Truyện Kiều- Nguyễn Du

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Khanh Quynh

Cảm nhận về nghệ thuật tả người và tả cảnh của Nguyễn Du.

Dương Hạ Chi
28 tháng 12 2018 lúc 19:50

Đọc Truyện Kiều, điều dễ nhận ra trong nghệ thuật miêu tả nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du là khi tả các nhân vật chính diện, ông dùng bút pháp ước lệ thường thấy trong thơ cổ điển; còn khi tả các nhân vật phản diện, ông dùng bút pháp tả thực.

Trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều Nguyễn Du đã khai thác triệt đế ưu thế của nghệ thuật ước lệ. Điều đó thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng của ông đối với Thúy Kiều, Thúy Vân, hai cô gái xinh đẹp xứng đáng với cách gọi có tính chất tôn vinh: Tố Nga.

Có thể nói Nguyễn Du đã dồn hết tâm huyết và tài năng của mình vào ngọn bút để làm nổi bật thần thái trong chân dung của hai chị em Thúy Kiều mà bước đầu, ông đã đánh giá:

Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Nhà thơ lấy những nét đẹp trong thiên nhiên để so sánh với vẻ đẹp của con người, ở các nhà thơ khác, nếu tả theo công thức này thì nhân vật thường trở nên chung chung, mờ nhạt, nhưng vào tay Nguyễn Du, nó lại biến hóa khôn lường, đầy tài hoa, sáng tạo.

Chúng ta có thể tưởng tượng ra hình dáng của Thúy Kiều, Thúy Vân thanh tú, yểu điệu (mai cốt cách), tâm hồn trong trắng như sương, như tuyết (tuyết tinh thần). Rõ ràng, họ là con nhà nề nếp gia phong, được thụ hưởng một nền giáo dục đầy đủ và nghiêm cẩn.

Dụng ý, dụng công của nhà thơ thề hiện khá rõ qua cách lựa chọn hình ảnh và từ ngữ để miêu tả. Ngay cả việc tại sao ông lại không tả Thúy Kiều trước mà lại tả Thúy Vân trước cũng là điều đáng để người đọc suy ngẫm.

Thúy Vân hiện lên với dáng dấp đài các, kiêu sa của một tiểu thư con nhà khá giả:

Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.

Thúy Vân có gương mặt phúc hậu, mắt phượng mày ngài. Nụ cười tươi như hoa mới nở, tiếng nói thánh thót như tiếng ngọc rơi trên mâm vàng:

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Da nàng trắng hơn tuyết, tóc đen hơn mây. Có thể nói sắc đẹp của Thúy Vân dường như đã đạt tới độ hoàn thiện, hoàn mĩ. Nàng là kì công của Tạo hoá và Tạo hóa đã ban cho nàng nhan sắc “hoa nhường nguyệt thẹn”, “chim sa cá lặn” như cách nói trong văn chương cổ điển, vẻ đẹp của Thúy Vân mặc nhiên được công nhận, không bị ai ganh ghét, đố kị. Nó báo trước đời nàng sau này sẽ là cuộc đời bình yên, viên mãn của một bậc phu nhân quyền quý giữa giàu sang, nhung lụa.

Thế nhưng, vẻ đẹp trang trọng khác vời của Thúy Vân vẫn nằm trong khuôn khổ dược người đời công nhận, thán phục và chiêm ngưỡng. Đặt Thúy Vân bên cạnh Thúy Kiều thì cái nhan sắc tuyệt mĩ ấy bỗng nhiên mờ nhạt hẳn, chỉ còn tác dụng như một phông nền để làm nổi bật vẻ đẹp lộng lẫy, phá vỡ mọi khuôn mẫu từ trước tới nay:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.

Nguyễn Du khẳng định chắc chắn như vậy và ông nhấn mạnh đến bản chất cái đẹp từ bên trong tỏa chiếu ra bên ngoài qua các tính từ đặc tả chính xác: sắc sảo, mặn mà và sự đánh giá khái quát: tài sắc Thúy Kiều vượt trội hơn hẳn Thúy Vân.

Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Du tả Thúy Vân chỉ bằng bốn câu, còn dành tới mười hai câu để ca ngợi vẻ đẹp Thúy Kiều.

Tả Thúy Kiều, Nguyễn Du tập trung nhiều vào đôi mắt – cửa sổ tâm hồn – cũng là điểm sinh động nhất, cuốn hút nhất trên gương mặt người đẹp:

Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Vẫn những hình ảnh ước lệ nhưng không sáo mòn; ngược lại, dường như không còn gì hợp hơn để tả đôi mắt long lanh như nước hồ thu, nét mày thanh tú như dáng núi mùa xuân của Thúy Kiều. Quả là đôi mắt mà ai trông thấy một lần, ắt chẳng thể nào quên.

Sắc đẹp của Thúy Kiều khiến hoa phải ghen, liễu phải hờn. Theo quy luật, trên đời này, phàm cái gì tốt đẹp đều khó mà giữ được bền lâu. Thúy Kiều đẹp đến mức không ai có thể so sánh nổi:

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

Trong cách tả, Nguyễn Du đã hé lộ một dự cảm bất an về cuộc đời Kiều, Kiều ắt sẽ bị người đời ghen ghét và đày đọa.
Ngoài sắc đẹp hiếm có, Kiều còn là một cô gái đa tài, nhất là tài chơi đàn đạt đến mức tuyệt kĩ:

Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Cũng theo Nguyễn Du: Chữ tài liền với chữ tai một vần. Trong đời, ít có ai nhiều tài đến như vậy.

Tâm hồn mẫn cảm báo trước cho Kiều một tương lai đầy sóng gió. Điều đáng lo ngại ấy thấm đẫm trong từng nối nhạc, từng câu chữ của thiên bạc mệnh mà Kiều đã soạn riêng cho mình:

Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

Đọc những dòng thơ Nguyễn Du tả Thúy Kiều, ta thấy rõ tình cảm yêu mến, trân trọng mà tác giả dành cho nhân vật chính trong tác phẩm, vẻ đẹp của Thúy Kiều ẩn chứa tài năng, cùng với đức hạnh cao quý, tâm hồn phong phú và một thành tâm thiện ý. Đó là sự hội tụ cao nhất của vẻ đẹp mặn mà về hình thức và sắc sảo về trí tuệ, tạo nên chân dung bất hủ của người con gái tài sắc vẹn toàn.

Trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, nghệ thuật tả cảnh của Nguyền Du cũng đạt đến trình độ điêu luyện. Nhắc đến mùa xuân là nhắc tới hình ảnh của chim én chao liệng như thoi đưa giữa bầu trời trong xanh, cao rộng:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Câu thơ trên còn mang ý nghĩa ngày xuân thấm thoắt qua mau. Tháng giêng, tháng hai đã hết, bước sang tháng ba với tiết Thanh minh tảo mộ, đâu đâu cũng tràn ngập màu sắc ngời ngời sức sống của mùa xuân:

Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Tưởng chừng như màu xanh bát ngát của cỏ non nối liền với sắc xanh vời vợi của bầu trời, làm mát mắt và mát cả tâm hồn khách du xuân. Trên cái phồng nền tươi xanh ấy, nổi lên sắc trắng tinh khôi của mấy đoá hoa lê vừa nở. Nguyễn Du đã nắm rất vững nghệ thuật hội họa. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân mà ông miêu tả có xa và gần, cao và thấp, có diện và điểm, có động và tĩnh… Màu sắc vừa tương phản vừa hài hòa. Đường nét thanh tú, uyển chuyển, hình ảnh đẹp đẽ có khả năng gợi tả, gợi cảm cao. Chỉ bằng hai câu thơ lục bát mà thi hào đã thể hiện được một cách thần tình sức sống mạnh mẽ của mùa xuân. Ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du đã dệt nên bức tranh xuân tuyệt mĩ bằng ngôn ngữ thơ ca. Quả đúng là “thi trung hữu họa”.

