Văn bản ngữ văn 7

Hai Hien

Hãy viết một bài văn nghị luận về lòng biết ơn

m.n giúp vs nhé 

Trịnh Long
19 tháng 3 2021 lúc 17:02

Đất nước chúng ta trải qua hơn bốn nghìn năm đô hộ giặc tàu, tám mươi năm đô hộ giặc tây, gánh chịu bao nhiêu thăng trầm. Nhưng ngày hôm nay, chúng ta đã được thống nhất, được hòa bình, sống trong yên ấm, nhà nhà hạnh phúc. Tất cả đều nhờ vào sự hi sinh và đổ máu của biết bao anh hùng. Do đó, hãy ghi nhớ công ơn của họ, hãy nhìn về quá khứ để hiểu được thành quả ngày hôm nay. Chúng ta cần phải gìn giữ và phát huy truyền thống cáo đẹp của dân tộc, một nét văn hóa của Việt Nam đó chính là uống nước nhớ nguồn, đó là ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây.

 

Những câu tục ngữ của ông cha xưa để lại cho chúng ta luôn là những lời dạy bảo, nhắc nhở vô cùng đúng và hữu ích. Câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” chính là khuyên ta phải luôn có lòng biết ơn và tôn trọng với những người đã hi sinh vì dân tộc, đối với ông bà, tổ tiên với công lao của cha mẹ ta, với những người đã giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống. Đây là đạo lý cần được truyền từ đời này sang đời khác, và cần được phát huy gìn giữ.

 

Mỗi người đều có những cách biểu hiện lòng biết ơn, thành kính theo những cách riêng, có thể ngay trong lời nói, hay ở cử chỉ, hành động, hay chỉ là ánh mắt của mình. Chỉ cần bạn có tâm thì ở bất kỳ biểu hiện nào đều đáng quý, đáng trân trọng.

 

 

Nhìn lại trang lịch sử đất nước mình ta càng thấy khâm phục con người xưa hơn. Bốn nghìn năm phương Bắc đô hộ, nhằm biến nước ta thành một tỉnh của chúng, chúng mang chữ viết, mang phong tục tập quán, mang nền giáo dục nho học của chúng vào đất nước ta, rồi lại đến bọn thực dân Pháp, bọn đế quốc Mỹ, phát xít Nhật chúng áp bức, lợi dụng dân ta, muốn biến dân ta thành thuộc địa. Nhưng hãy nhìn ngày hôm nay của chúng ta để thấy được rằng, chúng ta đang là một đất nước độc lập, chúng ta có tiếng nói, có ngôn ngữ, văn hóa, phong tục riêng. Chúng ta được thừa nhận là một dân tộc có lãnh thổ, chủ quyền… Tất cả điều này được đánh đổi bằng chính con người Việt Nam xưa, các vị anh hùng, tầng lớp nông dân, tri thức, người già cho đến phụ nữ, trẻ nhỏ của ngày xưa,… không sợ súng đạn, không sợ thương vong, sẵn sàng một lòng đuổi tất cả bọn cướp nước bán nước. Công lao đó quá to lớn, vĩ đại, đó chính là một tường thành mãi mãi của thời gian, cột mốc không bao giờ được xóa bỏ, chúng ta cần trân trọng và biết ơn. Hãy hướng về cội nguồn, nơi những người đã khuất đã nằm xuống, hãy để họ mãi sống trong lòng chúng ta.

