Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Hà Nội , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 4
Số lượng câu trả lời 40
Điểm GP 1
Điểm SP 11

Người theo dõi (11)

Đang theo dõi (0)


Câu trả lời:

Bạn muốn du lịch đầu xuân 2010? Tại sao bạn không chọn Hà Nội nhỉ? Vào năm 2010, Hà Nội sẽ tổ chức Đại lễ Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là một sự kiện không chỉ trọng đại với Hà Nội mà còn rất trọng đại đối với cả nước ta. Vì vậy, Hà Nội đã tập trung tu bổ, tái tạo và xây dựng lại một số công trình đẹp.Topic này sẽ giới thiệu cho các bạn những nơi đó để bạn có thể đến du lịch đầu năm nhé !

Dù đi bất cứ đâu thì người Hà Nội luôn luôn nhớ về Hồ Gươm. Hồ Gươm nằm tại vị trí trung tâm của Hà Nội, nơi đây là nơi tổ chức rất nhiều các sự kiện trọng đại của Hà Nội cũng như của cả nước. Vào dịp Đại lễ kỉ niệm này, Hồ Gươm sẽ được trang hoàng rất đẹp và là nơi băn pháo hoa chào mừng Đại lễ. Bạn không nên bỏ qua nơi này . 

Khu tượng đài Lý Thái Tổ nằm gần Hồ Gươm, mặt hướng ra hồ. Nếu như các bạn có qua Hồ Gươm thì đừng quên ra khu tượng đài này nhé! ( từ Đảo Ngọc, chỗ cầu Thê Húc ý ra đến đây rất gần) Như các bạn cũng biết, Lý Thái Tổ là vị vua chọn Thăng Long làm kinh đô năm 1010, mở ra thời kỳ huy hoàng của nước Đại Việt. Đây là công trình văn hoá quan trọng trong hệ thống tượng đài kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Một cảnh đẹp nữa mình muốn giới thiệu với mọi người là Khu Đường Gốm. Khu Đường Gốm này rất dài, kéo dài dọc con đê sông Hồng với cảnh chính là 2 con rồng đang bay lên ( chỗ vòng tròn lên cầu Chương Dương ). Bạn có thể chiêm ngưỡng nghệ thuật gốm của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng. ( Cái này đẹp lắm, bạn phải đi dọc con đê chỗ đường Trần Quang Khải tới chỗ đường Lạc Long Quân để ngắm nghía, rất đẹp, vì vậy bạn cũng không nên bỏ qua nơi này . 

Dường như cứ nhắc đến Hà Nội là người ta lại gắn kèm với "36 phố phường". Trong Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm có ghi lại ca dao về 36 sáu phố ở Hà Nội như sau:

    Rủ nhau chơi khắp Long thành
    Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
    Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
    Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài , hàng Khay,
    Mã Vĩ , hàng Điếu, hàng Giầy
    Hàng Lờ , hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn ,
    Phố Mới, Phúc Kiến , hàng Ngang,
    Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng,
    Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông,
    Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
    Hàng Thùng, hàng Bát , hàng Tre,
    Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The , hàng Gà,
    Quanh đi đến phố hàng Da,
    Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh.
    Phồn hoa thứ nhất Long thành,
    Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
    Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
    Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.  

Đi bộ để khám phá khu phố cổ “36 phố phường” có thể sẽ là niềm vui lớn nhất của bạn khi đến Hà Nội. Không thể quên được cảm giác vào một ngày đẹp trời, bạn lang thang khắp phố phường dưới những hàng cây xanh (nhiều đến ngạc nhiên), mua sắm, uống cà phê, xem tranh và… mua sách.

    Phố cổ vào ngày không nắng thật tuyệt vời. Du khách khắp nơi đổ về những dãy phố, đi thong dong và không thể không tạt vào các cửa hàng, các phòng tranh vô cùng ấn tượng với nhiều phong cách khác nhau.

    Giữa khu phố Tràng Tiền náo nhiệt với những dòng người đổ về để ăn kem, có một phòng trưng bày nghệ thuật rất rộng để thưởng ngoạn (và cũng là nơi nghỉ chân của nhiều du khách quốc tế!).

