Củng cố, mở rộng trang 151

Câu 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 151)

Hướng dẫn giải
 

Sống hay không sống – đó là vấn đề

Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

 

 

Tình huống

Hăm-lét được báo mộng về cái chết của cha, chàng quyết định giả điên để tìm ra sự thật và báo thù cho cha.

Vua Lê Tương Dực lệnh Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài gây nên sự oán hận trong lòng dân.

Nhân vật

Hăm-lét, Clo-đi-út, Ô-phê-li-a, Pô-lô-ni-út,…

Vũ Như Tô, Đan Thiềm, Nguyễn Hoàng,…

Xung đột

Xung đột về mặt nội tâm của nhân vật Hăm-lét, đó là sự mâu thuẫn giữa việc đấu tranh để bảo vệ chính mình trước hiện thực xấu xa hay cứ sống chịu đựng, sống với lý tưởng nhân văn.

Nhân dân, những người thợ xây đài >< tầng lớp vua chúa phong kiến, Vũ Như Tô >< những người thợ phu phen bị bắt bớ, phu dịch để xây Cửu Trùng Đài.

Thông điệp

Hãy giữ bản thân luôn tỉnh táo, sáng suốt để đưa ra những quyết định đúng đắn. Dù trước hoàn cảnh nào đi chăng nữa, dù bị vùi dập, dẫm đạp; con người vẫn phải giữ lấy lý trí và niềm tin của mình.

Thông điệp mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật cao siêu và lợi ích của nhân dân.

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Câu 2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 151)

Hướng dẫn giải

Vở bi kịch: Hồn Trương Ba da hàng thịt – Lưu Quang Vũ.

- Tình huống: Trương Ba là một người đôn hậu, chất phác nhưng khi chết Hồn Trương Ba lại phải trú ngụ trong xác anh hàng thịt, tạo nên cuộc đấu tranh gay gắt giữa phần hồn Trương Ba cao quý với những ham muốn bản năng của phần xác hàng thịt.

- Bi kịch:

+ Bi kịch tha hoá của nhân vật Trương Ba trong đoạn trích bắt đầu bằng lớp thứ nhất của cảnh 7, đó là màn đối thoại giữa Hồn Trương ba và Xác hàng thịt.

+ Bi kịch Hồn Trương Ba được đẩy lên tới đỉnh điểm, cao trào ở màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với những người thân. Đó là bi kịch bị từ chối.

+ Bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba được kết thúc trong màn đối thoại với Đế Thích- Bi kịch “bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”.

- Xung đột: Xung đột giữa hồn Trương Ba và xác ông hàng thịt.

- Thông điệp:

+ Được sống làm người là rất quý giá song được sống đúng là mình, sống trọn vẹn giá trị mà mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hoà giữa thể xác và tâm hồn.

+ Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Câu 3 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 151)

Hướng dẫn giải

- Nhân vật lịch sử: Vũ Như Tô, Lê Tương Dực, Trịnh Duy Sản, Trần Cảo…

- Sự kiện lịch sử dưới thời phong kiến khoảng 1516 – 1517: Tháng 4 năm 1516, quân khởi nghĩa Trần Cảo nhân khi kinh thành rối loạn bèn tiến đánh Thăng Long. Cùng lúc đó, Nguyễn Hoằng Dụ đóng quân ở Bồ Đề, được tin Duy Sản giết vua, liền đem quân qua sông, đốt hết phố xá trong kinh thành. Hoằng Dụ còn cho bắt chém Vũ Như Tô rồi mang quân rút khỏi Thăng Long. Đài cũng bị đốt thành tro sau lần đó.

- Yếu tố lịch sử đã được Nguyễn Huy Tưởng đưa vào vở kịch một cách khéo léo, mặc dù viết về lịch sử, những vấn đề mà Nguyễn Huy Tưởng đặt ra trong các sáng tác của mình vẫn luôn luôn mới và làm thao thức người đương thời. Lấy đề tài lịch sử nhưng không nhằm mục đích làm sử mà qua đó, nhà văn xây dựng được bi kịch của một người nghệ sĩ giữa khát vọng và hiện thực xã hội.

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)

Câu 4 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 151)

Hướng dẫn giải

* Nghệ thuật thời Phục hưng

Phục Hưng là một phong trào văn hóa bao gồm giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Những thành tựu của phong trào văn hóa Phục Hưng đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nền văn minh nhân loại. Thành tựu của phong trào văn hóa phục hưng Là một phong trào văn hóa, Phục Hưng bao hàm sự nở rộ các nền văn học tiếng Latinh cũng như các tiếng dân tộc, bắt đầu từ sự phục hồi việc nghiên cứu các tư liệu cổ điển, sự phát triển của phép phối cảnh tuyến tính và các kỹ thuật nhằm biểu diễn hiện thực tự nhiên hơn trong mỹ thuật, và một cuộc cải cách giáo dục tiệm tiến nhưng phổ cập.

