Bài thơ ÁNH TRĂNG của Nguyễn Duy được viết theo thể ngũ ngôn, sáu khổ. Đại thể, có ba phần khá rõ. Ba khổ đầu là mối quan hệ của tác giả (nhân vật trữ tình chủ thể) với Trăng xưa (cũng là nhân vật trữ tình thứ hai). Khổ bốn, tác giả gặp lại Trăng xưa, trong đời sống phố phường hiện tại. Còn lại là hai khổ thơ thể hiện cảm xúc và suy ngẫm của tác giả.
Tác giả như kể lại câu chuyện về một thời đã qua, đã xa. Rằng "Hồi nhỏ sống ở đồng / Với sông rồi với bể / Hồi chiến tranh ở rừng / Vầng trăng thành tri kỷ".Thế là Trăng đã ở với ta, từ khi ta có mặt trên đời, từ khi ta còn là đứa trẻ chăn trâu, mò cua bắt ốc trên đồng. Nghĩa là Trăng đã là bạn bè thân thiết của ta, từ xưa lắm. Trong cái lấm lem bùn đất tuổi thơ, Trăng đã luôn ở bên ta, vui buồn cùng ta, đồng hành cùng ta. Và khi ta lớn lên, đất nước có chiến tranh, thì Trăng lại theo ta ra trận, như một người đồng chí và hơn thế, một người bạn tri âm tri kỷ.
Chỉ với bốn câu thơ ngũ ngôn giản dị, mà tóm lược cả một chặng đường dài về cuộc sống và mối quan hệ khăng khít giữa tác giả và vầng trăng. Vui buồn, sướng khổ có nhau. Thế nên, vầng trăng ấy là vầng trăng tình nghĩa, thủy chung như nhất, ngỡ như không thể nào quên được, không thể nào xa được! Thế rồi, khi chiến tranh kết thúc, những người lính say men chiến thắng từ rừng xanh trở về thành phố, lúc đầu chắc có ngỡ ngàng như đang lạc vào cõi mơ, nhưng rồi cũng dần quen với cuộc sống đủ đầy tiện nghi sang trọng, ''quen ánh điện cửa gương'' và ấm áp mùi son phấn chốn phồn hoa đô hội. Trăng xưa thì vẫn thế, nhưng người xưa thì đã khác xưa rồi...Cho nên, giờ đây thì:
"Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường"...
Vẫn là trăng ấy và người ấy, nhưng cuộc sống thì đã muôn vàn đổi thay, ngập tràn thú vui vật chất. Anh lính ngày xưa nằm hầm, thiếu cơm đói muối, sốt rét trọc đầu, bây giờ bỗng dưng trở thành chủ nhân của những vi-la cao ốc sang trọng với cửa gương lấp lóa và sáng choang ánh điện, còn có cần chi đến trăng nữa! Cuộc sống mới, đồng tiền lên ngôi thượng đế, hưởng thụ là mục đích rốt ráo, nên anh lính năm xưa đã trở thành kẻ hờ hững với trăng, cho nên, vầng trăng kia vẫn đi qua ngõ nhà anh hằng đêm, mà anh thấy nó lạnh lùng nhạt nhẽo "như người dưng qua đường", như chưa từng quen biết vậy. Âu cũng là thói đời thường thấy. Con người tròn vo viên mãn trong nhầy nhụa vật chất phấn son, bỗng trở nên vô cảm. Quả là người ta có thể quên đi quá khứ khi hoàn cảnh đã đổi thay, cho dù, quá khứ ấy đã làm nên hiện tại, làm nên tất cả !...
Vậy nhưng, cuộc sống của con người không phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái. Nó chuyển động không ngừng và vốn nhiều bất trắc. Có một sự cố bất thường nho nhỏ đã xảy ra, như một sự cố tạo vấn đề. Tác giả "kể": "Thình lình điện vụt tắt / Phòng buyn-đinh tối om / vội bật tung cửa sổ / đột ngột vầng trăng tròn"... Quả là một tình huống nảy sinh vấn đề. Những chữ "thình lình", "vụt tắt", "vội". "đột ngột", diễn đạt chính xác một khoảnh khắc ngắn ngủi, dồn nén, bất ngờ, từ đó mà gợi cảm xúc, mà khơi lên vấn đề, mà khuấy lên tâm trạng...