 

Mỗi năm, chúng ta đã chúng thường tổ chức ngày tưởng nhớ công lao những người anh hùng liệt sĩ vào ngày 27/7. Chúng ta cũng luôn tổ chức những cuộc tìm kiếm những mộ anh hùng vô danh về với người thân của họ. Chúng ta cũng luôn thăm hỏi, tặng quà, tạo công việc cho những người thương binh, những mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy chỉ là những hành động nhỏ, nhưng đây cũng là một cách để chúng ta thể hiện lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

 

 

Và hơn hết, chúng ta phải nhớ đến công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ. Cha mẹ là những người luôn cho ta những thứ tốt đẹp nhất mà không bao giờ cần chúng ta đền đáp. Cha mẹ sẵn sàng hi sinh, chiu mọi khổ cực, có thể nhường cơm, nhịn đói để lo cho ta được no đủ. Vậy, mỗi đứa con hãy khắc cốt ghi tâm sự hi sinh thầm lặng của cha mẹ. Chúng ta hãy cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt, trở thành người tốt, người có ích cho xã hội. Lúc đó chính bạn sẽ khiến ba mẹ được ấm lòng và hạnh phúc. Khi cha mẹ về già, nhìn những thành quả bạn gặt hái được sẽ khiến họ vui vẻ khỏe mạnh. Là một đứa con, chỉ cần nụ cười trên đôi môi cha mẹ bạn sẽ thấy hạnh phúc nhường nào, tại sao ngay lúc này bạn không thực hiện.

 

Và biết ơn với những người giúp đỡ với chúng ta như câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Họ đã sẵn sàng giúp đỡ bạn khi bạn khó khăn, nếu không có họ liệu bạn có vượt qua và thành công không. Lòng biết ơn sẽ giúp cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn, tình cảm hơn. Nhưng bạn phải bày tỏ lòng biết ơn bằng chính trái tim của mình, để nó trở nên chân thành và thiêng liêng nhất.

 

Nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều mảng tối, và tồn tại nhiều tệ nạn như phá hủy những nơi cổ kính, chụp hình phản cảm bên những bia mộ, con cái đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, đánh đập cha mẹ. Họ phản bội lại với những người đã giúp đỡ mình, đã hướng dẫn mình đi đúng đường. Họ quên đi những giá trị tốt đẹp của dân tộc luôn uống nước nhớ nguồn, biết ơn với những công lao trong quá khứ, luôn nhớ đến công ơn sinh thành và nuôi dưỡng, nhớ ơn với những người đã giúp đỡ mình. Thật buồn và đáng tiếc làm sao! Chúng ta cần lên án, phê phán thực trạng này. Cuộc sống sẽ chẳng còn tốt đẹp và ý nghĩa khi chúng ta quên đi những lòng biết ơn, nó đẩy chúng ta lạc lõng trong xã hội, thật bạc bẽo khi bạn đang sống cuộc sống hôm nay trên mồ hôi, nước mắt và máu của những người đã đi trước mà bạn lại vô tâm không nhớ đến.

 

 

Giới trẻ ngày nay, chính là một thế hệ mới đưa đất nước đến tầm cao mới, vậy các bạn đừng bỏ đi truyền thống quý báu của dân tộc. Chúng ta hãy làm cháy nồng phong trào anh hùng, tưởng nhớ những người đã khuất, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, và đặc biệt hãy là một người hiếu thảo đối với cha mẹ và người thân…. đây chính là hành động thiết thực nhất mà bạn phải làm. Đừng bỏ qua nó.

 

Uống nước nhớ nguồn hay ăn quả nhớ kẻ trồng cây chính là nét đẹp, bản sắc, đạo lý của dân tộc Việt. Hãy cùng gìn giữ và quý trọng, hãy sống để tưởng nhớ và biết ơn, hãy mở rộng trái tim của chúng ta để cùng tạo nên nhưng trang sử mới tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam.

Bình luận (0)
Trịnh Long
19 tháng 3 2021 lúc 17:04

Lòng biết ơn vốn là một truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Sống biết ơn thể hiện sâu sắc lối sống trọng tình trọng nghĩa, cưu mang tương trợ lẫn nhau. Sống có lòng biết ơn là lối sống cao đẹp. Biết ơn người khác là một phẩm chất cần có ở mỗi con người.

 

Biết ơn là ghi nhớ và trân trọng những gì có giá trị mà mình nhận được từ người khác. Lòng biết ơn là cơ sở khẳng định phẩm chất của con người.

