Tỏ lòng

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác
0
5 coin

BÀI VĂN PHÂN TÍCH BÀI THƠ "TỎ LÒNG" CỦA PHẠM NGŨ LÃO (By me)

Mỗi người đều có những nỗi niềm cảm xúc riêng tư cùng các cách thể hiện cũng rất riêng. Người thì thẳng thắn nói thành lời, người thì nghẹn ngào trong từng cử chỉ... Bằng cách đặc biệt khác, Phạm Ngũ Lão - một người văn võ song toàn có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đã xuất khẩu thành thơ để nói lên nỗi lòng  trai của mình. Thế là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt "Tỏ lòng" ra đời. Cho ta cảm nhận được vẻ đẹp của người anh hùng mang hào khí Đông A: mạnh mẽ, có lý tưởng cùng nhân cách cao đẹp!
"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu."
Bài thơ là tiếng lòng của Phạm Ngũ Lão nên giọng thơ đầy cảm xúc, và càng dâng trào về sau. Âm điệu hào hùng, khỏe khoắn gây ấn tượng mạnh cho lần đọc đầu tiên của độc giả. Đó là sản phẩm của một hồn thơ trong trẻo, trẻ trung!
Mở đầu bài thơ là vẻ đẹp hào hùng của con người thời Trần:
"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu."
Tư thế "hoành sóc" - cầm ngang ngọn giáo, thể hiện sự hiên ngang trước cái khắc nghiệt của chiến tranh, quân dân thời Trần luôn sẵn sàng chiến đấu trong tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Thời gian trôi đi đã mấy mùa "kháp kỉ thu", nhưng tinh thần ấy không những không vơi đi mà còn càng sục sôi hơn nữa. Như vũ trụ bao la, như núi sông vĩnh cửu, không gì sánh bằng. Tầm vóc con người nhà Trần lớn lao, kỳ vĩ là thế. Cho nên "tam quân tì hổ khí thôn ngưu" không phải là hoàn toàn phóng đại. "Tam quân" gồm có tiền quân, trung quân và hậu quân - lực lượng quân đội hùng mạnh. Không chỉ là nhắc đến quân đội nhà Trần, mà tác giả còn có ngụ ý chỉ sức mạnh của dân tộc. Dân tộc ta tuy nhỏ bé nhưng vô cùng đoàn kết. Chính đoàn kết ấy đã tạo nên sức mạnh át cả sao Ngưu trên trời, cuốn trôi đi tất cả lũ bán nước và cướp nước. Bằng việc sử dụng biện pháp ẩn dụ vật hóa kết hợp so sánh, phóng đại và hình ảnh thơ hoành tráng, Phạm Ngũ Lão đã chỉ rõ hào khí Đông A, là sức mạnh tinh thần và vật chất vững bền!
Sau niềm tự hào về sức mạnh ấy là nỗi lòng của tác giả:
"Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu."
Qua đó ông khẳng định rằng, đã là trai thì phải là đấng nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất. Phải có chí hướng rõ ràng, lập công danh sự nghiệp cho đất nước. Đấy là chí nam nhi, mang tư tưởng tích cực cổ vũ con người từ bỏ lối sống ích kỷ mà hãy sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Rồi đến tâm tình của Phạm Ngũ Lão: hổ thẹn trước tấm gương tài đức của Vũ hầu. Bởi vì ông cũng là một đấng nam nhi nên cũng thẹn thùng trước một nam nhi khác mà người ta có nhiều công lao lớn cho đất nước. Ông cũng giỏi giang đấy thôi, nhưng chí nam nhi chưa bao giờ là đủ. Phạm Ngũ Lão coi đó là động lực để tiến xa hơn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nỗi "thẹn" ở đây không làm con người ta trở nên thấp bé, mà trái lại là nâng cao nhân cách con người, thể hiện lẽ sống đúng đắn và cần có ở mỗi người. Với ngôn ngữ cô đọng cùng sự dồn nén cao độ về cảm xúc, hai câu thơ cuối đã thể hiện rõ nét sự khiêm tốn và cốt cách cao đẹp của Phạm Ngũ Lão!
"Tỏ lòng" đã rất thành công khi tỏ hết nỗi lòng của Phạm Ngũ Lão chỉ qua bốn dòng thơ ngắn gọn. Tuy ngắn nhưng mỗi từ ngữ đều như chất chứa tâm tình của tác giả. Có lẽ vì thế mà bài thơ có giai điệu hùng hồn mà sâu lắng. Tác giả vô cùng tinh tế và khéo léo khi kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật cùng một lúc mà vẫn giữ được tính hiện thực của bài thơ, đồng thời khắc họa được vẻ đẹp của con người thời Trần: cường tráng về ngoại hình và đẹp đẽ về nhân cách!
Lấy chất liệu từ thời đại cuộc sống, tác giả đã gửi gắm hết nỗi niềm của mình qua bài thơ "Tỏ lòng". Qua đó nhắc nhở nam nhi sống vì lí tưởng cao đẹp, sống để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Bài thơ còn là lời khẳng định cho tài năng trong sự nghiệp văn chương của Phạm Ngũ Lão: không chỉ là danh tướng nhà Trần được trọng dụng, mà ông còn là một nhà thơ tài đức!

 

Khách