Tham khảo:
Năm 1788, quân Thanh mượn cớ sang giúp nhà Lê, chiếm thành Thăng Long, âm mưu đô hộ nước ta. Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Quang Trung, kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh.
Ngày 20 tháng chạp năm Mậu Thân ( 1788), 20 vạn quân do vua Quang Trung chỉ huy ra đến Tam Điệp ( Ninh Bình ). Quân sĩ được lệnh ăn tết trước, rồi chia thành 5 đạo tiến về phía Thăng Long .
Chủ tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị biết được tin đó nhưng có ý khinh thường.
Đêm mồng 3 tháng Giêng năm Kỉ Dậu ( 1789), quân ta kéo tới sát đồn Hà Hồi ( cách Thăng Long 20km) mà giặc không hề hay biết.
Vào lúc nửa đêm, quân ta vây kín đồn Hà Hồi, Quang Trung bắc loa gọi. Tướng sĩ dạ rầm trời. Quân Thanh trong đồn hoảng sợ xin hàng.
Mờ sáng ngày mồng 5, quân ta tấn công đồn Ngọc Hồi. Đạn của quân Thanh bắn ra như mưa. Quân ta cho ghép các mảnh ván thành tấm lá chắn, lấy rơm rấp nước quấn ngoài, rồi cứ 20 người một tấm tiến lên. Vua Quang Trung cưỡi voi chỉ huy. Tới sát cửa đồn, quân ta bỏ lá chắn xông vào như vũ bão, đánh giết dữ dội. Quân giặc chết nhiều vô kể.
Đồn Ngọc Hồi bị mất, tàn quân Thanh bỏ chạy về phía Thăng Long, bị quân ta phục kích tiêu diệt. Cùng lúc đó, quân ta đánh mạnh vào đồn Đống Đa ( Hà Nội). Tướng giặc là Sầm Nghi Đống thắt cổ chết. Xác lính giặc chất thành gò đống.
Tôn Sĩ Nghị nhận được tin báo, hoảng sợ bỏ cả ấn tín chạy qua cầu sông Hồng về Bắc. Quân Thanh tranh nhau qua cầu. Cầu gãy sập. Nhiều tên rơi xuống sông chết đuối. Quân ta toàn thắng.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 tết, ở gò Đống Đa, dân ta tổ chức giỗ trận để tưởng nhớ ngày Quang Trung đại phá quân Thanh.