Sau một loạt các hiệp ước bất bình đẳng mà Mạc phủ kí kết với nước ngoài đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ trong nhân dân, phong trào chống Shogun diễn ra quyết liệt ở nhiều nơi vào những năm 60 của thế kỉ XIX dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Mạc phủ sau 265 năm tồn tại ở Nhật Bản.
Ngày 03/01/1868, ngay sau khi lên ngôi, Thiên Hoàng Minh Trị đã tiến hành một loạt các cải cách tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa - giáo dục... để đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng phong kiến lạc hậu.
Về chính trị: Nhật Hoàng tuyên bố xóa bỏ chế độ Mạc phủ, thành lập chính phủ mới, xóa bỏ tình trạng cát cứ, đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia thống nhất thuộc sự chỉ huy của chính phủ trung ương, tổ chức chính phủ gồm 12 bộ như kiểu châu Âu... Năm 1889, Hiến pháp mới được ban hành, thành lập chế độ quân chủ lập hiến.
Về kinh tế: Thi hành chính sách thống nhất tiền tệ, thống nhất thị trường, xóa bỏ sự độc quyền ruộng đất của phong kiến, cho phép tự do buôn bán ruộng đất, tăng cường phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu cống...
Về văn hóa - giáo dục: Coi giáo dục là nhân tố chìa khóa của phát triển. Thi hành chính sách giáo dục bắt buộc, đưa nội dung khoa học - kĩ thuật vào chương trình giảng dạy, cử các thành niên ưu tú ra nước ngoài du học với khẩu hiệu '' khoa học phương Tây, đạo đức phương Đông ''.
Về quân sự: hiện đại hóa quân đội theo kiểu phương Tây, ( 1873 ) thực thi chế độ nghĩa vụ quân sự thay cho chế độ trưng binh, công nghiệp đóng tàu, sản xuất vũ khí, đạn dược được chú trọng phát triển, mời các chuyên gia quân sự nước ngoài về...
Sau hơn 20 năm Minh Trị duy tân ( 1868 - 1895 ), Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc, Minh Trị duy tân mở đường cho Nhật Bản tiến lên con đường tư bản chủ nghĩa. Vì vậy lịch sử Nhật Bản gọi thời kỳ này là ' cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ' ở Nhật Bản.
Cuộc duy tân Minh Trị là một cuộc cách mạng xã hội tiến bộ, toàn diện, đã đưa Nhật Bản phong kiến, lạc hậu trở thành nước đế quốc với nền công nghiệp phát triển hiện đại.
Tạo điều kiện cho tư bản chủ nghĩa phát triển ở Nhật và chuyển nhanh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Nhật Bản phát triển mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, đã lần lượt xóa bỏ những hiệp ước bất bình đẳng trước đây kí kết với các nước tư bản khác, thoát khỏi số phận trở thành nước thuộc địa, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhật Bản là nước tư bản ở châu Á, gia nhập hàng ngũ các nước tư bản phát triển, trở thành biểu tượng cho công cuộc duy tân, tự cường ở châu Á.
Cổ vũ phong trào đấu tranh chống đế quốc, phong kiến ở châu Á.