- Về hội họa và điêu khắc: điểm độc lạ của mỹ thuật thời Phục Hưng là tính hiện thực cao, những tác giả biểu lộ đậm chất ngầu và nội tâm khác hẳn thời kỳ trước . Đặc điểm chung của nghệ thuật hội họa thời kì này là tùy đề tài vẫn khai thác trong kinh thánh hoặc thần thoại, nhưng nội dung thì hoàn toàn hiện thực. Nhà danh họa khổng lồ người Ý của thời kỳ này là Lêôna đơ Vanhxi với các tác phẩm như Nàng Giôcôngđơ, Bữa tiệc cuối cùng, Đức mẹ đồng trinh trong hang đá. Từ thế kỷ XV, ông đã có ý tưởng thay mái chèo của thuyền bằng cánh quạt đẩy nước, vẽ ra nguyên tắc hoạt động của máy bay, dù thoát hiểm,… Bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng”, dựa vào câu chuyện trong bữa tiệc chia tay nhau, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ của mình rằng: “Trong các ngươi sẽ có một kẻ phản bội ta”. Bức tranh đã thể hiện được nội tâm của các nhân vật dự tiệc khi nghe câu nói đó: người thì ngạc nhiên, người thì tức giận, người thì buồn bã, người thì biểu thị sự ngay thẳng trung thực của mình... Đây là một bức tranh rất hoàn hảo về mô tả nhân vật, bố cục và màu sắc. Raphaen (1483-1520) cũng là một họa sĩ thiên tài của Ý. Tuy ông chết tương đối sớm (37 tuổi) nhưng ông đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như Cô gái làm vườn xinh đẹp, các bức tranh vẽ về thánh mẫu... Ông là một họa sĩ có sở trường về vẽ chân dung, đặc biệt là thể hiện được một cách sống động vẻ đẹp tươi tắn của các cô gái, vẻ hiền hậu dịu dàng của người mẹ và nét ngây thơ đáng yêu của các em bé.

- Về phương diện kỹ thuật, các thành tựu của phong trào văn hóa Phục Hưng lịch sử 10 có thể kể đến như:

+ Phát minh in ấn, chế tạo ra giấy => bình dân hóa việc học, thúc đẩy văn hóa phát triển.

+ Xây dựng thành công lò gang nấu quặng, không chỉ nấu được gang mà luyện được thép.

+ Cải tiến bánh xe nước cùng nhiều phát minh mới thúc đẩy ngành công nghiệp.

+ Ngành giải phẫu có nhiều bước tiến mới đã đánh một đòn mạnh mẽ vào chủ nghĩa duy tâm.

Về khoa học tự nhiên, thành tựu của phong trào văn hóa Phục Hưng đem lại nhiều bước tiến vượt bậc với sự góp phần của nhiều nhà khoa học: Nhiều nhà khoa học đã dũng cảm chống lại những quan điểm sai lầm bảo thủ, góp phần thay đổi cách nhìn của con người thời bấy giờ về Trái Đất và vũ trụ như Cô-péc-ních, Bru-nô, Ga-li-lê.

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (2)

Câu 5 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 151)

Hướng dẫn giải

- Đề tài: Trình bày nghiên cứu về kinh thành Thăng Long.

- Dàn ý:

Mở đầu:

+ Dẫn vào vấn đề

+ Giới thiệu về đề tài nghiên cứu

Nội dung:

+ Sự kiện lịch sử ý nghĩa gắn với hoàng thành Thăng Long

+ Vị trí của hoàng thành Thăng Long

+ Kiến trúc tử cung và cung điện của hoàng thành

+ Sự kiện văn hóa tiêu biểu tại đây

Kết luận: Khẳng định giá trị văn hóa to lớn đối với dân tộc của kinh thành Thăng Long.

- Bản trình bày:

Kiến trúc kinh thành, cố đô phong kiến ở Việt Nam luôn mang theo cái gì đó rất chung và rất riêng với văn hóa kiến trúc của Trung Hoa và nó luôn thể hiện nét đẹp truyền thống, văn hóa lịch sử lâu đời của người Việt. Bên cạnh quần thể kiến trúc Cố đô Huế từ xưa, người Việt vẫn luôn tự hào với kiến trúc thành Thăng Long – tòa thành đã trải qua biết bao năm tháng của lịch sử.

