàng.
- Cảnh phố huyện khi đêm xuống:
+ Khi đêm xuống, Liên lặng ngắm cảnh phố huyện và cảm nhận được hương vị ban đêm, những cánh hoa bàng rơi khe khẽ trên vai. Liên ngẩng cổ nhìn bầu trời đêm chi chít sao và lặng mơ tưởng những sao thần nông, dải ngân hà, cả vũ trụ đầy bí ẩn, xa lạ, làm mỏi trí nghĩ.
+ Liên quan tâm đến những kiếp người nhỏ bé: Lặng ngắm chị Tí bán hàng. Lặng ngắm gia đình bác Xẩm ế hàng, bác chưa hát vì chưa có khách nghe và thằng con thì bò ra ngoài manh chiếu nghịch nhặt những rác bẩn, đất cát bên đường. Liên lặng ngắm gánh phở của Bác Siêu rồi thèm thuồng nhớ về Hà Nội: "Hà Nội xa xăm, vui vẻ, sáng rực và huyên náo". Hà Nội với những cốc nước lạnh xanh đỏ, được đi ăn kem bờ hồ. Liên lặng ngắm cuộc sống và hồi tưởng về quá khứ. Điều này đã cho thấy sự nhạy cảm trong tâm hồn Liên.
+ Liên còn cố thức để trông đợi được ngắm chuyến tàu, đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Nếu không phải đứa trẻ nhạy cảm và có tâm hồn giàu rung động thì Liên đã không thức để đợi ngắm một chuyến tàu. Liên có thể dọn dẹp cửa hàng và về nhà từ sớm. Điều này đã làm nổi bật vẻ đẹp và tâm trạng của nhân vật Liên.
- Cảnh phố huyện khi chuyến tàu qua.
+ Khi chuyến tàu qua, Liên đánh thức An rồi ngắm nghía chuyến tàu qua trong sự say mê. Chuyến tàu như mang một thế giới khác đi qua. Đó là ánh sáng của quá khứ, của tương lai, của sự sung túc giàu có mà phố huyện nghèo tràn đầy bóng tối kia không có được.
+ Khi chuyến tàu đã đi qua, trả lại cho phố huyện sự yên tĩnh tịch mịch. Âm thanh duy nhất lúc này còn lại chỉ là tiếng tù và, tiếng cho cắn dội lại từ những thôn xóm xa. Liên thấy mình như sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết, rồi chị cũng chìm dần vào giấc ngủ, tịch mịch và đầy bóng tối.
=> Diễn biến tâm trạng Liên trong Hai đứa trẻ đó là: buồn man mác, nhớ thương, xót xa, rồi chìm vào yên tĩnh, tịch mịch. Liên chìm vào giấc ngủ là lòng lắng lại.
=> Với cốt truyện đơn giản, Thạch Lam đã diễn tả được trạng thái mơ hồ, mong manh, tinh tế trong tâm hồn Liên, Liên là nhân vật trung tâm, đồng thời cũng là nhân vật tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Thạch Lam.