Đặc trưng nổi tiếng nhất của khu phố cổ là các phố nghề. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình. Các thuyền buôn có thể vào giữa phố để buôn bán trao đổi, khiến các phố nghề càng phát triển. Và chính sản phẩm được buôn bán trở thành tên phố, với chữ "Hàng" đằng trước, mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng.

    * Phố Hàng Mã ngày xưa chuyên buôn bán đồ vàng mã để thờ cúng, bao gồm tiền giấy âm phủ, vàng giấy âm phủ, sau mở rộng thêm các tượng giấy hình các quan, hình nhà cửa... để đốt cúng cho người âm. Ngày nay phố Hàng Mã tập trung nhộn nhịp vào các dịp lễ, tết Trung Thu, Nguyên Đán với các mặt hàng phong phú về đồ chơi. Ngoai ra, tại đây cũng là nơi bán các hàng trang trí phông màn đám cưới với các hình cắt cô dâu, chú rể làm tự bọt xốp nhiều màu sắc.
      * Liên quan đến phố Hàng Mã còn có phố Mã Mây. Phố này nguyên bao gồm hai phố xưa: phố Hàng Mã và phố Hàng Mây (giờ là phố Mã Mây). Đoạn phố Hàng Mây nằm giáp phố Hàng Buồm, trên bờ sông Nhị, nơi tập trung thuyền bè miền ngược chở các mặt hàng lâm sản như song, mây, tre, nứa...
    * Phố Hàng Bạc do ông Lưu Xuân Tín được nhà vua cho phép mở lò đúc bạc thành nén cho triều đình, kéo người trong họ hàng và nguời làng Trâu Khê (huyện Bình Giang - Hải Dương) ra đây mở phường đúc bạc, thành lập trường đúc ở số nhà 58 Hàng Bạc.
    * Phố Hàng Đào là nơi buôn tơ, bán vải vóc (chữ vải điều chỉ màu đỏ được đọc chệch thành chữ đào)
    * Phố Hàng Lược nối từ phố Hàng Cót đến phố Chả Cá, vốn là nơi có nhiều nhà buôn bán lược: lược gỗ, lược sừng và sau này là lược nhựa cất cho các cửa hàng xén bán cho các cô làm đồ trang điểm
    * Phố Hàng Chai không phải là nơi sản xuất, buôn bán chai lọ; phố này là một đoạn ngõ nhỏ nối phố Hàng Rươi và Hàng Cót, đây là nơi tập trung dân nghèo làm nghề "ve chai", chuyên thu lượm các đồ phế liệu, đồ bỏ (rác)
    * Phố Hàng Gà chạy từ phố Hàng Điếu đến phố Hàng Cót, vốn là nơi tập trung các cửa hàng bán đồ gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, gà tây...
    * Phố Hàng Chĩnh được người Pháp gọi là Rue des Vases (phố hàng Vại Chậu), vốn thông ra bờ sông, là bến đậu các thuyền chở vại, chậu bằng sành của làng Phù Lãng, nồi đất, chum vại, tiểu sành từ Hương Canh, bằng gốm từ Thổ Hà
    * Phố Hàng Đồng và phố Bát Sứ thời thuộc Pháp có tên chung là Rue des Tasses (phố Hàng Chén). Đoạn Hàng Đồng và Hàng Mã trước thuộc thôn Yên Phú, có nghề gốc bán đồ đồng (chứ không phải đồ đồng nát) như mâm, nồi, đình, bát hương, lọ hoa, hạc thờ...

Hiện nay, một số phố vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, phố Thuốc Bắc, ... Ngoài ra một số phố tuy không giữ nghề truyền thống, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa, như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, phố Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch...

Vào phố Hàng Gai, qua phố Hàng Hòm, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Buồm… đâu đâu không khí mua sắm cũng nhộn nhịp (đặc biệt là vào các tối cuối tuần). Các shop quần áo ở đây có nhiều mẫu mã đẹp, giá cả cũng không đắt như Sài Gòn. 

Nếu bạn thích vải hay thời trang lụa, hãy đến phố Hàng Gai và những con đường lân cận. Các quầy hàng túi xách, đồ lưu niệm thì các du khách cứ vào rồi… mãi chưa thấy ra! Ghé qua phố Hàng Hòm (chứ không qua phố Hàng Bạc) để mua… đồ bạc, những chiếc vòng bạc độ gần trăm ngàn với thiết kế độc đáo và đa dạng. 