 

Người có lòng biết ơn là người luôn biết ghi nhớ và trân trọng những gì người khác trao tặng hay để lại cho mình. Họ luôn biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị ấy trong cuộc sống. Mỗi một sự giúp đỡ ý nghĩa đều khiến họ cảm động và hàm ơn.

 

 

Trong xã hội, lòng biết ơn được biểu hiện bằng những nghĩa cử cao đẹp, phù hợp với các chuẩn mực đạo lí làm người. Tục thờ cúng ông bà tổ tiên thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với các bậc sinh thành đã có công dưỡng dục chúng ta nên người. Đó là một nét đẹp văn hóa mà ít dân tộc nào trên thế giới có được.

 

Ngày 27/7 hằng năm, trở thành ngày lễ trọng đại tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã anh dũng hi sinh thân mình bảo vệ và giữ gìn độc lập chủ quyền dân tộc. Truyền thống ấy đã được duy trì và phát huy trong mấy chục năm qua và ngày càng trở nên lớn mạnh.

 

Chúng ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh công ơn của các thầy cô giáo vào ngày 20/11. Và ngày 20/11 hằng năm trở thành dịp để các em học sinh và phụ huynh thể hiện sâu sắc lòng biết ơn những người thầy đã hết lòng giáo dục các em nên người.

 

Lòng biết ơn trở thành truyền thống văn hóa ăn sâu trong nhận thức của mỗi người dân Việt Nam. Truyền thống cao đẹp ấy đã biến thành hành động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống hiện nay. Lòng biết ơn từ lâu đã trở thành chuẩn mực đạo đức của mỗi con người Việt Nam.

 

Không ai có thể một mình mà gây dựng nên cả thế giới. Những gì chúng ta có được hôm nay là do công sức và trí tuệ của biết bao người đã dày công sáng tạo nên. Kế thừa thành quả lao động của các thế hệ đi trước là bản chất của xã hội. Sự phát triển của xã hội loài người là tiếp nhận và phát huy các thành quả sẵn có và sáng tạo ra cái mới.

 

 

Dù chúng ta dùng tiền hay vật chất để có được nó nhưng nếu nó không được tạo ra thì dù có thật nhiều tiền ta cũng không thể có được. Bởi thế, khi được thụ hưởng một giá trị nào, ta phải biết ơn những người đã tạo ra thành quả ấy.

 

Lòng biết ơn là một đức tính cần có ở mỗi con người. Bởi nó là biểu hiện cao nhất của tâm hồn lối sống tình nghĩa. Nếu một người không biết ơn những gì anh ta đang có, thì anh ta cũng sẽ không có cơ hội để được biết ơn những gì sẽ nhận được. Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nếu biết ơn với những điều tích cực trong cuộc sống của mình, hơn là việc lo lắng về những gì mình không có.

 

Sống có lòng biết ơn thể hiện lối sống văn hóa, tình nghĩa, đoàn kết, gắn bó của con người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam từ lâu đã xem trọng lối sống thân tình, hữu ái. Nó không những biểu hiện ở lối sống nghĩa tình mà trở thành văn hóa ứng xử của cộng đồng. Biết ơn người khác làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên hiền hòa, ngày càng khăng khít, tốt đẹp hơn

 

Lòng biết ơn trở thành chuẩn mực nền tảng của đạo đức con người. Sống có lòng biết ơn là lối sống lành mạnh, tích cực, mẫu mực trong đời sống của chúng ta. Người sống có lòng biết ơn luôn được người khác yêu mến, trân trọng và giúp đỡ trong cuộc sống.

 

 

Trước hết, phải biết ơn những người đã mang lại cho mình những giá trị lợi ích. Hãy biết ơn và tôn vinh những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo đã không quản khó nhọc nuôi dạy chúng ta nên người. Luôn biết nói lời cảm ơn khi nhận một điều tốt đẹp từ người khác.

 

Tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong xã hội. Lòng biết ơn không nên nằm ở lời nói hay thái độ mà biểu hiện thành những hành động cụ thể, thiết thực, thực sự đem lại tác động tích cực đối với xã hội.