Cái gì sau đó đã xảy ra vậy? Không thể gì khác, đó chính là sự đối diện nghiệt ngã của hai nhân vật trữ tình, từng là cố tri, từng là “đồng chí” trong một hoàn cảnh cũng thật nghiệt ngã, muốn lẩn tránh đi, nhưng cũng không thể nào thoát được: "Ngửa mặt lên nhìn mặt / có cái gì rưng rưng / như là đồng là bể / như là sông là rừng"... Rõ ràng là hai cái "mặt" đối diện nhau. Một cái "mặt" được hoán dụ, ngỡ ngàng, có phần hoảng sợ, có phần dường như xao xuyến đột ngột, chính là tác giả bài thơ này, hay là anh lính đang ngủ mê trong mùi men chiến thắng. Một cái "mặt" được ẩn dụ. Lạnh lùng, im lặng, có vẻ như rất nghiêm khắc, có vẻ như đang trách móc, đó chính là Trăng xưa. Đó chính là quá khứ, như là quá khứ xa xăm đang rưng rưng “như là đồng là bể / như là sông là rừng"...
Tác giả đã diễn đạt rất thành công một khoảnh khắc tâm trạng, bằng những từ không xác định, những hình dung từ mềm mại và những hình ảnh được nhắc lại có chủ ý dưới hình thức so sánh, có ý nghĩa như thể quá khứ đang sống lại, đang hiển hiện trước mắt, hàm ý nhắc nhở, cảnh báo, khêu gợi cảm xúc. Đương nhiên, chỉ có ở những con người dũng cảm dám phục thiện, ở những trái tim nhạy cảm biết hướng thiện, mới có được nhận thức và tình cảm chân thành xúc động như thế. Phải chăng, vầng trăng tròn vạnh kia, chính là hình ảnh của quá khứ tươi đẹp, mộng mơ, ấm áp nghĩa tình đồng đội, tình quân dân, tình người, tình thiên nhiên và cao hơn là tình cảm cách mạng thủy chung son sắt, cao cả ? Như thế, hình ảnh vầng trăng "cứ tròn vành vạnh", ngoài nghĩa cụ thể, còn có nghĩa biểu trưng cho vẻ đẹp của quá khứ, nhân hậu, bao dung. Vầng trăng "im phăng phắc" được chuyển nghĩa, ẩn dụ. Đó là một sự im lặng đáng sợ, nghiêm khắc, ẩn chứa bao nhiêu dồn nén. Có phần trách móc, có ý giận hờn, có phần mỉa mai khinh bỉ kẻ vô tình, vô ơn bạc nghĩa...khiến cho kẻ đôi diện phải giật mình, cũng là một phản xạ tâm lý có thật của một người biết nhận ra lỗi lầm, biết suy nghĩ khi đối diện với vầng trăng , bỗng nhận ra sự vô tình, vô tâm, bạc bẽo và nông nổi của chính mình. Tự vấn, tự kiểm chứng lại mình, cũng chính là tự nhắc nhở, gột rửa lại mình, sửa sang lại mình, tự nhủ mình không được quên quá khứ, không được quay lưng lại với quá khứ. Sùng bái vật chất, sống trong nhung lụa phấn son, phản bội quá khứ, đó chính là tội ác, là tự phỉ báng chính mình...
Giọng thơ cứ thủ thỉ nhẹ nhàng vậy thôi. Sự việc thì tưởng như bé tẹo, riêng tư, mà ý nghĩa thì thâm trầm sâu sắc, gợi nhiều cảm xúc...
Hoàn toàn không có sự gia công nhiều về câu chữ. Bài thơ ÁNH TRĂNG của Nguyễn Duy hay ở tứ và cách lập tứ. Một câu chuyện đời tưởng như vặt vãnh mà sinh động hồn nhiên đi vào suy cảm người đời, đánh thức những giá trị thẩm mĩ hướng thiện, chẳng phải đã là một sự thành công trong sáng tạo nghệ thuật rồi sao !..