Nhà thơ Huy Cận đã nói hộ nỗi lòng của hàng triệu người Việt Nam trong bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc”: “Nghìn năm sau, lịch sử sẽ còn ghi/ Những năm tháng chiến tranh ác liệt/ Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc…”.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là nơi bắt đầu và là “yết hầu giao thông” quan trọng của con đường Trường Sơn huyền thoại, nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam". Chính vì vị trí quan trọng này mà Ngã ba Đồng Lộc trở thành điểm quyết chiến chiến lược, nơi diễn ra cuộc đọ sức giữa ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta với sức mạnh hủy diệt của các loại vũ khí chiến tranh hiện đại của đế quốc xâm lược.
Với âm mưu biến Ngã ba Đồng Lộc thành “toạ độ chết”, chặn đứng sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến, từ tháng 4 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã đánh phá nơi đây gần 1.900 lượt, ném hơn 50.000 quả bom và tên lửa các loại, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương... Bình quân mỗi tháng, đế quốc Mỹ ném bom 28 ngày, có ngày 103 lần với hơn 800 quả bom. Và bình quân mỗi mét vuông đất tại Ngã ba Đồng Lộc đã phải oằn mình hứng chịu ít nhất ba quả bom tấn.
Thế nhưng, mặc cho mưa bom, bão đạn, cái chết cận kề, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “tim có thể ngừng đập, nhưng đường phải thông”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”... đã có hơn 16 nghìn người thuộc các lực lượng kiên cường bám trụ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu; trong đó có Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 của tỉnh Hà Tĩnh.
10 nữ thanh niên xung phong - 10 đóa hoa trinh liệt
Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái còn rất trẻ (từ 17 đến 24 tuổi) do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong. Tinh thần ấy được thể hiện rất rõ trong bức thư gửi mẹ đầy xúc động của chị Võ Thị Tần: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện.
Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.
Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và đã ba lần các cô bị vùi lấp, nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi trúng vào đội hình 10 cô gái. Mặt đất mù mịt. Cả trận địa lặng đi rồi tiếng khóc vỡ òa. Các cô đã hy sinh.
10 cô gái Đồng Lộc kiên cường dũng cảm đó là: Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi). Họ đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.
10 đóa hoa ấy vừa độ mười tám, đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, của đời người đã mãi mãi ra đi, mang trong tim bao nhiệt huyết, bao khát vọng và ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, để hoá thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam.
Những chiến công của các chị đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam. Máu của các chị đã góp phần tô thắm màu cờ của Tổ Quốc.
Tổ quốc mãi khắc ghi
Hơn 50 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình chi chít những hố bom, giờ đã đổi thay với những con đường trải dài, những đồng ruộng thơm mùi lúa, thẳng cánh cò bay. Nơi đây cũng đã trở thành địa chỉ chứa đựng những huyền thoại cao cả, linh thiêng.
Chú thích ảnh
Bất chấp máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá ác liệt tại ngã ba Đồng Lộc (Nghệ Tĩnh), anh em lái xe thuộc Xí nghiệp Vận tải số 20 Nghệ Tĩnh vẫn dũng cảm bám đường, đưa hàng tới đích an toàn. Từ năm 1965 đến 1972, đường Trường Sơn phát triển mạnh mẽ, tiến lên cơ giới hóa toàn tuyến vận tải quân sự. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN
Và để tôn vinh chiến tích của 10 cô gái tại trọng điểm lịch sử này, ngày 7/6/1972, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng cho 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Năm 2000, khu mộ của các cô đã được mở rộng tôn tạo, nằm cách tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc gần 200 m. Ngày 23/7/2009, cụm tượng 10 nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được khởi công xây dựng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 51 năm Chiến thắng Đồng Lộc, ngày 22/7/2019, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh, 51 năm đã trôi qua, nhưng khúc tráng ca anh hùng của những người đã sống, chiến đấu, lao động trên chiến trường Đồng Lộc còn vang vọng mãi.
Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học sâu sắc của Chiến thắng Đồng Lộc vẫn nguyên giá trị. Đó chính là tinh thần không nao núng trước mọi gian nan thử thách; ý chí quyết chiến, quyết thắng trước kẻ thù xâm lược; tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của các lực lượng; đó là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, dựa vào dân; là tinh thần nhân văn cao cả trước đồng chí, đồng đội…
Những tấm gương quên mình vì Tổ quốc, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ đã làm rạng ngời đất mẹ, mãi mãi được khắc ghi không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và trong lịch sử dân tộc ta; mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ động viên to lớn cho các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.