Em hãy đánh giá hành vi của các chủ thể sau:
a. Anh H làm nghề tài xế taxi. Trong một lần sau khi trả khách, anh phát hiện trên ghế sau có chiếc túi bị bỏ quên, anh liền liên hệ và xác minh các thông tin để trao trả.
b. Anh P mượn xe máy của anh T đi chơi, không may bị xe khác đâm làm vỡ gương chiếu hậu. Anh P không sửa mà trả lại xe máy cho anh T trong tình trạng hư hỏng.
c. Trong quá trình đào ao, gia đình chị B phát hiện một chiếc bình cổ không rõ nguồn gốc, niên đại. Chị đã nộp lại chiếc bình này cho chính quyền địa phương.
- Trường hợp a. Đây là hành vi phù hợp theo quy định của pháp luật tại khoản 1 Đieu 230 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi nhặt được tài sản người khác làm rơi, người nhặt được phải có trách nhiệm trả lại cho người bị mất. Nếu nhặt được tài sản mà tạm thời không trả lại, người nhặt được tài sản có thể đối mặt với việc bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Trường hợp b. Đây là hành vi không phù hợp theo quy định của pháp luật dân sự vì theo Điều 496 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên mượn tài sản thì bên mượn tài sản phải có các nghĩa vụ sau: giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
- Trường hợp c. Đây là hành vi hoàn toàn phù hợp theo quy định của pháp luật dân sự vì theo Điều 229 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy:
+ (1) Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
+ (2) Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
a) Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hoa theo quy định của Luật Di sản văn hoá thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;
b) Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hoa theo quy định của Luật Di sản văn hoá mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.