Câu trả lời:
Vào thời điểm 24/7/1968, Tiểu đội 4 của chị Võ Thị Tần gồm 12 người. Chị Lê Thị Hồng (Đức Lạc, Đức Thọ) được cử đi Quảng Bình lấy gỗ về làm hầm, còn chị Nguyễn Thị Thanh thì bị ốm nằm ở nhà, không ra hiện trường nên ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 chỉ có 10 người ra mặt trận và đều hy sinh. Bà Nguyễn Thị Diệu Lan (TP Hà Tĩnh), cựu thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 3 đã tham gia vào cuộc tìm kiếm thi thể 10 nữ thanh niên xung phong. 1 hầm có ba người, 1 hầm có sáu người, trong đó chị Võ Thị Tần ở hầm có sáu người. Còn thi thể chị Cúc thì các lực lượng thay phiên nhau tìm, chỉ thị là phải dùng tay đào bới chứ không dùng máy xúc để tránh gây hại cho thi thể. Đến ngày thứ 3 thì tìm được thi thể chị Cúc, các anh ở Tiểu đội 8 đã dùng tay bới đất đưa thi thể chị Cúc lên[2].
Nhà thơ Yến Thanh nhớ lại: một quả bom tấn từ máy bay Mỹ lao xuống nổ trùm lên căn hầm mà cả Tiểu đội ẩn nấp, lúc ấy là 16 giờ ngày 24/7/1968. Từ đài quan sát, Đại đội trưởng Nguyễn Thế Linh chạy xuống, Tiểu đội 5, Tiểu đội 8 và các anh lái máy ủi gần đó đều chạy lại. Sau hai tiếng đồng hồ đào bới thì bới được chị Võ Thị Tần. Lần lượt bới lên 6 người ẩn nấp hầm ngoài cùng là chị Nguyễn Thị Xuân (Vĩnh Lộc), rồi đến Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Rạng và cuối cùng là Trần Thị Hường. Đào tiếp hầm thứ hai vuông góc với hầm lúc nãy thì tìm thấy Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi và Hà Thị Xanh. Cả chín người được đặt lên 9 cáng xếp một hàng ngang như khi còn sống Tiểu đội tập hợp. Riêng chị Hồ Thị Cúc - Tiểu đội phó không tìm thấy. Đêm 24/7, 9 cô được mai táng sau eo núi Bãi Dịa, nhưng phải đợi tìm được thi thể chị Cúc mới làm lễ truy điệu. Đến gần 10 giờ ngày 26/7 thì Tiểu đội 8 đã tìm được thi thể chị Cúc. Chị Cúc ngồi trong chiếc hố cá nhân chiều hôm trước do tay chị đào, đầu đội mũ, vai vác cuốc, hai tay chị bầm dập, máu đọng lại đã khô. Có lẽ sau khi bom vùi lấp, chị đã cố gắng để nhoi lên nhưng đành bất lực trước khối đất đè lên[3].
Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần: Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1963–1964, chị là Phó bí thư chi đoàn địa phương. Trước khi nhập ngũ, chị Tần có cảm tình với anh Nguyễn Đức Hồng, bạn học cùng lớp từ thuở ấu thơ. Trước lúc anh Hồng nhập ngũ, 2 người đã tổ chức lễ đính hôn. Tần trao cho anh Hồng lọn tóc thề thay lời hẹn ước. Kỷ vật ấy của Tần theo anh Hồng suốt những tháng năm chinh chiến và sau này đã được bàn giao lại cho Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Giữa năm 1968, anh Hồng bị trọng thương trong một trận chiến đấu tại đảo Cồn Cỏ, hiện còn 6 mảnh đạn trong người. Mẹ chị Tần cũng đã mất vì bị bom Mỹ đánh sập hầm sau ngày chị hy sinh không lâu. Anh Hồng sau này đã rước ảnh chị Tần về thờ trong ngôi nhà của mình [6]Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc: Chị sinh trong một gia đình nông dân nghèo, được 7 tháng tuổi thì cha và bà nội chết trong nạn đói năm 1945, 4 tuổi thì mẹ tái giá. Cúc sống với ông nội, ông qua đời rồi ở với cô chú. 18 tuổi, chị Cúc lấy anh Cứ, người Sơn Tây trong huyện. Chồng chị cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại bị bệnh tâm thần. Nhà của đôi vợ chồng là một cái lều tranh nép bên chân đồi, chồng chị Cúc những lúc lên cơn tâm thần là đập phá và đánh chị. Rồi anh Cứ trong một lần đi chở vôi cho hợp tác xã về đến Hói Động bị lật thuyền và tử nạn. Chị Cúc lại về ở với cô chú. Tháng 7 năm 1965, chị Cúc tình nguyện lên đường gia nhập thanh niên ba sẵn sàng. Chị và chị Võ Thị Tần cùng ở chung đơn vị suốt 3 năm, cùng được kết nạp vào Đảng vào ngày 3/2/1967. Lúc hy sinh, chị Cúc nấp vào hố cá nhân nên người ta chỉ tìm được 9 cô gái trong hầm, phải ba ngày sau mới tìm được thi hài chị ở cách chỗ 9 cô gái kia hy sinh vài chục mét[7][8].Võ Thị Hợi: Chị sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở xã Thiên Lộc – Can Lộc, Hà Tĩnh, là con thứ 5 trong gia đình. Năm 1965, học xong lớp 7, Hợi xung phong đi "Ba sẵn sàng". Thi thoảng Hợi mới có dịp về thăm nhà, chị kể: "Bom đạn dội xuống ghê gớm lắm mẹ ạ! Tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm xé suốt đêm ngày, đất đá bụi tung mù mịt. Nhưng tất cả bọn con đều không sợ. Cứ đợi dứt đợt bom là chúng con ra đường ngay, để xe khỏi bị tắc trên đường vào Nam mẹ ạ!"