Không gian mênh mông, khoáng đãng, tiết xuân mát mẻ, êm đềm, cảnh xuân phơi phới, tươi đẹp… rất hợp với nhu cầu giao cảm tâm linh. Sự cách biệt giữa hai thế giới âm dương hầu như đã bị xóa nhòa bởi nhịp sống rộn ràng, náo nức:

Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm…

Hoà giữa dòng người đông đúc ấy, ba chị em Thúy Kiều cùng nhau thưởng ngoạn thiên nhiên và tâm hồn cũng phơi phới niềm vui. Nhưng nói như Nguyễn Du: Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Ánh thiều quang rực rỡ của ngày xuân nhanh chóng lụi tàn, nhường chỗ cho bóng tà dương:

Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Đọc kĩ, chúng ta sẽ nhận ra một điều là bức tranh mùa xuân mà Nguyễn Du miêu tả không chỉ là đơn thuần là cảnh thực mà còn là bức tranh tâm cảnh được nhìn qua đôi mắt tâm trạng của Thúy Kiều.

Đang sống trong chốn: Êm đềm trướng rủ màn che, lần đầu tiên chị em Thúy Kiều làm một cuộc “viễn du” nhân tiết Thanh minh. Tất nhiên, mọi điều đối với Thúy Kiều đều mới lạ. Từ cảnh: Gần xa nô nức yến anh…, đến cảnh : Dập dìu tài tử giai nhân, Ngựa xe như nước, áo quần như nêm… mang lại cho nàng cảm giác ngỡ ngàng, thích thú và tâm hồn người con gái mới bước vào tuổi cài trâm cũng háo hức, xốn xang.

Nhưng phút vui không dài. Lúc hoàng hôn, người dự hội đã thưa vắng và nắng đã nhạt nhòa thì Thúy Kiều lại rơi vào trạng thái bâng khuâng khó tả trước cảnh: Nao nao dòng nước uốn quanh, Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. Có một cái gì đó u uẩn, kì bí dẫn dắt bước chân nàng đến với điềm báo trước số mệnh đoạn trường. Đó là mả Đạm Tiên – một kĩ nữ nổi danh tài sắc một thì. Ngôi mộ ấy giờ đây chỉ là: Sè sè nấm đất bên đường, Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh, không ai thăm viếng, lạnh lẽo khói nhang. Cũng chính tại chỗ này, Thúy Kiều đã nghe Vương Quan kể về Đạm Tiên và số kiếp người con gái tài hoa bạc mệnh ấy bắt đầu vận vào cuộc đời Thúy Kiều.

Nguyễn Du tả cảnh ngụ tình. Cảnh buồn hay vui là tùy thuộc vào tâm trạng con người. Dù tả thực hay ước lệ, Nguyễn Du cũng vẫn giừ vững nguyên tắc mà ông đã đúc kết trong nhận định: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!

minh nguyet
28 tháng 12 2018 lúc 19:57

Đây là nghệ thuật tả cảnh:

“Truyện Kiều" của thi hào dân tộc Nguyễn Du là một công trình nghệ thuật bằng thơ lục bát chứa chan tinh thần nhân đạo. Thiên diễm tình của “người quốc sắc, kẻ thiên tài" với bao tình tiết đẹp đẽ, cảm động gieo vào lòng ta bao ấn tượng khó phai mờ. Có không ít vần thơ, câu thơ tả cảnh lung linh sắc màu chẳng khác nào mảnh trời xanh rủ bóng xuống hồn ta trên những nẻo đường nắng lửa. Thiên nhiên trong “Truyện Kiều" đẹp lắm, đọc qua một lần đầu để quên? Và đây là hai câu Kiều cho ta nhiều thú vị văn chương:

“...Dưới cầu nước chảy trong veo,

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha"

Cái buổi chiều tà thanh minh ấy, hình ảnh "'Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa" đã làm cho Kim Trọng hào hoa “chập chờn cơn tỉnh cơn mê"... Cuộc chia tay không một lời hẹn ước mà sao đằm thắm nghĩa tình? "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” (Thế Lữ) đã được thi hào Nguyễn Du ghi lại một cách thần tình:

“Bóng tà như giục cơn buồn,

Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo... ”

Rất tế nhị và thanh tao, cái giây phút rạo rực trái tim Kim - Kiều dự cảm một tình yêu đắm say chớm nở, khiến Nguyễn Du đồng cảm viết nên những vần thơ tình tuyệt bút.