Nếu bạn yêu thích huyền thoại Che Guevara thì ghé qua đầu phố Hàng Vôi. Tại đây có hẳn một shop mang tên anh hùng Che Guevara với nhiều đồ kỷ niệm có in hình Che (những chiếc áo thun mang phong cách rất Rock).

Và nếu bạn là người thích sách, hãy dạo qua phố Đinh Lễ (cũng là khu phố đổi tiền) để thấy người Hà Nội háo hức với sách thế nào (bạn có thể mua sách rẻ hơn giá bìa đến 30%). Còn nếu bạn thích những quán cà phê mang phong cách “Tây” thì nên đi dạo dọc phố Lý Thái Tổ… 

Một đặc trưng nữa của khu phố cổ là kiến trúc nhà cổ trong khu phố buôn bán. Những nhà cổ chủ yếu là nhà ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán thò thụt không đều. Hình ảnh nhà cổ và mái ngói đã đi vào hội họa, thơ ca. Những ngôi nhà này chủ yếu được dựng vào thế kỉ XVIII - XIX, trước đó hầu hết là nhà mái tranh, chỉ có một số nhà giàu có, nhà của Hoa kiều mới lợp mái ngói.

Thời kì toàn quốc kháng chiến, để tránh đụng độ trực tiếp với quân Pháp và lính Lê dương, người dân và Vệ quốc quân đã đục thông tường từ nhà này sang nhà khác. Khi cần người ta có thể đi từ đầu đến cuối phố qua những lỗ hổng giữa các ngôi nhà mà không cần phải xuống đường.

Từ cuối thế kỉ XX, các nhà cổ dần dần biến mất. Thay vào đó là các ngôi nhà ống xây mới phá vỡ cảnh quan vốn có của phố cổ. Tuy vậy, bên trong các ngôi nhà vẫn là hệ thống đường đi chằng chịt.Một ấn tượng khác khi bạn dạo quanh phố cổ (có thể từ sáng sớm đến khuya), bạn sẽ bắt gặp những chị bán hoa rất đặc biệt để thúng hoa lên xe đạp và dắt bộ. Hình ảnh này đẹp đến nỗi bạn sẽ muốn mua hoa ngay. 

Còn nhớ một quyển sách của người Nhật viết về Hà Nội đã lấy hình ảnh người bán hoa rong để minh họa cho ảnh bìa. Thật bất ngờ là hoa hồng Hà Nội rất rẻ (bạn tôi mua 18.000 được đến 70 bông hoa tươi) tuy nhiên hoa nhỏ hơn nhiều so với hoa chúng ta thường thấy ở Sài Gòn, Đà lạt. 

Phố cổ sẽ không có nhiều quán ăn vặt như bạn nghĩ. Tìm chỗ ăn uống thích hợp có vẻ hơi mất thời gian. Phở rất nhiều bột ngọt nên bạn đừng quên dặn người bán “đừng bỏ mì chính”. Những món ăn nổi tiếng như Phở và bún ốc, bún chả cá… không ngon bằng những món này được chính người Hà Nội nấu ở Sài Gòn. Cũng có thể đây là cảm nhận riêng, bởi có một anh chàng nói những quán ngon ở Hà Nội người ta phải xếp hàng để ăn!

Các bác xích lô tay cầm điện thoại, miệng gọi nhau đến địa điểm chở một đoàn khách Tây. Có vẻ rất “liên minh” với nhau. Họ xem ra am hiểu khá nhiều về văn hóa và lịch sử của các địa điểm, cho nên bạn có thể yên tâm dạo phố cổ ban đêm bằng xích lô.

Nói chung, cứ thong thả dạo bước trên phố cổ Hà Nội bạn sẽ hiểu vì sao nơi này thu hút nhiều du khách nước ngoài đến thế. Thậm chí có nhiều cửa hàng là do người nước ngoài kinh doanh tại đây như các shop quần áo của người Hàn Quốc, Trung Quốc…

Và bạn cũng hiểu vì sao mình bắt gặp nhiều người nước ngoài nói giọng Bắc rất sõi. Tôi nghĩ có lẽ họ yêu và gắn bó với Hà Nội bởi lẽ cuộc sống của họ gắn liền với khu phố cổ, chứ không phải là những khu đô thị mới sầm uất xung quanh…