[9]Nguyễn Thị Xuân: Chị nhập ngũ năm năm 1967. Tại mặt trận, chị quen anh Vĩnh, tiểu đội phó Đơn vị bộ đội công binh phá bom. Anh Vĩnh là một đảng viên, một tiểu đội phó dũng cảm và kiên quyết, chị Xuân càng quý và tin anh, 2 người viết cho nhau nhiều lá thư giữa các trận đánh. Chị Xuân tâm sự với bạn bè: "Nhiều đêm nằm em thấy anh Vĩnh về thăm. Bẵng đi một thời gian không có thư anh về, em đã lo. Em nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng em vẫn đợi...". Sau này Xuân mới biết anh Vĩnh nhiều lần bị thương. Mối tình giữa 2 người vừa chớm nở thì chị Xuân hy sinh[10].Dương Thị Xuân: Chị sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Tân - Đức Thọ, trong một gia đình đông con. Trước khi đi thanh niên xung phong, chị Xuân có quen anh Tân người cùng xã. Cũng như mối tình chị Tần – anh Hồng, Xuân và anh Tân đã không thực hiện được lời hẹn ước vì đất nước có giặc, chuyện riêng tư đành gác lại. Xuân mến anh Tân nhưng chưa muốn vấn vương chuyện gia đình, cô hẹn anh khi nào thống nhất đất nước thì sẽ liệu. Anh Tân nghĩ vậy là đúng. Trước khi Xuân lên đường, anh trao cho Xuân một quyển điều lệ Đảng mà anh vẫn dùng và lấy sợi ni lông xanh, đỏ buộc vào cổ tay Xuân rồi nói: "Màu đỏ là của anh, màu xanh lam này là của em. Khi nào nhớ đến anh, em hãy nhìn chiếc vòng này"[11].Trần Thị Rạng: Chị sinh ra tại xóm chài Thọ Thủy - Đức Vĩnh – Đức Thọ, thời thơ ấu theo cha mẹ làm nghề chèo lái trên sông La. Ngày ngày 3 tháng 11 năm 1967, chị vào Thanh niên xung phong. Ngoài giờ ra trận địa, Rạng cùng chị em làm toán, làm văn, tập hát, lúc nghỉ giải lao lại trêu đùa đại đội trưởng và mấy anh lái xe ủi. Chị hy sinh khi 18 tuổi[12]Hà Thị Xanh: Chị Xanh đậm người, khoẻ mạnh, làm việc gì cũng xốc vác, hay nhận việc khó về mình. Một lần được nghỉ phép, chị Xanh đã rủ chị Hà về nhà mình chơi. Chị Hà nói với mẹ chị Xanh: "Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước chúng con thực hiện phong trào "ba khoan", nghĩa là khoan lấy chồng"[13].Nguyễn Thị Nhỏ: Bố mẹ chị mất sớm, nhà chỉ có 2 chị em gái: chị Miên và Nhỏ. Chị Miên thay bố mẹ nuôi chị Nhỏ từ bé. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày một ác liệt, chị Nhỏ xin vào Thanh niên xung phong. Chị hy sinh năm 24 tuổi, khi chưa lập gia đình.Võ Thị Hà: Chị sinh ra ở thị trấn Đức Thọ, là con thứ ba trong gia đình có năm con. 17 tuổi, chị lên đường vào TNXP. Có hôm Hà về thăm nhà, ăn vội ăn vàng để đi kẻo chậm. Lúc nào về Hà cũng mang theo một vài quyển truyện để đọc và nói "Không có sách, ngoài giờ ra trận địa con buồn lắm mẹ ạ". Hà ít tuổi nhất tiểu đội nên bao gìơ cũng được chị Tần, chị Cúc, chị Nhỏ coi như em út, không cho làm việc nặng. Sau đó mẹ Hà gửi mấy con gà con đến Đồng Lộc để chị em nuôi, rồi có lần Hà đem về nhà một con gà mái. Một hôm tự nhiên con gà mái vỗ cánh gáy như gà trống, mẹ của Hà bảo "thế nào chị Hà cũng có chuyện rồi". 2 ngày sau thì nghe tin chị Hà hy sinh[14].Trần Thị Hường: Chị Hường là con của một liệt sĩ chống Pháp. Cha chị hy sinh năm 1953 ở mặt trận, khi Hường mới 4 tuổi. Hai năm sau, mẹ đi lấy chồng khác, Hường ở với bà ngoại và cậu mợ tại xóm Đông Quế, thị xã Hà Tĩnh. Chị có giọng hát hay, được mệnh danh là "chim sơn ca" của tiểu đội và của cả Đại đội 522[15].Ngày 23/7/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ khởi công phụng tượng 10 nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc",[16] ngày 19/8/2010 đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành cụm tượng đài.[17] Công trình phụng tượng 10 nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc là công trình có giá trị lịch sử, tâm linh sâu sắc, được xây dựng bằng sự tự nguyện đóng góp của các viên chức ngành giáo dục, học sinh, sinh viên trong cả nước.