Cuộc chia tay trong hội Đạp thanh đâu dễ quên? Bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du nâng cao cảm xúc nghệ thuật. Thời gian trôi nhanh, không gian trở nên trong sáng, tĩnh lặng. Hình ảnh chọn lọc, cụ thể nhưng xiết bao gợi cảm: chiếc cầu nho nhỏ xinh xinh, dòng nước trong veo lững lờ, cành liễu thiết tha trong bóng chiều nhạt ... Cảnh đơn sơ mà xinh xắn như bức tranh thuỷ mặc - chứng nhân cho một mối tình đẹp đang nảy nở.

Cảnh vật đẹp và thơ mộng quá! Thiên nhiên như mang nặng tình người. Dòng nước trong veo chảy dưới cầu như tình cảm trong sáng của lòng người. Nhà thơ không hề nói đến gió mà có gió thổi:

"'Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha"

Hình ảnh ẩn dụ "tơ liễu” và từ láy ''thướt tha” gợi tả lá liễu, cành liễu dài và mềm bay trước làn gió nhẹ, mang theo bao tình ý xôn xao. Ngoại cảnh hoà nhập trong tâm cảnh, biểu hiện nỗi lòng bâng khuâng xao xuyến, thiết tha của Thúy Kiều và Kim Trọng.

Hai câu thơ lục bát được viết theo cấu trúc “bình đối" không gian hai chiều: “dưới cầu" và “bên cầu”, có màu xanh “trong veo” của dòng nước chảy, có dáng liễu, “tơ liễu” bay “thướt tha” trong bóng chiều xuân, cảnh vật cân xứng, hài hoà và rất hữu tình. Hai câu thơ lục bát tả cảnh đẹp như một bức tranh của một danh hoạ được vẽ bằng những đường nét tinh tế, tươi tắn, gam màu nhẹ hoà hợp tạo cảm xúc thơ mộng: màu xanh của dòng nước trong veo, màu vàng nhạt của bóng chiều tà mùa xuân, màu xanh lục của liễu, đường nét của "chiếc cầu nho nho cuối ghềnh bắc ngang", của dòng nước “nao nao” uốn lượn quanh co ... Ngòi bút của thi nhân tả ít mà gợi nhiều. Cảnh vật thanh tao, sống động, ấp ủ hồn người. Ngoại cảnh như đang xao xuyến rung động trước nỗi niềm bâng khuâng, man mác của lứa đôi. Cảnh vật in dấu tâm sự và tình cảm; một tình yêu đẹp mới chớm nở trong lòng “người quốc sắc, kè thiên tài".

Trong “Truyện Kiều”, tả cảnh cũng như tả người, Nguyễn Du vận dụng sáng tạo thi pháp cổ truyền thống, tả ít mà gợi nhiều. Chỉ một vài nét chấm phá mà nhà thơ vẽ lên một bức tranh thiên nhiên chứa chan thi vị. Bao trùm lên tất cả là bút pháp ước lệ tượng trưng. Người thì ngư, tiều, canh, mục. Cảnh thì có phong, hoa, tuyết, nguyệt. Cỏ cây hoa lá thì sen, cúc, trúc, mai.v.v... Tuy nhiên, thi hào với ngòi bút thiên tài và tâm hồn nghệ sĩ đã để lại ở câu thơ, vần thơ những dấu ấn đậm đà.

