Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Chưa có thông tin , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 24
Số lượng câu trả lời 5
Điểm GP 0
Điểm SP 0

Người theo dõi (0)

Đang theo dõi (0)


BÀI TẬP VỀ NHÀ ĐẦY NHÂN VĂN

Đó là bài tập về nhà cuối năm học của thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên bộ môn ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) dành cho học sinh lớp mình chủ nhiệm - 10A9. Đáng chú ý, bài tập về nhà này lại được thầy Đức Anh soạn và đựng trong những bao thư, gửi phụ huynh trong buổi họp cuối năm để phụ huynh trao cho học sinh. Bài tập về nhà đặc biệt gồm có 6 bài tập nhỏ, đó không phải là những bài tập làm văn thầy Đức Anh vẫn thường ra mà là những lời dặn dò, nhắn nhủ của thầy dành cho học sinh lớp mình. Cụ thể, bài số 1: Hãy để ai đó trong gia đình ôm em nếu kết quả học tập vừa rồi không được như ý; bài số 2: Hãy tận hưởng mùa hè của mình với tất cả năng lượng tuổi trẻ; bài số 3: Hãy tranh thủ trau dồi ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cần thiết; bài số 4: Các bạn nam hãy luôn biết cách vượt qua giông bão cuộc đời với tinh thần của một chiến binh. Các bạn nữ hãy đứng dậy, tô thêm son, mỉm cười và kiêu hãnh tiến về phía trước. Bởi vì, nếu em không phải là một cái cây thì chẳng lý gì chúng ta lại cứ phải đứng im một chỗ; bài số 5: Một buổi tối nào đó trong đời, nếu em cảm thấy cô đơn hay buồn tủi, hãy hồi tưởng lại những ký ức dịu dàng của thầy trò mình. Hoặc lúc nào đó muốn một ai đó lắng nghe nỗi thất vọng cùng cực của mình, hãy cứ gọi cho thầy, thầy vẫn luôn ở đây; bài số 6: Hãy luôn là một người tử tế và hạnh phúc, nghe.

Thời gian nộp bài dành cho bài tập về nhà đặc biệt này lại được thay bằng lời căn dặn:

“Em sẽ có rất nhiều thời gian để hoàn thành 6 bài tập về nhà đặc biệt này, hãy cứ thong thả, đừng vội nộp bài. Bởi thầy biết, có những bài tập mà các em phải mất cả tuổi trẻ, thậm chí cả cuộc đời mới có thể làm xong”.

Cuối bài tập về nhà, thầy Đức Anh không quên nhắn nhủ học sinh: “Người ta thường nói, trưởng thành không phải là lúc ta làm được những điều lớn lao mà là lúc ta hiểu được những điều nhỏ bé. Con đường trưởng thành sẽ luôn có sự rời xa theo cách này hay cách khác. Nhưng hãy tin, lời tạm biệt thực ra không phải là lời từ biệt mà là một lời hứa hẹn gặp lại. Thầy rất vui vì những năm tháng tuổi trẻ chúng ta đã gặp nhau”.

[...] Theo thầy Đức Anh, một năm học không chỉ kết thúc bằng một lễ tổng kết mà người giáo viên sẽ vẫn có thể dạy học sinh những bài học về sự tử tế và chân thành, bằng cách này hay cách khác. “Bài tập đầu tiên về cái ôm, tôi cũng chia sẻ với phụ huynh rằng hãy tạo điều kiện và cùng con hoàn thành bài tập đó. Phụ huynh đọc xong rất cảm xúc. Về phía học sinh, tôi tin rằng các em sẽ thực hiện những điều mình nhắn gửi”, thầy Đức Anh bày tỏ.

(Yến Hoa – Báo “Giáo dục” – Thứ tư, 3/6/2019)

Câu 1. Chỉ ra hai phép liên kết được sử dụng trong những câu in đậm ở đoạn trích.

Câu 2. Xác định lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn văn cuối.

Câu 3. Tìm và gọi tên một thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 4. Theo em, vì sao thầy Đức Anh không trực tiếp giao bài tập cho học sinh mà lại đựng bài tập trong những bao thư và gửi phụ huynh trong buổi họp cuối năm để phụ huynh trao cho học sinh?

Câu 5. Trong 6 bài tập của thầy Đức Anh, em tâm đắc với bài tập nào nhất? Vì sao? (Trả lời khoảng từ 3 – 5 dòng)