Mở bài:
Giới thiệu nhân vật và tình huống xảy ra câu chuyện (nhân vật “tôi” - người kể được chứng kiến cái chết của lão Hạc).
Thân bài:
Kể lại diễn biến câu chuyện về cái chết đó:
- Tả vài nét về không khí trong nhà lão Hạc.
- Tả lão Hạc đau đớn, vật vã.
- Tả thái độ của mọi người, nhất là ông giáo và Binh Tư.
- Kể mọi người và mình đã làm gì để giúp lão Hạc.
- Kể tâm trạng của mình khi chứng kiến lão Hạc chết.
Kết bài:
Khái quát lại cảm nghĩ của người kể về cái chết của lão Hạc.
Mở bài:
- Giới thiệu hoàn cảnh mình sang nhà lão Hạc:
+ Khi đang ngồi đan chiếc rổ thì nghe thấy bước chân chạy rầm rập sang nhà lão Hạc.
+ Mình cũng chạy sang xem thế nào.
Thân bài:
Kể lại diễn biến câu chuyện về cái chết đó.
- Tả qua về không khí xôn xao, ồn ào trong nhà lão Hạc (tiếng của những người hàng xóm...).
- Kể và tả chi tiết về cái chết của lão Hạc:
+ Hành động: vật vã trên giường, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên... vật vã đến 2 giờ đồng hồ.
+ Ngôn ngữ: tru tréo.
+ Diện mạo: đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc, bọt mép sùi ra.
- Thái độ của mọi người xung quanh (nhửng người hàng xóm băn khoăn, họ không biết lão Hạc chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy).
- Thái độ của Binh Tư và ông giáo: Họ im lặng, thương xót, đau khổ, day dứt... như là họ hiểu được nguyên nhân cái chết ấy.
- Người kể trình bày cảm nhận của mình về cái chết ấy:
+ Đó là cái chết vô cùng đau đớn, vật vã, tưởng như lão Hạc đang bị tử thần quăng quật. Lão sống đã khố mà chết cũng đâu có nhẹ nhàng.
+ Khi nghe ông giáo kể về nguyên nhân cái chết của lão Hạc, càng cảm phục thêm về nhân cách trong sạch, tình yêu con đến quên cả tính mạng của lão Hạc, càng thấy căm thù chế độ phong kiến đã xô đẩy, dồn ép người nông dân đến bước đường cùng...
Kết bài:
Khái quát lại cảm nghĩ của người kể về cái chết của lão Hạc (cái chết đau đớn, dữ dội nhưng làm nên một nhân cách trong sáng...).
Năm ấy là năm “đói mòn, đói mỏi”, ở làng tôi người ta đi làm ăn xa gần hết, chỉ còn sót lại vài người già, và trẻ nhỏ. Tôi là con của ông Giáo, thường ngày thấy bác Hạc qua chơi, trò chuyện thâm tình với ba tôi, nên tôi cũng quý bác ấy lắm.
Nghe ba kể rằng: Ở cái làng này, cái đói đã làm cho mọi người thay đổi hẳn từ tính nết cho đến con người. Ấy thế mà cũng còn một người có tấm lòng đáng quý lắm đấy, bác Hạc đó con à. Bác ấy tuy già, yếu nhưng là một người có nhân cách, biết liêm sỉ, dù đói rách cũng không xin xỏ hay trộm cắp gì của ai.
Một ngày nọ, bác Hạc qua gửi gắm cho ba tôi những lời thống thiết, giống như một lời trăn trối của người sắp đi xa. Bác Hạc nói rằng: “Tôi già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào: con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt: Tôi còn được hăm nhăm đồng bạc với năm đồng vừa bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi cho ông để lỡ có chết thì ông đem ra, nói với hàng xóm giúp, gọi là của tôi có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm” vậy. À mà không phải, hình như là bác ấy sợ mình tiêu hết tiền của con nên gửi ba tôi giữ hộ 30 đồng bạc, chứ bác ấy còn khoẻ, còn mạnh mà, đâu có thể ra đi trong nay mai được. Tôi nghĩ thế rồi ra bếp nấu nước chè cho ba tôi.