Đọc "Truyện Kiều", ta nhớ mãi bức tranh tứ bình về trăng, hoa, gió, tuyết:

"Đòi phen gió tựa, hoa kề

Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu"

ra quên sao được sự chuyến biến của bốn mùa trong nỗi buồn đau nặng trĩu lòng người:

“Sen tàn cúc lại nở hoa,

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân."

Thiên nhiên trong "Truyện Kiều" rất đỗi quen thuộc với tâm hồn con người Việt Nam. Nhà thơ như một hoạ sĩ tài ba phối sắc, tạo hình, dựng cảnh ... đều thần tình, đem đến cho người đọc nhiều rung cảm. Mùa xuân với “Cỏ non xanh tận chân trời - Cành lê trắng điểm một vài bông hoa". Mùa hè với tiếng chim quyên và hoa lựu đỏ:

“Dưới trăng quyên đã gọi hè,

Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông."

Mùa thu với sắc màu rực rỡ:

''"Long lanh đáy nước in trời,

Thành xây khối biếc non phơi bóng vàng."

Những hình ảnh "Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia", những nhánh liễu mềm “Lơ thơ tơ liễu buông mành", những con đường "Lối mòn cỏ nhợt màu sương", ta vẫn thấy quanh ta, thân thiết, gần gũi. Ta vốn mê say mảnh trăng xứ sở trong ca dao, dân ca, cho nên ta yêu thêm vầng trăng ly biệt trong “Truyện Kiều":

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi.

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường"

Có lúc thi hào dựa vào thi liệu cổ Trung Hoa rồi chắt lọc, tái tạo, câu thơ Kiều trở nên cổ kính, trang nhã, cảnh sắc lại đậm đà một hồn quê:

"Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông"

Nguyễn Du đã từng nói: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu - Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thiên nhiên trong “Truyện Kiều” không chỉ là cái nền, cái khung cảnh cho nhân vật, mà còn biểu hiện tâm trạng nhân vật. Ngoại cảnh hoà hợp với tâm cảnh. Tám câu thơ tả cảnh “Trước lầu Ngưng Bích" là những vần thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt diệu. Mỗi từ ngữ, mỗi hình ảnh miêu tả thiên nhiên trong đoạn thơ đồng thời là một ẩn dụ về tâm trạng và một hoán dụ về số phận người thiếu nữ tài sắc mà bạc mệnh:

“...Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?”

Nguyễn Du đã dành cho thiên nhiên một tình yêu nồng hậu với tất cả trái tim đa cảm cùa người nghệ sĩ thiên tài. Thi hào có biệt tài nắm bắt được cái "thần" tiêu biểu nhất của mỗi cảnh vật riêng biệt, và chỉ vài nét phác hoạ. bức tranh thiên nhiên hiện ra hữu tình, hấp dẫn kỳ lạ:

“Song sa vò võ phương trời,

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng."

Trong ‘‘Truyện Kiều", thiên nhiên cũng là một "nhân vật" trữ tình. Mỗi lần thiên nhiên xuất hiện, câu thơ trở nên lung linh, huyền diệu. Nó phản ánh một hồn thơ tuyệt đẹp, một nghệ thuật tả cảnh điêu luyện vô song. Đẹp thay những câu thơ Kiều nói về thiên nhiên. Qua những câu thơ ấy, ta yêu thêm tiếng Việt và thơ ca dân tộc. Đến với những vần thơ Kiều, tâm hồn người đọc rộng mở thắm tươi mãi tình yêu tạo vật, yêu cảnh sắc bốn mùa của đất nước quê hương; đồng cảm với vần thơ của Chế Lan Viên:

"Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn"

Đỗ Ngọc Diệp
28 tháng 12 2018 lúc 20:29

Nguyễn Du – đại thi hào của dân tộc Việt Nam , danh nhân văn

hóa thế giới . Nhắc đến tên tuổi của ông ta không thể không nhắc đến kiệt tác “ Truyện Kiều”. Một trong những yếu tố làm nên thành công của “truyện Kiều” chính là ở nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Nguyễn Du là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, là ngôi sao chói lọi nhất trong nền văn học cổ Việt Nam. Bên canh những thành công đó còn phải kể đến nghệ thuật xây dựng nhân vật là một thành tựu lớn của “Truyện Kiều” : Kì tài diệu bút.