Như chúng ta đã biết, kinh thành Thăng Long luôn được gắn với một sự kiện lịch sử nổi tiếng đó là vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư đến Đại La và cho xây dựng kinh thành Thăng Long. Cùng với đó là hàng loạt các cung điện, lăng tẩm được xây dựng, nổi bật là công trình Điện Kính Thiên cao tới 2 tầng rộng hơn 2300 mét vuông. Thời Hậu Lê, thành Thăng Long vẫn được coi là kinh đô, trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước.

Về vị trí, kinh thành Thăng Long tọa lạc ở phía Bắc Việt Nam và được giảm dần về diện tích qua các triều đại. Ở thời Hậu Lê, hầu như không xây dựng thêm các chùa tháp mà chủ yếu là trùng tu. Thay vào đó, hàng loạt phủ đệ mới của giới quý tộc, quan lại trung ương được xây dựng, tạo ra hình ảnh một kinh thành Thăng Long đầy quyền uy, thâm nghiêm.

Về kiến trúc, trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng, nhưng đến nay vẫn còn thấy được cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật,… tạo thành hệ thống các di tích được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta. Hiện tại, trong khu vực trung tâm Thành cổ Thăng Long - Hà Nội còn lại 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc – Nam, còn gọi là “Trục chính tâm”, “Trục ngự đạo”, gồm có: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67, các công trình kiến trúc Pháp…

Kinh thành Thăng Long từ thời Lý được xây dựng theo cấu trúc ba vòng thành, gọi là “tam trùng thành quách”: vòng thành ngoài là La thành hay Đại La thành, vòng thành giữa là Hoàng thành (thời Lý - Trần - Lê gọi là Thăng Long thành, thời Lê còn gọi là Hoàng thành) và vòng thành trong cùng gọi là Cấm thành (hay Cung thành). Cấm thành từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 hầu như không thay đổi và còn bảo tồn cho đến nay hai vật chuẩn rất quan trọng: Thứ nhất là nền điện Kính Thiên xây dựng thời Lê sơ (1428) trên nền điện Càn Nguyên (sau đổi tên là điện Thiên An) thời Lý, Trần. Đó vốn là vị trí của núi Nùng (Long Đỗ - Rốn Rồng), được coi là tâm điểm của Cấm thành và Hoàng thành, nơi chung đúc khí thiêng của non sông đất nước theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, mà di tích hiện còn là nền điện với bậc thềm và lan can đá chạm rồng thế kỷ 15. Thứ hai là cửa Đoan Môn, cửa Nam của Cấm thành thời Lý - Trần - Lê. Trên vị trí này hiện nay vẫn còn di tích cửa Đoan Môn thời Lê.

Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), trong sách Đại Việt địa dư chí toàn biên có đoạn mô tả khá rõ ràng về Hoàng thành Thăng Long thời Lê: “Ở giữa là Cung thành, trong cửa Cung thành là Đoan Môn. Trong Đoan Môn là điện Thị Triều, trong điện Thị Triều là điện Kính Thiên. Bên hữu Kính Thiên là điện Chí Kính, bên tả là điện Vạn Thọ. Bên hữu Đoan Môn là Tây Trường An, bên tả là Đông Trường An, ở giữa có Ngọc Giản. Trong Hoàng thành và ngoài Cung thành ở phía Đông là Thái Miếu, sau là Đông Cung”.

Để giúp thế hệ sau và bạn bè quốc tế hiểu thêm về lịch sử Việt Nam cùng Hoàng thành Thăng Long, đêm tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đã được tổ chức thành công. Đây không chỉ là một sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch mà nó còn là cách để thế hệ sau tôn vinh, tự hào về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thuộc địa… Kinh thành Thăng Long vẫn nằm đó như một minh chứng trường tồn của lịch sử, về một thời huy hoàng đã qua đi của dân tộc. Chúng ta – thế hệ con cháu phải biết bảo tồn, gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của Hoàng thành đến thế hệ tương lai và bạn bè quốc tế.

Dưới đây là một số nguồn tham khảo để em có thể hoàn thiện bản báo cáo của mình:

1. TTXVN (2010), Thăng Long thời Lê, thời Mạc-Lê, Trung Hưng (1428-1788), Ban Tuyên giáo Trung ương.

2. Sở Du lịch Hà Nội (2020), Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Cổng thông tin điện tử Quận Ba Đình – Thành phố Hà Nội.

3. Quang Dương (2018), Hoàng thành Thăng Long – Dấu ấn văn hóa, kiến trúc độc đáo, Báo Xây dựng.

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (1)