Chiều hôm đó trời mưa lâm thâm, như thường lệ tôi đem qua cho bác Hạc ít khoai luộc còn nóng nổi. Vừa đến hiên nhà bỗng nghe tiếng ọ ẹ, nôn ói, tôi liên chạy vào trong thì thấy bác Hạc đang vật vã trên gường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Bác tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái. Tôi sợ quá làm rơi cả dĩa khoai, ba chân, bốn cẳng chạy như bay về nhà báo cho ba tôi biết. Ba tôi hô hoán mọi người đến cấp cứu cho bác. Thoáng chốc mọi người tập trung đông đảo trước sân. Tôi lẻn vào trong thì thấy ba tôi và chú Tư đang đè bác Hạc ra để đổ nước đường vào miệng bác, nhưng bác ấy không nuốt vào mà phun ra tung toé, làm ướt hết cả quần áo của ba tôi và chú Tư. Loay hoay một lúc lâu có lẽ bác Hạc đã thấm mệt nên mặc cho ba tôi và chú Tư làm gì thì làm. Chú Tư khoẻ hơn nên kéo ngược người bác Hạc lên, hai chân hướng lên trời đầu thòng xuống đất để cho bác ấy nôn ra. Mẹ tôi tưởng là bác Hạc bị trúng gió nên lấy dầu thoa lên khắp người bác, rồi làm than lửa xông sả, khói bay mù mịt, cả căn nhà toàn mùi nồng của sả, ai nấy cũng ho sặc sụa.
Sau khoảng hai canh giờ vật lộn, vã mồ hôi nhưng cũng đành bất lực, không thể cứu được, bác ấy đã ra đi mãi mãi. Một cái chết thật là dữ dội, mãnh liệt, giống như là chết oan vậy. Mọi người trong làng, kẻ đoán già, người đoán non rằng bác Hạc chết vì bị ma nhập, có người nói bị chó điên cắn, có người nói bác ăn phải trái dại, … chẳng ai biết bác ấy chết vì bệnh gì mà đau đớn, bất thình lình đến như vậy.
Tang lễ cho bác Hạc xong ba tôi về nhà tắm rửa, rồi ngồi châm điếu thuốc lào khói ra nghi ngút, mắt lim dim một nỗi buồn khó tả. Hình như ba tôi đang khóc, tôi bạo dạn hỏi: Vì sao bác Hạc chết vậy ba? Ba nói với tôi rằng: Bác ấy tự tử đó con à! Tự tử? Nhưng sao lại tự tử ạ? Bác ấy có bệnh nan y gì hay nợ nần ai sao ba? Không phải đâu con à, bác ấy tự tử vì không muốn cái thân già của bác ấy tiêu hết tiền, sợ phải bán mảnh vườn, sau này con bác ấy về không có chỗ ở, không có tiền để cưới vợ và cũng một phần bác ấy tự vấn lương tâm vì đã lừa “cậu Vàng” – con chó mà bác ấy đối xử như người thân. Bác Hạc là một người đáng kính trọng, có lúc ba đã hiểu lầm bác ấy nhưng bây giờ thì ba mới biết, bác Hạc rất đáng thương, nhân hậu, tình nghĩa, trung thực và giàu lòng vị tha. Nói xong ba tôi càng sụt sùi thương cảm!
Hôm nay, tôi thắp nén nhang cầu khấn cho bác về miền cực lạc được thanh thản. Trên mái tranh mục nát và tấm phên đất cũ kỹ lủng thủng nhiều lỗ của nhà bác Hạc khói hương đang bay nghi ngút. Bác có linh thiêng phù hộ cho con bác sớm về nhà chịu tang cha, để con có thể kể lại câu chuyện đau lòng này cho anh ấy và cũng là giúp anh ấy chuộc lại phần nào lỗi lầm khi bỏ đi biệt xứ không phụng dưỡng người cha già, đói khổ nhưng giàu tình thương này.