Nghệ thuật khắc họa nhân vật được Nguyễn Du tập trung ở hai dạng nhân vật: chính diện và phản diện. Dù miêu tả nhân vật nào thì ngòi bút của ông cũng đạt đến mức tinh diệu, bởi những nhân vật trong truyện hiện lên rất sống động và chân thực.

Với các nhân vật chính diện Nguyễn Du sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng cùng với ngôn ngữ trân trọng, ngợi ca theo khuynh hướng lí tưởng hóa . Dùng vẻ đẹp của thiên nhiên để sánh ví với vẻ đẹp của con người. Theo Nguyễn Du chỉ có vẻ đẹp của thiên nhiên mới có thể thể hiện cái đẹp bề ngoài cũng như tâm hồn của nhân vật. Ngôn ngữ của nhân vật chính diện là ngôn ngữ trân trọng, ngợi ca. Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình những tình cảm tốt đẹp và yêu mến. Hình ảnh chị em Thúy Kiều hiện lên thật đẹp, thật hoàn mỹ. Nào hoa cười , ngọc thốt ; mây thua , tuyết nhường. Nào làn thu thủy , nét xuân sơn ; nào hoa ghen liễu hờn... Đó chẳng phải đều là những bức chân dung hoàn thiện , hoàn mỹ hay sao.

Rồi khi Nguyễn Du miêu tả chàng Kim , một con người hào hoa phong nhã.

Nguyên người quanh quất đâu xa

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh

Nền phú hậu bậc tài danh

Văn chương nết đất thông minh tính trời

Phong tư tài mạo tót vời

Vào trong nho nhã ra vào hào hoa

Việc miêu tả nội tâm nhân vật khiến các nhân vật trong Truyện Kiều hiện lên chân thực, sinh động và gần gũi với đời sống. Miêu tả tâm lí nhân vật là một thành công của Nguyễn Du khiến ông vượt trội so với những tài năng khác cùng thời. Nguyễn Du có khả năng phân tích tâm lí nhân vật và có khả năng hóa thân vào nhân vật ... Hoài Thanh nhận xét: Nguyễn Du là người hiểu đời, hiểu người.

Với các Nhân vật phản diện đại thi hào sử dụng bút pháp tả thực theo khuynh hướng điển hình hóa: tả nhân vật như vốn có ở đời, ngoại hình nhân vật đại diện cho một tầng lớp, một hạng người trong xã hội . Theo ông chỉ có tả thực mới lột tả hết được bản chất xấu xa của nhân vật hoặc mới lột tả được hết xác phàm của chúng.

Mã Giám Sinh - Cộc lốc, mập mờ, không rõ ràng, phản ánh một tính cách vô học, giả dối.

Hỏi tên : rằng Mã Giám Sinh

Hỏi quê : rằng huyện Lâm Thanh cũng gần

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng…

Một Tú Bà- đanh đá , chua ngoa , giọng con buôn …

Con kia đã bán cho ta

Nhập gia cứ phải phép nhà tao đây

Lão kia có giở bài bây

Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe

Ngôn ngữ nhân vật phản diện là ngôn ngữ thực, mỉa mai. Nhân vật phản diện hiện lên rất thực.

Phương diện xây dựng nhân vật của Nguyễn Du quả là kì tài diệu bút. Những nhân vật của ND rất sống động như bước từ ngoài đời vào trong trang sách. Hoài Thanh nhận xét: “ND đã tái tạo lại một cuộc sống đương thời và sáng tạo ra một thế giới có thật. trong thế giới ấy có những con người rất sống, rất thật khiến nhiều khi người ta không còn nhớ đó là những con người trong tiểu thuyết”.