 

Thường xuyên thể hiện sâu sắc lòng biết ơn của bản thân đối với những người đã tạo dựng ra các thành quả lao động trong xã hội. Tuyên dương, ca ngợi và tôn vinh kịp thời, đúng lúc những hành động tốt đẹp trong cuộc sống xung quanh mình.

 

Trân trọng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể do cha ông để lại. Không ngừng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống ấy trong thời đại mới.

 

Phấn đấu học tập tốt, rèn luyện nhân cách nhân phẩm trở thành người hữu ích mai này đem sức mình xây dựng quê hương đất nước.

 

Trong cuộc sống còn có nhiều người sống vô ơn. Họ sống cá nhân, ích kỉ, chỉ biết nhận lấy mà không biết ơn. Họ tự tách mình ra khỏi các quy luật của đời sống, tách biệt với cộng đồng,. Thậm chí là chà đạp lên các thành quả lao động do người khác để lại. Những người như thế thật đáng chê trách.

 

 

Tục ngữ ta có nhiều câu nói về sự vô ơn: “ăn cháo đá bát”; “qua cầu rút ván”; “vong ơn bội nghĩa”… Thái độ sống ấy không những thể hiện sự kém cỏi của nhân cách con người mà còn khiến họ bị người người khác xa lánh ghét bỏ.

 

Sống có lòng biết ơn là lối sống văn hóa, khẳng định phẩm chất cao quý của con người. Là học sinh chúng ta phải biết ơn ông bà cha mẹ, thầy cô giáo. Phấn đấu học tập và rèn luyện mình để không phụ lòng người khác đã kì vọng, mong đợi.

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng nói: “Các gốc rễ của tất cả việc tốt đến từ nguồn gốc của sự hiểu rõ giá trị của lòng tốt”. Hiểu rõ và hành động để mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn nữa trong cuộc sống là trách nhiệm của mỗi con người. Bởi vậy, sống biết ơn người khác là lối sống cao thượng cần được đề cao và tôn vinh trong cuộc sống này.

Bình luận (0)
minh nguyet
19 tháng 3 2021 lúc 19:30

Tham khảo:

Mỗi người có mặt trên trái đất này đều có một cội nguồn. Ông cha ta xưa có câu: “Uống nước nhớ nguồn” và đến tận bây giờ câu tục ngữ ấy vẫn luôn đeo đuổi ta từ khi được sinh ra. Vậy thế nào là “uống nước nhớ nguồn”?

Câu tục ngữ thật ngắn gọn nhưng hàm ý thật sâu xa. "Uống nước" là điều chúng ta làm mỗi ngày, nhưng hai chữ này bao gồm nhiều ý nghĩa khác nữa. “Uống nước” tượng trưng cho người hưởng thụ thành quả, "nhớ" nói đến một thái độ, một tấm lòng biết ơn, “nguồn” là nguồn cội, cội nguồn của tất cả những thành quả mà con người được hưởng, “nhớ nguồn” là nhắc nhở những người hưởng thụ phải biết tri ân, giữ gìn, phát huy những thành quả của người làm ra chúng. “Uống nước nhớ nguồn" có thể hiểu theo hai nghĩa đen: đây có thể là lời khuyên, khi nào uống nước thì phải nhớ nguồn, cũng là lời của ta tự nhủ mình rằng: uống những giọt nước này ta không thể quên từ đâu ta có nước để uống. Vậy “uống nước nhớ nguồn” thể hiện truyền thống đạo lí của con người Việt Nam rằng cần phải biết ơn, trân trọng những người đã làm ra thành quả cho ta hưởng đến ngày hôm nay.

