Nước ta đang trong thời kì công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, mở rộng giao lưu với các nước phát triển nên việc tiếp cận với máy tính, với công nghệ thông tin là thiết yếu. Tuy vậy, nó cũng có mặt hạn chế: sự sa đà, nghiện ngập trò chơi điện tử gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đạo đức của con người, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Ham chơi trò chơi điện tử là một hiện tượng phổ biến trong giới học sinh hiện giờ. Do sức hấp dẫn của trò chơi mà các bạn học sinh chểnh mảng học hành và có thể dẫn đến các vi phạm khác. Trong một số báo cáo gần đây của tờ An ninh Thủ đô cũng như các tờ báo điện tử có nhắc đến trường hợp một em học sinh nam do chơi các trò chơi điện tử quá nhiều, nhất là các trò chơi điện tử bạo lực, đã giết ***** nuôi của mình chỉ để lấy tiền đi chơi điện tử. Sự việc đó khiến ai cũng phải giật mình. Học sinh nghiện chơi điện tử nên nhân đó mà các hàng Internet mọc lên như nấm và có khi còn trở thành một nghề mà thu nhập tương đối khá. Một số hàng Internet lẩn khuất vào những ngõ sâu để che mặt phụ huynh. Một số hàng còn sử dụng những thủ thuật tinh vi để bao che cho những “khách hang ruột”. Cứ một trò chơi nào mới ra thì lập tức các băng rôn quảng cáo được căng lên, rực rỡ và bắt mắt. Càng ngày, tỉ lệ học sinh chốn đi chơi điện tử ngày càng tăng.
Tuy vậy, những trò chơi điện tử cũng có những lợi ích nhất định. Đó là trò chơi để giải trí sau những giờ học căng thẳng, là nơi để bạn bè giao lưu, trò chuyện với nhau. Nhưng những lợi ích đó thực sự phát huy đúng cách khi người chơi biết kiềm chế và chơi một cách hợp lí.
Trò chơi điện tử khi không được chơi đúng cách sẽ dẫn đến vô vàn các tác hại. Ham chơi, lười học khiến học sinh học hành ngày càng giảm sút. Chơi quá nhiều, dán mắt vào màn hình hàng tiếng đồng hồ làm cho mắt đau nhức gây ra cận thị và ức chế thần kinh, thiếu ngủ gây ra đau đầu. Không chỉ vậy, khoa học đã chứng minh sóng từ từ máy vi tính gậy ảnh hưởng đến sự phát triển của não, khiến trẻ em học kém đi và có thể mắc chứng đần độn. Chính vì vậy mà trò chơi điện tử đang đe dọa đến sức khỏe của các “game thủ”. Nghiêm trọng hơn, chơi điện tử quá nhiều gây lãng phí tiền của bố mẹ. Thiếu tiền, người chơi sinh ra những tệ nạn xã hội như ăn trộm, ăn cắp và những sai lầm khác. Cha mẹ không còn nắm quyền quản lí con nữa mà chuyển cả vào tay chủ hang Internet. Cha mẹ không yên tâm làm việc mà phải đi trả nợ cho con, đi tìm con ở khắp các hang quán.
Vậy lí do tại sao mà học sinh ham chơi điện tử quá như vậy? Thứ nất là do các trò chơi quá hấp dẫn với đồ họa đẹp, bắt mắt, những băng rôn quảng cáo rực rỡ. Không chỉ vậy, các nhà sản xuất đánh vào tâm lí trẻ con thích tìm tòi, khám phá những cái mới nên các trò chơi vô cùng phong phú, đa dạng: đánh nhau có, những trò chơi như nấu ăn, nuôi thú, làm vườn cũng có, đá bóng có, bóng rổ có,…Vì không có sân chơi nên các bạn học sinh đã tìm đến quán Internet và trò chơi điện tử. Sau những giờ học căng thẳng, học sinh rất cần được giải trí. Nhưng sân chơi cho học sinh quá ít hoặc quá nhỏ. Muốn đá bóng hay chơi bóng rổ, các bạn phải thuê sân với giá không rẻ chút nào. Vậy nên tất nhiên họ sẽ chọn trò chơi điện tử với giá chỉ ba đến bốn nghìn đồng một giờ. Cũng không thể không nói đến trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Phụ huynh ngày ngày vẫn cho con mình mà không quản lí, không theo dõi sát sao, để con tiêu tiền phung phí vào những thứ không cần thiết. Các bậc cha mẹ cũng nên trò chuyện với con để nắm bắt được tâm lí con trẻ và đưa ra cho con những lời khuyên đúng đắn.
Trước những tác hại to lớn của trò chơi điện tử, ta cần đề ra những biện pháp hiệu quả. Bố mẹ, nhà trường cần quản lí con em, ngăn chặn kịp thời các hành vi sai trái. Không những vậy, những khu vui chơi cho trẻ em cần được xây dựng nhiều hơn, tạo cho trẻ em có cơ hội giải trí, hoạt động, phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Các cơ quan có thẩm quyền cần quản lí nghiêm ngặt và xử phạt nặng các hang Internet hoạt động không đúng pháp luật. Quan trọng hơn chính là bản thân học sinh cần tự ý thức được việc chơi điện tử chỉ để giải trí và giải trí trong thời gian hợp lí, không được làm ảnh hưởng dến việc học tập. Chính học sinh phải nắm được nguyên nhân tác hại của trò chơi ddienj tử để sắp xếp thời gian biểu hợp lí; vừa có thể học tập tốt, vừa có thể giải trí.
Trong thực tế cuộc sống hiện nay và xung quanh em có rất nhiều bạn mải chơi điện tử mà xao nhãng học tập và còn vi phạm những sai lầm khác. Điều này trở thành một vấn đề nan giải đòi hỏi sự can thiệp của gia đình và còn của pháp luật nữa. Tiếp xúc với máy tính, với công nghệ thông tin là tốt nhưng cần học những điều tốt, tránh sa vào nghiện ngập trò chơi điện tử.