Tham khảo:
Câu chuyện cảm động về tình cha con của bé Thu và người cha tham gia kháng chiến đã để lại trong lòng người đọc những cảm xúc khó tả. Dù trải qua thời gian, qua những gian khổ của chiến tranh ác liệt, tình cha con vẫn nồng ấm, vẹn nguyên tình yêu thương. Xa nhà từ ngày con mới lọt lòng, anh Sáu luôn mong ước được trở về thăm con. Sau tám năm tham gia chiến đấu, anh trở về với khuôn mặt không còn lành lặn, có vết sẹo dài trên má. Nhìn thấy con, anh muốn ôm trầm lấy nó cho thỏa nỗi nhớ con nhưng bé Thu đã sợ hãi bỏ chạy. Những hình dung về ba của bé Thu khác xa so với hình ảnh thực tại. Thu ương bướng và chống đối anh Sáu, nhất định không chịu gọi anh một tiếng "Ba" chỉ vì em dành tình thương yêu đó cho người cha mà em thương nhớ. Người đọc như đau đớn, xót xa cho người cha trong tác phẩm, vì nhiệm vụ chiến đấu, vì chiến tranh ác liệt mà tình cha con xa cách. Thời gian trở về thăm nhà ít ỏi, anh đã cố gắng gần gũi con nhưng bé Thu càng tìm cách xa lánh. Ngày anh chuẩn bị lên đường tiếp tục làm nhiệm vụ, bé Thu được bà ngoại giải thích đã hiểu ra nguyên nhân của vết sẹo dài trên má ba. Khi nhận ra cha "hai tay em ôm chặt cổ ba..." như muốn giữ anh Sáu ở mãi bên cạnh. Mọi cảm xúc như vỡ òa giữa hai cha con, cái ôm thắm thiết của Thu như muốn níu chân ba ở lại. Và rồi tất cả tình yêu thương cho con được anh Sáu dồn bao tâm huyết để làm chiếc lược ngà. Đó cũng là kỉ vật cuối cùng anh để lại cho con trước lúc hi sinh ở chiến trường. Những hành động của bé Thu tưởng chừng như trái ngược nhưng hoàn toàn phù hợp với những cảm xúc và suy nghĩ của em. Tình yêu em dành cho ba – người em chưa từng gặp mặt mà chỉ được nhìn qua tấm ảnh. Cô bé yêu ba, tự hào về ba, khắc ghi hình ảnh của ba trong bức tranh khi chụp chung với má. Đó là nét hồn nhiên, ngây thơ và tình thương yêu trong sáng của cô bé tuổi lên tám như em.