Bài 19. Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1991

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
datcoder

Hãy sưu tầm tư liệu về các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới và biển đảo Việt Nam, viết một đoạn văn ngắn về nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em ấn tượng nhất.

datcoder
5 tháng 4 2024 lúc 1:18

Ngày 02/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982. Để bảo vệ giàn khoan tỉ đô này, Trung Quốc huy động tới 80 tàu thuyền các loại, trong đó có 07 tàu quân sự, như tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753, 33 tàu hải cảnh, cùng nhiều tàu vận tải và ngư binh. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Có những thời điểm, số lượng tàu hộ tống của Trung Quốc lên tới hơn 100 chiếc.

Để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Việt Nam đã cử 29 tàu chấp pháp tới các khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc khi nhận thấy giàn khoan này định thiết lập vị trí cố định. Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tích cực tuyên truyền, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. 

Ngày 05/5/2014, Việt Nam tổ chức họp báo, trong đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Đáp lại, tàu Trung Quốc liên tục có những hành vi gây hấn, khiêu khích như mở bạt che pháo để uy hiếp, sử dụng vòi rồng tấn công tàu của Việt Nam, sẵn sàng đâm húc gây hư hỏng cho tàu Việt Nam và làm bị thương một số kiểm ngư viên.

Ngày 11/5/2014, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.

Ngày 15/5/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hợp Quốc. Ngày 20/5/2014, phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc tại Geneva đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva, về sự kiện Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông.

Ngày 26/5/2014, tàu Trung Quốc đã bao vây và đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng cách giàn khoan 17 hải lý ở khu vực phía Nam Tây Nam, đây là là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, giải thích rõ lập trường của mình cũng như cập nhật tình hình trên biển cho bạn bè quốc tế, để dư luận các nước hiểu rõ sự vi phạm của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng quyết liệt trước cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông. Một loạt các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Ấn Độ đã lên án các hành động bất chấp luật pháp quốc tế, gây mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực của Bắc Kinh. Trước những sức ép ngày càng lớn đến từ dư luận trong nước và quốc tế, Trung Quốc không còn con đường nào khác, ngày 16/7/2014, Trung Quốc đã quyết định rút giàn khoan phi pháp Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sớm hơn 01 tháng so với kế hoạch và được che đậy bằng lý do “đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnh hiện nay là vấn đề của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ sự kiện Hải Dương 981 và những sự kiện lịch sử quan trọng khác trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh hiện nay. Sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo còn gian lao, khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý hiệu quả của Nhà nước, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta nhất định thắng lợi.