Thật vậy, mọi sự vật đều có nguồn gốc. Của cải, vật chất, tinh thần đó chính là công sức do con người làm ra. Như việc bạn thưởng thức một chén cơm, bạn cảm thấy vị ngọt, nhưng với tôi chúng thật mặn, mặn vì những giọt mồ hôi, mặn vì những ngày dầm mưa dãi nắng, mặn vì họ đã bỏ biết bao công sức để làm ra những hạt gạo ngày hôm nay. Bạn có thấy không sự hi sinh xương máu của các vị anh hùng dân tộc, các chiến sĩ yêu nước vì sắc áo của dân tộc để rồi xây dựng đất nước giàu đẹp phát triển đến ngày hôm nay, tạo cho ta một tinh thần vững mạnh. Việc xây dựng đền đài, lăng tẩm không chỉ để nhớ ơn những việc mà họ đã làm cho Tổ quốc mà đó còn là sự nhắc nhở ta không bao giờ được quên nguồn gốc của mình. Nguồn gốc, nguồn cội không phải dễ có, ta cần phải biết trân trọng. Nhớ về nguồn cội thôi chưa đủ, ta cần phải biết ơn và đó là nét đẹp đạo lí làm người của con người Việt Nam. Người Việt chúng ta luôn là những người sống với lòng biết ơn, không bao giờ quên tổ tiên, nòi gióng, biết bảo vệ quê hương Tổ quốc.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

Dù ai buôn bán gần xa

Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba thì về…”

Bốn câu lục bát mà mỗi người dân trên đất nước Việt Nam này không bao giờ quên vì đó là những lời nhắc nhở con cháu “Dòng máu lạc hồng” luôn nhớ về cội nguồn của mình. Điều đó đã góp phần tạo nên nhiều phẩm chất cao quý của dân tộc, tạo nên những giá trị tinh thần cao đẹp mà trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nổi lên như một truyền thống tiêu biểu và tôn vinh những người đã sinh ra mình, những người có công với làng xóm, với quê hương, đất nước. Không những thế, người Việt Nam không bao giờ quên những người người đã dạy dỗ mình. Nhờ có cha mẹ, ta đã được nuôi lớn tới ngày hôm nay, nhớ có thầy cô mà ta có đủ vốn kiến thức để vững tin bước vào cánh cửa tương lai tốt đẹp. Tất cả những điều đó là biểu hiện của một con người luôn "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng".

Sâu kín trong tâm hồn, chúng ta không phải là những người vô ơn. Tuy nhiên, vì đời sống máy móc, bận rộn; vì những lo lắng trong cuộc sống; có khi vì mệt mỏi, chúng ta đã không còn thì giờ suy nghĩ đến những thành quả mà họ đã tạo nên. Đó là điều mà ta cần khắc phục vì không khéo, nguồn cội sẽ đi vào quên lãng khi con người chỉ biết cuốn theo thời gian mà không ngừng nghỉ. Song, ta cần phê phán những kẻ “ăn cháo đá bát”, “có mới nới cũ”, đó là loại người lừa thầy phản bạn, bất hiếu, là một kẻ lười học, phá hoại tài sản của đất nước như việc quên đi nguồn cội mình, coi thương nguồn gốc của mình thì đó là việc đáng trách, ta cần phải loại bỏ.

Qua câu tục ngữ trên, ta càng thầy được đạo lí tốt đẹp của con người Việt Nam. Suy nghĩ đến bốn chữ ngắn ngủi trong câu tục ngữ, "Uống nước nhớ nguồn," tôi thấy những chữ này dạy ta những bài học vô cùng quý giá trong tinh thần biết ơn. Ta cần biết trân trọng, kính trên nhường dưới, sống có tình có nghĩa. Tôi và bạn hãy cố gắng học tốt để góp phần cồng hiến làm nên những thành quả cho lớp người đi sau.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
LiLy Nguyễn ( LoVeLy ArM...
Xem chi tiết
Quang Huy
Xem chi tiết
Hoàng Lục Minh
Xem chi tiết
lưu ánh quang
Xem chi tiết
yvy 7a14
Xem chi tiết
Thỏ cute
Xem chi tiết
Nguyễn Đình Hưng
Xem chi tiết
Nguyễn Trần Như Hằng
Xem chi tiết
Phan Hà Vy
Xem chi tiết